Trong bốn vở kịch cổ điển của làng kinh kịch Trung Hoa, có hai vở nói về tình yêu và hôn nhân trong thời xưa. Nếu như đánh giá Tây Sương Kí là một vở kịch có giá trị về chủ đề này thì người ta dường như chỉ dùng nó là đòn bẩy để tô vẽ lên một vở kịch được coi là lu mờ đi cả Tây Sương Kí, đó chính là vở Mẫu Đơn Đình.

Mẫu Đơn Đình hay còn gọi là Hoàn hồn ký hay Đỗ Lệ Nương mộ sắc hoàn hồn ký là một trong những vở kịch nổi tiếng trong lịch sử sân khấu Trung Quốc, do nhà soạn kịch nổi tiếng thời kỳ nhà Minh là Thang Hiển Tổ viết năm 1598 mà đến nay vẫn được người Trung Hoa nghiên cứu dựng lại và diễn xướng.

Tại sao Mẫu Đơn Đình lại làm lu mờ đi Tây Sương Kí, phải chăng tính li kì và cảnh giới cũng như thông điệp của Mẫu Đơn Đình mang theo là giá trị to lớn choáng ngợp đi Tây Sương hí kịch?

Mẫu Đơn Đình cũng là một thiên tình sử lãng mạn thiên thu

Đỗ Lệ Nương là con gái độc nhất của quan thái thú Nam An Đỗ Bảo. Nàng vừa xinh đẹp, dịu hiền, vừa thông minh, nhanh ý. Ngay từ nhỏ được đọc Kinh Thi và được tiếp cận với nền giáo dục nghiêm khắc. Lệ Nương suốt ngày chỉ quanh quẩn trong khuê phòng, không dám rời nửa bước.

(Ảnh: WordPress.com)

Nhan sắc, thông minh lại rất mực ngoan ngoãn nên được vợ chồng Đỗ Bảo rất yêu quý. A hoàn là Hương Xuân cũng theo nàng cùng học, nhưng Hương Xuân rất ham chơi, thường trốn học đi ra ngoài.

Một hôm, Hương Xuân rủ Lệ Nương ra vườn hoa sau nhà chơi. Sắc xuân khắp vườn đã khiến cho Lệ Nương vô cùng say đắm. Khi vào đình Mẫu đơn trong vườn nghỉ chân, Lệ Nương chợp mắt ngủ thiếp đi, mộng thấy mình gặp một chàng thư sinh tài mạo là Liễu Mộng Mai trò chuyện tâm tình rất tương đắc. Từ đó Lệ Nương về nhà ốm tương tư Liễu Mộng Mai. Bệnh tương tư càng ngày càng nặng, Lệ Nương vẽ một bức chân dung tự hoạ và đề một bài thơ bảo Xuân Hương đem giấu dưới ngọn giả sơn rồi lặng lẽ qua đời. Vợ chồng Đỗ Bảo theo di nguyện của con, an táng nàng dưới một gốc mai ở vườn hoa sau nhà. Sau đó Đỗ Bảo được thăng làm An phủ sứ ở Hoài Dương, trước khi đi ông cho dựng Mai Hoa quán ở trong vườn rồi sai Trần Tối Lương và Thạch Đạo Cô ở lại trông nom phần mộ của Lệ Nương.

Liễu Mộng Mai lên kinh đi thi, trên đường qua Nam An bị cảm ốm phải xin ở nhờ Mai Hoa quán. Một hôm Mộng Mai ra sau vườn dạo chơi nhặt được bức chân dung tự hoạ và bài thơ trước khi chết của Lệ Nương, liền đem về phòng. Mộng Mai vừa thấy chân dung Lệ Nương tưởng như mình đã quen biết khi nào, tình cảm vô cùng sâu nặng, cũng đề một bài thơ lên tranh, rồi suốt ngày ngồi bên bức vẽ, “cùng chơi, cùng hỏi, cùng gọi, cùng đùa”. Cảm tấm chân tình của Liễu Mộng Mai, Lệ Nương đã ra khỏi bức tranh và hẹn hò ước nguyện với người tình trong mộng năm xưa. Sau khi biết căn nguyên câu chuyện, Mộng Mai năn nỉ Thạch Đạo Cô cho mở nắp quan tài lên. Lệ Nương sống lại, hai người nên duyên vợ chồng, cùng với Thạch Đạo Cô lên kinh ứng thí. Trần Tối Lương phát hiện ra bèn đến Hoài Dương tố cáo với Đỗ Bảo tội trộm mộ của Liễu Mộng Mai.

Liễu Mộng Mai ứng thí ở Lâm An (tức Hàng Châu) thì gặp lúc quân Kim vào cướp phá. Việc yết bảng bị đình lại, Hoài Dương bị vây hãm. Lệ Nương liền bảo Mộng Mai đến Hoài Dương dò la tin tức cha mẹ. Mộng Mai đến Hoài Dương cũng vừa lúc quân Kim lui binh. Nhưng Đỗ Bảo cho rằng Liễu Mộng Mai là kẻ dối trá nên đánh cho một trận rồi áp giải về Lâm An thẩm vấn. Ngày yết bảng, Liễu Mộng Mai đỗ trạng nguyên, nhưng Đỗ Bảo cố chấp vẫn không chịu nhìn mặt cả con gái lẫn con rể. Đến khi Hoàng thượng hỏi rõ câu chuyện liền giáng chỉ cho nhà họ Đỗ: “Cha con vợ chồng nhận nhau, về phủ đệ thành thân”. Cuối cùng cả gia đình đoàn viên sum họp, Đỗ Lệ Nương và Liễu Mộng Mai sống với nhau vô cùng hạnh phúc.

(Ảnh: Blogspot.com)

Tính li kì và cảnh giới tư tưởng với thông điệp ẩn sau Mẫu Đơn Đình khiến người đời chỉ nhớ tới vở diễn khi nhắc tới mối tình thiên thu.

Vở kịch Mẫu đơn đình gồm 55 màn thường được chia làm ba hồi: Kinh Mộng, Hồi Sinh và Viên Giá, thời gian diễn xuất tổng cộng lên tới hơn 20 giờ. Gần đây có nhà Côn kịch cải biên thành 12 đề mục như Du Viên, Kinh Mộng, Tầm Mộng, Ly Hồn, Minh Phán, Thập Hoạ, Khiếu Hoạ, U Cấu, Minh Thệ, Hồi Sinh, Hôn Tẩu.

Trong vở kịch này, thông điệp nhân sinh về luân hồi và định ước của tình duyên khiến vở kịch trở nên hấp dẫn mới lạ. Nếu như đời con người được coi như là một sự an bài khéo léo của đấng tạo hóa. Thì nhân tình thế thái ở đời cũng vì đó mà thuận theo.

Nhân duyên được định đoạt là những món nợ tơ hồng của nhiều đời nhiều kiếp. Giấc mộng làm thức tỉnh kí ức đã có tự nhiều đời, món nợ nhân duyên tưởng chừng bị thời gian vùi lấp nay được đánh thức trong mơ. Đó phải chăng là lời lí giải cho việc mộng gặp Liễu Mộng Mai mà ôm ấp tơ lòng, mà tương tư nhớ nhung để rồi sầu muộn chôn vùi của Lệ Nương.

Nhân duyên đưa lối cho chàng thư sinh họ Liễu được tâm tình bầu bạn với bức họa của Lệ Nương như mối lương duyên sâu bền từ thủa nào. Rồi sợi dây tơ hồng cứ như được bện chặt hơn. Có tình tiết được xem là hay nhất trong Mẫu Đơn Đình chính là chi tiết Lệ Nương chết đi rồi lại hồi sinh sống lại bởi tâm chân tình của Liễu Mộng Mai.

Có một số nhà bình luận sân khấu cho rằng, đây là chính là thông điệp về nhân duyên. Tại sao con người sau khi chết đi lại không được đầu thai mà nối tiếp duyên nghiệp? Mà lại được hồi sinh và tiếp tục mộng uyên ương? Nhiều ý kiến cho rằng, khi con người cứ ôm chặt một cái chấp chẳng chịu buông, ôm theo mối tình sâu nặng. Mang theo những ước vọng chẳng đổi dời, hay những hận thù chẳng thể nào quên thì lập tức họ cứ xây cho sinh mệnh trong bức tường xây kín. Tự phong bế lối thoát của đời mình.

Chính vì vậy mà nàng Lệ Nương cứ như chiếc bóng đợi chờ sự xuất hiện Liễu Mộng Mai và mối tình cảm hóa sự hồi sinh của nàng. Đó là sợi dây nhân duyên của cả hai đã gắn chặt từ nhiều đời thì kết cục của vở kịch là hạnh phúc viên mãn lứa đôi. Thế nhưng nếu sợi tình chẳng kịp thắt chặt, liệu rằng Mộng Mai có đến kết duyên? và liệu rằng Lệ Nương có được sống trọn vẹn với mối tình hay chỉ là cái bóng nhớ thương trong nuối tiếc.

(Ảnh: Wikipedia.org)

Phải chăng đây là chi tiết và cảnh giới tư tưởng trong kiếp nhân sinh mà Mẫu Đơn Đình mang lại cho người xem. Những màn diễn ẩn chứa phía sau thông điệp về lí giải của những sợi dây nhân tình thế thái. Có lẽ đó là lí do mà vở diễn Mẫu Đơn Đình choáng ngợp và làm lu mờ đi Tây Sương Kí.

Giá trị nghệ thuật của Mẫu Đơn Đình

Mẫu Đơn Đình cũng là một vở diễn mang ý nghĩa ca ngợi tình yêu tự do của nam nữ thanh niên, chống lại những khuôn phép ràng buộc của chế độ hôn nhân phong kiến. Cái kết có hậu của tác phẩm đã thể hiện ước mơ về tình yêu tự do trong xã hội phong kiến.

Lời kịch được viết và dàn dựng rất công phu. Ngôn từ có giá trị sâu sắc
Màn 10 Kinh mộng:

Nguyên lai xá tử yên hồng khai biến
Tự giá bàn đô phó đoạn tỉnh đồi viên
Lương thần mỹ cảnh nại hà thiên
Thử tâm lạc sự thuỳ gia viện
Triêu phi mộ nguyện, vân hà thuý hiên
Vũ ty phong phiến, yên ba hoạ thuyền
Cẩm bình nhân thắc khán đích giá thiều quang tiện.
Màn 12 Tầm mộng:
Giá bàn hoa hoa thảo thảo do nhân luyến
Sinh sinh tử tử tuỳ nhân nguyện
Tiện toan toan sở sở vô nhân oán

Nếu đem so sánh về góc độ nghệ thuật được xây dựng từ những ngôn ngữ hội thoại trong vở diễn thì Mẫu Đơn Đình được đánh giá là xuất sắc hơn so với Tây Sương Kí.

(Ảnh: Lucasvallecillos.com)

Nhưng có lẽ sự thành công của vở diễn chính là cảnh giới thông điệp truyền tải khiến người đời phải nghĩ suy chiêm nghiệm. Cái đắt giá trong nghệ thuật chính là nội hàm ẩn ý bên trong mỗi màn diễn.

Mẫu Đơn Đình là một vở kịch xứng tầm xuất sắc của Thang Hiển Tổ, tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm đã đạt đến chuẩn mực. Người đương thời thường nói: “Mẫu đơn đình” nhất xuất, gia truyền hộ tụng, kỷ lệnh “Tây sương ký” giảm giá. Đây là một vở kịch làm xúc động lòng người khiến chấn động một kiếp người và được lưu truyền bảo tồn mãi về sau.

Tịnh Tâm