Từ một chữ “Vong” (忘) này có thể thấy được hàm nghĩa sâu xa, lại có thể thấy được tại sao con người nhiều phiền não.

Hàm nghĩa chữ ‘Vong’ (quên) 

Người xưa vốn rất coi trọng đức. Người có đức dày mới có thể mang chở được vạn vật, từ đó danh – lợi đều tự có đủ đầy. Thất đức thì sẽ suy bại, đức hết thì sẽ diệt vong. Do đó người mưu cầu tài lợi, người tìm kiếm quyền thế thì trước hết phải coi trọng đức. Chịu khổ và làm việc thiện cho người khác thì tích được đức lớn.

Trong phần “Đại tông sư” sách “Trang Tử” có viết:

“Sông suối khô cạn, cá sống trên mặt đất bùn, chúng dùng hơi ẩm hà hơi cho nhau, dùng nước bọt thấm ướt cho nhau, quan tâm lẫn nhau, dựa vào nhau mà sống. Như thế này đâu bằng lúc sống ở sông hồ, vui vẻ tự tại quên lẫn nhau.

Người ta thường ca ngợi vua Nghiêu nhân đức mà chê cười vua Kiệt bạo ngược. Như thế này đâu bằng quên đi cả Nghiêu lẫn Kiệt mà đồng hóa với Đạo”.

Đạo đức như nước. Đạo gia ví xã hội con người với sông hồ, con người như cá trong nước. Xã hội có đạo đức cao thượng, sông hồ nước sâu sóng rộng, cá tự nhiên vui vẻ tự tại. Xã hội có đạo đức thấp kém, giống như sông hồ cạn khô nước nguồn. Mọi người như những con cá mắc cạn, thổi hơi nước cho nhau, giúp nhau cùng tồn tại. Như vậy đâu bằng quên lẫn nhau, chuyên cần tu dưỡng đạo đức. Đàm luận chuyện thị phi, đâu bằng nhảy ra khỏi thị phi, quên đi ngăn cách và mâu thuẫn, thanh tịnh vô vi, thuận theo tự nhiên.

Chữ “Vong” (忘) nghĩa là quên, gồm chữ Vong (亡) nghĩa là mất, chết và chữ Tâm (心). Tu Đạo là phải tu mất hết các cái tâm của người thường, từ đó phản bổn quy chân, trở về với bản tính, với chân lý Đại Đạo. Nhân tâm mất thì tâm tịnh, tịnh hóa nhân tâm thì đạt được thanh tịnh, đạo đức thăng hoa đến nhân tâm hết sạch chính là vô vi.

Lão Tử nói: “Tổn chi hựu tổn, dĩ chí vô vi”, chính là chỉ nhân tâm được trừ bỏ hết sạch, đạt đến trạng thái vô vi mà đắc Đạo viên mãn.

Quên là mất đi cái tâm phàm, tâm mất rồi thì sẽ ngộ. Trong “Hồng lâu mộng”, Chân Sỹ Ẩn trong lúc thất ý chán ngán, bỗng nghe thấy Đạo sỹ chân thọt hát bài “Hảo liễu ca” mà khai ngộ.

Hảo liễu ca (Bản dịch nhóm Vũ Bội Hoàng – Thi viện)

Người đời đều cho thần tiên hay,
Mà chuyện công danh lại vẫn say!
Xưa nay tướng soái nơi nào đây,
Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!

Người đời đều cho thần tiên hay.
Những hám vàng bạc lòng không khuây!
Suốt ngày những mong chứa cho đầy,
Đến lúc đầy rồi nhắm mắt ngay!

Người đời đều cho thần tiên hay!
Nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây!
Lúc sống ái ân kể suốt ngày,
Lúc chết liền bỏ theo người ngay!

Người đời đều cho thần tiên hay!
Muốn đông con cháu lòng không khuây!
Xưa nay cha mẹ thực khờ thay,
Con hiền cháu thảo ai thấy đây!

Bài “Hảo liễu ca” của đạo sỹ chân thọt đánh thức Chân Sỹ Ẩn trong mê. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Sỹ Ẩn nghe rồi liền nghênh đón nói: “Ông nói gì mà cứ “hảo liễu, hảo liễu”  (tốt rồi, hết rồi) như vậy”.

Đạo Sỹ cười nói: “Nếu ông đã nghe được 2 chữ “hảo liễu”, thì cũng coi là đã minh bạch. Thế mới biết trên đời muôn vạn sự, tốt rồi chính là hết rồi. Nếu còn chưa hết thì còn chưa tốt. Nếu muốn tốt, thì phải hết. Bài hát này tên là “Hảo liễu ca” (Bài ca tốt rồi, hết rồi)”.

Sỹ Ẩn vốn là người có ngộ tính tốt, nghe những lời này, trong tâm liền triệt ngộ, thế nên cười và nói: “Hãy dừng lại, đợi tôi chú giải “Hảo liễu ca” này xem sao?”.

Đạo sỹ cười: “Xin mời”.

Sỹ Ẩn liền ngâm nga: (Bản dịch của Chánh Bình)

Nay nhà vắng tanh, xưa đầy yến oanh;
Nay cỏ dại tràn, xưa là vũ trường.

Tơ nhện giăng bít ngõ, màn the rủ lạnh lùng;
Xưa nào phấn nào hương, giờ tóc đã pha sương.

Nay nấm mộ tha phương, xưa lầu các uyên ương;
Xưa vàng bạc đầy rương, nay ăn xin bên đường.

Nói người mệnh dở hay, phận mình cũng lắt lay;
Xưa học bao điều hay, giờ đây xấu quá tay.

Những chọn nơi yên ấm, lại rơi vào lầu xanh;
Kén chọn mũ xanh hồng, lại mắc vào cùm gông.

Trước áo rách co ro, ấm no lại so đo;
Kịch đời vai diễn đủ tuồng. Nào ai biết quê hương chính mình?

Nghĩ ra lại thẹn với lòng;
Bao lần chuyển kiếp có mong được gì?

Đạo sỹ cười nói: “Hay lắm, tốt rồi, xong rồi, ta đi thôi”.

Hai người cười vui vẻ, dắt tay nhau nhằm hướng núi cao rừng sâu tiến bước.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Tại sao con người nhiều phiền não

Thứ nhất là nhân tâm danh lợi tình quá nhiều. Những tâm này hết thì không còn phiền não nữa. Vô dục vô cầu, sau đó mới có niềm vui vĩnh hằng.

Thứ hai là không tin mệnh Trời. Tin mệnh Trời thì mới thuận theo lẽ Trời, đối ứng sự vật cụ thể thì mới thuận lý, đó chính là thuận theo tự nhiên.

Thứ ba là sợ khổ, không thể chịu thiệt. Chịu thiệt thì bị người ta coi là kẻ ngốc nghếch, là chuyện đáng cười.

Nhưng người tu luyện chịu khổ thì mới tiêu nghiệp được. Có thể chịu thiệt thì mới là biểu hiện thực sự tin vào lẽ Trời. Nếu không thì làm sao tiêu nghiệp được? Nợ nghiệp hoàn trả như thế nào? Do đó người hiểu rõ lẽ Trời mới có thể chịu khổ lớn, mới có thể chịu thiệt lớn, cam tâm tình nguyện để cho người ta coi là kẻ ngu ngốc mà chẳng động cái tâm. ‘Đại trí nhược ngu’ chính là ý nghĩa này.

Quên nghĩa là mất đi cái tâm người thường, tâm mất rồi thì mới ngộ. Mất đi cái tâm phàm có lẽ chính là ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Sự thanh tịnh của cuộc đời và cội nguồn của vui vẻ hạnh phúc, không gì bằng cái tâm phàm kia đã chết. Cái tâm kia không chết mà tìm cầu tự tại thì quả là vọng tưởng.

Chữ Vọng (妄 – vọng tưởng) gồm chữ Vong (亡 – chết, mất) và chữ Nhữ (女 – bạn, anh – cũng viết 汝), như vậy vọng tưởng có nghĩa là hại chết bạn. Ai muốn hại chết bạn? Đó là cái tâm phàm biểu hiện bề mặt nhất. Không còn tâm người thường, tâm phàm thì không còn bạn.

Bạn từ đâu đến thì về nơi đó, nếu quên mất rồi thì chính là vọng niệm. Dằn vặt con người, hại chết bạn chính là cái đó: nhân tâm vọng niệm. Không tu bỏ nó đi thử hỏi có được không?

Theo Chánh Kiến
Kiến Thiện biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||68ddc9d48__

Xem thêm: