Nhà máy 221 – cấm khu vũ khí hạt nhân do ĐCSTQ thành lập trên cao nguyên, nơi sản xuất “hai quả bom và một vệ tinh”. Nhưng đằng sau vầng hào quang, những tấn thảm kịch ít người biết đã xảy ra ở đó.

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Tại tỉnh Thanh Hải phía Tây Bắc Trung Quốc, trên cao nguyên cao hơn 3.200 mét so với mực nước biển, tại một nơi có tên là Kim Ngân Than, từng có một căn cứ địa nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân – Nhà máy 221.

Vào thời kỳ đỉnh cao, Nhà máy 221 có 18 xưởng, nhiều phòng thí nghiệm và tòa nhà trải rộng trên diện tích 570 km2. Có tới 30.000 nhà khoa học, công nhân và cảnh vệ đóng quân ở đó.

Tại đây, quả bom nguyên tử đầu tiên, quả bom nhiệt hạch đầu tiên và nhiều tên lửa khác nhau có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã ra đời.

Tuy nhiên, Ngụy Thế Kiệt, nhà vật lý từng làm việc tại Nhà máy 221, cho biết: “Đằng sau hào quang ‘hai quả bom và một vệ tinh’, rất nhiều người đã hy sinh đau đớn, và rất nhiều sự hy sinh đó là không cần thiết”.

Hôm nay, chúng ta sẽ dựa trên bài báo “Nỗi đau ở Kim Ngân Than” của Doãn Thự Sinh, nguyên phó sở trưởng thường vụ Sở Công an tỉnh An Huy, để nói về tấn thảm kịch ít người biết đã xảy ra ở đó.

Trục xuất dã man thổ dân du mục

Nhà máy 221, còn được gọi là “thành trì nguyên tử”, được khởi công xây dựng vào tháng 11 năm 1958 với sự giúp đỡ của các cố vấn Liên Xô, cơ bản hoàn thành vào năm 1964, và được ngoại giới biết đến với tên gọi “Xưởng cơ giới tổng hợp quốc doanh tỉnh Thanh Hải”.

Sở dĩ lựa chọn xây dựng căn cứ hạt nhân ở Kim Ngân Than là vì nó được bao quanh tứ phía bởi núi non, nội cảnh là đồng cỏ, địa hình bồn địa, rất ẩn khuất và dễ giữ bí mật.

Doãn Thự Sinh, người làm việc tại Sở Công an tỉnh Thanh Hải và điều tra vấn đề di dân ở Kim Ngân Than, cho biết: “Để xây dựng Nhà máy 221, việc di dân là tất yếu. Tuy nhiên, cách thức di dân ở Kim Ngân Than hồi đó cực kỳ dã man”.

Kim Ngân Than chủ yếu nằm ở huyện Hải Yến, tỉnh Thanh Hải. Trước khi di dân, từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1958, một sự kiện đã phát sinh tại địa phương.

Khi đó, huyện Hải Yến hưởng ứng lời kêu gọi “Đại nhảy vọt” của Trung ương ĐCSTQ và Tỉnh ủy Thanh Hải về việc tiến hành cưỡng chế “hợp tác hóa nông nghiệp” đối với các dân tộc thiểu số ở vùng thảo nguyên. Để đạt được mục tiêu của mình, chính quyền đã áp dụng một loạt các chính sách chuyên chế và thủ đoạn áp lực cao, bao gồm cả việc bỏ tù các nhân sĩ thượng tầng của các dân tộc thiểu số. Dân du mục sau nhiều lần giao thiệp với chính phủ không thành công, đã bộc phát sự phản kháng rộng rãi.

Kết quả là, dưới chỉ thị của Mao Trạch Đông, bí thư Tỉnh ủy Thanh Hải Cao Phong ca ngợi “phản loạn là tốt”, vì điều này giúp họ lấy cớ để đàn áp. Ngày 28/6/1958, Cao Phong phát biểu tại Thường vụ Tỉnh ủy: “Các mục khu vẫn có hình thế tốt, tức là chúng ta đã bắt được 7.000 tên phản cách mạng. Hình thế tốt này là do cuộc phản loạn mang đến cho chúng ta”.

Đồng thời, huyện Hải Yến trấn áp một “tập đoàn âm mưu phản cách mạng dưới cái tên ‘săn sói’”. Vì huyện Hải Yến chưa hề xảy ra phản loạn, nên hai chữ “âm mưu” đã được thêm vào, và tổng cộng hơn 700 người đã bị bắt. Chỉ có 63 người được tòa án xét xử, số còn lại không được đưa ra xét xử, Bộ Công an sau khi dự thẩm tự quyết định hình phạt, tòa án chiểu theo đó viết phán quyết thư, đóng con dấu chính thức, rồi gửi đến nông trường cải tạo lao động. Các bị cáo đều không nhận tội, không nhận liền bị đánh, kết quả đã đánh chết 17 người, đánh thương tật 40 người.

Trong bối cảnh đó, lấy lý do bảo vệ sự an toàn của các cuộc thử nghiệm bom nguyên tử và căn cứ chế tạo, việc di dân dã man khỏi khu vực Kim Ngân Than đã trở thành tất nhiên.

Vào thời điểm đó, tổng số người di dân lên tới hơn 9.000 người. Doãn Thự Sinh nói rằng thủ tục của chính quyền địa phương là: “Không tuyên truyền, không giải thích, không họp, không nói rõ trực tiếp với quần chúng. Mà là hạ một mệnh lệnh, yêu cầu (dân du mục) phải chuẩn bị xong trong vòng hai hoặc ba ngày, mỗi gia đình có thể mang theo ba con gia súc, vứt bỏ những gì không thể mang theo. Một số dân du mục chỉ được thông báo vào đêm hôm trước, sáng hôm sau đã phải rời đi. Toàn bộ quá trình được cảnh sát, dân binh cầm súng áp tống”.

Việc di dân bắt đầu vào ngày 20 tháng 10 năm 1958. Những di dân được phân phối đến huyện Kỳ Liên đã gặp phải một cơn bão tuyết ở núi Kỳ Liên, khiến hàng chục nghìn gia súc và con cái của họ phải chịu đựng tận cùng tra tấn; Họ cắm trại vào ban đêm, nhiều gia đình sống trong một lều, đau đớn vì đói và lạnh, cộng với việc bị đánh đập, bị mắng chửi và phải đi bộ suốt 26 ngày để đến đích, 304 người và 20.000 con gia súc đã chết trên đường. Ngoài ra, hơn 400 di dân được phân phối đến huyện Cương Sát đã chết trên đường đi. Khi những người nhập cư đến địa điểm được chỉ định, tất cả gia súc của họ đều bị tịch thu, họ trở nên trắng tay và phải làm việc trong nông trường để tồn tại.

Năm 2007, một di dân may mắn sống sót đã nói trong một cuộc phỏng vấn với một nhà điều tra người Mông Cổ: “[Coi] người không bằng gia súc. Chúng tôi không được coi là con người”.

“Nhị Triệu” đại náo Nhà máy 221

Di dân địa phương không phải là những người duy nhất phải chịu nạn bởi Nhà máy 221.

Sau khi “Đại Cách mạng Văn hóa” bùng nổ, toàn đảng, toàn quân, toàn dân đều bị cuốn nhập vào trong hạo kiếp. Toàn bộ hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất và trật tự sinh hoạt thông thường của căn cứ hạt nhân này đều bị đả loạn.

Tháng 11 năm 1969, Nhà máy 221 liên tiếp xảy ra hai sự cố, một lần là vụ trộm “tài liệu cơ mật”, đương thời được gọi là “tam đại án kiện”.

Ngày 25 tháng 11 năm 1969, Hoàng Vĩnh Thắng, tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương, đã đưa ra “thông báo về hành vi trộm cắp bí mật cốt lõi” cho toàn quân. Sau đó, Nhà máy 221 được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội. Tổ trưởng quân quản là Triệu Khải Dân, phó tư lệnh Hải quân kiêm phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Quốc phòng; Phó tổ trưởng là Triệu Đăng Trình, phó tư lệnh Lực lượng Không quân số 8.

“Nhị Triệu” đóng quân tại Nhà máy 221, đại họa liền với căn cứ hạt nhân.

Vương Tinh Hành, cựu xưởng trưởng Nhà máy 221, nhớ lại trong bài “Hạo kiếp ở căn cứ hạt nhân Thanh Hải”, rằng “Nhị Triệu” tuyên bố: “Trong nhiều năm, những kẻ phản bội, đặc vụ, phản cách mạng và phái tư bản ở đây đã tứ lập nhất thể, cấu kết với nhau, lang bái vi gian, chiếm đoạt đại quyền của đảng, chính phủ và nghiên cứu khoa học, tổ thành một vương quốc dưới lòng đất”. “Ở đây giai cấp thương nhân tân sinh cũng nhiều, hiện hành cũng nhiều, tập đoàn cũng nhiều”, “hết tổ này đến tổ khác”, cần “dùng sát nhân để mở ra cục diện”.

Cả hai người họ Triệu này bố trí “truy tổ chức”, “bắt hậu đài”, “bắt tập đoàn phản cách mạng”, xây hơn 40 giám ngục riêng, tự chế hơn 200 còng tay và dụng cụ tra tấn bức cung, đề xuất khẩu hiệu “quần chúng cách mạng rũ bỏ mấy cân thịt, khiến cho kẻ thù giai cấp mất đi mấy tầng bì”, không từ thủ đoạn bức bách công chức.

Trong vòng hai năm, “nhị Triệu” đã hư cấu ra 9 tập đoàn đặc vụ, 78 tổ chức phản cách mạng, 84 án phá hoại lớn; bắt giữ hơn 200 “đặc vụ Quốc dân đảng” và hàng nghìn “phần tử 16 tháng 5”; tra tấn, bức cung, dẫn đến hơn 310 công chức bị thương, bị tàn tật, 40 nhân viên tự sát và 5 người bị bắn chết vì những tội danh bịa đặt, hơn 80% cán bộ xưởng và khoa phòng, và 90% các nhân viên khoa học và kỹ thuật cao cấp và trung cấp bị thẩm tra, hơn 4.000 công chức bị bức hại.

Tạ Kiến Nguyên, người từng giữ chức vụ chủ nhiệm Văn phòng Quản lý Nhân viên đã nghỉ hưu của Nhà máy 221, viết trong bài báo của mình: “Tội hành mà ‘nhị Triệu’ gây ra tại Căn cứ 221 là không bút nào tả xiết. Họ giống phát xít hơn cả phát xít, đoạn quá khứ này không thể chịu đựng được khi nhìn lại!”

Cái gọi là “ba vụ án lớn” năm 1969 sau đó được phúc tra, kết quả là: Vụ nổ đầu cáp nhà máy điện do lâu năm không tu tạo tạo thành, vụ nổ thuốc nổ số 229 là sự cố trách nhiệm, những tài liệu cơ mật của xưởng số 7 bộ thực nghiệm đã bị thất lạc và không tìm thấy bằng chứng xác thực nào.

Vụ án chuyên gia chất nổ Tiền Tấn

Trong bi kịch tập thể này, chúng tôi cũng muốn nhắc đến một người – chuyên gia chất nổ Tiền Tấn.

Vào ngày 16 tháng 5 năm 1986, Đặng Giá Tiên, công thần của hai quả bom và một vệ tinh, đã phải chịu đựng cơn đau không thể chịu nổi trong cuộc phẫu thuật lần thứ sáu vì căn bệnh ung thư do bức xạ hạt nhân gây ra. Vào lúc đau đớn nhất, ông vẫn nhớ về người bạn cũ, giáo sư Tiền Tấn, nói rằng Tiền Tấn đã có những cống hiến cực đại về chất nổ cao năng lượng.

Năm 1988, Nhà xuất bản Đại học Stanford ở Mỹ đã xuất bản cuốn “Việc chế tạo bom nguyên tử của Trung Quốc”. Trong phần phụ lục của cuốn sách “Những nhân vật chủ chốt trong Chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc”, Tiền Tấn được đề cập cụ thể rằng: “Ông đã cải tiến công nghệ chế tạo thuốc nổ mạnh và ngòi nổ cho quả bom nguyên tử đầu tiên; bị bức hại đến chết trong Cách mạng Văn hóa”.

Tiền Tấn tốt nghiệp Khoa Hóa học Ứng dụng của Đại học Bắc Kinh năm 1944. Ông giảng dạy tại Đại học Bắc Kinh, Đại học Bắc Trung Quốc và Viện Công nghệ Bắc Kinh, sau đó được chuyển đến Viện thứ chín của Bộ Công nghiệp Cơ giới thứ hai với tư cách là phó nghiên cứu viên. 

Năm 1963, Tiền Tấn từ Bắc Kinh được mời đến Nhà máy 221 để tham gia chế tạo bom nguyên tử. Ông đã lãnh đạo nghiên cứu chế tạo thành công nhiều loại chất nổ năng lượng cao, có những cống hiến độc đáo cho vụ nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc.

Tiền Tấn là một thư sinh văn ưu nho nhã điển hình, khiêm cung hữu lễ, thích giúp đỡ người khác.

Theo bài báo “Chuyên gia về chất nổ nổi tiếng Tiền Tấn bị đánh đến chết trong Cách mạng Văn hóa”, một cấp dưới của ông kể lại: “Sự khiêm hòa cung cẩn của giáo sư Tiền Tấn thì ai cũng biết, nhưng đôi khi ông ấy cư xử như người hầu, điều đó khiến người ta thấy khó xử. Tôi nhớ vào ngày đầu tiên vào căn cứ, mệt quá nên tôi ngủ đến khi mặt trời lên cao, khi tỉnh dậy, tôi đã thấy bữa sáng trên bàn, nước được đổ vào chậu rửa mặt và bồn đánh răng, có người nói là chủ nhiệm Tiền đã làm chuyện này, tôi chưa bao giờ tin, nhưng sau đó tôi cùng ông ấy đi công tác, mới phát hiện ông ấy đã “bao” mọi mua đồ ăn nước uống trên đường đi, tôi mới tin lời đồn ấy là sự thật”.

Dưới tấm kính trên bàn làm việc của Tiền Tấn là một câu châm ngôn mà ông viết bằng nét chữ đều đặn gọn gàng: “Tĩnh tọa thường tư kỉ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, ý tứ là hãy ngồi im lặng và nghĩ về lỗi lầm của mình, đừng nhỏ to về lỗi lầm của người khác. Ông thường trầm mặc ít lời, khi hội họp, không bao giờ mở miệng trừ khi buộc phải nói điều gì đó.

Một vị học giả nhất tâm công tác, cẩn ngôn thận hành như vậy, mà sau khi “nhị Triệu” đóng quân ở Nhà máy 221, đã bị đả thành thành viên trọng yếu của cái gọi là “cứu quốc quân Quốc dân đảng chống Cộng phái đến Tây Bắc”.

Thuộc hạ của Tiền Tấn kể lại: “Giáo sư Tiền bị giam trong túp lều ‘quần chúng chuyên chế’. Nghe nói, tội danh này là ‘đặc biệt nghi ngờ’. Sự khiêm hòa cung cẩn, cư xử như người hầu và ít nói của ông đã trở thành chú thích cho ‘đặc biệt nghi ngờ’. Chẳng phải ông ấy từng tặng tiền cho một học sinh nghèo khổ sao? Ông ấy còn mua sách tham khảo, kem đánh răng và bàn chải đánh răng cho anh ta? Tiền đó chính là kinh phí đặc vụ! Mục đích là để phát triển tổ chức phản động! Nếu không thì còn có cách giải thích nào khác?”

“Ngay khi còn bán tín bán nghi, chúng tôi đã tổ chức một hội phê phán. Cuộc họp cực kỳ trầm mặc, rất ít người phát biểu, đối diện với lão nhân thành thực này, mọi người thực sự không có gì để nói. Tuy nhiên, không lâu sau cuộc họp, vấn đề của giáo sư Tiền ngày càng thăng cấp, thành lập tổ chuyên án, ông ấy bị giam trong một dãy nhà gỗ trong đoàn cảnh vệ, có nguồn tin cho biết vấn đề của ông ấy rất nghiêm trọng, rằng ông ấy lãnh đạo một tổ chức gián điệp ngầm lớn, quân hàm là ‘thiếu tướng’. Tuy nhiên, thái độ nhận tội của ông ấy rất tốt, khai cặn kẽ và đưa ra ‘liên lạc đồ’ của mình để được ‘xử lý khoan hồng’, người ta nói rằng ông ấy vẫn có thể làm chủ nhiệm, ‘lập công chuộc tội’, làm gương cho những phần tử ngoan cố khác”.

“Tuy nhiên, đúng lúc mọi người đang háo hức chờ đợi ông ra ngoài ‘lập công chuộc tội’ thì lại có tin: Giáo sư Tiền đã chết! Mọi chuyện diễn ra quá nhanh khiến người ta không còn thời gian để suy nghĩ về nguyên nhân cái chết của ông! Như thường lệ, một đại hội được tổ chức để chỉ trích việc ông ‘tự tuyệt với nhân dân’, nhưng hết thảy đều vô thanh vô tức, không có ngoại lệ. Mọi người cố gắng tránh nhắc đến tên ông như tránh né ôn dịch”.

“Vài năm sau, khi tội hành của tập đoàn Lâm Bưu bị vạch trần, một bác sĩ khám nghiệm tử thi cho biết, giáo sư Tiền đã bị đánh đến chết, với ‘nhiều vết thương trên cơ thể, gãy nhiều xương sườn và vết thương chí mạng ở trong đầu ông ấy’.”

“Thành trì nguyên tử” ở Kim Ngân Than hồi đó giờ đã trở thành “căn cứ biểu thị chủ nghĩa ái quốc” của ĐCSTQ, một bảo tàng vẫn luôn đóng cửa đối với người nước ngoài. Trong bảo tàng này, bạn không thể nhìn thấy những bi kịch của nó.

Tuy nhiên, tiền sự bất vong, hậu sự chi sư – nhớ về quá khứ chính là kim chỉ nam cho tương lai. Nếu chúng ta không liễu giải chân tướng lịch sử và nghiêm túc học hỏi những giáo huấn từ lịch sử, thì những bi kịch như thế sẽ lại diễn ra.

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch