Những vị vua muốn kiểm soát đức tin tôn giáo của dân chúng, những nhà cầm quyền khinh mạn Thần Phật, bức hại tôn giáo đều có chung một cái kết bi thảm như nhau. Bởi “trên đầu ba thước có thần linh”, những việc ác con người tạo ra rốt cuộc đều sẽ có báo ứng xứng đáng.

Kết cục bi thảm của những hoàng đế diệt Phật

Một lần, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận và Ma Y hòa thượng ngồi đàm đạo với nhau. Khi ấy, là tướng lĩnh cao cấp của cấm quân nhà Hậu Chu, Triệu Khuông Dận thấy Chu Thế Tông Sài Vinh ra lệnh cấm đoán Phật giáo, hủy hoại tượng đồng của Bồ Tát để đúc tiền, bèn bí mật đến thăm Ma Y hòa thượng.

Triệu Khuông Dận hỏi Ma Y hòa thượng: “Từ xưa đến nay, từng có hoàng đế nào diệt Phật chăng?“.

Ma Y hòa thượng đáp: “Cần chi hỏi chuyện người xưa, cứ nhìn gia tộc Sài Thế Tông sắp gặp phải báo ứng thì có thể nghiệm chứng ngay thôi“.

Triệu Khuông Dận lại hỏi: “Chúa thượng (Chu Thế Tông) anh minh thần võ, trọng dụng hiền tài, ngày đêm vất vả cực nhọc chăm lo việc nước, chỉ cầu thống nhất thiên hạ, có phong thái của Đường Thái Tông. Vậy không biết thiên hạ ngày nào có thể ổn định?“.

Ma Y hòa thượng nói: “Đến năm Giáp Tý thiên hạ sẽ được an định“. 

Triệu Khuông Dận nghe vậy lại hỏi: “Các bậc đế vương thời xưa hủy diệt Phật Pháp, kết cục không biết thế nào?“.

Ma Y hòa thượng đáp: “Thái Vũ Đế Thác Bạc Đảo thời Bắc Chu diệt Phật, phá hủy chùa miếu, đốt bỏ kinh Phật, đập nát tượng Phật, chôn giết tăng ni, 7 năm đã bị hoạn quan giết chết. Cha con ông ta đều không được chết an lành. 

Bắc Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung phá hủy tượng đền chùa, đốt bỏ kinh thư, cưỡng ép tăng ni hoàn tục, không lâu sau bèn mắc bệnh kỳ quái, khắp người rữa nát, khi chết chỉ mới 36 tuổi, không đến 3 năm, quốc gia cũng bị diệt vong.

Đường Vũ Tông Lý Viêm phá hủy chùa miếu khắp thiên hạ, diệt Phật cả nước, năm đó bởi uống đan được quá liều trúng độc mà chết ở tuổi 32 tuổi. Sau đó Hoàng Sào lại nổi dậy chống lại nhà Đường”. 

Triệu Khuông Dận nói: “Quốc gia hỗn loạn trong thời gian dài, người dân đều đã chán ghét chiến tranh. Hủy hoại Phật Pháp vốn không phải là phúc của quốc gia, phải làm sao đây?“.

Ma Y nói: “Đã có điềm báo trước, chẳng bao lâu nữa sẽ có hoàng đế thánh minh xuất hiện. Hoàng đế thánh minh hưng khởi thì Phật Pháp cũng theo đó mà được hưng vượng, hơn nữa truyền đời vô cùng. Mong ông hãy nhớ kỹ lời của lão nạp“.

Quả nhiên không ngoài dự đoán của Ma Y hòa thượng, Chu Thế Tông Sài Vinh sau 4 năm diệt Phật mắc phải bạo bệnh mà chết. Nhà Hậu Chu cũng rất mau chóng đã bị Triệu Khuông Dận tiêu diệt.

Sau khi Triệu Khuông Dận làm hoàng đế Đại Tống, nhớ kỹ lời dặn của Ma Y hòa thượng, dựng lại chùa miếu, ban tặng đất đai cho nhà chùa, cố gắng hồng dương Phật Pháp. Nhờ đó, đất nước an định phồn vinh, Phật Pháp cũng theo đó mà hưng thịnh.

Trong lịch sử Trung Quốc, cả 4 vị Hoàng đế chủ trương diệt Phật, phá hủy đền chùa, bức hại người tu Phật đều gặp phải ác báo, kết cục vô cùng bi thảm, không ai được chết một cách an lành. Ngoài ra, triều đại của họ cũng phải rơi vào cảnh chiến loạn hoặc diệt vong. Quyền lực trăm năm chỉ còn là hư ảo.

Diệt Phật đều gặp quả báo nhãn tiền. Ảnh dẫn theo brucehanify.com

Hoàng đế diệt Phật, phải chịu cực hình dưới âm ty địa ngục

Theo sử sách, vào thời Nam Bắc triều, Phật giáo ở Bắc Chu và Bắc Tề đều rất hưng thịnh. Sau khi Bắc Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung nắm quyền, ông ta cho rằng người xuất gia không có tài sản, không lao động, lại không phải nộp thuế má, giảm thiểu đi thu nhập tài chính của quốc gia, ảnh hưởng đến đại nghiệp thống nhất thiên hạ. 

Thế là, ông bèn hạ chiếu lệnh: “Đoạn dứt Phật giáo, Đạo giáo. Tượng thờ, kinh sách đều phải tiêu hủy, bãi bỏ sa môn (tăng ni), đạo sĩ, lệnh tất cả phải hoàn tục“.

Sau khi chiếu lệnh ban ra, các nơi lập tức thi hành. Ở nhiều nơi, tượng Phật đều bị nung chảy, kinh thư bị đốt bỏ, tháp Phật bị phá hủy, chùa miếu trở thành nơi ở của kẻ phàm tục, toàn bộ tăng ni buộc phải hoàn tục làm dân thường. Lúc này, có không ít tăng nhân đã lên kinh thành duy hộ Phật Pháp, trình bày lẽ phải trái với Vũ Đế nhưng đều bị đàn áp đuổi đi.

Năm 577, sau khi Chu Vũ Đế tiêu diệt Bắc Tề, lại ban bố chiếu lệnh loại trừ Phật giáo ở bên trong địa phận Bắc Tề. Toàn bộ chùa miếu đều bị phá hủy. Khi đó, chúng tăng ni đều không dám kháng chỉ, duy chỉ có hòa thượng Huệ Viễn lớn tiếng lên án hành vi ngang ngược của Chu Vũ Đế: “Bệ hạ ngày nay cậy vào vương quyền, hủy hoại Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng), là người tà tri tà kiến. Địa ngục A Tỳ (Vô Gián địa ngục) không phân sang hèn, bệ hạ có thể yên lòng không chút sợ hãi sao?“.

Chu Vũ Đế nghe xong vô cùng tức giận, lớn tiếng quát: “Chỉ mong người dân có được an lạc, trẫm cũng không ngại khổ hình dưới địa ngục“.

Huệ Viễn phản bác, nói: “Bệ hạ lấy tà pháp giáo hóa người dân, gieo nên các loại khổ nghiệp, khiến cho người dân cũng phải xuống địa ngục cùng với bệ hạ, ở đâu có được an vui chứ?“.

Cuối cùng, Chu Vũ Đế không nghe lời khuyên, ngang nhiên diệt Phật ngay bên trong Bắc Tề. Kết quả, hơn 4 vạn ngôi chùa đã bị ban cho vương tôn quý tộc làm phủ đệ, hết thảy kinh Phật và tượng Phật đều bị tiêu hủy, tài sản trong chùa bị đưa vào quan phủ, toàn bộ tăng ni đều bị ép phải hoàn tục. 

Không lâu sau, Chu Vũ Đế đã phải trả giá cho những hành động bạo ngược của mình. Bản thân ông mắc phải chứng bệnh lạ, khắp người rữa nát mà chết. Không đến 3 năm, một tướng lĩnh của nhà tên là Dương Kiên đã giết chết người thừa kế là Chu Tĩnh Đế, tiêu diệt Bắc Chu, lập nên nhà Tùy, xưng hiệu là Tùy Văn Đế. 

Sau khi Chu Vũ Đế chết, dường như cũng không được yên thân. Sử sách có chép lại số phận thậm chí còn bi thảm hơn của ông ở dưới chốn âm ty địa ngục.

Trong “Pháp Uyển Châu Lâm” có chép, năm thứ 11 niên hiệu Khai Hoàng nhà Tùy, quan thừa của chùa Đại Phủ là Triệu Văn Xương bất ngờ tử vong, duy chỉ phần ngực còn có chút hơi nóng. 

Người nhà không dám đặt ông vào trong quan tài. Quả nhiên, không lâu sau ông đã sống lại. Người nhà rất lấy làm lạ, bèn hỏi Triệu Văn Xương đầu đuôi câu chuyện thế nào.

Triệu Văn Xương kể lại với người nhà rằng: “Khi tôi mới vừa chết đi, có người đã đưa tôi đến chỗ Diêm Vương. Diêm Vương hỏi tôi: ‘Một đời nhà ngươi đã làm được chuyện phúc đức gì?”. Tôi trả lời: ‘Bởi gia cảnh nghèo túng, không có năng lực gây dựng công đức, chỉ là hàng ngày đều tụng niệm Kim Cang Bát Nhã kinh”

“Diêm Vương nghe nói, khen ngợi rằng: “Rất tốt, nhà người đọc tụng kinh Phật, công đức rất lớn”. Diêm Vương lập tức sai người dẫn tôi đi, lấy từ trong tàng kinh các ra cuốn “Kinh Kim Cang Bát Nhã” rồi lệnh cho tôi đọc thuộc lòng. Tôi đọc không sai chữ nào. Diêm Vương rất đỗi vui mừng, liền sai người đưa tôi về lại nhà, lệnh cho tôi đi từ cửa nam. 

Đi đến trước cửa, tôi nhìn thấy Chu Vũ Đế ở bên trong một gian phòng bên cạnh cánh cửa, bị 3 chiếc kìm nặng khóa chặt. Ông gọi tôi rằng: “Nhà ngươi là người nước trẫm, xin hãy qua đây một chút, trẫm muốn nói với nhà ngươi mấy lời”. Tôi lập tức đến bái kiến. Vũ Đế nói: “Nhà ngươi có biết ta chăng?”. Tôi nói với ông ấy: “Thần ngày trước đã từng làm thị vệ dưới trướng bệ hạ”.

Vũ Đế bèn nói: “Nếu nhà ngươi ngày trước đã từng là thần tử của ta, bây giờ trở về nhà, thay ta trình bày với hoàng đế Đại Tùy rằng, tội nghiệp diệt Phật của ta quá nặng, không thể miễn xá, thỉnh xin hoàng đế Đại Tùy kiến lập cho ta một chút công đức. Mong rằng thông qua những việc lành này mà được phúc báo, giúp trẫm có thể sớm ngày rời khỏi địa ngục”.

Tôi nhận lời cầu xin của ông ấy rồi đi. Lúc đi ra khỏi cửa nam, nhìn thấy có một người ở trong hố phân lớn, tóc nổi lên trên, tôi bèn hỏi người dẫn đường sự tình đầu đuôi. Người đó đáp rằng:Đây chính là đại tướng Bạch Khởi của nước Tần. Ông ta đã giết hại hơn 40 vạn quân Triệu vốn đã quy hàng, phạm phải tội ác tày trời, nay bị nhốt ở đây, tội ác vẫn chưa hoàn trả hết“.

Diêm Vương định tội dưới âm phủ. Ảnh dẫn theo tinhhoa.net

Triệu Văn Xương sau khi hoàn hồn sống lại đã đem những chuyện này tâu lên Tùy Văn Đế. Tùy Văn Đế bèn hạ chiếu lệnh cho người dân cả nước quyên tiền theo nhân khẩu để làm pháp sự siêu độ cho Chu Vũ Đế. Sau đó, vua cho lập đàn tế lớn trong 3 ngày, cầu siêu cho Chu Vũ Đế. Chuyện này về sau đã được ghi chép trong “Tùy thư”. 

***

Thần Phật rất từ bi nhưng cũng rất nghiêm khắc, công bằng. Người ôm tâm thiện, bái Phật hướng thiện thì sẽ được Thần Phật che chở, bảo hộ. Ngược lại, kẻ hành ác, phỉ báng Phật Pháp sẽ phải chịu sự trừng phạt cao nhất, mất đi sinh mệnh, rơi vào cõi địa ngục, vạn năm chẳng thể thoát thai.

So với thần thông, pháp lực vô biên của Phật, con người chỉ là hạt bụi, chỉ là một sinh mệnh cực kỳ yếu ớt trong vũ trụ này. Bởi thế, dẫu người ta có hành ác ra sao, tàn bạo, hung tàn, dùng mọi thủ đoạn bức hại Phật Pháp thế nào thì chỉ là tự chuốc lấy quả báo, đau thương cho chính mình mà thôi.

Phật Pháp không bao giờ có thể bị hủy hoại. Con người cũng chẳng bao giờ có thể chiến thắng Thần Phật. Chỉ có thuận theo lẽ trời, sự an bài của Thần Phật, tu dưỡng bản thân, giương cao đạo đức, người ta mới có thể tìm được hạnh phúc đích thực, chiến thắng đích thực trong cuộc đời này mà thôi.

Phi Long 

Xem thêm: