Vương Hy Phượng là một nhân vật trong bộ truyện nổi tiếng Hồng Lâu Mộng của tác giả Tào Tuyết Cần, Trung Quốc. Cô được đánh giá là một người phụ nữ có dung nhan lộng lẫy, vô cùng quý phái. Cô sở hữu trí thông minh và có tài đối đáp. Khi Phượng dùng trí thông minh của mình mà trở thành xảo trá và ác độc thì đó chính là hệ lụy của sự thông minh.
Trong Hồng Lâu Mộng, một hình ảnh được cho là trung tâm của tập truyện chính là Vương Hy Phượng. Tào Tuyết Cần đã viết một bài thơ để miêu tả về cô. Xinh đẹp, thông minh sắc sảo hơn người nhưng cuối cùng cũng chẳng lại được với trời.
Bài thơ được phổ thành nhạc và được sử dụng trong phim Hồng Lâu Mộng. Bài hát mang làn điệu buồn nhưng có phần mạnh mẽ hơn những ca khúc khác của Hồng lâu mộng, đã phần nào khắc họa rõ hơn tính cách, con người và số phận của nàng Phượng “ớt”.
Vương Hy Phượng- khôn ngoan chẳng lại với trời…
Người ta gọi Vương Hi Phượng là Phượng thư hay mợ Hai, là con dâu của Giả Xá, Hình Phu nhân, vợ chính thất của Giả Liễn, mẹ của Giả Xảo Thư, cháu ruột của Vương Tử Đằng, Vương phu nhân, Tiết phu nhân.
Trong ‘Hồng Lâu Mộng‘, Tào Tuyết Cần dùng rất nhiều ngôn từ cùng với giọng văn sinh động để miêu tả về Vương Hi Phượng. Ông khắc họa hình ảnh đầu tiên về cô đó là tiếng cười giòn tan, sang sảng mỗi khi cô xuất hiện. Tiếng cười nghe của cô dường như không có ngôn ngữ nào miêu tả được.
Phượng sở hữu một dung nhan lộng lẫy mĩ miều, phong thái quý phái, trang phục đẹp đẽ. Mặt đẹp như hoa, mắt phượng long lanh, lông mày như hàng liễu diệp, đôi môi mọng đỏ như hoa chỉ trực nở nụ cười. Vẻ đẹp được tác giả miêu tả như Phi Tiên tử, tức tiên nữ trên trời.
Trái với cách Tào Tuyết Cần miêu tả về dung mạo của Vương Hi Phượng, ông lại dành ngòi bút sắc bén để nói về địa vị của cô ở Cổ phủ. Ông khắc họa Phượng là kẻ mưu kế, dẻo miệng mà tâm khổ. Lối sống hai mặt, xu nịnh bề trên, ức hiếp kẻ yếu. Ông nói cô như chậu hoa mà có hỏa, lối sống như con dao hai lưỡi.
Vương Hi Phượng dưới ngòi bút của Tào Tuyết Cần mang đầy sự tháo vát nhanh nhẹn, thông minh và thể hiện một bà chủ với sự mạnh mẽ quyết đoán tới độc ác. Khi cô xuất hiện người ta ví như lâm trận sinh long hoạt hổ, khí thế hừng hực. Lời nói chanh chua sắc bén khiến người nghe không kịp thấu, miệng nói liến thoắng làm nhĩ không rảnh nghe.
Khi thông minh được sử dụng như công cụ bày mưu tính kế, nó đã biến con người trở lên tàn độc. Đó là hệ lụy của thông minh
Được mệnh danh là Phượng ớt, chính là bộc lộ sự sát phạt không thương tiếc với sự độc đoán tới lạnh lòng. Cô là người nắm trong tay quyền lực dòng tộc, nhưng sẵn sàng ra tay sát phạt mà không nể tình, chẳng sợ bị người đời oán hận mà nguyền rủa. Một con người mà thủ đoạn nào cũng chẳng chừa, có thể dồn con người tới bước đường cùng, lời nói sắc tựa dao cắt xẻ tâm can của người.
Việc Phượng giải quyết phủ Ninh Quốc đã đủ phô bày ra những thủ đoạn ác độc của mình, Phượng chẳng sợ đắc tội với người, không trốn tránh mâu thuẫn mà cố tình tạo và đón nhận mâu thuẫn, kết oán gây thù. Một vú già đến muộn, mặc dù đã nghe mọi lời phân giải nhưng Phượng cũng chẳng tha, đánh 20 đòn roi lại còn muốn bà quỳ xuống dập đầu lạy khấu tạ.
Sắc sảo đấy, tài cán đấy, thông minh đấy nhưng nó đã biến cô trở thành kẻ khôn với đời, sử dụng cái đó mà mưu mô thủ đoạn, hại người gạt người.
Trên thì xu nịnh ngọt nhạt bợ đỡ, dưới thì ức hiếp bức hại người hèn kém hơn mình. Cái thông minh mà cô cho rằng mình có thể tính toán mọi sự như thần lại chính là cái dây khiến cô bị quấn vào càng chặt. Nghiệp lực mà cô đắc được ngày càng nhiều.
Vương Hi Phượng ” thủ đoạn ác độc” ở nhiều tình huống biểu hiện là khoe oai lộng quyền, lạm thi hình phạt. Cô thường ngày trừng trị nha đầu, bắt quỳ trên ngói dưới nắng gay gắt, dùng dây thừng mà đánh, dùng trâm cài tóc mà đâm… Có lần Phượng ra tay đánh cho người tiểu đạo sĩ kia đều đứng không được. Vương Hi Phượng ra tay nặng, tàn nhẫn, nhanh chóng, thủ đoạn ác độc. Chính vì vậy mà người ta gọi nàng là” Diêm Vương bà” , ” Dạ Xoa Tinh”.
Vương Hi Phượng có một câu rất nổi danh : “Ta là chưa bao giờ tin cái gì âm ti địa ngục báo ứng, bằng là chuyện gì, ta nói muốn được là được.”
Câu này nghe tới thật giống với câu nói khí khái, chính là quỷ thần khó chặn, chỉ tiếc loại này là khí phách dùng trên phương diện tà ác. Coi mình là trời, một tay che thiên hạ, khôn ngoan, tinh ranh tới tàn độc. Cô cho rằng mọi sự đều nằm trong tính toán của cô. Do vậy mà cô chẳng tin thần, nói tới thần là cô không thành kính, chẳng e dè kiêng nể.
Việc của cô là chỉ cần mục đích mình đạt được, thì thủ đoạn nào cũng chẳng chừa. Bày mưu tính kế mà chuộc lợi bản thân, nhưng than ôi sắc sảo, thông minh, tài cán lại chẳng thể đọ được với ông trời. Người đời tự hỏi, nàng thông minh như thế, tính toán giỏi như vậy, mưu kế xảo quyệt như vậy liệu số phận nàng sẽ ấm êm hơn?
Việc đời tính rất thông minh
Còn mình, mình tính phận mình vẫn sai
Sống lần ruột đã nát rồi
Chết mang tiếng hão là người tinh ranh
Trước kia giàu có khang ninh,
Bây giờ cơ nghiệp tan tành khắp nơi
Uổng công áy náy nửa đời
Khác gì một giấc mộng dài thâu canh
Ầm ầm như sắp đổ đình
Chập chờn như ngọn đèn xanh cạn dầu
Vừa vui vẻ đã âu sầu
Đời người biến đổi biết đâu mà lường.
Con tạo xoay vần, đời người thay đổi. Nay quyền thế sang giàu mà ỷ mạnh ức hiếp yếu thì nay tay chẳng đụng được việc chi. Khi xưa lời nói thét ra lửa mà dọa người nạt người, mà chửi bới chanh chua nay miệng không cất lên được nửa tiếng. Như ngọn đèn dầu cạn, chập chờn âu sầu.
Lòng tham vô đáy, lấy khẩu tài làm thế mạnh, Vương Hy Phượng đã lấp liếm che đậy đi tội ác của mình, thì đến lúc nguy khốn ở bước đường cùng mới nhận thấy rằng thông minh, toan tính chẳng lại được với ông Trời.
Cái cảnh đời chua xót của một con người mưu mô tự đắc là tính toán như thần thì tới lúc chết chẳng một người tiễn đưa. Đổ bệnh nặng mà chết chẳng được nằm áo quan mà chôn cất, thân xác kia kéo lê giống như quỷ Vô thường tới kéo lấy linh hồn cô vậy.
Hình ảnh của Vương Hy Phượng là đại diện cho những kẻ lộng quyền mạt sát, ỷ thế làm càn, tham lam vô độ. Mưu mô tàn độc để chuộc lợi bản thân… Đây như lời cảnh tỉnh tới con người thế gian về cái kết cục của một kẻ vỗ ngực xưng oai, coi khinh Thần Phật, nhạo báng nhân quả. Kẻ mà tự mình đủ thông minh để đấu với trời, địch với người. Ngỡ tưởng rằng đó là khôn ngoan, thông minh nhưng đó lại là sự ngu dốt tột cùng.
Sự thâm thúy trong ý tứ của Tào Tuyết Cần trong việc xây dựng hình ảnh Vương Hy Phượng là thể hiện tài năng tuyệt đỉnh trong văn chương của ông.
Thông minh lụy được phổ trên nền nhạc buồn nhưng có hồn mạnh mẽ hơn hẳn những ca khúc khác trong phim Hồng Lâu Mộng. Ca khúc từ âm điệu tới ca từ là lời kể đầy tiếc thương cho cuộc đời của Vương Hy Phượng. Sự nhầm lẫn tệ hại của một con người ngỡ tưởng rằng mình là thiên hạ đệ nhất thông minh lại là kẻ ngu dốt tột cùng. Cái mà cô có được là gì khi cả chặng đường đời là trăm ngàn việc tàn ác, tâm độc như mãng xà. Chết đi tay trắng lại về trắng tay, vậy cớ chi những năm tháng ở đời hoài công mưu tính để rồi mang theo đi là cả một khối ác nghiệp, thật đúng là thông minh lụy.
Tịnh Tâm