Người sống ở đời thường sẽ phải lựa chọn giữa được và mất, cân bằng giữa điều lợi và điều hại. Chọn điều lợi tránh điều hại điều ấy dường như đã là bản tính của mỗi người, nhưng đối đãi giữa thiệt hơn từ góc độ lâu dài thì đó lại là một chuyện khác.

Làm thế nào để đối đãi với vấn đề chuyển hóa giữa cái lợi và cái hại từ góc độ lâu dài, và nhìn thấu bản chất của nó. Trong quyển “Hoài Nam Tử – Nhân Gian Huấn” có nói rằng: Người bình thường đều chỉ biết cái lợi chính là lợi, cái hại chính là hại, riêng chỉ có bậc Thánh nhân mới hiểu được cái hại có thể chuyển hóa thành lợi, cái lợi có thể chuyển hóa thành tệ hại.

Cây mà trổ quả chín hai lần, cội rễ của nó ắt bị tổn thương, đây chính là ham hố cái lợi lớn trái lại tạo thành nguy hại lớn. Trương Vũ xúi giục Trí Bá đoạt lấy đất đai của hai nước Hàn, Ngụy, kết quả trái lại khiến Trí Bá bị bắt ở thành Tấn Dương. Thân Thúc Thời khuyên Sở Trang Vương phong lập cho đời sau của nước Trần, kết quả khiến Sở Trang Vương xưng bá thiên hạ.

Khổng Tử đọc “Kinh Dịch”, khi đọc đến quẻ “Tổn” và quẻ “Ích” thì không khỏi ngậm ngùi mà thở dài rằng: “Hiểu được mối quan hệ giữa lợi ích và tổn hại nên là việc của quân vương hành theo vương đạo?”. Có những sự việc nhiều khi muốn mang lại lợi ích cho người khác thế nhưng vừa khéo lại đủ làm hại người ta. Có những lúc muốn hại người khác nhưng vừa khéo lại có lợi cho họ. Cái lợi và hại chuyển hóa, căn nguyên giữa họa và phúc thật sự rất khó nắm bắt được!

Hại người, người lại được lợi

Dương Hổ làm loạn nước Lỗ, vua nước Lỗ ra lệnh cho thủ hạ đóng cửa thành lại lùng bắt Dương Hổ, tuyên bố phàm những ai bắt được Dương Hổ sẽ có trọng thưởng, còn những ai cố tình thả Dương Hổ sẽ bị phạt nặng. Những người lùng bắt bao vây Dương Hổ tầng tầng lớp lớp, Dương Hổ đành phải giơ kiếm lên chuẩn bị tự vẫn. Lúc này có một người canh giữ cổng thành ngăn ông lại, khuyên rằng: “Thiên hạ rộng lớn như vậy có thể đào sinh, sao lại phải tự sát? Tôi sẽ thả ông ra khỏi thành”. Thế là Dương Hổ đột phá vòng vây, trong tình huống truy binh bám sát phía sau không buông, Dương Hổ múa kiếm vung thương liều chết xông ra. Người giữ cổng đó nhân lúc hỗn loạn đã thả Dương Hổ ra khỏi thành.

Sau khi Dương Hổ ra khỏi thành lại quay trở lại, bắt lấy người giữ cổng đó giơ thương lên đâm ông một nhát, cây thương đâm xuyên áo đâm trúng phần nách của ông.

Lúc này, người giữ cổng oán hận nói rằng: “Ta vốn không phải họ hàng bạn bè gì với ông, vì để cứu ông mà ta bất chấp mạo hiểm sống chết, nhưng ông lại quay lại đâm ta bị thương. Gặp phải kiếp nạn này thật đáng đời ta lắm”.

Vua nước Lỗ nghe tin Dương Hổ đã thoát ra khỏi thành thì rất lấy làm tức giận, liền truy xét Dương Hổ trốn ra từ cổng thành nào, rồi cử quan viên bắt giữ những người giữ cổng thành thấy có dấu hiệu đáng nghi. Vua nước Lỗ cho rằng phàm là người trấn giữ cổng thành mà bị thương thì chính là người đã ra sức ngăn cản Dương Hổ, nên phải được trọng thưởng; còn những ai không bị thương thì rất có thể đã cố tình thả Dương Hổ đi cần phải bị phạt nặng. Tất nhiên trong số những người giữ cổng bị thương được nhận thưởng cũng bao gồm cả người giữ cổng đã thả Dương Hổ đi, đây thật là nói cố tình hại ông nhưng trái lại giúp ông được lợi.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Thế thì cái gì là muốn có lợi cho người khác nhưng trái lại lại làm hại người ta đây?

Sở Cung Vương và quân đội nước Tấn hội chiến ở Yên Lăng. Trong lúc đánh nhau kịch liệt chẳng may Sở Cung Vương bị thương khiến cuộc chiến phải dừng lại. Tư Mã Tử Phản trong quân Sở khát khô cả họng đi tìm thức uống. Lúc này một người tuỳ tùng là Dương Cốc bưng hũ rượu đến dâng cho Tử Phản. Tử Phản rất thích uống rượu, đang lúc khát mà có rượu vui mừng khôn xiết. Tử Phản đón lấy bình rượu rồi cứ thế uống không ngừng. Được một lúc đã uống đến say bí tỉ, nằm ngủ trong lều trại. Cung Vương dự tính khai chiến với quân Tấn lần nữa, bèn cử người đi gọi Tử Phản, Tử Phản nói dối là bệnh đau tim phát tác không nhận chiếu lệnh được. Sở Cung Vương nghe vậy bèn đích thân đến hỏi thăm, vừa bước vào trong lều thì ngửi thấy nồng nặc mùi rượu.

Sở Cung Vương giận dữ nói: “Trận ác chiến ngày hôm nay, vì để giành chiến thắng mà ta đã phải đích thân ra trận để rồi bị trọng thương như vậy. Hiện giờ chỉ còn biết trông cậy vào Tư Mã Tử Phản lấy lại uy phong, nhưng hắn lại thành ra bộ dạng như thế này. Lòng hắn quả thật không có quốc gia xã tắc nữa, lại không chăm lo cho binh sĩ quân ta. Ta không thể đánh tiếp với quân Tấn được nữa rồi”. Bèn hạ lệnh lui binh, rồi lấy tội danh làm lỡ chiến sự hành quyết Tử Phản trước công chúng.

Người tùy tùng dâng rượu đó vốn không phải là muốn làm hại Tử Phản, thực sự là bởi ông quý Tử Phản, muốn Tử Phản được vui, không ngờ trái lại đã làm hại Tử Phản.

Đây chính là muốn tốt cho người ta, nhưng kết quả trái lại lại làm hại người ra. Nhất định cứ muốn người nóng sốt phải tẩm bổ, người cảm nắng phải uống nước lạnh, đây là cách mà người bình thường hay áp dụng để điều trị cho bệnh nhân, nhưng lương y lại cho rằng như vậy trái lại khiến bệnh tình trở nặng hơn. Truy cầu những thứ vui tai vui mắt, đây là điều mà những kẻ ngốc lấy làm hứng thú lắm, nhưng người thông minh có “Đạo” lại tránh xa những điều này. Vậy nên người sáng suốt trước tiên đối diện với nghịch cảnh rồi sau mới suôn sẻ; còn người bình thường trước tiên vừa lòng đẹp ý rồi sau rơi vào cảnh khốn cùng.

Theo Ngô Vĩnh Kiện, Soundofhope
Vũ Dương biên dịch

Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

videoinfo__video3.dkn.tv||3e7c4ea50__