F. Schubert đã sáng tác “Bài ca trên mặt nước” vào giai đoạn cuối đời của mình. Ông đã thêm vào đó nỗi đau không thể định nghĩa và nỗi buồn không thể lên tiếng trước sự vô thường của thời gian. Đó là sự thức tỉnh mà Schubert nhắn nhủ: “Cho đến khi bản thân tôi tan biến, là trên đôi cánh sải rộng hơn, rạng rỡ hơn trước dòng thay đổi của thời gian.”

Auf dem Wasser zu singen (Bài ca trên mặt nước) D. 774, được Schubert sáng tác vào năm 1823 (5 năm trước khi ông mất), dựa trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Friedrich Leopold zu Stolberg-Stolberg. Âm nhạc của “Bài ca trên mặt nước” có thể xem là một sự diễn dịch hoàn hảo cho bài thơ của Stollberg. Xuất phát từ cảm xúc của tác giả thơ, Schubert đã nâng thành một bài ca không những trôi chảy, du dương mà còn thêm phần sâu xa và đặc sắc.

Tiếng đệm đàn piano như cấu trúc của những con sóng lung linh. Những con sóng được đề cập trong dòng thứ ba của bài thơ và phong cách nhịp nhàng của nó ở nhịp 6/8 làm người ta liên tưởng tới thể loại dân ca Barcarolle. 

Với sự kết hợp giữa phần mở đầu bằng giọng La giáng thứ và phần kết thúc La giáng trưởng, giữa giọng ca và tiếng đệm đàn khiến người ta liên tưởng đến mỏm đá Loreley đầy mê hoặc trước những con sóng.

Về mặt kỹ thuật, bản nhạc bên tay phải của phần đệm piano được ghép thành hai khúc và việc chuyển ngón giữa các phím đàn không hề dễ chút nào. Chơi được bản nhạc này nhuần nhuyễn cũng giống như cách mà người ta cố giữ nước trong một cái nắm tay đang siết chặt.

Để tránh cho ngón đàn không bị cứng và cổ tay không bị vặn, các nghệ sĩ dương cầm đã sử dụng một biện pháp: Khi một ngón tay nhả khỏi nốt nhạc, ngay trong tích tắc, lập tức dùng ngón tay khác đè lên chính nốt vừa nhả. Kỹ xảo lướt ngón tay này được lặp đi lặp khiến người nghe có thể cảm nhận được những con sóng đang nhấp nhô liên tục.

Với một tác phẩm mềm mại, uyển chuyển thì không thể dùng kỹ thuật cứng nhắc để áp dụng được. Những hiệu ứng lặp đi lặp lại là những gì mà Schubert truyền tải: Âm nhạc đã vẽ lên những vệt sóng nhẹ nhàng, những chuyển động nhấp nhô của con thuyền trên dòng nước chảy xiết, những tiếng sậy xào xạc trên bờ để rồi vụt trôi như “thời gian theo đôi cánh phủ sương mà tan biết mất”.

…Thời gian theo đôi cánh phủ sương mà tan biết mất (Ảnh minh họa: tumblr.com)

Ca sĩ thanh nhạc cũng giống như một người chèo thuyền dũng cảm đang vững tay chèo trước những làn sóng của phím đàn với những câu hát cuối cùng của mỗi đoạn đều được người nghệ sĩ lặp đi lặp lại và ngân dài. Đây là một phép ẩn dụ âm nhạc để miêu tả sự buông xả mọi ưu phiền trong tâm hồn của con người, điều này càng rõ ràng hơn khi những nốt cao của nghệ sĩ thanh nhạc xen kẽ với kỹ thuật bàn tay phải của nghệ sĩ dương cầm 

Đây là một trong số ít các bài lied được xây dựng thành các phần lặp đi lặp lại: Con người như những hành khách phù du trên chiếc thuyền thời gian luôn bị rung chuyển vô tận bởi những con sóng của cuộc đời, chỉ có niềm vui thuần khiết và sự thanh tĩnh mới có thể khiến con người vững tay chèo.

Mời quý độc giả thưởng thức “Bài ca trên mặt nước” dưới giọng soprano của nữ danh ca Barbara Bonney:

videoinfo__video3.dkn.tv||6d51b5c16__

Tạm dịch: 

Giữa những con sóng lung linh
Chiếc thuyền nhẹ trôi như đàn thiên nga;
Ôi, trên những con sóng của niềm vui
Tâm hồn cũng vậy, như một chiếc thuyền trôi;
Rồi từ trời cao rọi bóng xuống mặt nước
Là ánh hoàng hôn nhảy múa quanh thuyền.

Phía trên ngọn cây của khu rừng phía tây,
Tia nắng đỏ vui vẻ vẫy gọi;
Bên dưới nhánh cây của khu rừng phía đông
Là những cây sậy thì thầm trong ánh sáng đỏ.
Tâm hồn ngập tràn niềm vui của thiên đường
Niềm vui của bầu trời và sự thanh tĩnh của khu rừng .

Than ôi, thời gian theo đôi cánh phủ sương mà tan biết mất
Như chiếc thuyền lắc lư rung chuyển trước những con sóng.
Ngày mai, mọi sự lại tan biến trên những đôi cánh lung linh
Và sẽ lặp lại như hôm qua và hôm nay
Cho đến khi bản thân tôi tan biến 
Là trên đôi cánh sải rộng hơn, rạng rỡ hơn trước dòng thay đổi của thời gian.

Hoàng Lâm 

Xem thêm: