“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những Thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.

Lời tựa

Truyền thuyết về Phong Thần xưa, khởi đầu bằng chuyện kể về vua Trụ nhà Thương đến miếu thờ Nữ Oa dâng hương, đã đề thơ với hàm ý hỗn xược khiến cho Nữ Oa nổi giận. Sau khi bấm tay biết vận số nhà Thương vẫn còn 28 năm mới chấm dứt, Nữ Oa đã sai ba yêu quái ở mộ Hiên Viên tới mê hoặc vua Trụ nhằm nhanh chóng làm cho nhà Thương sụp đổ, nhưng truyền dặn chúng không được giết người.

Một trong ba yêu quái là Hồ ly tinh đã đạt hỏa hầu tu luyện ngàn năm, giết chết Đát Kỷ vốn là một cô gái đẹp được tiến cung, rồi nhập vào xác nàng để ra mắt nhà vua. Được Trụ Vương sủng ái, Đát Kỷ giả dần dần lộng hành, trừ khử các bề tôi trung thực, giết hoàng hậu và toan giết cả hai hoàng tử. Bên cạnh đó, Đát Kỷ giả còn tìm cách hại 4 nước chư hầu lớn, xui vua Trụ mời họ vào chầu rồi bắt Tây Bá Hầu Cơ Xương (nhà Chu) giam vào ngục.

Khi đó, Khương Tử Nha là đồ đệ của Nguyên Thủy Thiên Tôn trên núi Côn Lôn, vâng lệnh thầy xuống núi giúp nhà Chu diệt nhà Thương. Tử Nha giết được một yêu quái, bạn của Đát Kỷ giả, và nhờ đó ông được vua Trụ phong chức Hạ Đại phu. Sau vì can gián Trụ Vương xây dựng Lộc Đài mà họ Khương suýt bị giết chết, phải trốn đến ấp Tây Kỳ thuộc đất nhà Chu. Bấy giờ Tây Bá Hầu Cơ Xương đã trốn thoát khỏi ngục liền tìm đến Khương Tử Nha nhờ giúp đỡ.

Ngay trận chiến mở đầu, nhà Chu đã đánh bại quân của vua Trụ, nhưng Trụ Vương không vì thế mà hối cải vẫn cậy quyền ác bá, hoang dâm vô độ, lạm sát dân lành… Dưới sự giúp sức của vị Tiên đứng đầu Triệt Giáo là Thông Thiên Giáo Chủ, Trụ Vương sai 36 lộ quân tiến đánh ấp Tây Kỳ. Trong trận chiến này, được sự hậu thuẫn của Xiển Giáo, nhà Chu lần lượt đã đánh bại nhiều đợt tấn công của vua Trụ và 36 lộ quân với đủ binh hùng tướng mạnh, cùng sự hậu thuẫn về pháp thuật kinh thiên động địa của Triệt Giáo…

Cuối cùng, vua Trụ thảm bại tự thiêu, Đát Kỷ giả bị giết chết. Khương Tử Nha được Nguyên Thủy Thiên Tôn trao quyền phong Thần, còn Chu Vũ Vương cũng được quyền tấn phong cho các chư hầu.

Tái hiện lại hình tượng Trụ Vương trên màn ảnh. (Ảnh: toplist.vn)

***

KỲ 1: Bảng Phong Thần, Ngọc hoàng sắc chỉ, Khương Tử Nha lãnh ‎‎ý‎ hạ phàm

Truyền thuyết kể rằng: Vùng Đất Thần Châu triều đại nhà Thương có 3 giáo phái cùng phát triển rực rỡ đó là: Xiển Giáo, Triệt Giáo, Đạo Giáo. Đứng đầu 3 giáo phái lần lượt là Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thông Thiên Giáo chủ và Lão Tử. Câu chuyện được bắt đầu khi mười hai đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn vốn đều là Tiên, vì phạm luật Trời nên phải bị đày xuống trần chịu khổ.

Nhân việc này, Ngọc Hoàng Đại Đế truyền chỉ dụ cho hai giáo phái Xiển Giáo và Triệt Giáo đưa hết thảy 365 giáo đồ phạm tội xuống trần lập công tiêu nghiệp, sau này sẽ phong Thần cho đủ số nhà trời. Trong số đó có 12 đệ tử của Nguyên Thủy Thiên Tôn phải hạ giới với sứ mệnh phò nhà Chu diệt nhà Thương.

Tương truyền, bảng phong Thần được chia làm 8 bộ như sau: Bốn bộ trên là Lôi, Hoả, Ôn, Đẩu. Bốn bộ dưới là Thần Mưa, Thần Mây, Thần Núi, Thần Sao. Sau khi Trụ Vương mất nước, Vũ Vương ra đời thì dựa vào công tội của từng Thần để phân ngôi cao thấp. Chính vì lẽ đó mà Khương Tử Nha được sư phụ của ông là Nguyên Thủy Thiên Tôn cắt đặt xuống trần gian phò Chu diệt Trụ.

Lại nói về Nguyên Thủy Thiên Tôn vốn đã sớm trù tính an bài, định số cho Khương Tử Nha xuống trần làm tướng cho nhà Chu, vì vậy ông sai Bạch Hạc đồng tử đi gọi Tử Nha (Khương Thượng) đến vâng mệnh:

Bạch Hạc đồng tử tuân lệnh đến đòi. Tử Nha ứng hầu lập tức.

Ðợi Tử Nha thi lễ xong xuôi. Nguyên Thủy truyền: “Ngươi lên núi này được bao nhiêu năm?”.

Tử Nha thưa: “Ðệ tử lên núi theo thầy tu luyện hồi hai mươi ba tuổi đến năm nay đã được bảy mươi hai tuổi rồi”.

Nguyên Thủy nói: “Số ngươi thành Tiên chưa được, còn vương vấn công danh. Nay Thành Thang (chỉ nhà Thương) hết vận, Tây Chu ra đời vậy ngươi phải thay mặt ta xuống trần ra công giúp nước. Sống làm tướng, chết làm Thần, như vậy công tu luyện của ngươi mấy mươi năm trời không uổng. Còn chỗ này không phải là chỗ ngươi ở được lâu”.

(Ảnh minh họa: daoistgate.com)

Tử Nha năn nỉ: “Ðệ tử cố bỏ nhà lên núi. Dốc lòng lánh tục tu Tiên đã bốn mươi chín năm ròng, nguyện bỏ đời theo Đạo. Vẫn biết tu hành là khổ, muốn thành Tiên quả không phải là một sớm một chiều, nhưng con đã theo thầy học Đạo bấy lâu nay, xin thầy làm ơn cứu rỗi, nỡ nào đuổi đệ tử trở lại phàm trần”.

Nguyên Thủy nói: “Vẫn biết ý muốn ngươi như vậy, song số phận ngươi không được toại nguyện, ta biết làm sao? Thần Tiên đều một cõi như nhau, ngươi chớ tị hiềm việc ấy”.

Tử Nha năn nỉ: “Xin sư phụ thương con, tìm cách cho con được lánh cõi trần này”.

Sư huynh Nam Cực Tiên ông nghe vậy cũng tỏ lòng thương cảm nhưng ý thầy đã vậy, giờ biết làm sao, bèn khuyên Tử Nha: “Số ngươi đã chưa thành Tiên đạo mà lại từ bỏ công danh thì hai đàng đều hỏng. Chi bằng xuống giúp thế gian, sau được phong Thần rồi sẽ lên non giữ đạo mới yên”.

Tử Nha không còn biết nói sao hơn, đành sửa soạn ra đi, và hỏi Nguyên Thủy: “Nay đệ tử vâng lời về chốn phàm trần, chẳng hay việc sắp đến ra thế nào, xin thầy chỉ giáo”.

Nguyên Thủy nói: “Ta có tám câu kệ, chỉ rõ trọn đời ngươi. Ngươi hãy nhớ lấy…”.

Nói rồi ngâm rằng:

“Mười năm chịu túng áo còn bâu
Gượng gạo mua vui chớ chuốc sầu
Ngồi đá Bàn Khê câu đợi vận
Chờ xe vương giả rước về lầu

Tám mươi lẻ nửa mang đai ngọc
Chín chục dư ba buộc ấn hầu
Mậu ngũ chư hầu trăm trấn phục
Phong Thần chín tám bốn xuân thu”.

Nguyên Thủy ngâm kệ xong rồi nói: “Tuy bây giờ ngươi xuống đời, nhưng ngày sau cũng về núi”.

Tử Nha lạy thầy giã bạn, ra khỏi cung Ngọc Hư.

Sư huynh Nam Cực Tiên ông theo đưa ít dặm, đến núi Kỳ Lân dặn Tử Nha: “Mấy lời thầy đã dạy hiền đệ chớ quên. Ngày nay xa cách, nhưng có lúc gặp nhau. Xin tạm biệt”.

Tử Nha lạy tạ, cáo từ Nam Cực Tiên ông rồi một mình thơ thẩn, nghĩ thầm: “Mình bỏ nhà lên núi tu Tiên đã lâu, nay không còn mẹ cha, con cháu, họ hàng cũng chẳng còn ai, biết trú ngụ vào đâu. Mình xuống trần chẳng khác chim lìa rừng cá xa vực, thật lẻ loi cô độc”.

(Ảnh minh họa: theepochtimes.com)

Suy đi nghĩ lại, Tử Nha sực nhớ đến một người bạn tri kỉ ở Triều Ca, trước kia thường lui tới tên Tống Dị Nhân. Nhưng chẳng biết mấy mươi năm qua, người ấy còn hay mất. Thế sự có đổi dời chăng? Nhưng nếu không đến với Dị Nhân thì biết trú ngụ ở đâu nơi cõi phàm này?

Thế rồi, Tử Nha đành nhắm hướng Triều Ca lần đến tìm người xưa cảnh cũ…

(Còn tiếp)

Đường Phong