Trong hội họa truyền thống, có rất nhiều những bức họa thủy mặc về chim hạc. Chứng tỏ nó ẩn chứa một tầng ý nghĩa nào đó mà hình ảnh của nó rất được chú trọng.
Trong đánh giá nghệ thuật tạo hình, chim hạc được thường được quan sát đầu tiên, người ta nhìn hình ảnh của nó mà thưởng thức, phối cảnh của bức họa mà đánh giá tổng thể nội dung và hàm ý của bức họa.
Thủa xưa, các vương hầu muốn cống tiến vật phẩm cho hoàng đế để lấy lòng tin thường sử dụng biểu tượng chim hạc, được gọi là “nhất phẩm điểu” hay là “nhất phẩm đương triều”.
Hạc còn được dùng để ví với những người ưu tú nên sắc lệnh chiêu mộ hiền sỹ còn được gọi là “hạc bản”. Những thứ trên “hạc bản” được gọi là ” hạc thư” hoặc “hạc đầu thư”, những người tu hành và cảnh giới thoát tục, trí huệ khai thông được gọi là “hạc minh chi sĩ’’.
Ý nghĩa loài chim được đánh giá là biểu tượng của nghệ thuật tạo hình
Chim hạc là hình ảnh biểu tượng cao quý sau phượng hoàng là chim quan trọng nhất trong truyền thuyết và nghệ thuật Trung Hoa. Chim hạc được coi là hình ảnh của việc bất tử và là biểu tượng thông dụng nhất trong nhiều hình ảnh khác cùng mang ý nghĩa trường thọ và sự minh mẫn trí tuệ của con người được bồi đắp theo năm tháng mà tu bổ lớn lên.
Có nhiều truyền thuyết khác nhau về loài chim này, cổ nhân đúc kết có 4 loài hạc nổi tiếng, được phân biệt qua màu sắc lông: đen, vàng, trắng, xanh.
Loài hạc có tuổi thọ rất dài, đặc biệt là hạc có bộ lông màu đen, chính vì vậy mà nó có biểu tượng là sự trường tồn, là tuổi thọ và sự bền vững.
Nhưng trong hội họa, chim hạc thường được thể hiện với bộ lông màu trắng muốt. Đây lại là biểu tượng cho sự thanh cao, quyền quý, sự trong sáng và tinh khôi.
Sách cổ ghi lại rất nhiều điều liên quan tới đức tính của hạc, nhìn một cách tổng quát, hạc giống như một người quân tử, không dâm, không dục, trong sạch thuần khiết, tiếng kêu thánh thót, sánh với nhân tài.
Đầu hạc màu đỏ, hành hoả, nơi tập trung khí dương, tạo nên sự bền bỉ và sức sống dẻo dai.
Chúng ta thấy rất nhiều bức khắc họa hình tượng chim hạc với với đôi cánh dang rộng bay trên trời xanh, thể hiện cảm hứng thi ca và những ước vọng cao quý. Sự khao khát được sải cánh tự do bay giữa bầu trời rộng lớn tựa như chí khí của một bậc anh hùng hào kiệt ôm hoài bão vẫy vùng trong tự do tự tại.
Trong cuốn “Tướng hạc kinh” đã gọi hạc là ” thọ bất khả lượng” (sống lâu không thể tính) hay “hạc thọ thiên tuế” (hạc sống nghìn năm). Vì thế người đời sau dùng hạc để chúc phúc trường thọ, hay để mô phỏng cho sự bền vững.
Hình ảnh chim hạc trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí
Chim hạc thường xuất hiện trong điêu khắc trang trí đình làng với hình ảnh gắn liền của hạc – rùa (tượng tròn, đặt hai ban thờ Thành Hoàng làng), biểu tượng của sự trường tồn, vĩnh cửu, có ý nghĩa về thời gian và trục vũ trụ.
Trong quan niệm truyền thống, hạc và rùa cũng là những loài sống lâu hàng đầu. Cho nên đời sau thường dùng những từ như “hạc linh”, “hạc thọ”, “hạc toàn” với dụng ý cho sự trường thọ, bền vững. Hình ảnh biểu tượng rùa hạc xuất hiện nhiều trong tranh chúc thọ, các bình phong, hoặc tranh vẽ hay đồ chạm khắc.
Hình ảnh rùa và hạc được bài trí trong những ngôi đền, chùa linh thiêng, Có ý kiến cho rằng, hạc là con vật của đạo giáo. Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa trong nhiều ngôi chùa, miếu…, hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm – dương. Hơn nữa rùa có ý nghĩa là quy: sự quay trở về, hạc lại tượng trưng cho sự thanh cao, thuần khiết. Với dụng ý con người cần phải quay trở về với bản tính thiện lương, sự thanh cao và trong sáng ban đầu, đó chính là quay về với nguồn cội.
Theo truyền thuyết rùa và hạc là đôi bạn rất thân nhau. Rùa tượng trưng cho con vật sống dưới nước, biết bò, hạc tượng trưng cho con vật sống trên cạn, biết bay. Khi trời làm mưa lũ, ngập úng cả một vùng rộng lớn, hạc không thể sống dưới nước nên rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, rùa đã được hạc giúp đưa đến vùng có nước. Điều này là tượng trưng cho một tình bạn trong sáng, sự tương trợ giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn giữa những người bạn tốt.
Mặt khác, biểu tượng rùa cõng hạc trên lưng và mối liên hệ với hình ảnh lá cờ phướn dài, nhân dân ta còn có một câu chuyện thú vị khác. Theo một chuyện đời xưa kể lại, lá Phướn ở chùa là hình ảnh con rắn bị trừng phạt.
Chuyện kể rằng, người nông phu có nuôi một con rắn, hàng ngày anh chăm chỉ kiếm mồi để nuôi nó lớn. Rắn mỗi ngày mỗi lớn, nên việc kiếm ăn ngày một khó khăn. Một hôm, người nông phu nói với con rắn rằng, bữa hôm nay đói kém nên không thể kiếm ăn cho rắn được.
Rắn nghe nói thế bèn nổi giận và trở mặt, phồng mang, trợn mắt đòi cắn chết anh nông phu. Anh nông phu buồn rầu và nghe nói “cứu vật, vật trả ơn” nhưng sao rắn mình nuôi nó, nó lại đòi ăn thịt mình. Và rồi anh nông phu nói với rắn, vậy mi cùng đi với ta đến gặp một loài vật khác hỏi xem nếu nó đồng ý mi ăn thịt ta, ta sẽ bằng lòng ngay .
Rắn đồng ý và cả hai gặp con hạc. Anh nông phu kể lại tự sự, hạc nghe xong bèn nổi giận cho rắn là phường vong ân bội nghĩa, tội đáng chết. Nhưng rắn chưa chịu và đòi đi gặp con vật thứ hai. Và rồi cả hai lại gặp con rùa đang nằm bên lề đường. Rùa nghe rắn phân bua, bèn phán: “vậy mi cắn người nông phu chết cho rồi. Tại sao hắn nuôi mi mà để cho mi đói”
Anh nông phu đề nghị nên gặp thêm con vật thứ ba mới phân thắng bại vì vừa qua đã gặp hai con vật mà mỗi con lại có ý trái nhau. Rắn đồng ý và rồi trên đường lại gặp con quạ. Nghe xong cớ sự, quạ bèn nổi giận từ trên cành cao nhào xuống mổ con rắn chết ngay tức khắc.
Nhưng hồn con rắn không vừa lòng, bay đi tìm Đức Như Lai để nhờ phân xử. Đức Phật nghe rõ đầu đuôi câu chuyện rồi phán rằng:” Hạc là loài có nghĩa, từ nay được đứng trên cao. Rùa ăn nói vô lý, từ nay cho nó bò dưới thấp. Rắn là loài vô ân nên bị quạ giết là đáng lắm. Nên quạ tha xác rắn lên ngọn cây cho muôn loài soi gương mà ăn ở cho có nhân đức, đừng vô ân phản phúc”.
Từ đó hạc đứng chầu trên cao. Rùa đội chân con hạc. Quạ đậu trên cột phướn và lá phướn treo trước chùa là hiện thân xác rắn đang phơi mình cho mọi người trông vào đó mà tự răn lấy mình vậy.
Ý nghĩa của cặp biểu tượng hạc – tùng
Trong nghệ thuật chạm khắc, hạc cũng thường xuất hiện với gắn liền với cây tùng nên được gọi là hạc tùng.
Tùng là một loài cây có sức sống mãnh liệt, người ta thường thấy nó uy nghiêm mọc trên mỏm đá vươn xa về phía trước, như một chí khí anh dũng, sức sống và sự vươn lên của một con người.
Khi người ta khắc họa tùng và hạc thì bức tranh lập tức minh chứng cho chí khí, cốt cách của một con người, là sự trường tồn bền vững, là khao khát sải cánh giữa không trung, và là dũng khí đương đầu với mọi gian nan, thử thách…
Hoặc một hình ảnh khác chim hạc đứng trên mỏm đá với sự bề thế cùng cây tùng gọi là: hạc – thạch – tùng, cũng có ý nghĩa và biểu tượng của sự trường thọ, bền vững, dũng khí và bản lĩnh hay một tầng tượng trưng cho sự cao sang và an lạc.
Hạc là chim tiên, người ta nói nó có khí phách và phong độ của bậc tiên nhân đạo sĩ. Nó có quan hệ mật thiết với thần tiên của Đạo gia. Tương truyền tiên nhân thường cưỡi hạc, được gọi là “hạc giá”, “hạc ngự”, sau lại dùng để chỉ thần tiên đạo sĩ.
Tranh cát tường có “quần tiên hiển thọ” là bức tranh Thọ tinh cưỡi hạc bay trong không trung, bát tiên (hoặc quần tiên) chắp tay đứng nhìn.
Hạc là một hình tượng được gây dựng lên có sức ảnh hưởng rất lớn tới nghệ thuật tạo hình và hội họa. Sự xuất hiện của nó trong rất nhiều tác phẩm mà ngày nay người ta vẫn sử dụng rất nhiều trong tranh cát tường, có bức chỉ vẽ hạc như đoàn hạc, song hạc…
Nhưng phần nhiều được vẽ phối hợp với các động thực vật trường thọ khác, như phối hợp với cây tùng, cách phối hợp này khá nhiều, như “tùng hạc trường xuân”, “tùng hạc đồng xuân”, “tùng hạc hà linh”, “hạc thọ tùng linh”. Ngoài ra còn có các chủ đề quy hạc tế linh, quy hạc diên niên, lộc hạc đồng xuân.
Tịnh Tâm