Scarborough Fair là tên một bài hát dân ca Anh xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVII. Chính vì là một bản dân ca, thể loại nghệ thuật dân gian, nên nó có nhiều phiên bản, được trình bày bởi nhiều nghệ sĩ và nhiều phong cách khác nhau.

Trong số các phiên bản, thì có lẽ phiên bản do hai nghệ sĩ Paul Simon và Art Garfunkel trình bày năm 1965 là mang ý nghĩa sâu sắc và độc đáo hơn cả.

Trước hết, mời quý độc giả tìm hiểu phần lời dịch của bài hát:

Bạn có phải đang về Hội chợ ở Scarborough?
(Nơi có) Ngò tây, hương thảo, húng, xô thơm…
Hãy chuyển lời chào của tôi đến người con gái sống ở đó
Nàng một thời là tình yêu chân thành của tôi

Bảo nàng may cho tôi một chiếc áo vải lanh,
(Dệt bằng) Ngò tây, hương thảo, húng, xô thơm…
Chẳng cần những đường khâu, mũi vá
Và rồi nàng sẽ trở thành tình yêu đích thực của cuộc đời tôi

Và rồi nàng sẽ trở thành tình yêu đích thực của cuộc đời tôi. (Ảnh: Marry)

Bảo nàng tìm cho tôi một mảnh đất
(Ươm) Ngò tây, hương thảo, húng, xô thơm…
Giữa dòng nước mặn và bờ biển thanh tao
Và rồi nàng sẽ trở thành tình yêu đích thực của cuộc đời tôi

Bảo nàng sử dụng một chiếc liềm bằng da
(Gặt) Ngò tây, hương thảo, húng, xô thơm…
Và bó chúng lại thành chùm thạch nam
Và rồi nàng sẽ trở thành tình yêu đích thực của cuộc đời tôi.

Có phải bạn đang đến Hội chợ ở Scarborough?
(Nơi có) Rau mùi tây, ngải đắng, hương thảo và xạ hương
Hãy chuyển lời chào của tôi đến người con gái sống ở đó
Cô ấy một thời là tình yêu chân thành của tôi’’

Chúng ta thường hiểu bài hát này là một lời thách đố đầy tình tứ của chàng trai dành cho cô gái. Chàng đề nghị nàng làm nhiều điều thật khó khăn, khó thực hiện, để chứng tỏ nàng thực là người yêu chàng. Sự lặp lại của những lời đề nghị như một sự mong mỏi có được một tình yêu đằm thắm, chân tình, dù biết rằng chuyện hai người khó có một kết thúc tốt đẹp

Với nội dung này ta thấy có chút “vênh” so với nhạc điệu lắng đọng, nhẹ nhàng và buồn man mác của bài hát. Lời bài hát có vẻ cần một chút gì đó để sâu sắc, gây ấn tượng với người nghe. Và điều này đã được hiện thực hóa khi đến phiên bản do hai nghệ sĩ Paul Simon và Art Garfunkel trình bày năm 1965.

Để thay đổi cảm hứng của bài hát, hai nghệ sĩ không thay đổi ca từ mà thêm vào phần bè. Và quả thực, phần bè đã khiến bài hát mang một nét nghĩa mới, sâu sắc hơn.

Dưới đây là lời dịch phần bè:

Bên một sườn đồi giữa rừng xanh sâu thẳm
Lần theo vết chú chim sẻ trên nền đất tuyết nhấp nhô
Những chăn và áo ngủ – đứa bé của núi đồi
Ngủ miên man giữa tiếng giục hành quân

Bên cạnh sườn đồi, một thảm lá lơi
Lau mộ người xưa óng ánh bạc nước mắt
Người lính ngồi lau, đánh bóng súng trận
Và chiến sự vang rền, cùng quân đoàn trong sắc phục đỏ tươi

Đại tướng chỉ quân đánh tận cùng giết sạch
Chiến đấu vì một lí do họ đã quên lãng từ lâu rồi..

Phần bè này đan xen giữa lời của bài hát, đọc qua tưởng như không liên quan, nhưng thực ra đã khiến nội dung bài hát trở nên rõ ràng và sâu sắc. Phần bè của bài hát hiện thực khắc nghiệt của cuộc chiến chính là cái nền để gây dựng cảm hứng lãng mạn và bi thương của người lính.

(Ảnh: Picssr)

Thế kỷ XVI – XVII là thế kỷ liên tiếp xảy ra rất nhiều cuộc chiến tranh, và có rất nhiều thanh niên phải ra trận. Ta có thể thấy bóng dáng của chiến trận ở trong phần bè của bài hát, ngoài ra bóng dáng của chiến trận cũng xuất hiện trong phần lời của bài hát qua tên 4 loại thảo mộc được nhắc đi nhắc lại:

Parsley (ngò tây) thời Trung cổ mang ý nghĩa là một loại bùa tự nhiên. Những người lính ngày xưa thường mang theo bùa để hộ mệnh.

Sage (lá xô thơm) là loại lá có mùi thơm rất đặc biệt, thời Trung cổ nó còn tượng trưng cho sức mạnh.

Rosemary (hương thảo) nói đến lòng trung thành.

Thyme (cây húng tây) tượng trưng cho sự can đảm.

Bài hát này viết vào thời khi các anh hùng, hiệp sĩ ra mặt trận, trong tay có cây mộc, hay áo gắn hình cây húng thêu bởi bàn tay của vợ hay người yêu.

Qua phần bè của bài hát, ta sẽ thấy được một hiện thực bi thương.

Bạn có phải đang về vùng Scarborough Fair?
Hãy chuyển lời chào của tôi đến người con gái sống ở đó
Nàng một thời là tình yêu chân thành của tôi

Vì sao chàng trai phải nhờ người khác chuyển lời chào đến người con gái đó? Và vì sao chàng nói “Nàng một thời là tình yêu chân thành của tôi” chứ không phải “Nàng là tình yêu chân thành của tôi?”. Từ “một thời” đã nhấn mạnh nên rằng đó là những gì đã qua, không bao giờ trở lại.

Và vì sao chàng trai lại yêu cầu cô gái làm những điều không thể thực hiện được để “nàng sẽ trở thành tình yêu đích thực của cuộc đời tôi”?

Có lẽ tất cả là bởi hai từ “chiến tranh”, ta thấy được sự khắc nghiệt của chiến tranh trong hai câu bè:

Và chiến sự vang rền, cùng quân đoàn trong sắc phục đỏ tươi
Đại tướng chỉ quân đánh tận cùng giết sạch

Và ta thấy được sự mệt mỏi của người lính trong câu kết:

Chiến đấu vì một lí do họ đã quên lãng từ lâu rồi…

Đó là hình ảnh một con người chiến đấu như một cái máy, không mục đích, không hy vọng,…

(Ảnh: Flickr)

Như vậy ý nghĩa thực sự của bài hát là lời tâm sự của người lính chinh chiến nơi sa trường. Nơi ấy chỉ có khói, lửa, bom, đạn và chết chóc. Có một số ý kiến cho rằng, bài hát là lời của người lính trước lúc ngã xuống. Lúc đó anh biết mình chỉ còn chút ít thời gian còn lại trên cõi đời và điều đau đáu trong tâm trí anh là người con gái mà anh yêu thương ở quê nhà. Có lẽ vì thế mà bài hát gốc đầu tiên mới có âm hưởng buồn bã và yếu ớt như vậy.

Nhưng mặt khác anh cũng không muốn người yêu đau buồn vì sự ra đi của mình, nên đành sử dụng cách nói bóng gió, bảo người yêu những việc mà cô ấy không thể làm được. Ngụ ý của những lời bóng gió đó là nếu làm được những việc vô lý đó thì họ sẽ được ở bên cạnh nhau, và điều đó là không thể.

Tuy nhiên, đó là một câu chuyện bi thương nhưng không sầu thảm bởi âm hưởng nhẹ nhàng, da diết nhưng không bi lụy của bài hát và bởi lời đề nghị có phần hài hước của chàng trai bảo cô gái làm những chuyện ngược đời.

Cho đến nay phiên bản Scarborough Fair do hai nghệ sĩ Paul Simon và Art Garfunkel trình bày năm 1965 vẫn là phiên bản đem lại nhiều cảm xúc cũng như tranh luận của độc giả.

Ở Việt Nam, trước năm 1975, ca khúc này đã được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa “Giàn thiên lý đã xa”, phỏng dịch từ phiên bản lời Pháp có tựa “Chèvrefeuille que tu es loin.” Lời Việt không thật sát với tinh thần của bản gốc nhưng giữ lại được âm điệu da diết, nhẹ nhàng, khiến người nghe thổn thức.

Xin mời quý độc giả nghe lại bản gốc tuyệt đẹp, có phần bè do hai nghệ sĩ Paul Simon và Art Garfunkel trình bày năm 1965:

Bản Scarborough Fair trong veo do Celtic Woman thể hiện:

Bản Scarborough Fair lời Việt dưới tên “Giàn thiên lý đã xa” do ca sĩ Ái Vân thể hiện cũng vô cùng giàu cảm xúc, nhẹ nhàng:

Thiện Minh