Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Thương Ưởng muốn dùng hết cách để biến bách tính nước Tần thành “gian dân”, nhược dân (dân yếu nhược về suy nghĩ), bần dân, ngu dân.
Cơ sở triết học của Pháp gia là “Tính ác luận”
Pháp gia có một cơ sở triết học, khái quát lên chỉ có ba chữ, chính là “Tính ác luận” (bàn luận về tính ác của con người). Bản tính con người là thiện hay là ác thì có rất nhiều tranh luận giữa các gia phái trong thời kỳ Chiến Quốc. Đối với chúng ta mà nói, nhân tính thiện hay nhân tính ác, nó thuộc về vấn đề triết học; nhưng thời đó, đây là một vấn đề chính trị hết sức rõ ràng bởi vì nó liên quan đến việc cai trị dân chúng trong quốc gia đó như thế nào. Nếu nhân tính thiện thì có một bộ phương pháp tương ứng, nếu nhân tính ác thì có một bộ cách thức cai trị khác.
Thời đó Mạnh Tử cho rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện”, tức là nói con người hễ mới sinh ra là toàn thiện. Còn Tuân Tử thì cho rằng ngược lại, tức là “nhân chi sơ, tính bản ác”, con người khi mới sinh là toàn ác. Nếu nhân tính là toàn thiện, vậy thì cái ác trên thế giới từ đâu đến? Nếu nhân tính là toàn ác, thế thì làm thế nào để con người hướng thiện? Ngay cả cơ sở đạo đức để hướng thiện bạn cũng không có. Bạn ít nhất phải biết thế nào là thiện thế nào là ác, sau đó mới có năng lực để chọn lựa cái tốt hay xấu. Nếu nhân tính toàn là ác, đến nỗi tiêu chuẩn phân biệt thiện-ác đúng-sai cũng không có, thế thì làm thế nào người ấy có thể hướng thiện. Cho nên nói, trong nhân tính có tồn tại đồng thời cả thiện và ác.
Nhưng thời Chiến Quốc “Tính ác luận” rất có đất dụng võ. Vậy thì đối với việc thiên tính con người là ác, lại phái sinh (1) ra hai cách thức giải quyết vấn đề. Cách thứ nhất là, nếu nhân tính ác, vậy thì chúng ta có thể dùng vương đạo của Nho gia hoặc lấy đạo của Thánh hiền để chỉ dẫn họ làm người tốt; tức là dùng thiện để dẫn dắt họ. Đây là cách thứ nhất.
Còn có một phương thức nữa, nếu nhân tính ác, người ta sẽ dùng hình phạt nghiêm khắc để trùng trị họ, đây gọi là “lấy ác trị ác”. Nhưng điều bất hạnh nằm ở chỗ Pháp gia cho rằng nhân tính là ác, phải dùng ác trị ác. Một bộ lý luận chính trị của Pháp gia cũng vậy, của Binh gia cũng vậy, đều kiến lập trên cơ sở “nhân tính ác” và “lấy ác trị ác”.
Do đó Pháp gia không thừa nhận đạo đức, cho rằng xưa nay làm gì có vua nhân nghĩa, thần trung thành, cha hiền từ, con hiếu thuận… con người căn bản không có đạo đức. Do đó, nếu người nào có biểu hiện thiện, biểu hiện tốt thì Pháp gia cho rằng họ chỉ đóng giả mà thôi. Pháp gia cơ bản không thừa nhận quân vương nhân nghĩa với bề tôi, đại thần trung thành với quốc vương. Pháp gia coi giữa quân thần với nhau là quan hệ người đi thuê – kẻ làm mướn, quân vương trả tiền, đại thần bỏ sức, cũng tương đương với việc trao đổi sản phẩm.
Giữa quân thần là quan hệ người đi thuê – kẻ làm mướn, thế thì quan hệ giữa quân vương và nhân dân là gì? Là quan hệ đối địch. Nếu bách tính phạm thượng làm loạn, nhất định phải dùng hình phạt để trừng trị nghiêm khắc, đây là lý luận của Pháp gia. Cho nên trong “Thương quân thư” đã phế bỏ việc giáo hóa, bồi dưỡng đạo đức; hơn nữa trong đó chỉ nói thế này: “Hình phạt không phân biệt đẳng cấp, từ Khanh tướng Đại phu đến bàn dân trăm họ; hễ không tuân vương lệnh, phạm điều cấm, làm loạn chế độ thì tội chết không tha”.
Ba nhân vật của Pháp gia
Khi thấy hai chữ “Pháp gia” người ta nhìn chữ mà đoán nghĩa, thấy chữ “pháp” (pháp luật) thì bèn cho rằng người xem trọng pháp luật đều là Pháp gia. Họ nhận định Quản Trọng là Pháp gia, Tử Sản (2) là Pháp gia, Gia Cát Lượng là Pháp gia, Tào Tháo cũng là Pháp gia.
Nhưng giáo sư Chương Thiên Lượng cho rằng đại biểu cho Pháp gia chỉ có ba người là Thương Ưởng, Lý Tư và Hàn Phi Tử. Trong đó Thương Ưởng là người đặt nền móng, còn Hàn Phi Tử là người đưa Pháp gia lên tầm cao mới. Hàn Phi Tử còn vô lý, cực đoan hơn Thương Ưởng. Pháp gia của Hàn Phi Tử là triệt để theo vô thần luận, Hàn Phi Tử từng giảng một câu, là nhất định dùng bạo lực để áp bức và bóc lột người dân, biến dân thành trâu ngựa để cày kéo, không cho họ có tự do tư tưởng, không cho họ tự do ngôn luận, cũng không cho họ hành động. Hàn Phi Tử nói: “Cấm phạm pháp. Thứ nhất là cấm tự do tư tưởng. Tiếp đến là cấm nói. Tiếp nữa là không cho làm”. Ý tứ là không cho dân có quyền tự quyết.
Hàn Phi Tử đại biểu cho chủ nghĩa phản tri thức (kìm hãm tri thức). Ông muốn triệt để cắt đứt việc giáo dục đạo đức và tích lũy văn hóa. Ông chủ trương đốt sách, đem toàn bộ sách trong quá khứ đốt hết. Ông nói: “Minh chủ trị nước, không cần sách giảng đạo nghĩa, chỉ lấy việc học tập pháp luật là được rồi; nếu không có lời khuyên từ những vị vua trước, thì hãy đến chỗ quan lại hiểu pháp luật mà học tập”. Đây chính là trung tâm của Pháp gia.
Tôn sùng “nhân tính ác” và “lấy ác trị ác” (của Pháp gia) đã thành triết lý thống trị của nước Tần. Thương Ưởng biến pháp nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Tần Hiếu công. Từ “dời cây lập tín” đến lúc công bố đạo luật mới, nước Tần đã thay đổi mạnh mẽ. Nhưng khi Thương Ưởng biến pháp làm nền tảng cho việc thống nhất thiên hạ sau này, thì người ta lại không lường được những cải cách đó đã làm mất đi tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội. Đây là nguyên nhân khiến Tần diệt vong. Có thể nói Đại Tần đế quốc “thành tựu nhờ Thương Ưởng, mà diệt vong cũng do Thương Ưởng”.
Thương Ưởng khuyến khích người dân tố giác lẫn nhau
Cải cách Thương Ưởng phân thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 359 TCN đến năm 350 TCN. Nội dung chủ yếu của cải cách đợt này là khen thưởng khuyến khích nông nghiệp, trừng phạt thương nghiệp, khen thưởng quân lính lập công, ức chế quý tộc. Cũng chính là nói thông qua phương thức khen thưởng khuyến khích nông nghiệp, quốc gia nhờ vậy thu được nhiều tiền thuế và lương thực hơn. Ông khen thưởng quân lính lập công, bất cứ ai lập được công trạng trên chiến trường hoặc chém được đầu quân địch thì thăng tước vị lên một cấp.
Thời đó tước vị ở nước Tần có 20 cấp, người có tước vị có thể ngồi xe ngựa sang trọng, mặc quần áo đẹp, chính là “không cấm bất cứ điều hoa mỹ lộng lẫy nào”. Nếu một người không lập công trạng trên chiến trường, thì dù anh ta có nhiều tiền đến mấy cũng chỉ có thể ngồi xe bò, mặc quần áo làm bằng vải bố (thô lậu, không đẹp). Vì đây là quy định thời đó. Thương Ưởng thông qua cách này để cổ động quân Tần sát nhân trên chiến trường. Kết quả là quân Tần hễ chiến đấu đều liều mạng để chém được đầu quân địch. Cho nên trong “Thương quân thư” có nói: “quân dân ra chiến trường, như sói đói nhìn thấy thịt, liền xông vào muốn ăn”. Vì thế, rất nhiều người gọi nước Tần có “quân đội như hổ lang” ý tứ là quân đội hung ác tàn bạo. Nguyên nhân là do Thương Ưởng biến pháp.
Thương Ưởng còn đề ra một phương thức nữa. Ông cho năm nhà thành một ngũ (3), mười nhà thành một thập (4). Một thập có mười nhà giám sát lẫn nhau. Nếu một nhà phạm tội thì chín nhà còn lại phải có trách nhiệm báo cáo. Nếu không báo cáo sẽ chín nhà sẽ bị chém ngang lưng. Nếu báo cáo thì gọi là “tố cáo kẻ gian tặc”, còn người tố giác thì “thưởng tước vị như giết được địch”.
Thương Ưởng dùng phương cách như thế để cổ vũ người dân tố giác lẫn nhau. Chúng ta biết rằng tố giác là điều mà người ta xem thường nhất, thông qua việc bán rẻ người thân, bè bạn, hàng xóm để mưu cầu phú quý. Nhưng Thương Ưởng khống chế bách tính thông qua phương cách này để khuyến khích mọi người tố giác, dùng “phương pháp tố cáo kẻ gian” và “phương pháp chịu vạ lây vì người khác” (5) để khuyến khích người dân làm việc đó. Thế thì mục đích của Thương Ưởng là gì? Tại sao ông coi bách tính nước Tần thời đó là “gian dân” (kẻ có tội”)?
Thương Ưởng cho rằng nếu bách tính đều thiện lương, vậy thì giữa họ là tôi đối đãi anh tốt, anh đối đãi tôi tốt, mọi người sinh sống cảm thấy ôn hòa. Tôi tín nhiệm anh, anh cũng tín nhiệm tôi, kết quả người dân thân thiết với với nhau, họ coi nhau như người thân vậy. Nếu là “gian dân”, thì anh phòng bị tôi, còn tôi cũng phòng bị anh, không ai có cảm giác an toàn. Khi đó bách tính sẽ cảm thấy: “Tôi không tin tưởng ai vậy làm thế nào mới có được cảm giác an toàn?”. Chỉ có cách là dựa vào sự che chở của quyền lực. Khi đó người dân sẽ thân với người có quyền lực.
Trong “Thương quân thư” có giảng thế này: “Dùng thiện lương thì dân thân với dân, dùng gian ác thì dân thân với… chế độ”. Nếu mọi người đều tốt, thì giữa bách tính với nhau đều là thân thiết. Nếu mọi người đều xấu, đều là “gian dân” thì bách tính sẽ thân cận với chế độ. Thương Ưởng chính là muốn biến người dân trở thành “gian dân”.
Đồng thời vì để duy trì quyền thống trị, Thương Ưởng đã chế định ra một loạt các phương pháp, ví như cấm người dân có tự do suy nghĩ, tự do ngôn luận, còn cấm cả việc di chuyển của người dân. Ông muốn dùng hết cách để biến người dân thành “gian dân”, nhược dân (người dân yếu nhược về suy nghĩ), bần dân, ngu dân.
Thương Ưởng cảm thấy vì bách tính nghèo nên dùng một chút lợi ích là dụ dỗ được họ; vì anh ta ngu muội nên bạn nói gì anh ta tin nấy. Thương Ưởng thông qua một loạt các biện pháp đã biến người dân nước Tần thành gian xảo, yếu nhược, bần cùng, đê tiện, ngu dại. Hết thảy cải cách của ông đều đạt được mục đích. Chúng ta thấy rằng Thương Ưởng biến pháp, thực ra là đi ngược Thiên đạo, vương đạo, cũng có thể nói là phản nhân tính.
Có thể một số người cho rằng việc đốt sách là do Lý Tư hay Tần Thủy Hoàng làm, nhưng thực ra vào lần cải cách thứ hai năm 350 TCN, Thương Ưởng đã cho đốt “Thi kinh”, “Thượng thư” và một số sách của Bách gia.
Thương Ưởng thông qua cải cách, đã biến bách tính nước Tần thành một nhóm “chỉ ham đánh nhau” (6). Lúc này đây Thương Ưởng hướng ánh nhìn ra bên ngoài, ông cho rằng đây là thời điểm dùng binh chinh phạt các nước.
Thời ấy nước Ngụy vừa mất một viên đại tướng, Thái tử nước Ngụy cũng bị bắt làm tù binh trong một trận chiến, thực lực nước Ngụy chịu tổn thất rất lớn. Thương Ưởng cảm thấy lúc lúc này dùng binh với nước Ngụy có thể lấy lại Tây Hà – một vùng đất quan trọng. Thương Ưởng đã thực hiện được việc biến Tần quốc “nước giàu binh mạnh”, nhưng ông lại lạm sát người vô tội, hành sự trái đạo Trời, trái nhân tính, do đó ông tất yếu sẽ gặp báo ứng. Vậy thì kết cục của Thương Ưởng như thế nào? Mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo “Vương bá thù đồ”.
Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV
Ghi chú:
(1) Phái sinh là từ một thứ/điều có sẵn rồi sinh ra, còn phát sinh là từ không có sinh ra có.
(2) Tử Sản: là nhà cải cách kinh tế, xã hội, chính trị quan trọng của nước Trịnh thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc.
(3) (4) Ngũ, thập là đơn vị trong quân đội.
(5) Nguyên gốc là: liên tọa chi pháp – 連坐之法.
(6) Nguyên gốc: hảo dũng đấu ngận – 好勇鬥狠.