Từ cổ chí kim, có vô số những câu chuyện cảm động về người phụ nữ một mực yêu thương chồng, lo toan chu đáo cho cuộc sống gia đình. Họ vừa là vợ, vừa là tri kỉ, là người đem lại tình yêu, sức sống. Nếu không có tình yêu của người phụ nữ thì gia đình chỉ là “nhà”, chứ không phải là “tổ ấm”.
Chuyện xưa kể rằng, nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng Bân vẫn được cha mẹ yêu chiều.
Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình.
Chồng nàng Bân, cũng là một người trên giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn.
Những nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, xe được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay. Nhiều người trên trời đã chế giễu nàng:
“Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng ròng mới trọn cổ tay”.
Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm. Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo. Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân.
Thời Đường cũng có một nàng Bân như thế. Trần Ngọc Lan, nữ thi sĩ đời Đường có chồng là thi nhân Vương Giá, tiến sĩ năm thứ nhất Đại Thuận đời Đường. Vương Giá làm quan đến Lễ bộ viên ngoại lang, ông tự hiệu là Thủ Tố tiên sinh, cũng có nhiều bài thơ nổi tiếng, được lưu truyền rộng rãi như “Xã nhật” và “Vũ tình”.
Trong thời gian Vương Giá đồn trú đóng quân nơi biên ải, thu đến gió lạnh, Trần Ngọc Lan thương chồng, có gửi cho ông bức thư, băn khoăn không biết áo rét đã gửi cho chồng đã đến kịp khi trời trở lạnh chưa. Bức thư chỉ là 4 câu thơ, có tên Ký phu (gửi cho chồng).
Ký phu:
Phu thú biên quan, thiếp tại Ngô,
Tây phong xuy thiếp, thiếp ưu phu.
Nhất hàng thư tín, thiên hàng lệ:
Hàn đáo quân biên, y đáo vô?
Dịch nghĩa:
Gửi cho chồng
Chồng đi thú ở nơi biên ải, thiếp ở đất Ngô
Gió tây (gió mùa thu) thổi thiếp, thiếp lo cho chồng
Mỗi một dòng thư là nghìn dòng nước mắt
Rét đến bên chàng, áo có đến không?
Dịch thơ:
Chồng ngoài biên ải thiếp ở Ngô,
Gió thu thổi thiếp, thiếp lo chồng.
Thư một dòng, lệ ngàn dòng,
Bên chàng lạnh đến áo cùng đến không?
Thời xưa, phụ nữ gia đình khá giả, con em gia đình quan lại, sĩ phu đã được tiếp thu nền giáo dục rất cao, họ được học tứ thư ngũ kinh, học sử sách, ngoài ra còn được dạy về nữ công gia chánh, nuôi dạy con cái.
Thời Đường đã xuất hiện rất nhiều nữ thi nhân và các tài nữ, Trần Ngọc Lan là một phụ nữ như vậy. Thế nên với chồng, vừa là tri kỉ vừa là bạn thơ. Chồng theo quân đồn trú nơi biên ải xa xôi, cánh hồng vắng bóng, nàng ở nhà một lòng thờ chồng, nỗi nhớ nhung của hai người, vừa là vợ chồng cũng vừa là tri kỉ:
Khi chàng mong đợi ngày về,
Ấy là khi thiếp tái tê cõi lòng.
Thấy hoa rơi, nước chảy, hai phương trời cách biệt là hai mối sầu biệt ly:
Hoa tự rụng nước chảy mau,
Tương tư một mối gieo sầu đôi nơi.
Xuân qua, hạ hết lại đến thu, gió heo may se lạnh, bất giác thấy cái lạnh của trời đất và cái lạnh tê tái trong lòng, cái lạnh của thân đơn gối chiếc, cùng nỗi niềm quan tâm lo lắng đến người chồng phương xa, trời đất trở lạnh cũng đang nhớ về quê nhà:
Chồng ngoài biên ải thiếp ở Ngô,
Gió thu thổi thiếp, thiếp lo chồng.
Tấm lòng cùng mối quan tâm ân cần của người vợ đối với chồng, nàng gửi chồng áo ấm, cùng bức thư. Nhưng bao tình cảm nhớ thương, lo lắng, bao tâm tư tình cảm trào dâng trong lòng, nỗi niềm cứ trào tuôn, trăm mối chân tình, không biết diễn tả thế nào, trang giấy trắng này sao viết hết, thế là lã chã lệ tuôn rơi, rơi, rơi mãi khôn nguôi:
Thư một dòng, lệ ngàn dòng,
Bên chàng lạnh đến áo cùng đến không?
Tục ngữ có câu: Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân. Cứ mỗi độ tháng hai tháng ba, trời xuân ấm áp bỗng trở lạnh, lại có biết bao nàng Bân đang thương nhớ chồng. Thời đại khác nhau thì cách thức biểu lộ tình cảm nhớ thương lo lắng cho chồng có khác nhau, nhưng phẩm đức của người phụ nữ Á Đông truyền thống một lòng thờ chồng thì vẫn còn hiển hiện khắp nơi, vẫn luôn được người người ngưỡng mộ và ca ngợi.
Triêu Lộ