Thời xưa, làm quan tức là làm “dân chi phụ mẫu”, nên quản lý coi sóc dân cũng phải có tấm lòng yêu thương của bậc làm cha mẹ. Triều Nguyên, có Lâm Hưng Tổ và Da Luật Bá Kiên là hai vị quan thanh liêm nổi tiếng, mà tấm lòng yêu dân như con của hai ông được người đời truyền tụng.

Quan liêm khiết yêu dân, trộm cắp không bén mảng

Triều Nguyên, vùng Diên Sơn có rất nhiều người làm tiền giả. Người làm tiền giả lớn nhất là Ngô Hữu Văn. Hắn phất lên nhờ làm tiền giả, đã lo lót được 4, 5 chục chân tay vào làm quan địa phương. Hễ có ai muốn tố giác hắn, liền bị lấy các lý do khác hãm hại, đã hại chết rất nhiều người. Bách tính hơn chục năm rồi không ai còn dám tố cáo bọn ác ôn này nữa.

Sau khi Lâm Hưng Tổ đến nhậm chức, đã xử lý theo pháp luật Ngô Hữu Văn và đồng đảng hơn 200 tên, trừ đi mối họa loạn cho dân.

Sau này Lâm Hưng Tổ được điều đến huyện Vĩnh Minh. Huyện Vĩnh Minh lâu nay liên tiếp xảy ra các vụ trộm cướp, trở thành mối nguy hại cho dân. Lâm Hưng Tổ đã viết cáo thị khuyên bọn trộm cướp khuyến thiện. Bọn trộm cướp đều nói: “Lâm tổng quản là quan liêm khiết yêu dân, chúng ta không được phạm tội nữa”. Từ đó 3 năm liền không có trộm cắp bén mảng đến huyện Vĩnh Minh.

Đến mùa xuân xảy ra hạn hán, sâu bệnh ăn mầm lúa mạch. Lâm Hưng Tổ thành kính cầu khấn Trời. Trời mưa liền 3 ngày, sâu bệnh bị chết hết, lúa mạch cuối cùng cũng được thu hoạch. Trong quận huyện xuất hiện thời kỳ thịnh trị.

Dân chúng vùng Diên Sơn lầm than chỉ vì luật pháp không nghiêm dân chúng không phục mà loạn. (Ảnh: Youtube)

Thà đắc tội với thượng cấp còn hơn đắc tội với dân

Da Luật Bá Kiên người Mông Cổ triều Nguyên, vào năm Chí Nguyên thứ 9 được bổ nhiệm làm huyện doãn huyện Thanh Uyển lộ Bảo Định.

Vì châu An Túc bị khổ sở bởi thủy tai của sông Từ Thủy nên Bộ nông nghiệp dự tính cải tạo lại sông Từ Thủy, dẫn cho nó chảy về đông. Phía đông là địa phận huyện Thanh Uyển, huyện Thanh Uyển sẽ chịu tai họa của sông Từ Thủy. Da Luật Bá Kiên thuật lại lợi hại, mời quan chức Bộ nông nghiệp về địa phương khảo sát xem có khả thi không. Sau đó việc dẫn nước cho chảy về phía đông đã dừng lại.

Phía tây huyện Thanh Uyển có rất nhiều ao hồ, tưới tiêu rộng rãi cho ruộng đất của người dân. Có gia đình thế lực đã xây cái đập nước, chiếm ao hồ. Bách tính đến huyện nha khiếu nại. Da Luật Bá Kiên lệnh cho gia đình thế lực kia phải tháo dỡ đập nước, đào kênh mương dẫn nước tưới tiêu cho ruộng đồng. Đồng thời hứa với bách tính đảm bảo tưới tiêu hết đồng ruộng, những tháng còn dư (không cần tưới tiêu) thì cho phép gia đình thế lực làm đập nước. Huyện cũng báo cáo việc này lên tỉnh và bộ, sau đó được đặt cố định thành chế độ chung.

Da Luật Bá Kiên liền nói: “Thà đắc tội với thượng cấp chứ không được đắc tội với bách tính”. (Ảnh: Youtube)

Huyện Thanh Uyển nằm ở nơi trọng yếu của tuyến giao thông Nam Bắc. Theo phong tục Mông Cổ, mỗi năm ở phía tây của huyện đều có các thân vương, các quan lớn làm các nhà vòm kiểu Mông Cổ để ở, để vào kinh triều bái, hạn định 10 tháng làm xong, đến sang năm thì lại dỡ bỏ, lại dựng cái nhà vòm mới. Những viên thư lại nhân cơ hội này xâm hại bách tính, mưu đồ tư lợi.

Da Luật Bá Kiên hạ lệnh xây dựng công quán thay cho các nhà vòm, trừ tận gốc các tệ nạn. Các thuế khóa, lao dịch ở quận phủ, nếu được phân bổ cho huyện Thanh Uyển với tỷ lệ lớn, Da Luật Bá Kiên liền nói: “Thà đắc tội với thượng cấp chứ không được đắc tội với bách tính”. Ông đều đến quan phủ của thượng cấp ra sức biện hộ, đấu tranh cho bách tính.

Ông làm quan ở huyện Thanh Uyển 4 năm, bách tính thân cận, kính yêu ông như phụ mẫu. Khi ông hết nhiệm kỳ được thăng chức rời đi, bách tính vẫn còn nhớ mãi đến ông, đã lập bia ca tụng đức hạnh của ông.

Nam Phương (sưu tầm và biên dịch)

Từ Khóa: