“Nơi nào có ý chí, nơi ấy có con đường”. Ý chí là sức mạnh tinh thần, là bí quyết để thành công và vượt qua nghịch cảnh. Ba câu chuyện ngắn dưới đây sẽ truyền cho bạn cảm hứng sống, để bạn có thêm ý chí và nghị lực ấy.
1. Nghịch cảnh chỉ như con rồng giấy
Trong đời người, thường sẽ gặp phải rất nhiều đả kích đến từ bên ngoài. Nhưng những đả kích này rốt cuộc sẽ ảnh hưởng đến bạn thế nào, quyền quyết định sau cùng vẫn nằm trong tay bạn.
Ông nội làm cho tôi một con rồng giấy. Khe hở nơi khoang bụng của con rồng chỉ đủ chứa được mấy con châu chấu. Sau khi cho vài con chấu chấu vào trong đó, toàn bộ chúng đều chết cả, không một con nào may mắn thoát được.
Ông nội nói: “Châu chấu tính tình nóng nảy, ngoài việc cố sức giãy giụa vùng vẫy, chúng không nghĩ đến việc cắn rách bức tường giấy trước mắt, cũng không biết rằng nếu cứ đi mãi về phía trước thì có thể chui ra từ một đầu khác. Bởi vậy, dù cho nó có cái miệng giống như chiếc kìm sắt và đôi chân to với những chiếc răng cưa cũng chẳng có ích gì”.
Ông nội lại bỏ vào miệng con rồng giấy mấy con sâu ăn lá, sau đó đóng kín phần miệng con rồng lại. Và kỳ tích đã xuất hiện: Chỉ mấy phút sau, những con sâu ăn lá lần lượt chui ra từ phần đuôi con rồng.
Suy ngẫm: Vận mệnh thực chất luôn giấu kín trong chính tư tưởng của chúng ta. Rất nhiều người không vượt qua được nghịch cảnh hoặc lớn, hoặc nhỏ trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Không phải điều kiện của họ thua kém người khác, mà bởi họ không có ý chí bứt phá, cũng không đủ kiên nhẫn tìm kiếm phương hướng khác, từng bước từng bước đi lên phía trước, mãi cho đến khi trước mắt xuất hiện một lối đi.
2. Tảng đá cứng đầu trong tâm
Điều ngăn cản chúng ta khám phá và sáng tạo chỉ là chướng ngại trong tâm lý và tảng đá cứng đầu trong tư tưởng của chúng ta.
Trước đây, trong vườn rau của một hộ gia đình có tảng đá lớn nằm chình ình ở đó, chiều rộng khoảng chừng 40 cm, chiều cao khoảng 10 cm. Ai đến vườn rau nếu không cẩn thận thì sẽ vấp phải nó, nếu không té ngã thì cũng bị trầy xước. Người con trai hỏi: “Ba này, sao chúng ta không đào tảng đá đáng ghét đó lên rồi chuyển đi chỗ khác?”.
Người cha trả lời rằng: “Con nói đến tảng đá đó ư? Từ thời ông nội của con, cứ để mãi cho đến tận bây giờ, thể tích của nó lớn như thế, không biết phải đào đến lúc nào mới xong. Thay vì nhọc công nhọc sức đi đào tảng đá, chi bằng ta hãy đi đường cẩn thận một chút, có thể rèn luyện năng lực phản ứng của con”. Mấy mươi năm qua đi, tảng đá này vẫn nằm đó, và cậu con trai năm nào nay đã có con dâu.
Một ngày kia, cô con dâu uất ức nói: “Ba này, tảng đá ở trong vườn rau đó, con càng nhìn càng thấy chướng mắt, hay là hôm sau thuê người chuyển nó đi”. Người cha trả lời rằng: “Kệ đi con! Tảng đá đó rất nặng, nếu có thể chuyển đi thì khi còn trẻ cha đã làm rồi, sao lại để nó đến tận bây giờ chứ?”. Trong tâm người con dâu cảm thấy rất khó chịu, tảng đá lớn đó không biết đã khiến cô vấp ngã bao nhiêu lần rồi.
Một buổi sáng nọ, cô con dâu xách theo cái cuốc và một thùng nước, đổ thùng nước xung quang tảng đá lớn đó. Cô đã chuẩn bị tâm lý rằng có thể sẽ phải đào cả một ngày. Nào ngờ chưa đến mấy phút sau đã khều được tảng đá đó lên. Lúc này nhìn kỹ mới thấy kích cỡ tảng đá này không lớn như trong tưởng tượng, đều là bị cái vỏ bề ngoài đó che mắt mà thôi.
Suy ngẫm: Nếu bạn ôm giữ cách nghĩ xuống dốc là đi leo núi, thì sẽ không có cách nào leo lên được. Nếu như thế giới của bạn nặng nề và vô vọng, đó là bởi tự bạn nặng nề vô vọng mà thôi. Bởi vậy nếu muốn thay đổi thế giới của bạn thì trước hết cần phải thay đổi tâm thái của chính mình.
3. Nhẫn nại theo đuổi mục tiêu
Năm 1858, trong một gia tộc giàu có ở Thụy Điển có một bé gái xinh xắn chào đời. Tuy nhiên không lâu sau, đứa bé mắc phải triệu chứng liệt không rõ nguyên nhân, mất khả năng đi lại.
Một lần nọ, cô bé và người nhà cùng lên tàu đi du lịch. Vợ của vị thuyền trưởng kể cho cô bé nghe câu chuyện về chú chim seo cờ (hay còn gọi là chim thiên đường) của ông. Cô bé bị hấp dẫn bởi những câu chuyện về chú chim đó, rất muốn được tận mắt xem thử.
Thế là, người bảo mẫu để cô ở lại trên boong thuyền, tự mình đi tìm thuyền trưởng. Cô bé không cầm được tính hiếu kỳ, năn nỉ người phục vụ trên tàu dẫn cô đi xem chú chim seo cờ. Người phục vụ đó không biết chân của cô bé bị liệt, dẫn cô đi xem chú chim xinh đẹp đó.
Kỳ tích đã xuất hiện, cô bé bởi khát khao quá mức, lại quên mất rằng chân mình bị liệt mà nắm lấy tay của người phục vụ, chầm chậm bước đi. Từ đó, bệnh của cô bé đã hoàn toàn khỏi hẳn. Sau khi lớn lên, cô lại quên mình vùi đầu vào việc sáng tác văn học, cuối cùng trở thành nhà văn nữ đầu tiên vinh dự nhận được giải Nobel văn học. Bà chính là Selma Lagerlöf.
Suy ngẫm: Hăng hái quên mình là con đường tắt để đi đến thành công, chỉ có ở trong loại cảnh giới này, con người mới sẽ vượt trên sự trói buộc của bản tự thân, phóng thích ra năng lượng lớn mạnh nhất ẩn sâu trong người mình.
Thiện Sinh biên dịch