Nấm trong thiên nhiên có vô số loại, nhưng chúng thường không mọc một cách quá lộ liễu. Để chụp được những bức ảnh nấm đẹp cũng cần có một số hiểu biết và kỹ năng nhất định.
Nấm – một chủ đề không phổ biến nhưng thú vị trong nhiếp ảnh
Nấm, cũng giống như các loài hoa, rất đa dạng. Chúng có đủ hình dạng và kích cỡ, từ nấm nút nhỏ đến những quả bóng nấm khổng lồ, lớn đến mức chúng có thể bị nhầm với con cừu.
Nhưng không giống như hoa, nấm không phải là một chủ đề nhiếp ảnh phổ biến. Ngoại trừ những cây nấm dễ thương như trong truyện cổ tích, các loài nấm khác rất ít khi được quan tâm chụp ảnh.
Có lẽ đó là vì nấm rất khó tìm và chụp ảnh, đặc biệt là khi so sánh với những bông hoa có màu sắc rực rỡ. Trong khi một số loài nấm cũng có màu sặc sỡ, nhiều loài nấm khác chỉ có màu nâu hoặc trắng – là màu sắc dễ bị lẫn vào những thứ khác trong rừng. Bạn phải để ý kỹ thì mới tìm thấy chúng, và sau đó bạn vẫn phải có ánh sáng phù hợp thì mới có được một bức ảnh đẹp!
Tuy nhiên, nấm có thể trở thành những đối tượng chụp nổi bật đáng bỏ công để tìm kiếm. Có thể lấy ví dụ từ một số hình ảnh nấm tuyệt vời được chụp bởi nhiếp ảnh gia Bernard Spragg. Bernard sống tại New Zealand; Ông đã có hơn 300 bức ảnh về các loại nấm với đủ hình dạng, kích cỡ và màu sắc. Bộ ảnh của ông đã cho thấy nấm đa dạng đến mức nào và kỳ lạ và tuyệt vời như thế nào khi được lên ảnh.
Nhưng Bernard không chỉ đơn thuần là chỉ chụp ảnh nấm. Ông thể đọc tên từng loài nấm mà ông chụp và đăng lên những bức ảnh về nấm với đầy đủ tên và mô tả.
Tất nhiên, để chụp được ảnh của rất nhiều loại nấm cần có sự kiên nhẫn và phải đi bộ rất nhiều trong rừng. Nhưng nếu chỉ chụp được một tấm ảnh tuyệt vời thôi cũng có thể đã xứng đáng với nỗ lực đó. Dưới đây là một số lời khuyên để tìm và chụp ảnh các loài nấm.
Làm thế nào để tìm được các loài nấm cho chụp ảnh?
1. Đi vào một đồng cỏ hoặc một rừng cây.
Hơn 80% các loài nấm mọc xung quanh các cây gỗ; vì vậy rừng là nơi lý tưởng để tìm nấm mũ và các loại nấm khác. Chúng có xu hướng thích bóng tối, nơi ẩm ướt, có gỗ mục nát và lá rụng. Hãy thử kiểm tra kẽ hở của những thân cây chết và trong thảm thực vật dưới tán rừng để tìm ra chúng.
Một số loài nấm chỉ mọc xung quanh các loại cây nhất định. Ví dụ, loài Chanterelles chỉ mọc xung quanh cây bạch dương, cây thông và cây sồi. Tương tự, một số loài nấm (như Fairy Ring Toadstool) chỉ mọc ở những cánh đồng hoặc đồng cỏ mở. Nói cách khác, nếu bạn đang chủ trương tìm kiếm một loại nấm nhất định, hãy chắc chắn đã nghiên cứu về nơi loài đó mọc trước khi bạn đi ra ngoài tìm kiếm nó.
2. Khi đã tìm thấy một cây nấm, hãy tiếp tục tìm kiếm xung quanh nó để phát hiện thêm các cây nấm khác.
Trong hầu hết các trường hợp, phát hiện một cây nấm mũ đơn độc chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu bạn đã thấy một cây, bạn có thể tiếp tục tìm thấy nhiều cây khác ở quanh đó. Đó là vì nấm mũ thường được kết nối với nhau ngầm dưới lòng đất. Bộ phận lớn nhất của cây nấm lại ẩn dưới đất, và những cây nấm mà bạn quan sát được chỉ là phần ra hoa của loại nấm ngầm khổng lồ này.
Vậy nên nếu bạn đã phát hiện ra một cây nấm, thì hãy dành chút thời gian để tìm kiếm những cây nấm khác trong cùng khu vực. Bạn chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều hơn; và có thể các cây mới tìm được còn nổi bật hơn cây nấm đầu tiên mà bạn phát hiện.
3. Hãy đi cùng một thợ săn nấm nhiều kinh nghiệm.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nấm, hãy thử tham gia một câu lạc bộ nấm địa phương hoặc liên hệ với một thợ săn nấm kỳ cựu để hướng dẫn cho tìm kiếm của bạn. Nếu những người chuyên săn nấm mũ có thể không biết nơi nào có các loài nấm lạ nhất – những loại nấm độc không thể ăn được – thì ít nhất họ cũng có thể giúp bạn tìm ra những loài nấm thông thường để chụp ảnh.
Lưu ý đặc biêt: Khi đi sục sạo trong rừng rậm nhiệt đới (như các rừng tự nhiên ở Việt Nam) để tìm kiếm nấm làm đối tượng để chụp ảnh, bạn cần rất thận trọng và cảnh giác với những mối nguy hiểm tiềm tàng, có thể là từ các loài động vật hoang dã rất nguy hiểm, như rắn độc, rết độc, ong, kiến lửa…, cùng những mối nguy hiểm từ các kiến tạo tự nhiên như hố sụt (có thể bị bụi cây che lấp), sườn dốc, địa hình trơn trượt, lún, đá trơn trượt, sạt lở, những đoạn sông suối nguy hiểm… ; cũng không nên đi giật lùi vào những chỗ mà bạn không chắc chắn về độ an toàn. Bạn luôn phải đảm bảo rằng chính bạn sẽ là người mang những tấm ảnh đẹp ra khỏi rừng chứ không phải là ai khác.
Cách chụp để cho ra ảnh nấm đẹp
1. Đặt máy để chụp ở cùng độ cao với cây nấm
Khi chụp từ trên cao, nhiều loài nấm trông không có gì bắt mắt. Đặc biệt đối với các loài nấm mũ, nếu chụp từ trên xuống bạn chỉ thấy nóc của mũ nấm. Khi bạn hạ thấp máy xuống tới chiều cao của nấm, bạn sẽ có được bức ảnh đẹp hơn, sẽ nắm bắt được hình dạng và kết cấu đầy đủ của chúng. Quần áo của bạn có thể bị dính những những chiếc lá mục và bẩn, nhưng đó chỉ là một sự hy sinh nhỏ để có được những bức ảnh nấm tuyệt vời.
2. Chụp cận cảnh.
Nấm nhìn chung có cấu tạo khá thú vị, rất phù hợp để chụp cận cảnh hoặc chụp macro. Bạn có thể chụp được các chi tiết và hoa văn đẹp mà không thể chụp được khi để máy ở xa hơn.
3. Đặt máy ở chế độ lấy nét nông
Nấm thường được bao quanh bởi các loài thực vật khác, lá cây chết và những thứ gây nhiễu khác có thể làm lệch sự chú ý của người xem. Để có được một bức ảnh đẹp, bạn sẽ cần phải cắt giảm những nhiễu loạn này. Đôi khi, điều này có thể đơn giản chỉ là gạt đi một số lá cây xung quanh. Nhưng trong nhiều trường hợp, bạn nhất thiết cần đặt máy ở chế độ lấy nét nông để làm mờ đi sự lộn xộn của hậu cảnh và mang lại cho cây nấm sự sắc nét.
4. Hãy thử các kỹ thuật ánh sáng khác nhau
Ánh sáng kém là một rắc rối khá phổ biến khi chụp nấm. Đặc biệt nếu bạn muốn chụp ảnh các tia của mũ nấm, bạn có thể cần phải phải có nguồn chiếu sáng bổ sung. Kỹ thuật chiếu sáng hiệu quả nhất cho tình huống này nhìn chung là dùng một đèn flash ngoài, mà bạn có thể dễ dàng di chuyển đèn xung quanh cây nấm. Trong trường hợp không có đèn ngoài, bạn có thể thử sử dụng những chiếc gương phản xạ để chiếu ánh sáng vào nấm hoặc dùng đèn flash gắn liền trong máy, nhưng phải cùng với bộ khuếch tán để làm dịu bớt ánh sáng đèn.
5. Làm chậm tốc độ màn trập máy ảnh của bạn
Nếu những biện pháp nói trên vẫn không cung cấp đủ ánh sáng cho cây nấm? Đừng quá lo lắng – hãy đặt tốc độ màn trập của máy ảnh chậm lại. Cây nấm sẽ chẳng chạy đi đâu được trong khi chụp, do đó bạn vẫn có thể có được một bức ảnh sắc nét ngay cả khi đặt tốc độ màn trập chậm, miễn là máy ảnh của bạn được giữ chắc chắn. Muốn vậy chúng ta hãy tham khảo thủ thuật cuối cùng ở ngay dưới đây
6. Sử dụng chân máy
Nếu có thể, hãy mang theo một chiếc chân máy ảnh loại thấp trong hành trình đi săn nấm của bạn. Bằng cách này, bạn có thể có thể thu được những hình ảnh sắc nét gần sát mặt đất ngay cả khi ở trong điều kiện ánh sáng rất yếu. Chân máy mini, với các đặc điểm như nhỏ gọn, nhẹ và dễ mang theo, sẽ phát huy tác dụng tuyệt vời trong những tình huống như thế này.
Trong trường hợp không có chân máy, bạn có thể thử giữ chắc chiếc máy ảnh của mình trên một bề mặt phẳng tự nhiên như mặt tảng đá hoặc khúc gỗ. Khi tìm được bệ đặt máy phù hợp, bạn thậm chí có thể thoát khỏi việc dùng tay nâng máy ảnh ngay cả khi đặt tốc độ màn trập của bạn không quá chậm. Tuy nhiên, cách đặt máy tùy ý này không đáng tin cậy như khi dùng một chân máy ba chân; vì vậy hãy suy xét đến việc mang theo chân máy một cách nghiêm túc nhé.
Những bức ảnh chụp nấm tuyệt vời đầy cảm hứng của tay máy Bernard Spragg đã chứng minh rằng thế giới của các loài nấm có vẻ đẹp rất kỳ lạ, chắc chắn là một chủ đề nhiếp ảnh độc đáo đáng để các bạn bỏ công khám phá.
Theo thephotoargus.com
Thiện Quang biên dịch
Clip hay: