“Uống nước nhớ nguồn”, dù đi đâu về đâu, xin hãy đừng quên gốc gác của mình. Đừng vì chút tiền bạc danh vọng đạt được mà khinh thường những người nghèo khó, quê mùa. Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây và cùng chiêm nghiệm.

Có tiếng quát to:

“Mấy đứa trẻ con này hay nhỉ? Sao lại rút hết hoa ở cổng? Người ta còn mấy đoàn khách trên công ty chưa về. Đúng là bọn nhà quê!”

“Người ta” – chính là anh họ tôi – bực bội nhìn cái cổng đám cưới. Cái cổng – nghe nói bác tôi thuê của một người quen – vốn đã cũ kĩ, han gỉ, giờ trông càng thảm hại hơn khi bị rút bớt đi hoa và bóng bay. Mấy đứa trẻ tản ra không hiểu sao đám cưới đã tổ chức xong mà chúng không được phép rút hoa như ở những đám cưới khác, lại còn bị mắng là bọn nhà quê.

Quê tôi không phải là một vùng quê nghèo. Cách đây khoảng hai mươi năm, khi những vùng quê khác hầu hết là đường đất thì quê tôi toàn bộ đã là đường gạch. Nhưng chỉ trong vòng năm, sáu năm trở lại đây phong trào khuyến học mới bắt đầu phát triển. Còn trước đó số người học cấp ba rất ít, số người được lên Hà Nội học như anh họ tôi lại càng ít hơn.

(Ảnh minh họa: Honey Bees)

Tôi nhớ hè năm đầu tiên anh học trên Hà Nội về, anh đã mang theo bao điều mới mẻ anh học từ thành phố. Chính anh đã dạy không công suốt cả mùa hè cho lũ trẻ con lắt nhắt chúng tôi – lúc ấy mới chỉ học lớp ba, lớp năm – những từ, những câu tiếng Anh đầu tiên, mặc dù ngành anh học không phải là ngành sư phạm. Ngày ấy chúng tôi đã ước sau này lớn lên cũng được đi học trên thành phố như anh.

Rồi anh ít về quê dần. Học xong anh ở lại Hà Nội làm việc. Nghe nói anh phụ trách mạng lưới điện trong một trường Đại học lớn. Nghe nói anh được phân một căn phòng tập thể rất gọn gàng, sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi. Từ đó chúng tôi càng ít gặp anh hơn.

Cho đến hôm nay là ngày cưới của anh. Ở quê tôi, mỗi khi có đám cưới thì đó không chỉ là ngày vui của cô dâu chú rể, của hai gia đình mà còn là ngày vui của cả khu xóm và nhất là ngày vui của đám trẻ con.

Trong những ngày này, bọn trẻ sẽ không phải phụ giúp bố mẹ làm việc nhà, việc đồng áng, chúng sẽ được phép mặc quần áo đẹp, được tự do chạy nhảy, được chơi tú lơ khơ, chúng háo hức chờ xem mặt cô dâu, chú rể rồi tranh nhau rút những bông hoa khi lễ cưới tổ chức xong. Hồi anh chị tôi và tôi còn nhỏ đều như thế. (Tôi vẫn tiếc là mình chưa bao giờ tranh được một bông hoa trong ngày cưới.) Bây giờ đến lượt các em, các cháu của tôi vẫn theo truyền thống đó. Và anh họ tôi bảo “Đúng là bọn nhà quê!”.

Bọn trẻ con đã tản đi hết. Dường như chúng cảm giác được sức nặng trong hai chữ “nhà quê” trong lời nói của anh họ tôi, và cũng là anh, là chú của chúng.

Tôi vẫn biết có những sự khác biệt nhất định giữa trẻ em ở quê và trẻ em ở thành phố. Tôi từng nhìn thấy chiếc bàn học của một đứa trẻ thành phố bày hàng loạt những chiếc cốc, chiếc lọ đựng đủ các loại bút khác nhau, phong phú đa dạng hơn cả cái ngăn tủ kính bán bút trong một cửa hàng tạp hóa cỡ vừa ở quê tôi.

Tôi cũng đã từng nhìn thấy các em nhỏ thành phố – dưới sự hướng dẫn của một thầy giáo và sự động viên của các bà mẹ – ngồi dưới bóng cây say sưa vẽ cảnh hồ Gươm. Rồi những cuốn truyện tranh mới tinh mà trẻ em ở thành phố thường có trong tay ngay khi cuốn truyện vừa được xuất bản.

Anh họ tôi đã sống trên Hà Nội hơn mười năm, hẳn anh còn thấy nhiều sự khác biệt hơn. Nhưng tôi tự hỏi: liệu anh có thấy những đứa trẻ nhà quê, dù không có nhiều bút, dù chưa được vẽ cảnh hồ Gươm, dù chỉ được truyền tay nhau những quyển truyện tranh đã cũ và thường lộn xộn tập, vẫn lớn lên tự nhiên, khỏe khoắn, lành mạnh, vẫn có thể thành đạt và sống tốt?

Anh tôi đang gọi người ra canh chiếc cổng đám cưới. Còn tôi thì vẫn băn khoăn không biết khi anh nói “Đúng là bọn nhà quê”, có phải anh đã tự cho mình là người thành phố, có phải anh đã vô tình quên mất một đứa trẻ nhà quê từng tồn tại trong anh? Tôi không dám nghĩ là anh đã cố tình, vì dù sao thì anh cũng chỉ là đang lo cho đám cưới được diễn ra tốt đẹp! Tôi có thể thông cảm cho anh, nhưng còn bao nhiêu người “nhà quê” khác đang lục tục rời khỏi đám cưới cũng đều nghe thấy, vì anh đã quát rất to.

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__