Opus số 18 của Beethoven được xuất bản năm 1801 bởi T. Mollo et Comp ở Vienna, gồm 6 tứ tấu đàn dây đầu tiên của ông. Chúng đã được sáng tác giữa năm 1798 và 1800 để dành tặng cho Hoàng tử Joseph Franz Maximilian Lobkowitz.
Thứ tự xuất bản (đánh số trong bảng kê) không tương ứng với thứ tự của bố cục. Beethoven sáng tác các tứ tấu này trong chuỗi 3, 1, 2, 5, 4, 6.
String Quartet No. 3 in D major, Op. 18, No. 3 gồm 4 chương:
Chương 1: Allegro (D major)
Chương 2: Andante con moto (B-flat major)
Chương 3: Allegro (D major)
Chương 4: Presto (D major)
Theo Steinberg, đây là “Tác phẩm trữ tình nhẹ nhàng nhất, nhất quán nhất [trong Beethoven’s Op. 18]”, ngoại trừ chương 4, trong đó “Beethoven lần đầu tiên khám phá ý tưởng chuyển trọng tâm về phía cuối tác phẩm”. Điều này cũng cho thính giả thấy tầm nhìn nghệ thuật của Beethoven rất khác so với thầy ông là Haydn.
Dưới đây là trọn vẹn tác phẩm được biểu diễn trực tiếp bởi nhóm nhạc tứ tấu Parker Quartet:
Chương 1 đã mở đầu bằng câu nhạc chủ đề vô cùng ngọt ngào lãng mạn, báo hiệu về một tác phẩm mà sẽ khiến thính giả chìm đắm hạnh phúc khi thưởng thức sự du dương trìu mến của nó. Điểm nổi bật nhất trong chương 1 là những nét cao vút chói lóa của violon khi lên cao trào, nó hoàn toàn nổi bật và là đại lượng, là biểu tượng cho tinh thần chứa đựng đầy tình yêu của tác giả, của âm nhạc.
Do sự sáng tạo rất mới của Beethoven, nên mặc dù chương 1 được chơi trên nhịp nhanh Allegro, nhưng thính giả có thể nhận thấy phần nhiều nó khá nhẹ nhàng, trừ những cao trào với sắc thái cảm xúc tương phản mạnh vốn đã là đặc trưng của Beethoven.
Chương 2 bộc lộ rõ sự hòa nhã, tao nhã và lãng mạn đầy hưng phấn của tình yêu, bởi những câu nhạc được phối rất ngọt ngào và dịu dàng, được phát triển trên giọng chủ đạo Si giáng trưởng, khác với chương 1 và hai chương còn lại được phát triển trên giọng Rê trưởng. Vì vậy, nếu thính giả càng thưởng thức chương nhạc này, sẽ càng thấm thía sâu sắc cảm giác yên bình hạnh phúc mà chương nhạc đem lại.
Chương 3 đã quay lại nhịp độ nhanh Allegro và giọng Rê trưởng chủ đạo, nhưng vẫn thật hiền hòa và tình tứ. Beethoven đã xây dựng một sự lãng mạn ngọt ngào trong không khí cổ điển suốt từ chương 1 tới hết chương 3, và chắc chắn ông biết thính giả mong chờ điều gì trong chương cuối.
Tuy nhiên, trong chương 4, mọi cao trào được đẩy lên không phải là sự hoành tráng, tráng lệ, mà là một sự trong sáng tinh khôi rực rỡ được bộc lộ trên nhịp nhanh đầy châm biếm mà bay bổng. Đủ sức khiến thính giả thăng hoa bồng bềnh rất lâu trong giấc mơ đẹp nhất. Mọi câu nhạc đều bóng bẩy hoa mĩ lạ lùng mà vẫn giữ nguyên được sự lãng mạn ngọt ngào quý giá của âm nhạc.
Đôi nét về tác giả
Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn thời gian ông sống ở Viên, Áo. Ông là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Ông có thể được coi là người dọn đường (Wegbereiter) cho thời kỳ âm nhạc lãng mạn.
Beethoven được khắp nơi công nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ và khán giả về sau.
Trong số những kiệt tác của ông phải kể đến các bản giao hưởng như: Giao hưởng số 2 Rê trưởng, Giao hưởng số 3 Mi giáng trưởng (Anh hùng ca), Giao hưởng số 5 Đô thứ (Định mệnh), Giao hưởng số 6 Fa trưởng (Đồng quê), Giao hưởng số 7 La trưởng, Giao hưởng số 9 Rê thứ (Niềm vui), các tác phẩm cho dương cầm như Für Elise và các sonata Bi tráng (Pathétique), Ánh trăng (Moonlight), Bình minh (Waldstein), Khúc đam mê (Appasionata)… các sonata cho vĩ cầm như Mùa xuân (Spring), Kreutzer… các Piano Concerto số 2, số 3, số 5 Emperor (Hoàng đế), Violin Concerto D major… các khúc mở màn Overture Coriolan, Leonore, Egmont… và vở Opera duy nhất Fidelio, v.v.
Kim Cương