Tại thời của vua Mặt Trời – Louis XIV, ông không chỉ tham gia biểu diễn và thiết kế nghệ thuật, mà còn giữ vai trò thống trị xu hướng nghệ thuật và thời trang thời bấy giờ, cũng thiết lập nên vị thế chủ đạo của nghệ thuật Pháp ở châu Âu.
Trong lịch sử nước Pháp, những vị vua yêu thích nghệ thuật không phải là con số nhỏ. Khi vua Louis XII chiếm Milan, ông dự định chuyển bức “Bữa ăn tối cuối cùng” trở lại Pháp; trong khi vua Francis I mời một số bậc thầy người Ý như Leonardo da Vinci sang Pháp sáng tác cho hoàng gia; vua Henry IV đã xây dựng cung điện Louvre, tạo ra một nơi lý tưởng để triển lãm tranh nghệ thuật của đất nước. Vua Louis XIV, với kiệt tác kiến trúc và nghệ thuật là cung điện Versaille, đã đưa nghệ thuật của nước Pháp mãi vang danh cùng lịch sử.
Vua mặt trời Louis XIV và nghệ thuật
Danh hiệu “Vua mặt trời” xuất phát từ vở ballet “Dạ khúc”. Vào thời điểm đó, Vua Louis mới 15 tuổi đã đóng vai chính thần mặt trời Apollo và được tôn sùng là “Vua mặt trời”. Trong thần thoại Hy Lạp, thần mặt trời Apollo chịu trách nhiệm về ánh sáng, chân lý, âm nhạc và nghệ thuật. Núi Panath nơi ông sống với các nữ thần đại diện cho cung điện nghệ thuật cao nhất. Louis XIV, người yêu thích văn học và nghệ thuật, tự xưng là Apollo, vị thần ánh sáng nghệ thuật, đóng vai trò là người lãnh đạo, bảo vệ nghệ thuật. Ông tin rằng sự vĩ đại của đất nước cũng có thể được đo lường bằng những thành tựu nghệ thuật, đại diện cho vinh quang và phẩm giá của đất nước.
Ngoài tình yêu với khiêu vũ, Louis XIV còn tham gia phát triển các màn trình diễn ba lê với các động tác quy chuẩn quy phạm, ngoài ra ông còn đam mê kịch. Ông ủng hộ Racine, tài trợ cho Molière và cố gắng duy trì và bảo vệ vở kịch của Molière khi nó gây tranh cãi. Nhà vua đã thể hiện một tình bạn sâu sắc với Molière, tình nguyện trở thành cha đỡ đầu của con trai cả của Molière, thậm chí đã thiết lập nhà hát kịch của Pháp sau cái chết của Molière, để tinh thần của những vở kịch đó được tiếp tục lan rộng.
Louis XIV đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật nước Pháp. Ông sưu tầm một số lượng lớn các tác phẩm nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới, số lượng các bộ sưu tập trong hoàng thất đã tăng lên hàng ngàn. Sau khi chuyển đến Versailles, Học viện Pháp, Đại học Nghệ thuật Tự do, Trường Hội họa điêu khắc và Viện Hàn lâm Khoa học đã được chuyển đến Louvre, cùng thỉnh mời các học giả và nghệ thuật gia tới tầng đầu tiên của Louvre và tầng hai của Grand Promenade. Đồng thời, những tài năng nghệ thuật được nhà vua tích cực bổ nhiệm, bộ trưởng Kelbey, phụ trách mảng hội họa Le Brun v.v. chịu trách nhiệm cải tiến các học viện nghệ thuật khác nhau.
Năm 1655, Trường Hội họa và Điêu khắc đã nhận được sự tán thưởng của Louis XIV và trở thành trường đại học đầu tiên đào tạo nghệ sĩ. Năm 1664, với sự hỗ trợ của Louis XIV, Kolber đã gây dựng học viện hội họa và điêu khắc trong Học viện Nghệ thuật Hoàng gia. Năm 1671, Đại học Kiến trúc Hoàng gia được thành lập để khuyến khích các nghệ sĩ tham gia vào kiến trúc và trang trí theo một mô hình chính thức.
Ông đồng ý với quan điểm nghệ thuật của Muffsin, coi các tác phẩm cổ điển thời Phục hưng của Ý như một mô hình nghệ thuật, đặc biệt là thành lập Học viện Hoàng gia Pháp tại Ý, thành lập các giải thưởng lớn. Do đó, các nghệ sĩ người Pháp đã kế thừa truyền thống cổ điển của Ý, đồng thời hòa nhập vào đó vẻ đẹp độc đáo của Pháp, đây là nét đặc biệt trong xu hướng Baroque của thế kỷ XVII. Kể từ đó, các tài năng nghệ thuật trình độ đại học của Pháp đã xuất hiện và dần thay thế nước Ý, khiến nghệ thuật nước Pháp nổi danh trong vòng hai trăm năm tiếp theo.
Cùng với sự thúc đẩy và xây dựng nghệ thuật vĩ đại nhất của vua Louis XIV, không thể không kể đến cung điện Versailles. Cung điện có vườn tuyệt đẹp này, kết hợp quyền lực hoàng gia với tài năng của giới tinh hoa nghệ thuật đương đại, ngay lập tức làm nổi bật mô hình cung điện cho các gia đình hoàng gia châu Âu khác noi theo.
Versailles – một xứ sở thần tiên
Năm 1661, sau khi vua Louis XIV lên ngôi không lâu, bộ trưởng tài chính của Pháp khi ấy đã chuẩn bị một buổi dạ vũ hoa lệ, mời vị vua trẻ đến ngôi nhà sang trọng của mình (Château Vaux-le-Vicomte), với mục đích muốn làm hài lòng nhà vua và thể hiện khả năng của mình, mà không nghĩ tới rằng việc này sẽ mang lại cho mình một đại họa. Nhà vua phát hiện ra được sự xa hoa trong ngôi nhà của viên quan này vượt xa hoàng thất, nên ông đã rất tức giận. Sau đó, ông cho bắt giữ viên quan, người đã lạm dụng ngân khố quốc gia, đồng thời cũng có hứng khởi cho xây cất một cung điện tráng lệ để xứng với địa vị cao quý của hoàng gia.
Theo đề nghị của Thủ tướng Exchequer, nhà vua bắt đầu cho sửa chữa cung điện Dulle và khu vườn, sau đó đã chi tiền để xây dựng cung điện Louvre. Tuy nhiên, do sự hỗn loạn ở Paris lúc đó, nhà vua cảm thấy rằng mình ở đó không đủ an toàn. Cuối cùng, ông đã chọn cách mở rộng cung điện săn bắn của vua cha Louis XIII ở Versailles, mặc dù lúc ấy nó vẫn còn là một khu rừng và đầm lầy. Dự án này được giao cho Louis Le Vau; thiết kế sân vườn được bàn giao cho André Le Nôtre; nội thất được giao cho Charles le Brun và các nghệ sĩ của Học viện Hội họa và Điêu khắc Hoàng gia.
Trong suốt quá trình thiết kế, đích thân nhà vua đã tham gia và đưa ra những lời góp ý. Louis XIV giữ lại tòa nhà do cha mình để lại, cho phép Louis Le Vau xây dựng một cung điện mới ở phía tây, phía bắc và phía nam của cung điện săn bắn cũ, bao quanh cung điện cũ. Mặt tiền phía đông của cung điện được bảo tồn như lối vào chính, lối vào trước cung điện được làm bằng đá cẩm thạch. Năm 1667, Louis Le Vau đã thiết kế các khu vườn và đài phun nước cho Versailles, và tất nhiên các tác phẩm chạm khắc tinh xảo của nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp Pierre Puget đã được sử dụng như vật trang trí tô điểm.
Năm 1674, kiến trúc sư Jules Hardouin Mansart tiếp quản dự án Versailles từ Le Vau. Ông đã cho xây thêm ở phía bắc và phía nam của cung điện, nhà thờ, chuồng ngựa và các tòa nhà phụ trợ khác, cộng với ba đại lộ xuyên tâm trước cung điện.
Tuy nhiên, thiết kế sáng tạo nhất của Mansart chắc chắn là một phòng hội trường tráng gương rực rỡ huy hoàng. Hội trường gương được xây dựng từ năm 1678 đến năm 1684, dài 73 mét, rộng 10,5 mét và cao 13 mét. Một bên là 17 cửa sổ vòm lớn đối diện với khu vườn, và một bên là mặt kính đối diện với cửa sổ hình vòm. Bảy cửa gương cong, mỗi cửa có 7 hàng, mỗi hàng gồm 21 mảnh gương. Cấu trúc của kiến trúc tráng lệ này không thể thiếu trang trí nghệ thuật. Họa sĩ hoàng gia Le Brun đã mô tả cảnh chiến thắng của Louis XIV ở Zenith, cho thấy quá trình diễn biến từ chiến tranh đến hòa bình. Hai bức tranh thiên đỉnh ở giữa hội trường có tựa đề “Quốc vương thống trị” và “Pháp thể hiện quyền lực đối với các nước láng giềng”. Hội trường tráng gương có tổng thể rộng rãi và sáng sủa, những chiếc đèn chùm pha lê khổng lồ và đèn gương dọc theo lối đi dạo phản chiếu lẫn nhau càng tạo nên một hiệu ứng lung linh tráng lệ.
Cung điện Versailles là kết tinh sự sáng tạo tập thể của giới tinh hoa nghệ thuật Pháp, bên cạnh các nghệ sĩ chính Le Vau, Lenot, Le Brun và Mansart, cũng như người kế vị của Mansart – Robert de Cotte, nhà điêu khắc chính của nhà vua – François Girardon (1628-1715) và nhà điêu khắc Anton cho các tác phẩm điêu khắc, chạm khắc tuyệt đẹp của Versailles. Antoine Coysevox, Pierre Puget, André-Charles Boulle, những người đã tạo ra vô số đồ nội thất cao cấp cho nhà vua cũng góp sức không nhỏ.
Tòa nhà chính của Cung điện Versailles cho đến năm 1688 mới được hoàn thành, việc xây dựng toàn bộ cung điện và khu vườn hoàn thành vào năm 1710. Vào ngày 6 tháng 5 năm 1682, Louis XIV đã tuyên bố di dời cung điện từ Paris đến Versailles. Tại thời điểm này Versailles đã trở thành tòa nhà cung điện lớn nhất, hùng vĩ nhất và sang trọng nhất ở châu Âu. Sau khi hoàn thành Cung điện Versailles, Louis XIV ngay lập tức gọi các nhà quý tộc chính yếu đến sinh sống tập trung. Đây cũng là chiến lược của Louis XIV, một mặt có thể theo dõi các quý tộc địa phương hùng mạnh gần đó, và thoát khỏi sự ly khai và nổi loạn của địa phương. Để thiết lập sự uy nghi của vương quyền, nhà vua thường tổ chức các nghi lễ lớn, tiệc tối, khiêu vũ, săn bắn và các hoạt động giải trí khác trong cung điện.
Louis XIV thích màu sắc tươi sáng, chất liệu tuyệt đẹp được trang trí bằng vải ren và cũng đòi hỏi các quý tộc phải chú ý đến nghi thức, trang phục. Ông cũng là người phát minh ra tóc giả và giày cao gót độc đáo, với trang phục áo choàng tuyệt đẹp và thanh lịch. Vì vậy, ân sủng cao quý của nhà vua và cách cư xử lịch thiệp và nhã nhặn của ông đã trở thành mục tiêu cạnh tranh của các quý tộc. Các quý tộc Pháp, những người kiêu ngạo và ưa nổi loạn, giờ đây tự hào khi được mời đến sống trong cung điện, tranh giành để bắt chước cách cư xử và ăn mặc trong cung điện, hy vọng sẽ nhận được sự chú ý của nhà vua. Versailles bấy giờ đã trở thành trung tâm hoạt động của các quý tộc ở Pháp và Châu Âu.
Qua 29 năm, Versailles được xây dựng trong cuộc so tài về nguồn lực và vật chất, đã làm cho kho bạc quốc gia trở nên trống rỗng, khiến sức mạnh quốc gia của đã dần suy giảm. Tuy nhiên, đối với vua Louis XIV đó vẫn là một “thành công lớn”, đó không phải là công trình của một bạo chúa ngông cuồng. Ông tin tưởng vào “chính quyền quân chủ”, tin rằng Chúa đã trao cho ông sứ mệnh làm vương. Ông đã đóng vai trò là một vị vua, lợi ích của Pháp và phẩm giá của đất nước, ngay cả trong điều kiện thể chất tồi tệ, vẫn kiên trì duy trì sự uy nghiêm, cao quý và hào phóng của một vị vua.
Cuộc sống của nhà vua tại Cung điện Versailles được mở cửa cho công chúng vào chiêm ngưỡng, miễn là họ tuân thủ nghi thức và mang theo một thanh kiếm, người dân có thể dễ dàng đến cung điện để tham quan hội trường gương, nhìn thấy nhà vua đi trong vườn và thậm chí có thể khiếu nại bất bình với nhà vua. Ông muốn người dân Pháp tự hào về Pháp, tự hào về vua của họ và tự hào về Versailles. Lịch sử sẽ qua và nghệ thuật sẽ ở lại. Versailles là tham vọng của một thế hệ minh quân lãnh đạo nhóm cầm quyền, kết hợp với trí tuệ của những tài năng nghệ thuật đương đại tốt nhất và sự kết tinh thành tựu của một số lượng lớn mồ hôi công sức của người dân nước Pháp, Versailles cuối cùng thuộc về toàn bộ người dân Pháp.
Louvre, Versailles, những kho tàng nghệ thuật này là di sản đáng tự hào nhất của người Pháp, nơi người dân được hưởng lợi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người Pháp đã phát triển thị hiếu và phẩm chất văn hóa độc đáo của họ tới đỉnh cao, có ảnh hưởng sâu đậm tới nghệ thuật Châu Âu nói chung.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch