Tết Nguyên Tiêu là một trong những ngày lễ hội truyền thống của Trung Quốc, có từ thời Tây Hán vào hơn hai ngàn năm trước.
Nguồn gốc của Tết Nguyên Tiêu
Tục treo đèn trong Tết Nguyên Tiêu có từ thời Minh đế nhà Đông Hán (漢明帝; 28 – 75), nghe nói vào ngày 15 tháng Giêng hàng tháng, muốn cho các nhà tu ngắm Xá lợi Phật nên Phật giáo dùng cách đốt đèn kính Phật, vì thế hình thành tục treo đèn. Về sau nghi thức này đi vào dân gian, trở thành ngày hội lớn. Ngày lễ này qua quá trình phát triển đã đi từ cung đình đến dân gian, từ Trung Nguyên mở ra khắp Trung Quốc.
Vào thời Hán Văn Đế, ông đã định ngày 15 tháng Giêng gọi là Tết Nguyên Tiêu. Thời Hán Võ Đế, hoạt động thờ cúng “thần Thái Nhất” định ngày 15 tháng Giêng (Thái nhất: Quản toàn vũ trụ). Khi Tư Mã Thiên sáng tạo ra “lịch Thái sơ” đã gọi ngày Tết Nguyên Tiêu là ngày lễ quan trọng.
Ngoài ra có thuyết cho rằng tục đốt đèn Nguyên Tiêu bắt nguồn từ “thuyết Tam nguyên” trong Đạo giáo; ngày 15 tháng Giêng là Tết Thượng Nguyên, ngày 15 tháng Bảy là Tết Trung Nguyên, ngày 15 tháng Mười là Tết Hạ Nguyên. Ba vị quan quản Tam Nguyên là Thiên, Địa, Nhân, để Thiên quan vui vẻ thì Tết Nguyên Tiêu phải đốt đèn.
Thời gian ăn Tết Nguyên Tiêu theo quá trình phát triển ngày càng kéo dài. Vào thời Hán chỉ có 1 ngày, đến thời Đường là 3 ngày, thời Tống là 5 ngày, thời Minh là 10 ngày. Hoạt động lễ hội được tổ chức náo nhiệt và hoành tráng. Đặc biệt là cảnh đèn treo vừa nhiều màu sắc lại thiết kế tinh xảo, có thể nói là ngày vui nhất trong các hoạt động vui chơi giải trí vào mùa xuân. Đến đời nhà Thanh được bổ sung nhiều trò vui chơi giải trí khác, như múa rồng, múa sư tử, đi trong nhà thuyền, đi cà kheo, múa ương ca…, nhưng thời gian lễ hội rút ngắn chỉ còn 4 ~ 5 ngày.
Truyền thuyết dân gian về Tết Nguyên Tiêu
Dân gian có một số truyền thuyết thú vị về Tết Nguyên Tiêu, dưới đây xin giới thiệu qua:
1. Viên Thế Khải
Truyền thuyết này có liên quan đến Viên Thế Khải (袁世凯, 1859 – 1916), đại thần cuối triều Thanh và Tổng thống thứ hai của Trung Hoa Dân Quốc. Sau khi Viên Thế Khải chiếm đoạt được thành quả từ Cách mạng Tân Hợi đã định phục hồi ngôi vị Hoàng đế, nhưng lại sợ bị nhân dân phản đối. Một hôm ông ta nghe thấy có người rao bán bánh Nguyên Tiêu trên phố, giọng kéo dài: “Nguyên…. Tiêu.” Viên Thế Khải cảm thấy hai chữ “nguyên tiêu” có liên quan đến ngày tàn của mình, thế là trước Tết Nguyên Tiêu vào năm 1913 đã hạ lệnh cấm mọi người nhắc đến hai chữ “nguyên tiêu,” thay vào gọi là “thang viên” (Tangyuan, tức bánh trôi), hoặc “phấn quả” (Fenguo). Thế nhưng hai chữ “nguyên tiêu” không thể dễ dàng bị mất vì ý muốn của cá nhân ông ta.
2. Kỷ niệm ngày thành công giữ được tính mạng
Theo truyền thuyết, thời xưa có con chim thần bị thất lạc xuống nhân gian, nhưng không may lại bị người thợ săn không biết nên bắn chết. Sau khi Thượng đế biết đã vô cùng phẫn nộ liền ra lệnh cho thiên binh xuống nhân gian phóng hỏa vào ngày 15 tháng Giêng, tiêu diệt toàn bộ loài người. Con gái của Thượng đế có lòng lương thiện, không nhẫn tâm thấy những người vô tội phải chịu khổ nạn nên đã mạo hiểm báo thông tin này cho nhân gian. Mọi người khi biết tin thì vô cùng sợ hãi, nhưng không ai biết phải xử lý như thế nào.
Thế rồi có ông lão nghĩ ra cách: “Trong ba ngày, 14, 15, và 16 tháng Giêng, mọi người hãy treo những chiếc lồng đèn màu đỏ trong nhà, đốt tre trúc cho khói xông lên. Làm thế để Thượng đế tưởng mọi người đang bị thiêu chết.” Mọi người nghe có lý, phân công nhau đi làm.
Đến tối ngày 15 tháng Giêng, khi Thiên binh nhìn xuống trần gian thì thấy khắp nơi đỏ rực và tưởng nhân gian đang bị lửa thiêu, vì thế họ tâu lại với Thượng đế không phải phóng hỏa nữa. Từ đó cứ đến ngày 15 tháng Giêng hàng tháng mọi người treo đèn để kỷ niệm cho thành công này.
3. Diệu kế của Đông Phương Sóc
Tương truyền, thời Hán Võ Đế có vị quan đại thần được sủng ái gọi là Đông Phương Sóc (东方朔, 161 – 93 tr.CN), là người có cá tính lương thiện lại dí dỏm. Những người trong cung khi đắc tội với Hán Võ Đế thường nhờ Đông Phương Sóc cầu xin hộ.
Vào một ngày mùa đông có trận đại tuyết rơi nhiều ngày, Hán Võ Đế cảm thấy lòng buồn bực, Đông Phương Sóc thấy thế liền vào vườn hoa bẻ cho Hán Võ Đế một cành mai. Khi vào trong vườn ông chợt thấy một cung nữ đang khóc lóc đau khổ và chuẩn bị nhảy xuống giếng tự tử. Đông Phương Sóc vội đến ngăn lại rồi hỏi nguyên nhân. Thì ra cung nữ này tên là Nguyên Tiêu, nhà có cha mẹ và em gái. Từ sau khi vào cung nàng đã không được gặp lại gia đình, cứ mùa xuân về hàng năm thì nỗi nhớ nhà lại trào dâng. Nguyên Tiêu nghĩ, không được ở bên cạnh báo hiếu cho cha mẹ chẳng bằng chết đi cho xong, nghĩ thế nàng định nhảy xuống giếng tự tử. Đông Phương Sóc biết chuyện vô cùng cảm động, ông hứa sẽ giúp nàng được đoàn tụ với gia đình.
Hôm đó, Đông Phương Sóc ra khỏi cung, lên phố ở Trường An mở một quầy xem bói. Có nhiều người tranh nhau đến đòi rút thẻ xem. Không ngờ, tấm thẻ mọi người rút được đều là “ngày 16 tháng Giêng bị lửa thiêu thân.” Thế là thoáng chốc, một trận hoảng loạn nổi lên khắp thành Trường An, mọi người kéo nhau đến tìm cách giải nạn.
Đông Phương Sóc nói: “Tối ngày 13 tháng Giêng, thần lửa sẽ phái một nữ thần áo đỏ xuống trần thiêu đốt thành Trường An, tôi đã sẽ chép lời Phật cho mọi người để mọi người nhờ Thiên tử nghĩ cách.” Nói xong, Đông Phương Sóc ném ra một tờ giấy đỏ, ngênh ngang bỏ đi. Mọi người nhặt tờ giấy lên rồi vội gửi đến hoàng cung để trình lên vua. Hán Vũ Đế nhận được, mở ra xem thì thấy viết rằng: “Trường An sắp gặp nạn hỏa thiêu, đêm ngày 16 lửa sẽ bùng cháy.”
Hán Vũ Đế đọc xong thì giật mình, vội cho mời Đông Phương Sóc đa mưu túc trí đến. Đông Phương Sóc nói: “Nghe nói thần lửa thích ăn bánh trôi, có phải nàng Nguyên Tiêu trong cung thường làm bánh trôi cho bệ hạ không? Hãy cho nàng ấy làm món này vào đêm ngày 15 để bệ hạ thắp nhang dâng cúng, và lệnh cho mọi nhà trong kinh đều làm theo để cúng thần lửa. Lệnh cho mọi nhà trong thành treo đèn lồng màu đỏ và đốt pháo cho khói tỏa ra vào đêm ngày 16, tạo cảnh giống như lửa đang cháy khắp nơi, làm như thế có thể qua mắt được Ngọc đế. Ngoài ra, hãy thông báo cho bách tính ngoài thành biết để tối ngày 16 vào trong thành ngắm đèn, giải nạn.” Hán Vũ Đế nghe xong cảm thấy thích thú, liền truyền lệnh cho Đông Phương Sóc cứ theo cách đó làm.
Vậy là đến ngày 16 tháng Giêng, khắp Trường An giăng đèn kết hoa, du khách kéo đến như trẩy hội, khung cảnh vô cùng náo nhiệt. Cha mẹ của Nguyên Tiêu cũng dẫn em gái nàng vào thành ngắm đèn. Khi họ trông thấy cái đèn lồng có viết chữ “Nguyên Tiêu” thì kinh ngạc gọi to: “Nguyên Tiêu! Nguyên Tiêu!” Nguyên Tiêu nghe được cũng cũng reo lên, cuối cùng được đoàn tụ cùng cha mẹ và em gái. Đêm đó quả nhiên thành Trường An vừa yên bình lại vô cùng vui vẻ.
Hán Vũ Đế cũng cảm thấy thích thú, ông ra lệnh cứ ngày 15 tháng Giêng hàng năm phải làm bánh trôi dâng thần lửa, ngày 16 thì nhà nhà phải treo đèn đốt lửa. Vì Nguyên Tiêu là người làm bánh trôi ngon nhất nên mọi người gọi bánh trôi là bánh Nguyên Tiêu, gọi ngày này là Lễ Nguyên Tiêu.
4. Kỷ niệm dẹp loạn họ Lã thời Hán Văn Đế
Theo truyền thuyết này, Hán Văn Đế định ra Tết Nguyên Tiêu kỷ niệm ngày dẹp xong loạn Lã Lộc (吕禄). Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang qua đời, con Lã Hậu là Lưu Doanh đăng cơ, gọi là Hán Huệ Đế. Người này tính tình nhu nhược, thiếu quyết đoán, vì thế quyền hành dần rơi vào tay Lã Hậu. Sau khi Hán Huệ Đế bị bệnh qua đời, Lã Hậu đã biến thiên hạ của họ Lưu thành thiên hạ của họ Lã, vì thế các đại thần trong triều cùng hoàng tộc họ Lưu vô cùng căm phẫn, nhưng vì Lã Hậu tàn bạo nên chỉ biết im lặng.
Sau khi Lã Hậu bị bệnh qua đời, họ Lã hoảng loạn, sợ bị lật đổ. Thế là họ cùng nhau đoàn kết với tướng quân Lã Lộc, định phế bỏ hoàn toàn quyền lực của họ Lưu.
Sau khi Tề Vương Lưu Nang biết tin đã quyết định khởi binh đánh dẹp loạn họ Lã. Dẹp loạn xong, người con thứ hai của Lưu Bang là Lưu Hằng đăng cơ, định ngày dẹp xong loạn là 15 tháng Giêng là ngày vui của toàn dân, kinh thành nhà nhà giăng đèn kết hoa, mừng thắng lợi.
Theo Secretchina
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm: