Tháp nghiêng Pisa là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng của nước Ý. Nó được đánh giá là một kiệt tác của nhân loại. Nét độc đáo của nó chính là độ nghiêng của tòa tháp như thách thức với thời gian mà các nhà khoa học không thể lý giải vì sao tháp không sụp đổ.

Tháp nghiêng Pisa là một tòa tháp chuông tại thành phố Pisa (Ý) được khởi công xây dựng năm 1173. Toà tháp cao 55,86 m tính từ mặt đất lên đến nóc bên thấp và 56,70 m đến nóc bên cao. Từ dưới lên có 294 bậc thang. Tường tháp dày 4,09 m ở phía chân tháp, rồi rút dần, chỉ còn 2,48 m trên đỉnh. Trọng lượng toàn tháp là khoảng 14.500 tấn.

Tháp nghiêng Pisa. (Ảnh: KhoaHoc.tv)

Công trình nghệ thuật kiến trúc với độ nghiêng đáng nể mà vẫn có thể đứng vững với thời gian

Tháp nghiêng Pisa gồm 8 tầng được xây theo hình dạng một hình trụ rỗng với các dãy cột chung quanh. Toàn bộ mặt trong và ngoài tháp đều được ốp bằng cẩm thạch tuy nhiên điều đặc biệt nhất chính là tháp không đứng thẳng mà nghiêng 5 độ về phía nam.

Ngay từ giai đoạn xây dựng đầu tiên, người ta đã phát hiện tòa tháp bị nghiêng về phía nam do xây dựng trên nền đất yếu. Nền đất được biết là do sự san lấp con sông mà thành. Phần móng của tòa nhà chỉ được đào sâu 3m. Đây được coi là sai lầm trong nghệ thuật kiến trúc. Nhưng có lẽ chính sai lầm này lại tạo ra một tác phẩm kiệt tác. Tồn tại 800 năm lịch sử, chứng kiến những trận chiến của con người. Trải qua biến cố, tháp nghiêng Pisa vẫn đứng sừng sững hiên ngang như thách thức với thời gian ở một độ nghiêng mà nhiều nhà khoa học trong ngành kiến trúc không thể lí giải.

Họ tiến hành xây dựng tháp trên phần mềm đồ họa, với độ nghiêng như thực tế, kết quả thu được là tòa tháp bị sụp đổ. Chính vì thế mà trong những năm tháng nỗ lực cứu tòa tháp, các nhà khoa học, các kiến trúc sư nổi tiếng đã không ngừng tìm hiểu lí do của hiện tượng được coi là độc đáo lạ thường của tòa tháp Pisa. Điều này làm nên vẻ đẹp đặc biệt kì thú của tháp nghiêng này.

(Ảnh: VYC )

Những nỗ lực để giảm thiểu độ nghiêng hàng năm của tòa tháp

Ngay trong khi đang xây, tòa tháp đã bắt đầu nghiêng vì lún. Để ổn định cấu trúc tháp không tiếp tục chao nghiêng, một số biện pháp kĩ thuật đã được xúc tiến, giữ cho tháp ở nguyên hiện trạng. Tháp Pisa riêng nó đã là tòa nhà mĩ thuật nhưng càng hấp dẫn thêm vì dáng nghiêng nghiêng.

Để giảm trọng lượng phần trên của tháp, kiến trúc sư Simone không chỉ giảm bớt khối lượng phần trên của tháp mà còn lựa chọn các nguyên liệu nhẹ, và trong tường còn để lại một khe hổng khoảng 30 – 80cm, càng lên cao chỗ rỗng càng lớn. Tuy nhiên đến năm 1278, khi xây dựng đến tầng thứ 7 thì việc xây dựng lại phải tạm dừng.

Vào năm 1934, khi người ta mang hơn 90 tấn bê tông đắp vào xung quanh tháp. Và kết quả lại làm tốc độ nghiêng của tháp càng nhanh hơn.

(Ảnh: NgayNay.vn)

Đến năm 1950, tháp nghiêng mới được hoàn thành với hình dáng giống như những gì mà chúng ta đang thấy ngày nay. Tầng 7, 8 và khung chuông là do kiến trúc sư Pizzarenco xây dựng, ở giữa tầng 7 và 8 có một số bước chuyển ngoặt, tầng 8 nghiêng về phía bắc trong khi toàn bộ tháp nghiêng về phía nam. Nhằm mục đích giảm thiểu độ nghiêng về phía nam cải thiện thế cân bằng cho ngọn tháp.

Ngoài ra, điều đáng lưu ý là tháp nghiêng không có đỉnh lầu và phần tháp chuông thẳng đứng hơn phần tháp còn lại. Đây là một thủ pháp tinh xảo của các kiến trúc sư dùng nhằm để giảm bớt trọng lượng và giúp tháp có một vòng tròn nhỏ có đường kính 2,1m.

Cuối cùng, sau nhiều năm nghiên cứu, phân tích và thử nghiệm trên quy mô rộng người ta chấp nhận phương pháp hút đất, bao gồm việc lắp đặt nhiều ống hút đất nằm kế chân móng và ngay bên dưới cạnh phía Bắc của chân móng.

Công việc hút đất diễn ra trong 2,5 năm; và độ nghiêng của tháp sẽ giảm nửa độ. Nếu tháp bắt đầu nghiêng về hướng Nam có thể lặp lại quá trình hút đất ở một giai đoạn nào đó trong tương lai. Ngoài ra, người ta còn neo chặt công trình bởi các dây cáp để tránh tháp bị đổ sụp nếu xảy ra sơ sót, đồng thời xi măng được chèn vào thêm để giảm bớt sức ép lên mặt đất.

(Ảnh: DichauAu.net)

Pisa trải qua 11 năm đóng cửa tu bổ và sửa chữa, cùng với rất nhiều nỗ lực của các nhà kiến trúc sư nổi tiếng. Ngày 16/6/2001, tiếng chuông trên đỉnh tháp Pisa đã ngân vang trong sự reo hò và cổ vũ của người dân Italia. Sự kiện này được chào đón như sự hồi sinh của tòa tháp nghiêng lịch sử.

Biện pháp hút đất này đã đem lại hiệu quả rất tốt cho việc giảm thiểu độ nghiêng của tòa tháp. Theo các nhà khoa học, ngọn tháp đang dần đứng thẳng với tốc độ trung bình 1,8mm mỗi năm và dự báo quá trình này sẽ còn tiếp tục khi tháp nghiêng về phía trục thẳng đứng của nó trong ba năm nữa, đạt mức 5cm. Nhưng hiện người ta vẫn chưa biết được là sau khi hướng vào trong 5cm, quá trình này sẽ chấm dứt hay vẫn còn tiếp tục.

(Ảnh: Wikipedia.org)

Tòa tháp nghiêng Pisa là một công trình kiến trúc độc đáo tới kì lạ được đánh giá là tồn tại trái với nguyên tắc vật lí. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của giới khoa học và các nhà kiến trúc sư nổi tiếng, họ đã tính toán và đưa ra dự đoán rằng: tòa tháp sẽ ở trong tình trạng an toàn ít nhất là 300 năm nữa.

Nhưng nếu tháp dựng lại được thẳng đứng, thì có lẽ người ta sẽ tiếc vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” ngày xưa của nó.

(Ảnh: Traveldigg.com)

Công trình tháp nghiêng Pisa tồn tại suốt mấy trăm năm qua với độ nghiêng kỉ lục là một trong những kì tích đặc biệt. Và một điều không thể phủ nhận, đây là một công trình kiến trúc tuyệt vời với vẻ đẹp nguy nga tồn tại giữa chốn phồn hoa của nước Ý. Là niềm tự hào và đứa con tinh thần của người dân Italia.

Tịnh Tâm (Sưu tầm)