Chưa bao giờ trong lịch sử, hội họa lại đạt đến đỉnh cao hoàn mỹ như thời kỳ Phục Hưng. Và cũng chưa bao giờ trong lịch sử, hội họa lại trượt dốc và rơi vào bế tắc như trong thời hiện đại. Nhưng giữa sự chơi vơi của nghệ thuật lại nổi bật lên những tác phẩm kiệt xuất, một trong số đó là bức vẽ: “Ta là ai?”.
Từ sự chơi vơi của hội họa đương đại
Trong thời kỳ đỉnh cao của sự hoàn mỹ như thời kỳ Phục Hưng. Những tài năng bậc thầy như Michelangelo, Leonardo da Vinci, Raphael… đã để lại cho nhân loại nhiều kiệt tác vô giá, không chỉ khiến người xem rung động trước cái đẹp mà còn mở ra một cảnh giới thoát tục siêu phàm.
Nhưng tất cả đã thay đổi kể từ đầu thế kỷ 20, các giá trị nhân văn và chuẩn mực nghệ thuật đều bị chế giễu. Sự uyên thâm bị thay bằng vô nghĩa, cái đẹp bị thay bằng xấu xí, tín ngưỡng và đạo đức bị thay bằng buông thả, phóng túng và suy đồi, còn chủ đề thần thánh và đức tin thì bị thay thế bằng những thứ dung tục và tầm thường. Ngày hôm nay, sự ngớ ngẩn và kỳ dị được tôn lên làm kiệt tác, đến mức một họa sĩ thuộc trường phái siêu thực là Salvador Dalí phải thốt lên: “Kể từ chủ nghĩa ấn tượng tới nay, nghệ thuật đã suy tàn đến mức thật ấn tượng!”, còn nhà minh họa người Mỹ Robert Florczak thì không khỏi ngán ngẩm: “Vì sao nghệ thuật hiện đại lại tệ hại thế này?”.
Nếu như hội họa Phục Hưng cho ta cảm giác trang nhã, thanh tao và rất mực thần thánh, thì hội họa đương đại lại bày ra đó một mớ hỗn độn khôi hài. Hãy lấy những tác phẩm về Đức mẹ Mary làm ví dụ: “Đức mẹ sầu bi” trong tranh vẽ của Giovanni Battista Salvi dẫu mang nét mặt đượm buồn nhưng vẫn toát lên vẻ thuần khiết, gợi cho người xem cảm giác kính ngưỡng vô cùng.
Còn trong tranh vẽ của Raphael, Thánh mẫu Mary vừa mang dáng dấp của một người mẹ, lại vừa có phong thái của một vị Thần:
Vậy hội họa hiện đại thì sao? Xin đừng coi thường những nét vẽ nguệch ngoạc dưới đây, bởi đó chính xác là một tác phẩm nghệ thuật! Tác phẩm là sự kết hợp hoàn hảo của sơn dầu, nhựa polyester và phân voi, được đặt trịnh trọng trong lồng kính với tấm biển mang tên: “Đức mẹ đồng trinh Mary” (The Holy Virgin Mary). Và cũng phải nói thêm rằng, đây từng là tác phẩm thu hút nhiều sự chú ý nhất trong các buổi triển lãm ở London, Berlin, và New York những năm 1997-2000.
Ai đó dường như đang bật cười ngao ngán… Nền hội họa đương đại thật đáng buồn, nhưng cũng không đáng buồn!
Tác phẩm “Ta là ai?”
Đứng trước sự suy đồi ấy của thời đại, nhiều nghệ sĩ chân chính đã mạnh dạn uốn nắn dòng chảy nghệ thuật, phục hưng lại những giá trị tinh hoa từ ngàn xưa đã mất. Đó là các tác phẩm đề cao đạo đức và lương tri, với sức mạnh của từ bi thấm đẫm trong từng nét vẽ, làm rung động người xem trước vẻ đẹp thuần thiện, thuần nhẫn, thuần chân. Và tác phẩm đầu tiên mà chúng ta thưởng thức hôm nay mang tên: “Ta là ai?”.
Nhân sinh như mộng, ta là ai?
“Ngã thị thùy” (Ta là ai?) là tác phẩm của họa sĩ người Mỹ Đổng Tích Cường, từng đạt giải bạc trong cuộc thi vẽ tranh sơn dầu tại Mỹ vào năm 2011.
Tiêu đề gọi của bức tranh đã chạm đến chỗ sâu thẳm nhất, là câu hỏi lớn của đời người, là thắc mắc muôn thuở của nhân loại tự thuở hoang vu đất trời. Cũng chính vì lẽ đó, mà năm xưa Tô Đông Pha đã “nâng chén rượu lên hỏi trời cao”, để lại cho hậu thế những dòng tuyệt tác dưới đêm trăng:
Vầng trăng sáng có tự khi nào,
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao,
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy,
Đêm nay đã là đêm năm nào…
Đêm nay đã là đêm năm nào? Có lúc là trăng sáng sao thưa, có lúc là trăng ẩn sao hiện, lại có lúc trăng sao cùng mất. Con người sống giữa thế gian cũng như vậy, có lúc vinh hiển, có lúc khốn cùng, có lúc thiện lương, có lúc gian tà… Rốt cuộc thì, ta là ai giữa đất trời mênh mang thăm thẳm, ta là ai giữa cuồn cuộn hồng trần?
Đó là cách thể hiện qua ngôn ngữ thi ca. Vậy còn trong tranh vẽ của Đổng Tích Cường, tác giả đã thể hiện câu hỏi ấy bằng ‘ngôn ngữ’ của hội họa như thế nào?
Nhân vật chính trong bức vẽ là cô gái trẻ ngồi trên bờ cát. Sau lưng cô là biển xanh cuồn cuộn, là sóng lớn tuôn trào. Người ta thường ví xã hội như một dòng chảy lớn, cuốn nhân loại trôi theo danh, tình, lợi. Còn trong bức tranh, cơn sóng dữ chiếm một nửa khung nền và như muốn bao trùm lấy cô gái, tượng trưng cho những hiểm ác của thế gian.
Và có một điều gì đó rất đặc biệt ở cô gái này, khiến chúng ta không thể rời mắt. Ở cô toát lên sự thánh thiện, thuần khiết và vô cùng trong sáng. Cô mặc chiếc váy voan màu trắng tinh khiết, trang nhã và nhẹ nhàng, nền váy trong suốt như biểu thị nội tâm thuần tịnh của nhân vật. Dễ thấy chiếc váy được trang trí bằng những họa tiết tinh tế cầu kỳ, dường như cô vốn có thân phận và địa vị không tầm thường. Nhưng khuôn mặt cô gái lại đầy băn khoăn và bối rối, phải chăng cô đang chờ đợi điều gì, hay đang tìm kiếm điều gì?
Hướng nhìn xuống của cô gái đưa chúng ta đến một chi tiết bé nhỏ nhưng lại là lời giải cho toàn bộ bức tranh: Một cuốn sách với tiêu đề “Những câu chuyện có thật về luân hồi chuyển thế”, trên cuốn sách là chiếc bookmark nhỏ cùng với đóa hoa sen bằng giấy – một đóa sen đang tỏa ánh hào quang…
Tín ngưỡng cổ xưa của cả Đông và Tây đều tin rằng sinh mệnh của con người đến từ thượng giới. Người phương Tây có câu chuyện Thiên Chúa tạo ra Adam và Eva, người phương Đông lại kể chuyện Nữ Oa nặn hình người. Mỗi dân tộc có một truyền thuyết riêng về nguồn cội linh thiêng của mình, và dẫu tình tiết có khác nhau nhưng đều hội tụ ở một điểm này:
Nhân loại là con dân của Thần, nguồn gốc của sinh mệnh là từ nơi thượng giới.
Nhưng vì sinh mệnh đã gây nên tội nghiệp mà bị đày đọa xuống hồng trần, giống như Adam và Eva vì lỡ ăn trái cấm, hay Bát Giới và Sa Tăng vì vi phạm luật thiên đình. Con người trầm luân nơi nhân thế, đã trải qua trăm ngàn kiếp, mỗi kiếp sống lại là một vai diễn khác nhau. Kiếp trước từng là quân vương lừng lẫy, kiếp này rất có thể chỉ là trẻ chăn trâu nơi đồng cỏ. Kiếp trước từng là ả đào hát bị người đời khinh bỉ, kiếp này biết đâu lại là công nương quyền quý nơi hoàng triều. Cả một đời ấy, giàu nghèo vinh nhục có là gì đâu, khi chết đi chỉ thấy hết thảy trong đời đều tựa mây bay khói tản, như một giấc mộng tàn. Sinh sinh thác thác, đến đến rồi đi, kiếp người cứ mãi quẩn quanh như thế trong vòng quay của chuyển thế luân hồi.
Vậy thì ta là ai giữa biển người cuồn cuộn, ta là ai giữa nhân thế xoay vần? Chẳng phải sinh mệnh của ta là từ thiên giới đó sao, và chẳng phải thiên quốc ấy mới là ngôi nhà chân chính đang mong ngóng ta về? Nhưng nếu như ta quên mất bản thân mình là ai, quên mất cố hương đích thực của mình, cứ mãi mê đắm nơi nhân thế đầy danh và lợi này, thì chẳng phải là điều đáng thương nhất của kiếp người hay sao? Và như thế, dòng chữ “Luân hồi chuyển thế” trên cuốn sách khiến cô gái chú ý, giống như một tiếng gọi từ tiềm thức vọng về…
Cô gái ngồi quay lưng về phía biển, bỏ mặc đằng sau là cơn sóng cuộn trào. Nét mặt cô đầy ưu tư, giống như đang kiếm tìm lời giải cho ý nghĩa tồn tại của mình. Nếu biết rằng nhân gian chỉ là cõi tạm, và mỗi kiếp sống chỉ là một sự đợi chờ, thì điều mà con người hằng chờ đợi, hằng tìm kiếm ấy là gì đây? Phải chăng chính là tìm một con đường quay trở về thiên quốc?
Ánh sáng tỏa ra từ đóa hoa sen như một tia hy vọng. Hoa sen là biểu tượng của Phật gia, cũng thường gắn với nội hàm của tu luyện: vươn lên từ bùn mà không hôi tanh mùi bùn, thuần khiết và vô nhiễm bụi trần.
Đóa sen ấy cũng gắn liền với chiếc bookmark đặt trên cuốn sách, trên đó viết dòng chữ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.
Pháp Luân Đại Pháp là một bộ môn tu luyện của Phật gia, đề cao các giá trị Chân – Thiện – Nhẫn. Dòng chữ trên chiếc bookmark giống như một lời giục giã chạm sâu vào tâm khảm: Tu luyện là con đường duy nhất để trở về.
Và để thay cho lời kết, người viết mạn phép mượn lời một ca khúc để nói lên nội hàm của tác phẩm “Ta là ai?”:
Ca khúc: Tỉnh Mộng
Sáng tác: Tu Nhạc
Diễn tấu: Quốc Hoa
Luân hồi chuyển thế mấy ngàn năm
Đến đến đi đi tại cớ gì?
Công danh lợi lộc nào giữ mãi
Thế đạo hưng suy định bởi Trời
Sinh mệnh vốn là Tiên thiên thượng
Thành bại trong đời mây khói bay
Thị phi vốn là ân oán trước
Đắc Pháp tỉnh mộng lên trời xanh.
Tâm Minh
Clip hay: