Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết thần kỳ kể về Quan Công và Thái Thượng Lão Quân, kể rằng thiện ác hữu báo, người dân lương thiện sẽ luôn được Thần Tiên bảo hộ. 

Quan Công hiển linh, đẩy lui Thần ôn dịch

Vào thời Trung Hoa Dân Quốc, các thành thị hương trấn có nhiều tổ chức bang phái, gọi là ‘Hội quán’. Những bang hội như Hội quán Huy Châu ở An Huy, hay Hội quán Hồ Nam ở Hồ Nam… được thành lập để bảo vệ dân chúng khỏi bị hà hiếp. Mỗi khi phát sinh mâu thuẫn thì hội quán luôn sẵn sàng xuất hiện để can thiệp. 

Năm thứ hai sau chiến thắng của cuộc chiến tranh chống Nhật Bản (1946), Hội quán Kinh Huyện ở thị trấn Tôn Phụ, thành phố Tuyên Châu, tỉnh An Huy (Trung Quốc) đã đến nhờ hoạ sỹ Hoàng Hạc vẽ bức chân dung Quan Công. Hoàng Hạc vốn là một họa sĩ nổi tiếng ở miền Nam tỉnh An Huy, có biệt tài vẽ các nhân vật cổ đại. Sau khi bức tranh được hoàn thành, người phụ trách hội quán đã hết lời ca ngợi tác phẩm là uy nghiêm và hoành tráng, sau đó còn tổ chức một bữa tiệc lớn để ăn mừng.

Lúc ấy rất nhiều hội quán khác ở địa phương đều không tín phụng Quan Công, vậy mà Hội quán Kinh Huyện lại trả giá cao để vẽ hình chân dung – Vì sao lại như vậy? Đó là bởi Quan Công đã từng hiển linh cứu bách tính của huyện nhà.

Câu chuyện dưới đây dựa theo lời kể của cụ Đinh Tiết ở thôn Bào, thị trấn Tôn Phụ, thành phố Tuyên Châu, tỉnh An Huy, Trung Quốc trong một tài liệu viết vào năm 1997:

Vào cuối thời nhà Thanh ngay sau trận chiến khốc liệt giữa Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh với triều đình, dịch bệnh lan tràn khắp các quận phía nam An Huy, duy chỉ có quận Kinh Huyện là không ai mắc bệnh. Lý do là vì Quan Công đã hiển linh giúp dân chống lại Thần ôn dịch.

Lúc ấy ở cổng phía Nam của Kinh Huyện có miếu thờ Quan Công, người coi giữ hương hỏa trong miếu được gọi là trai công. Khoảng một tháng trước khi ôn dịch hoành hành, Quan Công đã báo mộng cho trai công cùng với hai vị quan đã về hưu đang trú tại cổng Nam, rằng: “Thần ôn dịch sẽ giáng xuống bản huyện. Muốn tránh thảm họa này, chiều ngày mai ngươi hãy đến miếu của ta, đánh trống khua chuông, trợ giúp Thần Linh, xua đuổi Thần ôn dịch, thì có thể qua kiếp nạn này”. 

Sáng hôm sau, hai vị quan không hẹn mà đến gặp nhau tại Quan Thánh miếu. Sau một hồi trò chuyện họ mới biết rằng thì ra cả ba người có cùng một giấc mộng. Lúc 11 giờ tối hôm đó, họ nghe thấy tiếng ngựa chiến và tiếng binh khí va chạm nhau trên bầu trời, cả ba bèn lập tức đánh trống khua chuông. Càng về đêm trận chiến càng dữ dội, những bức tượng thờ trong miếu túa ra mồ hôi như mưa. Trai công liên tục lau mồ hôi bằng khăn tay, còn hai vị cựu quan thì tận lực đánh trống mạnh mẽ hơn. Ước chừng khoảng hơn một giờ, âm thanh của ngựa sắt dần dần biến mất, bầu trời đêm trở nên im lặng, cả ba người đàn ông cùng cảm tạ ân điển của Thần. Sau đó không lâu, đại ôn dịch ở các huyện lân cận nổ ra, cứ mười người thì chỉ còn hai, ba người sống sót. Duy chỉ có quận Kinh Huyện là không ai mắc bệnh.

Sau đó, người dân thị trấn đã dựng lên một tượng đài để miêu tả việc Quan Công chiến thắng Thần ôn dịch. Kể từ đó mọi nhà đều biết đến và tin vào uy lực linh thiêng của Quan Thánh, cho đến nay trong miếu vẫn hương hỏa nghi ngút.

Quan Vũ (cũng được gọi là Quan Công) là hình tượng của sự chính nghĩa trong lịch sử Trung Quốc. Ông được thờ cúng ở nhiều nơi với tượng mặt đỏ, râu dài, tay cầm cây Thanh Long Yển Nguyệt, hoặc cưỡi ngựa Xích Thố. (Ảnh: kknews.cc)

Lão Quân hạ phàm truyền Thiên thư

Vào những năm cuối của triều đại Tây Tấn, Trung Nguyên loạn ly, nạn đói xảy ra khắp nơi, ôn dịch bùng phát, người chết rất nhiều, thị trấn điêu tàn và hoang vắng, xác người chồng chất. Lúc ấy, một vị đạo sĩ sống ở núi Mã Tích là Vương Toản đã vì tính mệnh của trăm họ mà viết tấu chương, bẩm báo nỗi khổ của dân chúng với Thái Thượng Lão Quân. Sau đó trong ba đêm liên tiếp, ông đã thay bách tính kể khổ đến nỗi khóc không thành tiếng. 

Vào giữa đêm thứ ba, sân nhà Vương Toản bỗng rực sáng lên như có ánh mặt trời chiếu rọi. Trong không gian lan toả một thứ hương thơm kỳ lạ và tiếng nhạc thiên đình, rất nhiều Thần binh rực rỡ ánh vàng kim từ không trung giáng hạ, cảnh tượng thần thánh không bút mực nào tả xiết. 

Một vị Thần đeo bảo kiếm, trên tay cầm bản án ngọc, bước tới nói với Vương Toản: “Thái Thượng Lão Quân đã đến”.

Sau đó Thái Thượng Lão Quân cùng với hai Chân Nhân thị vệ và hai Thiên Đế từ tầng trời hạ xuống, xung quanh là những bông sen ngũ sắc trông vô cùng mỹ diệu.

Lão Quân nói: “Ông vì lòng thương xót dân chúng mà viết tấu chương, giãi bày tâm huyết của mình, quả đã khiến đất trời cảm động. Bởi vậy ta đích thân đến gặp ông”.

Vương Toản phủ phục trên mặt đất tạ lễ, Lão Quân lại nói với ông: 

“Âm Dương sinh thành vạn vật, từ đó mà sinh ra ngũ hành. Ngũ hành có thắng có bại, mỗi yếu tố đều có thịnh có suy, có tiến có lùi. Vì vậy vạn vật không ngừng sinh sôi, thời tiết cứ thế luân chuyển, hàng trăm triệu kiếp cũng như thế, không thể dừng lại được. Con người nếu hòa hợp với mặt dương thuần khiết, thì có thể thăng lên Thiên thượng và thành Tiên, còn những người xấu thì lưu tại âm gian, làm quỷ trên mặt đất. Trong ma quỷ súc sanh cũng có thiện ác mạnh yếu, không khác gì con người thế gian. Ngọc Hoàng Thượng Đế lo lắng quỷ thần hoành hành gây hại, nên thường ra lệnh cho ngũ đế ba quan kiểm soát khống chế chúng. 

Tuy nhiên vào thời mạt thế, kẻ lừa lọc gian dối rất nhiều, thuần phong mỹ tục bị tiêu tan và không thể phục hồi lại nữa. Những thứ yêu ma dối trá đang được sinh ra, những kẻ bất trung với quân vương, bất hiếu với song thân, vi phạm tam cương ngũ thường thì đều là tự chọn cái chết cho mình.

Bè lũ ma quỷ cùng các tướng lĩnh quân binh tử trận trong các triều đại trước đây đã kết thành băng đảng. Chúng thừa lúc mưa gió, lợi dụng đạo đức thế gian suy bại mà tìm ra những khe hở, tạo ra các loại bệnh tật, làm hại người dân. Dân chúng bị hại rất nhiều, một số người chưa tới ngày tận số nhưng lại vì bệnh tật mà đột tử.

Vốn dĩ ban đầu đây là những tướng lĩnh xưa, sinh ra vì thống lĩnh binh đoàn, chết rồi thành quỷ, được thăng chức tại âm gian. Làm hại bách tính đều thuộc loại ma quỷ, thừa lúc trước khi ngũ hành thất khí, hóa thành các loại bệnh tật khác nhau. Nhưng dùng dương khí sẽ khiến chúng sợ hãi, dùng Thần chú để quy phục chúng đầu hàng, chúng sẽ tự thu hồi lại.

Trước đây ta từng đưa “Thần chú kinh” cho Chân nhân Đường Bình. Bây giờ ta sẽ truyền lại hai bộ kinh thư “Thần chú kinh” và “Thần hóa kinh” cấp cho ông, ông hãy làm theo nội dung của kinh thư để cứu vạn dân”. 

Dứt lời, Lão Quân ra lệnh cho tiểu đồng mang đến hai cuốn sách ngũ quang thập sắc, rồi lại đem khẩu quyết truyền cho Vương Toản.

Lão Quân căn dặn: “Nếu có thể cần mẫn trong công việc thì âm công sẽ thành, như thế mới có hy vọng đắc được chân Đạo”. 

Vương Toản làm theo lời dặn và đến Giang Nam hành Đạo, nhờ đó bệnh dịch được khống chế, chúng sinh thoát khỏi thảm cảnh diệt vong. Từ thời nhà Tấn đến nay, những người được hưởng phước lành nhiều không kể xiết.

Yên Tử
Theo Apollo

Bạn đang đọc bài viết: “Quan Công hiển Thánh xua ôn dịch, Lão Quân hạ thế xuất Thiên thư” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__