Nguyên nhân chính vẫn dục tình,
Có tình có dục rành rành tự nhiên.
Sa Môn tu luyện thường xuyên,
Quên tình cắt dục là thiền đó thôi.

Tây du ký* kể về 81 nạn trên hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng, mà khá nhiều trong số đó là khảo nghiệm liên quan tới tình, sắc. Khi thì Đường Tăng bị nữ vương đem lòng yêu mến, lúc thì Bát Giới lấy vợ hụt bị trói chặt qua đêm… Hầu hết các khảo nghiệm sắc tình đều nhằm vào Đường Tăng – nhà sư với dung mạo phi phàm, anh tuấn; hoặc Bát Giới – người còn tham ái dục chốn nhân gian. Riêng Tôn Ngộ Không từ đầu đến cuối dường như đều bận rộn đánh nhau với yêu quái, tình sắc chẳng phải là vấn đề. Kỳ thực, có một lần, Tôn Hành Giả đã vấp phải khảo nghiệm sắc tình, chỉ vì “tiếc ngọc thương hoa” mà để sổng yêu tinh, khiến thầy trò suýt bị đầu độc chết.

Tây du ký, hồi thứ 72 “Động Bàn Ty bảy tinh mê gốc, Suối Trạc Cấu Bát Giới quên hình” kể về việc Đường Tăng đi xin cơm chay, thấy toà am cảnh sắc thanh nhã thần tiên chẳng ngờ sa vào hang ổ của bảy yêu tinh nhện. Chúng trói chặt Đường Tăng rồi phun tơ loang loáng mù mịt cả cửa động, chờ sẽ ăn thịt. Tôn Ngộ Không từ xa trông thấy một vùng sáng loà, biết sư phụ gặp nạn mới lại gần xem xét. Sau khi thăm hỏi thổ địa vùng này, biết được các nữ yêu chiếm suối Trạc Cấu, chuẩn bị đến giờ đi tắm, Tôn Đại Thánh bèn biến hình để đi bắt chúng. 

“Đại Thánh bèn trổ thần thông, biến thành một con nhặng xanh, đậu trên ngọn cỏ ven đường chờ đợi. Một lát sau, bỗng nghe thấy tiếng rào rào như tằm ăn rỗi, như nước triều dậy, trong khoảng thời gian chỉ độ uống xong chén nước, những sợi tơ đều biến mất hết, nhà cửa thôn trang lại hiện ra như cũ. Lại nghe kẹt một tiếng, cánh cửa sài mở ra, từ trong bảy cô gái đi ra cười nói ầm ĩ. Hành Giả lẳng lặng để ý, thấy mấy cô kề vai sát tay cười tươi nói nói, bước qua cầu, thật là tao nhã. Chỉ thấy:

Thơm tho hơn cả ngọc ngà
Dung nhan tươi tắn như hoa trên cành
Thướt tha vẻ liễu mùa xuân
Miệng cười chúm chím đỏ hồng đôi môi
Tóc mây thoa ngọc sáng ngời
Gót sen trắng muốt hé nơi ống quần
Khác nào tiên nữ giáng trần
Hằng Nga cung Quảng xuống phàm du chơi

Hành Giả cười nói:

– Thảo nào sư phụ mình muốn đến đây xin cơm chay. Hóa ra là thứ của quý này. Bảy cô gái đẹp giả sử có muốn giữ sư phụ mình, dù muốn ăn thịt cũng chả đủ một bữa. Muốn để dành cũng chẳng nổi hai ngày; muốn lần lượt ra tay, thì cũng chỉ một lần là chết. Để ta đi nghe ngóng xem bọn chúng toan tính trò trống gì.

Đoạn Đại Thánh vo ve bay tới đậu trên mái tóc mây của cô gái đi trước. Vừa qua cầu, một cô gái đằng sau chạy vọt lên nói to:

– Các chị ơi, chúng ta tắm rửa nhanh rồi về băm lão hòa thượng béo ấy lên ăn nhé!

Hành Giả cười thầm nghĩ:

– Bọn yêu quái này tính toán dở quá! Sao không luộc lên có đỡ tốn củi không, việc gì phải băm?

Mấy cô gái đi về hướng nam, vừa đi vừa hái hoa nghịch cỏ, một lát sau, đã tới bên suối. Hành Giả nhìn thấy một tòa lâu đài cực kỳ tráng lệ. Khắp nơi hoa dại hương ngào ngạt, đầy lối lan huệ tốt sum suê. Một cô gái đi đằng sau chạy lên đẩy hai tấm cánh cửa ra kêu kẹt một tiếng. Ở hẻm trong có một hồ nước nóng”. 

“Suối tắm này chỉ là một cái hồ rộng chừng hơn năm trượng, dài hơn mười trượng, sâu chừng bốn thước, nhưng làn nước trong thấu đáy. Dưới đáy nước, bọt sủi lên lăn tăn như tràng châu chuỗi ngọc. Xung quanh bốn mặt có đến sáu bảy lỗ mạch thông ra đến hai ba dặm, chảy vào ruộng, nước vẫn còn ấm. Trên mặt hồ có ba gian đình. Trong đình kê một tấm kỷ tám chân ở sát vách sau. Hai bên trái có treo hai chiếc mắc áo sơn sặc sỡ. Hành Giả mừng thầm, vo ve bay lại đậu trên mắc áo.

Mấy cô gái thấy nước vừa trong vừa ấm, đều muốn xuống tắm. Cả bọn cởi hết quần áo treo lên mắc áo rồi nhảy xuống hồ tắm, bị Hành Giả nhìn thấy:

Áo lụa khuy đã cởi
Quần là cũng cởi dây
Bộ ngực trắng muốt dầy
Thân ngọc ngời như tuyết
Cánh tay băng tuyệt đẹp
Vai tròn thơm ngất ngây
Da bụng mềm trắng phây
Lưng eo thon kiều diễm
Đùi nở tròn trắng trịa
Gót sen nhỏ xinh xinh
Một khúc tình giữa thân
Huyệt phong lưu lồ lộ

Mấy cô gái nhảy ùm xuống nước giỡn sóng nghịch ngợm, tung nước nô đùa.

Hành Giả nghĩ:

– Ta mà đánh chúng, chỉ cần ngoáy cây gậy xuống nước, khác nào “chuột bị dội nước sôi”, cả lũ toi mạng hết, như thế đáng thương lắm! Đành rằng đánh chúng chết thật, nhưng cũng mất danh dự lão Tôn. Thường có câu: “Con trai không đánh con gái”. Đường đường là một đấng nam tử lại đi đánh mấy đứa con gái ranh, thực chẳng ra sao, không nên đánh chúng, chỉ cần dụng một kế tuyệt hậu, bắt chúng không dám rời đi đâu còn hay hơn nhiều”.

Ngộ Không bèn bắt quyết niệm chú, lắc mình một cái, biến thành một con chim ưng đói dang cánh bay đến, giơ móng sắc quắp hết bảy bộ quần áo treo trên giá rồi bay thẳng lên đỉnh núi, hiện rõ nguyên hình, gặp Bát Giới, Sa Tăng. Khi Bát Giới hỏi thăm vì sao mà lột được quần áo yêu tinh dễ dàng thế, Ngộ Không tường thuật sự việc và nói: “Tôi theo bọn chúng tới đó thấy chúng cởi quần áo xuống tắm, định đánh chết chúng, nhưng sợ bẩn cây gậy và mất danh dự”.

Cũng vì Ngộ Không chẳng dứt khoát ra tay mà Bát Giới lúc sau bị chúng phun tơ trói chặt, bản thân Hành Giả cũng phải một phen chiến đấu với lũ sâu bọ thành tinh con nuôi của nữ quái. Chưa hết, khi mấy thầy trò thoát khỏi động Bàn Ty, đi đến quán Hoàng Hoa, chẳng may đạo sĩ chủ quán lại là huynh đệ đồng song với bảy nữ yêu tinh. Bảy nữ quái đang ở đó bèn kể lể thù hận cũ, nhờ đạo sĩ hạ độc thủ cả bốn thầy trò. Cả Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng đều bị trúng độc suýt chết, Ngộ Không lại phải một phen chiến đấu vất vả, bị đạo sĩ yêu tinh phóng hào quang mù vàng chói lọi vây hãm vào trong, “tiến lên không được một bước, lùi lại chẳng nhấc được chân, chẳng khác nào bị giam hãm trong một cái thùng”, nhảy lên thì ngã lộn cổ xuống, đầu đau ê ẩm, da ở đỉnh đầu mềm nhũn cả ra. Ngộ Không bèn biến thành con lăng lý lân, chúi chiếc đầu cứng xuống đất, chui liền một mạch hơn hai mươi dặm mới thoát khỏi vùng hào quang. Lúc này, Ngộ Không “cảm thấy thịt nhũn gân tê, toàn thân ê ẩm, ngăn không được hai hàng lệ ứa ra, cất tiếng khóc nức nở:

Nhớ xưa theo đạo rời non
Sang Tây cất bước lên đường gian truân
Sóng to biển cả không sờn
Ai ngờ ngòi hẹp nên cơn cớ này!”

Về sau, may nhờ có Lê Sơn Lão Mẫu chỉ điểm, Ngộ Không mời được Tỳ Lam Bồ Tát tới thu phục đạo sĩ yêu tinh, thầy trò mới thoát khỏi kiếp nạn. Bảy nữ yêu tinh phun tơ tượng trưng cho “thất tình”, là cái tơ tình vương vấn quấn quýt vây hãm người tu luyện. Ma nạn này tuy xuất phát từ việc Đường Tăng sa phải lưới tình, nhưng Ngộ Không cũng không tránh khỏi một phần trách nhiệm khi “tiếc ngọc thương hoa” mà để sổng yêu quái. Chỉ một phút mềm lòng không dứt khoát, cũng dẫn tới chuỗi đau khổ không dứt về sau.

Hồi thứ 73 có tên là: “Hận cũ bởi tình, gây nên đầu độc mới, Đường Tăng gặp nạn, Tỳ Lam phá hào quang”, cái tên đã tiết lộ hàm ý thâm sâu của tác giả. Vì tình mà sinh hận, vì tình chưa hoàn toàn cắt đứt nên mới bị đầu độc một lần nữa. Giới tu luyện coi dục tình như thuốc độc, ái tình quả thật có thể khiến người ta chìm đắm mê mờ, quên đi gốc thiện, chân tâm hấp hối. Nhi nữ dịu dàng xinh đẹp nên chẳng nỡ lìa xa, mà dùng dằng giao hoan thì trái đạo. Dục tình quả là một “tử quan” đối với người tu luyện.

Tôn Ngộ Không suốt dọc đường thỉnh kinh đã diệt trừ nghìn ma vạn quái, nện một gậy Như Ý là quái ma thịt nát xương tan. Đã là yêu quái thì nam hay nữ vẫn là tà ác, chẳng lẽ yêu quái nam thì giết, mà yêu quái nữ lại tha sao? Vì vẫn chấp vào sắc tướng bề ngoài, nên Ngộ Không mới khởi niệm thương hoa tiếc ngọc. Ma nạn ở động Bàn Ty và quán Hoàng Hoa là bài học nhớ đời với Ngộ Không, cũng là lời cảnh tỉnh cho những người tu luyện: Phải dùng tuệ nhãn nhìn thấu giả tướng nơi thế gian, kiên định quyết tâm diệt trừ ma tính.

Mắt chẳng nhìn nữ sắc,
Tai chẳng nghe dâm thanh.
Coi châu báu, mặt đẹp như vại sành,
Coi nhung lụa, dung nhan như đất sét
Đất Phật đường dài chân bước miết,
Cả đời tâm chỉ biết tham Thiền.
Còn đâu nghĩ tiếc ngọc thương duyên,
Chỉ một niềm tu tâm dưỡng tính.

Ảnh: Phim Tây Du Ký 1986

*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.

Video: Một niệm sắc dục khởi lên, lập tức chiêu mời yêu ma đến

videoinfo__video3.dkn.tv||342483c0f__