Nghệ thuật Phục Hưng là thời kỳ đỉnh cao của hội họa với những tác phẩm đi vào lịch sử nhân loại. Trong đó, bức “Chúa Trời tạo ra Adam” của Michelangelo được đánh giá là tuyệt phẩm thách thức mọi thời gian.
“Chúa Trời tạo ra Adam” chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ kiệt tác vẽ trên trần nhà nguyện Sistine nhưng lại là tác phẩm nổi tiếng nhất và cũng đầy ‘bí ẩn’ của Michelangelo. Tác phẩm dựa trên câu chuyện trong Kinh Thánh kể về buổi khai thiên tịch địa, Chúa đã phân trời mở đất, tạo dựng thế giới muôn loài rồi lại tạo ra con người đầu tiên nơi vườn Địa Đàng. Bức bích họa hiện lên với nét vẽ khoáng đạt: bên trái là Adam nằm tựa mình trên đất, bên phải là Chúa Cha cùng với các Thiên Thần trong chiếc khăn choàng căng tròn vì gió thổi, ngài đang vươn tay ra như muốn truyền sự sống cho đứa con mới tạo dựng của mình…
Và cái ‘gần chạm tay’ thần thánh ấy đã trở thành tâm điểm thu hút mọi ánh nhìn suốt 500 năm qua. Nhưng đó vẫn không phải là lý do duy nhất khiến bức họa trở thành kiệt tác. Người ta nói rằng Michelangelo đã để lại vô vàn ‘mật mã’, mà cho đến nhiều thế kỷ sau này, hậu nhân vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi phát hiện ra. Cũng vậy, bức “Chúa Trời tạo ra Adam” khiến chúng ta phải thắc mắc: Vì sao ngón tay của Chúa không chạm vào Adam mà lại cách ra một khoảng, hơn nữa khoảng cách này đúng bằng con số tỉ lệ vàng? Những Thiên Thần bên cạnh Chúa là ai? Đặc biệt hơn cả, vì sao chiếc khăn choàng cùng với Chúa Cha và các Thiên Thần bên trong đó lại trùng khớp với kết cấu của bộ não người? Liệu đó có phải chỉ là sự tình cờ hay không?
Michelangelo vốn rất am hiểu về giải phẫu học, nếu chỉ là sự vô ý thì hiển nhiên ông đã sớm nhận ra kết cấu bộ não đó trong bức vẽ của mình. Nhất là, kết cấu ấy lại trùng khớp, và trùng khớp đến mức hoàn hảo với não bộ của con người.
Vậy thì, hình ảnh ‘Chúa hiện hữu trong bộ não người’ muốn nhắn nhủ điều gì?
Trước hết, chúng ta hãy cùng nhìn lại bức họa trong tổng thể 9 tranh vẽ trên trần nhà nguyện Sistine. 9 bức họa được chia thành ba nhóm: nhóm thứ nhất là Chúa sáng thế, nhóm thứ hai là Chúa tạo ra con người và sự sa ngã đầu tiên của nhân loại, nhóm thứ ba là câu chuyện Noah và đại hồng thủy. Nếu như 8 bức họa còn lại mô tả theo ghi chép trong Sáng Thế Ký, thì “Chúa Trời tạo ra Adam” lại nằm ngoài quy tắc ấy.
Sách Sáng Thế Ký chương 2 tiết 7 viết:
“Giêhôva Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.”
Còn trong tranh vẽ của Michelangelo, thay vì thổi linh hồn qua lỗ mũi, Chúa lại trỏ ngón tay về phía Adam như để truyền sự sống. Hơn nữa, cảnh Chúa cùng với các Thiên Thần đang tiến lại trong tấm khăn choàng cũng không hề được miêu tả trong kinh sách. Phải chăng thông qua sáng tạo nghệ thuật của mình, Michelangelo muốn gửi gắm một điều gì đó?
Để giải đáp ẩn đố này, chúng ta hãy cùng đọc lại Kinh Thánh. Dẫu rằng bạn có thể cho những phân tích dưới đây chỉ là lời suy diễn, bởi người duy nhất biết được câu trả lời đã qua đời cách chúng ta gần 500 năm rồi. Nhưng có thể bạn sẽ thấy thú vị khi nhận ra: có một sự tương đồng, tương đồng đến kỳ lạ giữa Kinh Thánh của phương Tây và cái nhìn về tu luyện của người phương Đông.
Sinh mệnh của con người đến từ Thiên giới
Nếu như Chúa Trời lấy bụi đất tạo thành hình người rồi thổi sanh khí vào để người trở thành loài sanh linh, thì có thể nói rằng thân thể người chỉ là “bụi đất” (nhục thể), còn sinh mệnh thực sự chính là “sanh khí” (linh thể). Trong Kinh Thánh nhiều lần nhắc lại rằng con người không phải sinh ra trên Trái Đất này mà là đến từ không gian vũ trụ, từ nơi Thiên giới:
“Chúa đã coi ta như tác phẩm đầu tiên của Ngài;
Trước khi khai thiên lập địa đã có ta.
Từ vô cực trong quá khứ, từ nguyên thủy, đã có ta.
Trước khi dựng nên trái đất đã có ta. (…)
Trước khi Ngài dựng nên đất đai và đồng ruộng,
Trước khi có bụi đất trên thế gian đã có ta.
Ta đã có ở đó khi Ngài dựng nên các tầng trời
Khi Ngài vẽ một vòng tròn trên mặt vực thẳm…” –(Châm Ngôn 8:22-27)
Nhưng một số sinh mệnh vì phạm tội mà bị đày xuống hạ giới, phải mượn thân xác thịt để sinh tồn. Sau trăm tuổi lâm chung, tấm thân phàm dơ bẩn này sẽ tan vào cát bụi, nhưng linh thể kia thì vẫn mãi trường tồn:
“Hơi thở tắt đi, thân xác nó liền trở về cát bụi” –(Thánh Thi, 146:4)
“Và bụi tro trở về đất như nguyên thủy, còn Thần linh trở về với Đức Chúa Trời là Đấng đã ban nó” –(Giảng Sư 12:7)
Quan điểm trên trong Kinh Thánh cũng phù hợp với cách nhìn của Phật gia và Đạo gia. Hoàng Đế nội kinh viết: “Phu nhân sinh vu địa, huyền mệnh vu thiên, thiên địa hợp khí, mệnh chi viết nhân”. Ý tứ là, con người sinh ra ở đất nhưng nguồn gốc sinh mệnh lại bắt nguồn từ trời, do “thiên địa hợp khí” mà thành, cũng tức là kết tinh của cả đất và trời. Bởi vậy, cấu thành nên con người cũng bao gồm hai bộ phận: một là thành phần của “đất” (thân xác thịt), và hai là thành phần của “trời” (tinh, khí, thần).
Thân thể đến từ “đất”, linh thể đến từ “trời”
Trở lại với bức họa của Michelangelo, chúng ta vẫn đang đi tìm ý nghĩa của hình ảnh ‘Chúa Trời hiện lên trong bộ não’. Vậy thì, ‘phần sinh mệnh đến từ trời’ kia liên hệ như thế nào với ‘Chúa Trời’?
Trong Kinh Thánh có một thứ thuộc về Chúa nhưng lại ngự trị bên trong thân thể người, đó chính là “Đức Thánh Linh”:
“Ta sẽ đặt Thần Ta vào trong các ngươi, khiến các ngươi vâng theo các luật lệ Ta và cẩn thận vâng giữ các mạng lịnh Ta.” –(Ê-xê-chi-ên 36:27)
“Ngài (Thượng Đế) đóng ấn trên chúng ta để chứng tỏ rằng chúng ta thuộc về Ngài, đồng thời ban Thánh Linh vào lòng để làm vật bảo đảm cho lời hứa của Ngài” –(II Cô-rinh-tô 1:22)
“…vì Thánh Linh của Thượng Đế, Đấng đang ngự trong các con lớn hơn ma quỷ là kẻ ở trong thế gian” –(I Giăng 4:4)
“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Ðức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Ðấng mà anh em đã nhận bởi Ðức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” –(Cô-rinh-tô 6:19-20)
“Thượng Đế đã đóng ấn chủ quyền đặc biệt trên anh chị em bằng cách ban Thánh Linh mà Ngài đã hứa.” –(Ê-phê-sô 1:13)
“…anh chị em không sống theo xác thịt nhưng theo Ðức Thánh Linh, nếu thật sự Ðức Thánh Linh của Ðức Chúa Trời đang ở trong anh chị em. Ai không có Ðức Thánh Linh của Ðấng Christ, người ấy không thuộc về Ngài.” –(Rô-ma 8:9)
Đức Thánh Linh không phải là “linh hồn” như ghi chép trong Kinh Thánh – bất cứ ai làm người cũng có linh hồn – nhưng chỉ những tín đồ tuân theo luật lệ của Chúa mới có được Thánh Linh. Người ta tin rằng Thánh Linh ấy là ‘thần khí’, ‘thần lực’, là món quà mà Chúa ban cho các tín đồ để dẫn dắt tín đồ đến với nước Trời:
“…nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Ðức Chúa Trời. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là Thần.” –(Giăng 3:5-6)
Dẫu không phải là cùng một thuật ngữ, nhưng quan niệm về Thánh Linh cũng có nét tương đồng với cái nhìn của Phật và Đạo. Phật gia và Đạo gia cho rằng con người có phần “người” và phần “Thần”. Phần Thần ấy cũng chính là “nguyên thần”, là sinh mệnh đến từ Thiên quốc, thần thánh, thuần thiện, thuần chân, đồng hóa với đặc tính của vũ trụ. Người bình thường vì sống trong mê nên phần “Thần” bị vùi lấp, còn phần “người” làm chủ đạo, khống chế một đời khiến người ta chạy theo danh và lợi. Chỉ có bậc chân tu thì phần “Thần” kia mới ngày càng hiển lộ, đến khi hiển lộ hoàn toàn thì cũng chính là viên mãn, đắc Đạo. Kinh Thánh không nói đến viên mãn đắc Đạo mà là “sanh vào nước Trời”, cũng chính là ý tứ này.
Nơi đâu là tòa ngự của Thần?
Đức Thánh Linh (Holy Spirit) cũng được gọi là Chúa Thánh Linh (God the Holy Spirit), vậy thì biểu tượng ‘Chúa Trời hiện lên trong bộ não’ phải chăng cũng mang ý nghĩa ‘Đức Thánh Linh trong thân thể tín đồ’? Và nếu như Đức Thánh Linh cũng đồng dạng như nguyên thần, vậy thì nguyên thần ấy nằm tại đâu bên trong thân thể người? Điều thú vị là, đáp án rất giống với những gì Michelangelo đã vẽ trong bức họa của mình!
Đạo gia cho rằng nguyên thần của con người nằm trong đầu não, chính tại Nê Hoàn Cung (y học gọi là thể tùng quả), tương ứng với một vị trí trong thân Chúa Trời ở bức vẽ của Michelangelo. Từ huyệt bách hội hướng vào trong bộ não sẽ đến vị trí của Nê Hoàn Cung. Huyệt bách hội là nơi kinh mạch giao hội, nằm ở trên đỉnh đầu, chính là nơi tương thông với trời. Vậy còn Nê Hoàn Cung? Tín ngưỡng của thời Vedic coi nó là luân xa thứ sáu, Ấn Độ giáo nói nó là cửa sổ Thần Brahma, triết gia Descrates gọi nó là “tòa ngự của linh hồn”, còn giới tu luyện thì nhìn nhận đó là nơi trú ngụ của nguyên thần.
Nguyên thần nằm bên trong thân thể nên cũng bị cái thân thể xác thịt này phong bế. Muốn thoát khỏi phong bế thì cần phải tu luyện. Người phương Đông nói về tu luyện, phản bổn quy chân, quay về với bản tính tiên thiên thuần khiết, thoát khỏi cái xác phàm dơ bẩn mà trở về thiên quốc. Người phương Tây không giảng tu luyện mà giảng về “đức tin”, tin vào Chúa và làm theo lời dạy của Chúa, như thế mới có thể tiến vào Nước Trời.
Và bây giờ, hãy nhìn lại bức “Chúa Trời tạo ra Adam”. Có ý kiến cho rằng hình dạng giống như bộ não kia tượng trưng cho trí tuệ: Chúa ban tặng cho Adam không chỉ là sự sống mà còn là trí tuệ. Nhưng nếu như thay cho tấm khăn choàng, tác giả vẽ khoảnh đất dưới chân Adam giống như đầu não thì biểu tượng này còn nguyên nghĩa hay chăng? Tại sao cứ phải là tấm khăn choàng cùng với Chúa Cha? Và tại sao cứ phải là Chúa Cha ở vị trí đặc biệt nhất đến vậy?
Vẫn biết rằng câu trả lời chính xác cho mọi ẩn đố trên bức họa đều nằm sau tấm bia nơi Michelangelo an nghỉ vĩnh hằng, nhưng những gì chúng ta có thể cảm thụ, có thể lĩnh hội cũng đủ để nói lên rằng nghệ thuật quả là vô biên, và sáng tạo của người nghệ sĩ thật là vĩ đại. Và hãy nghĩ xem: Từ buổi hồng hoang sơ khai ấy, Chúa đã ưu ái cho con người có được thân thể giống như ngài, lại ban cho con người những gì tinh túy và thần thánh vô cùng nơi Thiên quốc. Vậy thì, những người thế gian nơi phàm trần ô trọc, có khi nào chúng ta khắc khoải mong trở về với Cha, với Thiên quốc đích thực của mình hay không?
Tâm Minh