Bao Công, huý là Bao Chửng (999-1062) còn được biết đến với tên gọi Bao Thanh Thiên, là vị quan thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, có tấm lòng quang minh chính đại tựa Trời xanh trong lịch sử Trung Quốc.

Lúc nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là người con hiếu thảo, đôn hậu, sống mực thước. Năm 1027, ông thi đậu tiến sĩ, được bổ nhiệm làm quan, nhưng vì song thân già yếu nên xin khoan nhận việc để ở nhà chăm sóc cha mẹ.

Sau khi cha mẹ qua đời, ông mới đi nhậm chức Tri huyện Thiên Trường, sau đó là Tri phủ Đoan Châu. Nghe tiếng Bao Công tận tụy và thanh liêm, nhà vua cho triệu ông về kinh giao cho các chức vị quan trọng.

Qua phim truyền hình, Bao Công được biết đến nhiều nhất trong cương vị Phủ doãn phủ Khai Phong, với hình tượng thiết diện (mặt sắt) vô tư, giữa trán ông có vết sẹo hình trăng lưỡi liềm, tượng trưng cho sự công chính, toả ánh sáng ngay cả trong những hoàn cảnh tối tăm nguy cấp, có thể xua đuổi mọi tà ma.

Thực ra, ông chỉ đảm nhiệm chức vụ này trong khoảng 1 năm. Trong lịch sử, Bao Công cũng từng bộc lộ bản chất dũng cảm chính trực của mình khi làm việc ở Ngự sử đài – cơ quan chuyên làm công việc giám sát ở triều đình, can gián nhà vua, đàn hặc các quan lại nhằm giữ gìn kỷ cương phép nước. Nơi đây, Bao Công nhiều lần dâng sớ thẳng thắn can ngăn Tống Nhân Tông, đề nghị cải cách quan chế, khoan sức dân, sử dụng nhân tài, nghiêm trị quan lại tham nhũng, chỉ rõ tội lỗi của các hoàng thân quốc thích và đại thần trong triều.

Bao Công “trực gián phạm nhan”

Trương Quý phi là người được Tống Nhân Tông sủng ái bậc nhất, vượt xa bổn phận phi tần, lấn át cả Hoàng hậu. Vì ỷ sủng sinh kiêu, bà phóng túng quyền hành, can thiệp triều chính.

Trương Quý phi tìm cách thăng tiến cho người bác của mình là Trương Nghiêu Tá, khiến Tống Nhân Tông dần phong cho ông ta những chức vụ rất quan trọng dù không có tài cán gì. Trước tình hình đó, Bao Công viết sớ tâu lên phản đối.

Tuy nhiên, chức vụ của Trương Nghiêu Tá không những không bị giáng, mà còn tiếp tục thăng tiến dưới sự chống lưng của Tống Nhân Tông. Thấy tình hình không suy chuyển, Bao Công tiếp tục tố cáo Trương Nghiêu Tá trong suốt ba ngày liền, thậm chí còn lớn tiếng gọi quốc trượng là loại “rác rưởi, quỷ quyệt”.

Không thấy động tĩnh, ông tiếp tục tố cáo. Tống Nhân Tông vì vô cùng bực tức, tiếp tục phong Trương Nghiêu Tá lên làm “Tuyên huy sứ”. Bao Công không nhượng bộ, yêu cầu mở một cuộc biện luận ngay trong cung triều, trực tiếp lý luận với Tống Nhân Tông. Khi cuộc tranh luận lên đến cao trào, Bao Công nói năng dõng dạc, từ lý quyết liệt khiến nước bọt văng cả vào mặt vua.

Tống Nhân Tông khó xử, nhẫn nại đưa vạt áo lên lau. Sau khi về cung, Trương Quý phi ở ngoài cửa cung rào đón sẵn, Tống Nhân Tông bực tức hỏi Trương quý phi và xả cơn bực tức: “Bao Chửng tranh luận, nhổ thẳng nước bọt vào mặt ta, nàng chỉ lo đến cái chức tuyên huy sứ, tuyên huy sứ, lẽ nào nàng không biết đến ngự sử Bao Chửng?”. Do đó, sự việc mới bèn thôi. Từ ấy, Tống Nhân Tông không thuận theo ý Trương Quý phi mà gia ân quá cao cho người nhà nữa.

Hình vẽ Bao Công trong sách Tam tài đồ hội (1609)

Tiếng thơm để mãi ngàn năm

“Lưỡng triều quốc sử” được biên soạn vào đời Tống, phần “Bao Chửng truyện” viết: “Chửng tính không a dua bè phái, chưa từng sửa nét mặt để làm vừa lòng người khác. Bình sinh không chút riêng tư, dù bà con thân thuộc cũng không gặp mặt. Y phục, đồ dùng, ăn uống lúc hiển quý vẫn như lúc áo vải”.

Trước khi qua đời, Bao Công đã để lại di huấn cho con cháu rằng: “Con cháu đời sau làm quan lại, ai phạm phải tham ô hối lộ, lạm dụng của công thì không được về quê cha đất tổ. Sau khi kẻ đó chết cũng không được chôn ở khu mộ dòng tộc. Nếu không làm theo tâm ý của ta, thì không phải con cháu hậu duệ của ta”. Rồi bảo con trai là Bao Củng khắc lên bia đá dựng ở bức tường phía đông căn nhà, để con cháu các đời sau noi theo.

Chỉ mấy chục chữ ngắn ngủi đã ngưng kết một thân chính khí, hai tay thanh phong của cuộc đời Bao Công.

Khi Bao Công mất, Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho ông là Lại bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu “Hiếu Túc”, nghĩa là hiếu thuận và nghiêm minh chính trực. Hoàng đế còn phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cữu ông về mai táng ở quê nhà.

Khu mật Phó sứ Ngô Khuê viết trên mộ chí Bao Công: “Triều Tống có bề tôi ngay thẳng, chính trực… danh tiếng vang rền thiên hạ, dù chốn ngoại di vẫn phục tên ông. Từ đại phu trong triều cho đến kẻ sĩ phương xa đều không gọi ông bằng chức quan mà gọi là Bao Công”.

Âu Dương Tu – một trong “Đường Tống bát đại gia” – phẩm bình Bao Công là: “Lúc nhỏ có nết hiếu hạnh, tiếng thơm lan nơi thôn dã; khi lớn tính ngay thẳng, vang dội chốn triều đình”.

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa do Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động, Bao Công bị xem là đáng trừng trị hơn tham quan vì đã ủng hộ, duy trì chế độ phong kiến, bị xếp vào loại “ngưu quỷ xà thần” phải quét sạch. Từ đường trở thành nhà nấu ăn của hợp tác xã, từ trong ra ngoài bị đập phá. Bia đá, hoành phi, liễn đối, tượng Vương Triều, Mã Hán đều nát vụn. Bức tượng Bao Công được làm từ gỗ đàn hương, lớn như người thật, bị các Hồng vệ binh dùng dao chém nát. Bộ gia phả “Bao thị tông phả” và bức họa truyền thần Bao Công lúc sinh tiền được truyền từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Dân quốc đã bị treo lên cây đốt cháy thành tro.

Mãi tới năm 1985, quần thể mộ phần Bao Công và từ đường Bao Công mới được phục chế lại. Hiện nay, đền thờ của ông có hai câu liễn:

“Lý Oan Ngục, Quan Tiết Bất Thông, Tự Thị Diêm La Khí Tượng.

Chẩn Tai Lê, Từ Thiện Vô Lượng, Y Nhiên Bồ Tát Tâm Trường”.

Nghĩa là:

“Xử lý án oan, tù oan, tiết tháo của người làm quan, không ai có thể thông đồng, mua chuộc được, khí phách dáng vẻ như Diêm Vương.

Cứu tế giúp người gặp tai ách, lòng nhân từ thiện lương vô lượng, giống như tấm lòng Bồ Tát”.

Mỗi người chúng ta bẩm sinh đều chính trực thiện lương như Bao Công, chỉ vì trầm luân trong thế tục mà trở nên yếu hèn, mê mờ trong danh lợi. Phủi sạch bụi trần, sống đời thanh bạch, bạn có dũng khí tìm lại Bao Công trong chính trái tim mình?

Thanh Ngọc

(Tham khảo: Tống sử)

videoinfo__video3.dkn.tv||b99d0edf1__