Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay…
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Lời bạch: Ngũ Tử Tư trải qua muôn vàn trắc trở mới trốn ra khỏi nước Sở, sau đó lưu lạc đến Ngô vừa thổi tiêu vừa xin ăn. Ngô Vương Liêu biết chuyện đã nhận lời xuất binh giúp ông báo thù, nhưng việc này lại bị công tử Quang ngăn cản, khiến Ngũ Tử Tư phải dẫn theo công tử Thắng về Dương Sơn cày cấy sống qua ngày.
Người khai quốc của nước Ngô tên là Ngô Thái Bá. Trong “Sử Ký” đặc biệt có một chương tên là “Ngô Thái Bá thế gia”. Ngô Thái Bá là con trai của Chu Thái Vương. Chu Thái Vương có ba người con trai: một là Ngô Thái Bá, một là Trọng Ung, còn một người nữa tên là Quý Lịch. Quý Lịch là bậc quân tử hiền minh, tài đức vẹn toàn, con trai của ông là Cơ Xương, cũng chính là Chu Văn Vương nổi tiếng sau này. Bởi Cơ Xương vô cùng hiền đức, Quý Lịch liền gọi người con trai này là Thánh Tử Xương, chính là cậu con trai giống như Thánh nhân vậy.
Khi đó, Ngô Thái Bá vì không muốn cha nhường ngôi cho mình nên đã cùng người em trai là Trọng Ung bỏ đi. Bởi khi hai người anh trai đã bỏ đi rồi, Quý Lịch mới có thể nối ngôi. Quý Lịch nối ngôi rồi thì mới có thể truyền lại vương vị cho con trai ông là Cơ Xương. Vậy nên nói, vì để cho Cơ Xương một ngày kia có thể lên ngôi, Ngô Thái Bá đã cùng người em trai Trọng Ung rời khỏi nơi cai trị của nhà Chu khi ấy, chạy đến tỉnh Giang Tô và định cư ở đó.
Để tránh cho bản thân sau này phải kế thừa vương vị, ông đã cắt tóc xăm mình, chính là để tỏ ý nói rằng bản thân không thể làm vương được nữa. Nhưng Ngô Thái Bá cũng là một người rất mực hiền đức, nên bá tánh đều đến quy thuận ông. Cứ như vậy ông đã lập một quốc gia khác ở nơi này, chính là nước Ngô.
Khoảng thời gian Ngũ Tử Tư làm ruộng ở nước Ngô, công tử Quang đã đến thăm và cho Ngũ Tử Tư một ít tiền, một ít gạo, thu nhận ông làm môn hạ của mình. Một ngày nọ, công tử Quang hỏi Ngũ Tử Tư: “Ông là một người rất tài hoa, vậy hãy xem thử xem nước Ngô chúng tôi có ai bì được với ông hay không?”. Ngũ Tử Tư nói: “Tôi nào có là gì? Có một người tên là Chuyên Chư, mới thật là dũng sĩ”.
Công tử Quang hỏi: “Chuyên Chư đó là người thế nào?”. Ngũ Tử Tư kể: “Khi tôi vừa mới đến Ngô, tới một nơi tên là Mai Lý thì nhìn thấy một đại hán khỏe như mãnh hổ đang đánh nhau với một người khác. Tôi vừa nhìn thì biết ngay đối phương cũng là một người vô cùng dũng mãnh. Chính ngay lúc hai người đang bất phân thắng bại, bỗng trong nhà có tiếng một nữ nhân kêu lên: “Chuyên Chư, không nên thế!”. Vị đại hán lập tức khống chế cảm xúc của mình, buông nắm đấm xuống, đi vào trong nhà hệt như chưa có chuyện gì xảy ra vậy”.
Ngũ Tử Tư cảm thấy hết sức quái lạ: Vị đại hán này có sức khỏe địch muôn người, vậy tại sao lại sợ một người đàn bà nhỏ bé? Người có thể khiến Chuyên Chư ngoan ngoãn thuần phục như vậy, thì đó phải là người đứng trên vạn người. Ông liền hỏi láng giềng xung quanh, họ nói Chuyên Chư chỉ sợ duy nhất một người, chính là mẫu thân của ông ta. Ông vốn là người con hiếu thảo, phụng dưỡng mẹ mình rất là chu đáo. Nhưng ông cũng là người “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”, hễ thấy ai gặp chuyện oan ức hay gặp lúc cơ nhỡ, ông sẽ dốc hết sức tương trợ, cho đến khi giải quyết xong vấn đề mới thôi.
Bởi Chuyên Chư rất mực chí hiếu, dẫu đang giận đến đâu mà nghe mẹ bảo ông cũng sẽ thôi ngay, đó gọi là “nghe lệnh mẹ gọi lập tức dừng tay”. Cảm thấy người này rất không tầm thường, vừa có hiếu lại có nghĩa, Ngũ Tử Tư liền tìm gặp và kết giao cùng Chuyên Chư. Về sau hai người kết làm huynh đệ, bởi tuổi tác của Ngũ Tử Tư lớn hơn một chút, nên được gọi là huynh.
Công tử Quang nghe xong liền tìm đến nhà của Chuyên Chư. Gia cảnh Chuyên Chư rất nghèo, bản thân ông là một đồ tể, cũng chính là người theo nghề giết trâu mổ lợn. Công tử Quang đã cho Chuyên Chư một chút tiền và gạo, đối với mẹ ông cũng rất tốt, thường đến nhà vấn an mẫu thân ông.
Sau một thời gian, Chuyên Chư hỏi công tử Quang rằng: “Tôi chỉ là kẻ tầm thường, còn công tử có tước vị và địa vị xã hội cao như vậy, sao lại hạ mình đến thăm tôi?”. Công tử Quang nói: “Tôi muốn làm một việc lớn, chính là thích sát Ngô Vương Liêu, nên mới phải nhờ đến ông”. Chuyên Chư liền hỏi công tử Quang hai vấn đề:
Vấn đề thứ nhất, chính là người làm vua nước Ngô vì sao nên phải là ông chứ không phải là Ngô Vương Liêu? Chính là nói không phải vì ông bỏ tiền mua tôi rồi thì tôi sẽ bất chấp nguyên tắc mà làm bất cứ chuyện gì cho ông được, không phải như vậy, tôi cần xét xem việc này có phù hợp với đạo nghĩa hay không. Công tử Quang liền giải thích rằng: “Vốn dĩ tam thúc của tôi nên nhường lại vương vị cho tôi mới phải, nhưng ông ta lại truyền cho con trai mình, vậy nên nói đúng ra là tôi mới xứng làm Ngô vương”.
Chuyên Chư lại hỏi vấn đề thứ hai, trong “Đông Chu Liệt Quốc Chí” cũng chi chép như vậy. Ông nói: “Nếu theo đạo lý là ông nên là người nối ngôi, thì cớ sao ông không nhờ đại thần thân cận thương lượng với ông ta, bảo ông ta thoái vị? Vì sao lại phải dùng đến thích khách? Làm như vậy không phải là vừa tổn thương tấm lòng của phụ thân ông, lại vừa tổn thương tấm lòng của phụ thân ông ta hay sao?”.
Công tử Quang trả lời rằng Ngô Vương Liêu là người “tham mà cậy khỏe”, nếu như tôi cùng đi thương lượng với ông ra, ông ta không những không thoái vị mà còn nghi ngờ tôi, giữa huynh đệ sẽ phát sinh mâu thuẫn. Hơn nữa ông ta sẽ nghĩ cách hãm hại tôi, vậy nên tôi không thể thương lượng với ông ta được.
Chuyên Chư nói: “Được rồi, nếu vậy tôi vẫn còn có điều chưa yên tâm, đó chính là mẫu thân tôi. Tôi biết nếu thích sát Ngô Vương Liêu chắc chắn tôi cũng sẽ không sống được. Nhưng mẫu thân tôi đã già rồi, tôi rất muốn hầu hạ bà đến hết những ngày cuối đời. Vậy nên hiện giờ tấm thân này của tôi vẫn không thể hoàn toàn giao cho công tử được”. Công tử Quang liền nói: “Tôi cũng biết ông là người con có hiếu, mẫu thân ông đã già rồi. Tôi bảo đảm với ông rằng nếu ông thích sát Ngô Vương Liêu thành công thì tôi sẽ đối đãi với mẫu thân ông hệt như đối đãi với mẫu thân tôi vậy, cũng sẽ xem con cái ông giống như con cái tôi vậy”.
Chuyên Chư nghĩ ngợi một hồi rồi gật đầu: “Thế cũng được. Nhưng tôi muốn hỏi công tử một vấn đề: Nếu muốn thích sát Ngô vương Liêu thì cần phải tiếp cận được với ông ta. Vậy thì Ngô Vương Liêu rốt cuộc thích cái gì nhất? Tôi cần phải biết ông ta yêu thích gì mới được”. Công tử Quang nói Vương Liêu rất thích món ăn ngon.
Chuyên Chư lại hỏi, ông ta thích ăn món gì nhất? Công tử Quang nói ông ta thích ăn cá nướng. Chuyên Chư nói rằng vậy thì tôi phải xa công tử một thời gian. Công tử Quang hỏi đi đâu, Chuyên Chư nói cần phải đi học làm món cá nướng.
Chuyên Chư liền từ biệt công tử Quang, đến Thái Hồ theo người ta học nướng cá, chỉ trong 3 tháng đã học được chỗ tuyệt diệu của thuật nướng cá. Chuyên Chư là một người rất thông minh, có thể bởi ông từng theo nghề giết mổ nên đối với món ăn cũng có được chỗ tâm đắc nhất định, khi học nướng cá ông cũng tìm ra được nhiều điều độc đáo. Những ai từng ăn món cá nướng của ông đều hết lời khen ngợi. Khi kỹ nghệ đã thành thục Chuyên Chư lại trở về bên công tử Quang, ông bèn hỏi công tử Quang rằng có thể tiến hành đại sự được chưa.
Công tử Quang thương lượng với Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư nói hiện giờ chưa được. Vì sao? Ông nói bên cạnh Ngô Vương Liêu có mấy người thân cận mà chúng ta vẫn chưa xử trí được:
Người đầu tiên chính là con trai của Vương Liêu, tên là Khánh Kỵ. “Đông Chu Liệt Quốc Chí” miêu tả Khánh Kỵ là người “bắp thịt cuồn cuộn, chạy nhanh hơn ngựa, mau lẹ phi thường, sức địch muôn người”. Chính là nói xương cốt của Khánh Kỵ cứng chắc như sắt thép, một con chim bay qua trước mặt, ông liền có thể một tay tóm gọn, lại có thể tay không đánh chết mãnh thú. Người như vậy luôn theo sát Vương Liêu nửa bước không rời, Vương Liêu đi đâu thì con trai ông ta đi đến đó, giống như Đổng Trác luôn dẫn Lữ Bố theo sát bên mình vậy. Nếu không giải quyết được Lữ Bố thì không có cách nào diệt trừ Đổng Trác, ấy là một đạo lý. Khánh Kỵ là người đầu tiên không giải quyết được.
Người thứ hai không giải quyết được, đó là dưới trướng của Vương Liêu có hai em trai, một là Yểm Dư, một là Chúc Dung. Yểm Dư và Chúc Dung là hai quan đại phu nước Ngô, trong tay giữ binh phù, quân đội của Ngô quốc đều nằm trong tay họ. Nếu chúng ta muốn thích sát Vương Liêu thì hai người họ nhất định sẽ dấy binh làm loạn, đây cũng là người không giải quyết được.
Người thứ ba khiến chúng ta lo lắng về mặt đạo đức, chính là Diên Lăng Quý Tử, cũng chính là Quý Trát. Chúng ta chẳng phải kể rằng Thọ Mộng muốn đem vương vị truyền lại cho Quý Trát hay sao? Quý Trát chính là người chú thứ tư của Vương Liêu và công tử Quang. Con người này đạo đức vô cùng cao thượng, nếu Quý Trát ở đó thì công tử sẽ không có đủ dũng khí để làm, mà ông ấy cũng sẽ không cho phép công tử làm chuyện tày trời như vậy.
Công tử Quang nghĩ ngợi một hồi cảm thấy rất có lý, liền nói ta hiểu rồi, giờ ông hãy cứ về tiếp tục làm ruộng, còn ta sẽ xem xét tình hình. Cứ như vậy Ngũ Tử Tư lại quay về Dương Sơn làm ruộng.
Lần làm ruộng này đã kéo dài 4 năm, từ năm 519-515 TCN. Đến năm 515 TCN, nước Sở đã phát sinh một đại sự: Sở Bình Vương băng hà. Tin tức truyền đến nước Ngô, Ngũ Tử Tư hay tin đã đấm ngực giậm chân lớn tiếng kêu khóc. Công tử Quang rất lấy làm hiếu kỳ, bèn hỏi Ngũ Tử Tư rằng: “Sở Bình Vương chẳng phải là người mà ông nghiến răng cắn lợi, căm hận nhất hay sao? Bây giờ ông ta chết rồi, ông than khóc cái gì?”. Ngũ Tử Tư nói: “Tôi chỉ hận là không thể đích thân phanh thây ông ta, chứ để ông ta chết trên giường bệnh như thế thì thật dễ dàng cho ông ta quá”.
Sau khi Ngũ Tử Tư được tin Sở Bình Vương băng hà, liên tục ba ngày ba đêm ông không sao ngủ được. Ông đi quanh ngôi nhà, ba ngày ba đêm đã nghĩ ra một chủ ý. Ông liền tìm đến gặp công tử Quang và nói: “Nếu chúng ta muốn hành thích Ngô Vương Liêu thì lúc này chính là cơ hội tốt nhất. Thừa lúc nước Sở có tang, nước Ngô hãy xuất binh đánh Sở, bởi giữa Sở và Ngô vốn có chút xung đột nhỏ ở biên giới. Chúng ta hãy nhân lúc Sở có quốc tang, người vừa kế vị chính là thái tử Trân, hãy còn khá nhỏ. Hơn nữa quan lệnh doãn của nước Sở là tể tướng Nang Ngõa, vốn là một kẻ vô cùng tham lam lại không có tài đánh trận”.
Ngũ Tử Tư nói chúng ta hãy nhân lúc quân vương nước Sở còn nhỏ tuổi, các quan đại thần thì vô năng, trong nước lại có tang sự mà công đánh nước Sở, đây là một thời cơ rất tốt. Nhưng không thể để công tử đi được, thế để ai đi đây? Hãy để cho Yểm Dư và Chúc Dung, chính là hai cậu em nắm giữ binh phù của Ngô vương, khiến họ dẫn binh tiến đánh, như vậy chẳng phải đã đẩy họ ra ngoài rồi sao? Sau đó, lệnh cho Diên Lăng Quý Tử đi sứ làm một số công việc ngoại giao. Đồng thời, cử công tử Khánh Kỵ đến nước Trịnh và nước Vệ thu lấy quân đội hai nước ấy để liên quân tác chiến.
Như vậy liền lấy sự kiện nước Sở có tang mà dấy binh phạt Sở khiến công tử Khánh Kỵ và hai cậu em trai nắm giữ binh phù của Ngô vương đều bị điều đi, ngay cả Diên Lăng Quý Tử – một bậc đức cao vọng trọng cũng bị điều đi. Một hành động đã khiến những người thân tín bên cạnh Ngô Vương Liêu đều bị điều đi hết, khiến ông ta bị cô lập, đây là một cơ hội rất tốt để thích sát vua Ngô.
Công tử Quang liền nói: “Nếu vạn nhất Vương Liêu muốn ta dẫn binh thì phải làm sao?”. Ngũ Tử Tư nói: “Chuyện này quá dễ, công tử cứ việc giả vờ ngã từ trên xe xuống khiến chân bị thương, như vậy Ngô vương sẽ không cử công tử đi nữa”.
Công tử Quang thấy có lý bèn trở về triều đình làm theo kế sách. Vương Liêu cũng là một người vô cùng ngạo mạn nên lập tức nghe theo lời công tử Quang, phái Yểm Dư, Chúc Dung và Quý Trát đi. Nhưng ông ta không điều Khánh Kỵ, nên Khánh Kỵ vẫn đi theo ông ta.
Sau đó, Yểm Dư và Chúc Dung xuất binh đánh Sở bị bại trận, lúc ấy Vương Liêu mới quyết định để cho Khánh Kỵ đến nước Trịnh và nước Vệ thu lấy quân đội, vậy nên lần này toàn bộ bốn người đều đã bị điều đi hết.
Vậy sau đó thì sao? Liệu kế hoạch của Ngũ Tử Tư và công tử Quang có thành công hay không? Diễn biến tiếp đó ra sao, mời quý vị độc giả đón xem phần tiếp theo…
Vũ Dương
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, đăng trên NTDTV