Trong lịch sử xưa nay rất nhiều những câu chuyện về những anh hùng trượng Nghĩa. Có một tấm gương trong sáng cho biểu tượng của chữ Nghĩa, nhưng lại không phải là một anh hùng danh tiếng lẫy lừng. Nhưng việc làm và hành động của ông đã trở thành một nghĩa cử cao đẹp lưu danh sử sách mà người đời sau mãi ghi nhận.

Ông chính là Ngỗi Thuận, người âm thầm rửa án oan Nhạc Phi. Ngỗi Thuận đã thêm một lần nữa cho người đời hiểu được sâu hơn về chữ Nghĩa. Dám lên tiếng, nói lên nỗi oan trái, đòi lại công bằng và bảo vệ cho người tốt.

Nhạc Phi được biết đến là một vị đại tướng có tài thao lược cầm binh, Ông nổi tiếng là một bậc trung quân ái quốc, dám xả thân mạng vì dân, vì xã tắc. Tấm lòng chính trực thanh liêm của Nhạc Phi được quân dân thời đó hết lòng tôn kính.

Nhưng kẻ gian thần vì lòng ghen ghét đố kị mà làm hại bậc trung thần. Triệu Cấu, Tần Cối một tay che trời, dựng lên một án oan vu khống cho Nhạc Phi.

Triệu Cấu, Tần Cối một tay che trời, dựng lên một án oan vu khống cho Nhạc Phi. (Ảnh: Xiaoming.info)

Vị đại tướng kì tài một đời tận trung báo quốc đã bị bắt giam và cực hình đau đớn. Trong ngục  Đại Lý Tự có một viên cai ngục vô danh tiểu tốt, âm thầm chứng kiến khí phách ngang tàn của vị đại tướng quân, hiểu được nỗi oan thấu trời mà đem lòng ái mộ và tôn kính Nhạc Phi.

Ngỗi Thuận, viên cai ngục dám xả thân làm việc nghĩa

Ngày Nhạc Phi bị lâm nạn, thi thể bị lũ gian tặc vứt đi. Viên cai ngục Ngỗi Thuận đã không quản hiểm nguy chu di cửu tộc, nhanh chóng đi tìm thi thể Nhạc Phi, từ trong nhà ngục Đại Lý Tự cõng ra, một mình âm thầm mang thi thể vượt qua tường thành Lâm An, ra Tiền Đường môn, trong màn đêm đen kịt, ở cánh đồng lặng như tờ, dũng khí và bản lĩnh của viên cai ngục là động lực giúp ông vượt muôn vàn gian khó, đã đưa được thi thể Nhạc Phi đến khu mộ sau núi, sau nhà ông, bên đền Cửu Khúc Tùng.

Ngỗi Thuận hành sự một mình trong đêm vắng, ông chẳng kịp sửa sang dung mạo, thay quần áo cho Nhạc Phi, liền nhanh chóng đặt vào quan tài đã chuẩn bị sẵn. Lấy chiếc vòng ngọc sinh thời Nhạc Phi đeo buộc vào dưới lưng ông. Đóng quan tài, hạ táng, lấp đất. Ngỗi Thuận lại đặt lên trên quan tài Nhạc Phi một chiếc ống chì có khắc chữ “Đại Lý Tự”, để làm ký hiệu.

Để không gây chú ý cho mọi người, Ngỗi Thuận lúc đó không đắp đất cao, chỉ trồng hai cây quýt trước mộ Nhạc Phi, sau này lại dựng một bia đá trước mộ, trên bia đá có viết “Mộ Giả Nghi” (mộ phụ nữ), để che mắt mọi người, đồng thời cũng là dấu hiệu để nhận biết.

Đau đáu trong mình sự thôi thúc minh oan cho Nhạc Phi, lấy lại công bằng cho ông, nên bất chấp cái chết Ngỗi Thuận dám liều chết nghĩa khí chôn di thể Nhạc Phi. Đây là hành động quả cảm của một con người tưởng chừng như vô cùng nhỏ bé bình dị này. Không danh phận, không chức trách, nhưng một lòng dũng khí, chỉ tin với sự công bằng của ông Trời, rồi một ngày Nhạc Phi sẽ được rửa mối oan kim cổ.

Trời giúp nghĩa sỹ, hành động của Ngỗi Thuận không bị bọn Triệu Cấu, Tần Cối phát hiện ra. Nghĩa cử của ông trong những năm Thiệu Hưng Nam Tống dưới sự thống trị bạo tàn nhuốm máu, đã được giữ kín tròn 21 năm.

Trong suốt những năm còn sống, Ngỗi Thuận chờ đợi từng ngày, theo sát diễn biến thời cuộc để đợi ngày Nhạc Phi được minh oan, nhưng thời gian chẳng đợi chờ người, ông không kịp đợi đến được ngày đó. Nhưng một hành động nữa khiến hậu nhân kính trọng cho hành động nghĩa khí của ông.

Ngỗi Thuận đã trăn trối lời cuối căn dặn con trai mình: “Ta sắp đi đây! Nhà ta có một bí mật, bây giờ ta nói cho con, con nhất định phải nhớ kỹ. Đó là, con chết cũng không được để mất Nhạc đại nhân!” Rồi ông nói tiếp: “Bên cạnh đền Cửu Khúc Tùng sau núi nhà ta có hai cây quýt, sau cây quýt có chôn đại tướng Nhạc Phi. Dưới lưng ông có buộc một vòng ngọc, sau này Nhạc đại nhân được minh oan, sẽ không tìm được hài cốt ông, quan phủ sẽ treo thưởng đi tìm, đến lúc đó, con hãy đi báo quan phủ, gọi người đến nhận dạng. Nhớ kỹ, bí mật này không thể nói với bất kỳ người nào, kể cả vợ con, nếu không sẽ có họa sát thân”.

Ngỗi Thuận cuối cùng căn dặn con: “Nhạc đại nhân cả đời anh hùng, cuối cùng lại chịu kết cục này, con nếu chết thì cũng phải truyền lại bí mật này cho các đời sau. Trời xanh có mắt, Nhạc tướng quân nhất định có ngày minh oan”.

Ông chết đi nhưng nỗi lòng còn đó, đau đáu một trăn trở chưa gột rửa được nỗi oan của Nhạc Phi, ông di chỉ cho con lời căn dặn như một lời nhắn nhủ, đời cha chưa toàn nguyện nay phó thác đại sự này cho con, nhất định phải rửa oan cho Nhạc tướng quân.

Ngỗi Thuận một lòng muốn cứu Nhạc Phi nhưng lực bất tòng tâm (Ảnh: Youtube)

Tháng 6 năm Thiệu Hưng thứ 32 (năm 1162), do Hải Lăng vương nước Kim dẫn quân đánh xuống phía nam, lại đốt lên ngọn lửa chiến tranh diệt nhà Nam Tống, lời kêu gọi kháng chiến chống quân Kim của quân dân Nam tống không ngừng vang lên, do bất lực, Triệu Cấu đành nhường ngôi hoàng đế của mình cho con nuôi Triệu Thận, tức Tống Hiếu Tông.

Tống Hiếu Tông lên tiếng kêu gọi đồng lòng tham chiến chống giặc, để thuận theo lòng dân, khích lệ ý chí chiến đấu chống quân Kim của quân dân, ngay tháng thứ 2 sau khi kế vị, ông đã hạ chiếu minh oan cho nhóm người Nhạc Phi, quan phủ treo thưởng 500 quan bạc trắng tìm di cốt Nhạc Phi, chuẩn bị an táng Nhạc Phi theo lễ.

Ngày 13 tháng 7 quan phủ dán cáo thị, 8 ngày sau, con trai Ngỗi Thuận dò xét được hoàng bảng thực sự không còn nghi ngờ gì, mới đem địa điểm thực sự mà cha ông đã bí mật chôn Nhạc Phi báo lên quan phủ, từ đó chân tướng án oan Nhạc Phi mới được minh bạch trước thiên hạ.

Hành việc nghĩa chính là vứt bỏ đi những toan tính lo sợ, vô tư lự mà hành sự

875 năm trước, một nhân vật nhỏ bé không lộ danh tiếng, ngay đêm giao thừa lịch âm Trung Quốc, tại Lâm An thủ đô vương triều Nam Tống, trong khi mọi người đang bận rộn trở về nhà xum vầy cùng gia đình bên bữa cơm của năm mới. Với một gia đình đây là việc làm ý nghĩa vô cùng. Nhưng có một Ngỗi Thuận đơn thân độc mã, bình tĩnh không sợ hãi, âm thầm cõng xác đi đào hố, liệm, an táng, lấp đất, làm ký hiệu.

Chu di cửu tộc là một cái giá không hề nhỏ cho một gia đình của một viên cai ngục nhỏ bé. Đại họa đó không sợ sao được. Nhưng riêng Ngỗi Thuận vì thấu hiểu Nhạc Phi bị oan, phần thiện lương trong ông thôi thúc. Phải hành động để bảo vệ cho Nhạc Phi, ngay cả khi Nhạc Phi đã chết. Thi thể ông nhất định phải được chôn cất vẹn toàn, nhất định sẽ phải rửa oan cho Nhạc Phi. Đó chính là hành động vì việc Nghĩa, vì trượng nghĩa mà làm.

Ngỗi Thuận ngay cả ngày sinh tháng đẻ cũng chẳng được lịch sử ghi chép, hư danh chẳng màng thế nhưng nghĩa cử của ông vượt trên cả nỗi sợ hãi kinh hoàng cho 9 đời. Vì điều gì? Dám đánh đổi tính mạng của dòng tộc vì một người xa lạ, chỉ vì tôn kính ngưỡng mộ mà dám bất chấp thảy mọi rủi ro có thể mang đại họa. Có lẽ nghĩa khí của một con người lớn hơn thảy sự lo sợ.

Lời ông căn dặn con mình quả nhiên đúng như ông dự tính. Con trai ông đã làm theo mà vụ án oan kim cổ của một vị đại tướng kì tài được thanh sạch.

Con trai Ngỗi Thuận đã làm theo mà vụ án oan kim cổ của một vị đại tướng kì tài được thanh sạch. (Ảnh: Xiaoming.info)

Ngày nay, trong miếu Nhạc Phi ở núi Thê Hà, hồ Tây Tử Hàng Châu không có tượng Ngỗi Thuận, vì đó là ngôi miếu do triều đình Nam Tống xây dựng. Tống Hiếu Tông chưa thể minh oan triệt để cho Nhạc Phi, ông không nghĩ được ý nghĩa sâu xa của Ngỗi Thuận nghĩa khí chôn Nhạc Phi.

Quê hương Nhạc Phi, trong miếu Nhạc Phi huyện Thang Âm tỉnh Hà Nam, bên trái tượng Nhạc Phi ngồi là bức tượng toàn thân Ngỗi Thuận, đó là dân gian góp tiền xây dựng. Nhạc Phi trong lòng người dân Trung Quốc là một vị Võ Thánh, mà Ngỗi Thuận liều chết nghĩa khí chôn Nhạc Phi là mẫu mực của kẻ sỹ nhân nghĩa Trung Hoa.

Ông là người chứng kiến đầu tiên Nhạc Phi bị nạn, cũng là công thần thiên cổ mà người đời sau nườm nượp đến miếu Nhạc Phi Hàng Châu, đều tỏ bày ngưỡng mộ.

Ngỗi Thuận tượng trưng cho một nghĩa cử cao đẹp của truyền thống đạo đức, thể hiện ngũ phẩm cao đẹp của bậc công thần: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Một lần nữa cho người đời hiểu được sâu sắc hơn về Nghĩa, phẩm đức mà Ngỗi Thuận mang theo là sự cao thượng của một bậc nhân trung. Trọng nghĩa, vì nghĩa mà khinh khi lo sợ.

Dám lên tiếng cho công đạo, dám xả thân cho sự thật, dám đứng lên bảo vệ cho cái đúng, cất tiếng nói và hành động của mình để người tốt không phải oan trái. Đó chính là hàm nghĩa của chữ Nghĩa mà trong ngũ phẩm đã nhắc tới.

Nhưng ngày nay, chúng ta dường như vì lo sợ tổn hại tới lợi ích bản thân, vì sợ hãi mà im lặng chẳng nói, thấy việc bất bình mà lặng thinh, thấy điều sai trái mà âm thầm bước qua. Phải chăng lo sợ đã làm dùi mài, thui chột đi nghĩa khí của một con người? Nếu như Ngỗi Thuận là tấm gương sáng về một nghĩa cử cao đẹp tạo lên danh tiếng để đời cho con người, thì cũng chính là minh chứng cho câu nói: Chỉ có con người mới tạo lên danh tiếng chứ danh tiếng chẳng tạo được con người, di ngôn mà người xưa để lại cho hậu thế.

Tham khảo: Minhhue.net
Tịnh Tâm