Trong thời Bắc Tống, có một nhà thư họa hết sức nổi danh, ông không chỉ vẽ đẹp mà còn có thư pháp  xuất thần. Con trai ông từ nhỏ đã đã đi theo ông, được xem nhiều học nhiều, thư pháp hội họa của cậu vì thế cũng rất thành thạo. Có một lần, đứa con trai tiết lộ cho người ngoài rằng: cha tôi ngay cả mùng một đầu năm cũng không quên viết chữ. Thật đáng khâm phục, ai là người có thể đam mê thư pháp đến như vậy?

Ông chính là vị đại danh thư họa nổi tiếng thời Bắc Tống – Mễ Phất. 

Mễ Phất (1051-1107), tự là Nguyên Chương, hiệu Tương Dương mạn sĩ, Hải nhạc ngoại sử, là người Tương Dương, Hồ Bắc. Người đời gọi ông là Mễ Tương Dương. Ông cùng với Thái Tương, Tô Thức và Hoàng Đình Kiên hợp thành “Tống tứ gia“. Với tính cách kì quái, cử chỉ điên khùng, tự xưng là “huynh“ người đời mới gọi ông là “Mễ Điên“.

Mễ Phất (Ảnh: sou-yun)

Mễ Phất cùng Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Thái Tương xưng danh là “Tứ đại thư gia” thời Tống, là những người giỏi nhiều thể loại thư pháp khác nhau như Khải thư, Hành thư, Thảo thư, Triện thư, Lệ thư.

Yêu cầu rất cao với bản thân

Đối với thư pháp, Mễ Phất từng nói: “Ta viết “Hải Đại thi“, trong đó có một hai chữ viết tốt, viết ba bốn lần. Tin thư cũng là một việc khó.” Ý của ông là khi viết một bài thơ, phải viết đến ba bốn lần, nhưng trong đó chỉ có hai chữ viết khiến ông hài lòng mà thôi. Có thể thấy, ông đối với việc viết thư pháp của mình có yêu cầu tương đối cao, nghiêm khắc, tiêu chuẩn ông tự đề ra là “ổn định nhưng không tầm thường, sắc sảo nhưng không quái gở, trau chuốt nhưng không màu mỡ”.

“Đạm mặc thu sơn thi thiếp” – Hành thư của Mễ Phất (Ảnh: epochtimes)

Học tập thư pháp cố nhân

Mễ Phất rất thành thạo về những phương pháp viết thư pháp của cổ nhân, ông đặc biệt thích mô phỏng theo chữ của Vương Hy Chi. Ông có khả năng nắm bắt được bản chất và sự tinh túy truyền thống, đối với cách bố trí, kết cấu, cách cầm bút, đều có những lĩnh hội của riêng mình. Về mặt bố cục, coi trọng khí thế của toàn thể, tính trước kỹ càng trong đầu trước khi viết, trong quá trình viết luôn để ý từng chút tổng thể, thuần đạm tự nhiên.

Đối với đường cong nét bút, Mễ Phất cũng có những nhận xét đặc biệt, ông viết trong “Thư pháp tán” như sau: “Khứ nhan nhục, tăng trử cốt, phát thiên tú, trợ thần vật” (Bỏ đi phần thịt, thêm vào phần xương, phát triển tài năng thiên phú, trợ giúp phần thần). Đây là những cái nhìn của ông về thư pháp của Nhan Chân Khanh, ông cũng bày tỏ đối với những đường cong nét bút muốn có thể đạt được phần “xương thịt” của chữ đều đặn, cần phải tương hỗ tương hợp mới được.

“Lương viện thiếp” – Mễ Phất (Ảnh: gd.0516art)

Nâng cao cổ tay khi viết thư pháp

Mễ Phất trong “Đề bút pháp” có ghi lại một chuyện: Mễ Phất nhìn thấy cha con Tú Bác khi viết chữ phần cổ tay đè sát lên giấy, liền nói với họ: “Cổ tay đặt sát thế kia, chữ viết làm sao nhận được lực ở cánh tay”. Cha con Tú Bác thấy có đạo lý, nhưng lại nghĩ, nếu như muốn có lực ở cánh tay, thì chắc chắn phải treo cổ tay lên, đưa cùi chỏ nâng cao, như vậy sao có thể viết được những chữ nhỏ? Nghĩ vậy nên họ liền hỏi lại: “Nâng cổ tay lên liệu có thể viết được chữ nhỏ không?”

Mễ Phất cười không đáp, ông cầm bút nâng tay lên viết một vài chữ triện nhỏ li ti, tất cả đều rất đồng đều, cha con Tú Bác phải vỗ tay thán phục. Sau đó họ xin Mễ Phất chỉ giáo, ông nói: “Chỉ cần từ nay viết bất kì quyển sách nào, một chữ cũng không hạ tay xuống, lâu dần sẽ thành quen thôi.” Vì việc viết thư pháp nâng cổ tay lên là một việc không hề đơn giản, khi mới đầu viết tay sẽ cực kỳ đau nhức, tất cả cũng phải được mài giũa thành công phu, việc này cho ta thấy rằng, Mễ Phất là một người rất kiên trì và tài hoa.

“Từ học đồ lục” – Mễ Phất (Ảnh: sou-yun)

Lời bình của văn sĩ đương thời

Vương Văn Trị đã từng bình phẩm về Mễ Phất qua hai câu thơ: “Thiên tư viên lịch vị tu khoa, tập cổ chung năng tự lập gia”, ý nói tư chất thông minh lại ham học hỏi, tự mình tạo nên một cái tên riêng trong giới thư đồ.

Tô Thức đối với thư pháp của Mễ Phất có nói: “Phong tường trận mã, trầm trứ thống khoái, đương dữ chung, vương (Chung Diêu, Vương Hy Chi) tịnh hành” (Ý nói thư pháp của ông như gió thổi cánh buồm, ngựa trong trận địa, vững chắc sảng khoái, khí thế hùng tráng, có thể sánh với Chung Diêu và Vương Hy Chi).

Hoàng Đình Kiên thì nói: “Như kiếm chặt bổ trong trận, cường mạnh như tên bắn…” Lời nói này của ông cũng để chí bút pháp nhạy bén, viết ra chữ như bắn ra mũi tên đầy kình lực.

“Thục Tố thiếp”

“Thục Tố” là một loại lụa quý giá, được sáng tạo và dệt thành phẩm tại Tứ Xuyên trong năm trị vì thứ 4 của Tống Nhân Tông. Trưởng quận Hồ Châu là Lâm Hy đã giữ tấm lụa này trong vòng 21 năm, tới năm Tống Hy Ninh mới trang hoàng thành một dải lụa. Lúc đó có rất nhiều thư pháp gia nổi tiếng tới viết lên tấm lụa, nhưng họ chỉ rất khiêm tốn mà viết vài chữ nhỏ phía góc, chỉ đến khi Mễ Phất tới, ông viết một lúc tám bài thơ lên đầy khắp dải lụa.

Một phần “Thục Tố thiếp” (Ảnh: epochtimes)

Tác phẩm này có thể nói là một kiệt tác; Đổng Kỳ Xường đã đặt hai câu thơ để hình dung: “Sư tử tróc tượng, dĩ toàn lực phó chi” (Sư tử bắt voi, toàn lực hướng tới). Cách dùng bút nhanh chậm, nặng nhẹ chuyển biến, thu nhỏ phóng lớn cực kỳ tự nhiên. Thế chữ hơi nghiêng về một bên, các chữ đều cùng một lối viết. Tác phẩm cho ta thấy được tư chất đặc biệt “bất ngẫu vu tục” (không ngẫu nhiên và không phàm tục) của Mễ Phất.

 “Tử kim nghiên thiếp”

Tử kim nghiên thiếp” là bản thư pháp đánh dấu mối quan hệ giữa Mễ Phất và Tô Thức. Năm 1101, Tô Thức từ đảo Hải Nam trở lại Giang Nam, thuận đường ghé thăm Mễ Phất. Lâu ngày xa cách, giờ được gặp mặt, Mễ Phất cầm tập thư pháp yêu thích nhất của mình là “Trung Lang thiếp” đưa cho Tô Thức để viết lời đề tựa, hoàn thành tâm nguyện bấy lâu trong lòng. Trước khi đi Tô Thức còn mượn chiếc nghiên mực bằng đất sét tử kim của Mễ Phất.

“Tử kim nghiên thiếp” (Ảnh: read01)

Không ngờ hơn một tháng sau, tin tức truyền tới Mễ Phất rằng Tô Thức mắc bệnh nặng ở Thường Châu, lời trăn trối trước khi chết ông còn bảo người nhà cầm nghiên mực này chôn cùng ông. Mễ Phất nghe tin, vội vã chạy tới, hy vọng có thể gặp được Tô Thức lần cuối, nhưng tiếc thay khi ông đến nơi, nghiên mực của ông đã được chôn cùng người bằng hữu. Ông vì đau buồn mà viết lên tập “Tử kim nghiên thiếp” này.

“Nghiên sơn minh thiếp”

Nghiên sơn minh thiếp” tổng cộng gồm có ba phần. Phần thứ nhất ông dùng giấy của Nam Đường Trừng Tâm Đường viết, tổng cộng gồm ba mươi chín chữ. Phần hai là một bức tranh vẽ núi Nghiên Sơn, có đề ba câu chữ triện: “Bảo tấn trai nghiên sơn đồ, bất giả điêu sức, hồn nhiên thiên thành” (Núi Nghiên sơn bảo vật nhà Tấn, không có sự điêu khắc giả dối, tự nhiên sẵn có). Núi Nghiên Sơn ông vẽ là một ngọn núi với hình dáng giống nghiên mực. Phần thứ ba là những lời đề tự của các bằng hữu và cháu ngoại của ông.

“Nghiên sơn minh thiếp” (Ảnh: pikcat)

Nghiên sơn minh thiếp” là một trong những tập thư pháp đại biểu cho Mễ Phất, trầm ngưng nhưng oai hùng, du dương nhiều vẻ, thể chữ tự do, không gò bó, không chịu chế ước của các quy định trước kia, là một sản phẩm trân quý của thư pháp thời bấy giờ.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch