Trên hành trình nhân sinh vất vả bộn bề, có những niềm vui ngọt ngào như dòng suối mát lòng người lữ khách. Người xưa đúc rút ra 4 niềm vui lớn nhất của đời người, bạn đã nếm trải bao nhiêu trong đó?

Uông Thù, tự Đức Ôn, thời cuối Bắc Tống, lên 9 đã biết làm thơ phú, được ca ngợi là Thần đồng. Uông Thù tài thơ lai láng, ông đã viết rất nhiều thơ tuyệt cú, đều là những bài thơ ngắn rất thuận tiện cho trẻ em học, ghi nhớ.

Đương thời có trường tư thục đã tập hợp lựa chọn biên tập 45 bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú của Uông Thù thành tập “Thần đồng thi”. Ở nước ta, các cụ gọi là “Ấu học ngũ ngôn thi”, đồng thời có thêm một số bài thơ khuyết danh nữa.

“Thần đồng thi” có văn từ thông tục dễ hiểu, rất thích hợp cho nhi đồng ngâm tụng ghi nhớ. “Thần đồng thi” cùng với “Tam tự kinh” cùng được ca ngợi là “Cổ kim kỳ thư”, và là tài liệu chủ yếu dạy nhi đồng, được lưu truyền rất rộng rãi và có ảnh hưởng sâu sắc ở các nước Á Đông.

Một trong số 45 bài thơ tuyệt cú trong “Thần đồng thi” viết về 4 việc đại hỷ trong đời người, được mọi người tán thưởng, thường ngâm nga lúc trà dư tửu hậu, và cũng khai mở nhiều triết lý nhân sinh.

Nguyên văn chữ Hán:

久旱逢甘露,

他鄉遇故知;

洞房花燭夜,

金榜題名時。

Âm Hán Việt:

Cửu hạn phùng cam lộ,

Tha hương ngộ cố tri;

Động phòng hoa chúc dạ,

Kim bảng đề danh thì.

Dịch nghĩa:

Hạn hán lâu ngày bỗng có trận mưa rào ngọt như nước cam lồ

Tha hương nơi đất khách quê người bỗng gặp được cố tri

Đêm động phòng hoa chúc (đêm tân hôn)

Lúc thấy tên mình trên bảng vàng (đỗ tiến sỹ).

Đời người đều trải qua gió mưa, sau cơn mưa lại được ngắm cầu vồng bẩy sắc màu rực rỡ, có buồn cũng có vui. Dưới đây là “Tứ đại hỷ” (4 niềm vui lớn), không dễ gì có được. 

(Ảnh: SYPI )

Cửu hạn phùng cam lộ

Thời xưa nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, mưa thuận gió hòa là mong ước của cả xã hội. Hạn hán lâu ngày là tai họa giáng xuống cho cả một vùng, không lương thực thực phẩm, có nguy cơ chết đói. Ngoài ra, khí trời nóng nực khô hạn, kéo dài cũng gây nhiều phiền toái và khó chịu cho con người, gây nhiều bệnh tật cho người và gia súc.

Giữa lúc hạn hán kéo dài, nguy cơ trùng trùng ấy, trời bỗng đổ cơn mưa rào ngọt ngào như nước cam lồ, có khác nào trở về từ cõi chết, vạn vật hồi sinh.

Tha hương ngộ cố tri

Xưa người ta sống quây quần trong dòng tộc, làng xã. Dù đi đâu, làm gì cũng quy về quê cha đất tổ. Chỉ những người nghèo khổ, hết đường sinh sống ở quê nhà mới buộc phải giũ áo ra đi, tha hương cầu thực. Nơi đất khách quê người, cun cút một mình, lủi thủi cô độc, không họ hàng thân thích, cũng chẳng bạn bè người quen. Bỗng một hôm nơi tha hương đất khách đó gặp lại bạn tri kỷ, gặp được người cố tri, thử hỏi còn gì vui sướng bằng.

Con người sống trong quần thể, sống giữa những mối quan hệ gia đình, huyết thống, làng xóm, bằng hữu. Con người dù vĩ đại đến đâu, mạnh mẽ đến đâu cũng khó lòng mà chịu nổi nỗi cô đơn. Nhất là người xa nhà, xa người thân, nỗi nhớ nhà, nhớ quê cha đất tổ, bao đắng cay cực khổ, bao tâm sự trong lòng nào biết thổ lộ cùng ai. Giữa lúc cô khổ đơn côi, gặp người cố tri, niềm vui sướng như từ trên trời rơi xuống, bất ngờ, thú vị.

Động phòng hoa chúc dạ

Chuyện vui cả đời người là kết thành đôi lứa. Kết hôn là niềm vui của đời người, của gia đình, dòng tộc. Người xưa quan niệm hôn nhân là cái duyên thiên định, một đời chỉ kết hôn một lần, nên mới có câu: “Tu trăm năm mới đi chung một chuyến thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”. Tình nghĩa vợ chồng đi qua nhiều kiếp mới đến được với nhau.

Vậy nên, đêm động phòng hoa chúc chẳng phải là niềm vui lớn cả đời người đó sao.

(Ảnh: Vavgallery.com)

Kim bảng đề danh thì

Xưa trong xã hội kinh tế nông nghiệp, cơ hội cho các thanh niên, trí thức không nhiều. Vậy nên ai ai cũng miệt mài sôi kinh nấu sử, chỉ mong thi cử đỗ đạt thành danh. Chế độ khoa cử xưa, hàng ngàn người thi mới có vài người đỗ đạt. Đỗ tiến sỹ, còn gọi là ông nghè, vinh quy bái tổ, rạng danh dòng tộc, vinh dự quê hương.

Thập niên song hạ vô nhân vấn,

Nhất cử thành danh thiên hạ tri.

Nghĩa là:

Mười năm dùi mài học tập bên cửa sổ, không có người hỏi đến,

Chỉ một khoa thi đỗ đạt, thành danh, cả thiên hạ đều biết đến.

(Ảnh: Pinterest)

Thi cử xưa khó khăn bao nhiêu, các sỹ tử phải nỗ lực suốt mười năm trời, có người cả cuộc đời học hành, đến già vẫn còn dự thi, chỉ mong có được chút công danh, mà không toại nguyện. Thế nên, con đường càng gập ghềnh chông gai, đường đi càng khó khăn vất vả, công sức nỗ lực bỏ ra càng nhiều, quyết tâm càng cao, thì khi đạt được mục tiêu, đạt được mục đích, niềm vui sướng mới to lớn, thành công mới vĩ đại.

Triêu Lộ