Nghe lại bản gốc tuyệt đẹp là loạt bài qua đó chuyên mục Nghệ Thuật của Đại Kỷ Nguyên trân trọng dành tặng quý độc giả những ca khúc gốc bất hủ của các phiên bản tiếng Việt mà khán giả Việt Nam vốn say mê, nhưng có thể chưa biết đến sự hiện diện của những bản gốc lộng lẫy và câu chuyện lịch sử đầy xúc động xung quanh của chúng… Chúc quý độc giả những giây phút thưởng thức đầy thú vị và thăng hoa…

“Le géant de papier” là một trong những ca khúc kinh điển của nền âm nhạc lãng mạn Pháp và luôn được xếp trong album những bài nhạc Pháp hay nhất mọi thời đại. Bài hát làm cho tên tuổi của chàng trai nghèo khổ vô danh, với đôi mắt xanh biếc hiền dịu trở nên vụt sáng chói sau một đêm…

Đó dường như món quà mà Thượng Đế ban tặng chàng vậy… Và khi tới Việt Nam, chẳng mấy ai biết bản gốc, nhưng Lạc Mất Mùa Xuân lời Việt của nhạc sĩ Lữ Liên đã chinh phục trái tim những khán giả khó tính nhất…

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Năm 1985, Jean-Jacques Lafon thể hiện “Le géant de papier” và tên tuổi anh vụt chói sáng

Được phát hành vào năm 1985, tức cách đây 33 năm, bản nhạc Le Géant de Papier (có nghĩa là Chàng khổng lồ bằng Giấy) đã phá kỷ lục số bán ra thời bấy giờ với gần bốn triệu bản chỉ trong vòng chưa đầy sáu tháng.

Trong vòng ba năm liền, chàng ca sĩ Jean-Jacques Lafon liên tục đi biểu diễn ở nước ngoài kể cả Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Phi hay Canada.

Với gần 500 phiên bản khác nhau ghi âm trong 6 thứ tiếng, nhạc phẩm Le Géant de Papier vào thời kỳ được phát hành đã đoạt rất nhiều giải thưởng, kể cả giải sáng tác của hiệp hội các tác giả ở Pháp và giải dành cho ca khúc Pháp ăn khách nhất ở nước ngoài. Với thời gian, bài hát cũng trở thành một trong những tình khúc tiêu biểu nhất thập niên 1980.

Lạc Mất Mùa Xuân của nhạc sĩ Lữ Liên: Xuất sắc như một tác phẩm độc lập

Nam ca sĩ Tuấn Ngọc cũng thể hiện tốt Lạc Mất Mùa Xuân do cha anh, nhạc sĩ Lữ Liên viết lời

Nếu ai không biết tác phẩm gốc mà bắt đầu thưởng thức Lạc Mất Mùa Xuân của nhạc sĩ Lữ Liên, do ca sĩ Tuấn Ngọc, Bằng Kiều hay Đàm Vĩnh Hưng thể hiện, thì có lẽ người ấy không thể nhận ra đây là ca khúc nước ngoài phổ lời Việt.

Lữ Liên cũng chính là người cha tài năng của các ca sĩ Tuấn Ngọc, Lưu Bích, Khánh Hà…Ông sinh năm 1920 tại Hải Phòng và mất ngày 8.7.2012 Bệnh viện Garden Grove (bang California, Mỹ), ông đã từng là thành viên của những ban nhạc xuất sắc như Thăng Long và ATV.

Ca khúc thật hoàn hảo trong tiếng Việt, không hề có điểm “phô” về dấu câu so với giai điệu (một điểm dễ mắc nhất của các nhạc sĩ khi phổ lời Việt cho ca khúc). Ở các ca khúc khác, người nghe vẫn cảm thấy đâu đó lỗi dấu câu, tức là câu từ bị “lơ lớ”, không thực sự đúng như âm sắc tiếng Việt, hoặc lời bài hát có phần khiên cưỡng khi ép nhập vào giai điệu.

Còn ở Lạc Mất Mùa Xuân thì không, mặc dù nội dung của phiên bản Việt này hoàn toàn khác biệt so với tác phẩm gốc.

“Hình nhân non yếu” của Quốc Bảo: lời thể hiện được tinh thần lãng mạn “galant” rất Pháp của bản gốc “Có tôi hình nhân quỳ dưới chân nàng”

Ca sĩ Lê Hiếu thể hiện “Hình nhân non yếu”

Nhạc sĩ sinh năm 1967 nổi tiếng nhất với “Em về tinh khôi”- Quốc Bảo – đã soạn lời Việt cho Géant de Papier với tinh thần gắng bám sát nội dung bài hát gốc, ca sĩ Lê Hiếu trình bày trong album “Tình ca hồng”.

Hình ảnh “Có tôi hình nhân quỳ dưới chân nàng” của Quốc Bảo đã ít nhiều thể hiện được ý tứ của lời gốc, tuy nhiên khi ghép vào giai điệu, đâu đó ta vẫn thấy câu từ và giai điệu chưa thực sự “kết đôi”, và đôi lúc cảm thấy lời chưa thực sự là “thơ” như lời gốc, vẫn còn đôi chút khiên cưỡng.

Nhạc sĩ Quốc Bảo viết lời Hình nhân non yếu với mong muốn giữ được tinh thần bản gốc

Và nếu so sánh “hình nhân” với “géant” (người khổng lồ của bản gốc), thì ý tứ là khác hẳn. Cách dùng “hình nhân” của nhạc sĩ Quốc Bảo khiến chàng trai trở nên quá chừng yếu đuối, và đâu đó có đôi chút “hèn mọn”, chứ không oai phong dũng mãnh như géant (người khổng lồ), dù anh có làm bằng giấy thôi.

Nhưng về mặt hòa âm, tác phẩm thể hiện rất xuất sắc:

 Lê Hiếu thể hiện “Hình nhân non yếu” viết lời nhạc sĩ Quốc Bảo

Câu chuyện đầy bi hài xung quanh ca khúc gốc: từ một chàng trai nghèo khổ thành ngôi sao sáng chói, và dường như bài hát chỉ dành riêng cho anh. 

Điều kỳ lạ là ca khúc Le Géant de Papier (Chàng khổng lồ bằng giấy) phải nằm yên chờ đợi trong tủ trong gần 10 năm trời trước khi được Jean-Jacques Lafon thể hiện, do ca khúc từng bị nhiều ca sĩ nổi tiếng thời đó từ chối, với lý do giai điệu bài hát bị chê là “hơi lỗi thời”.

Chắc hẳn họ sẽ phải nuối tiếc, vì đã để hào quang sáng chói ấy rơi vào tay một chàng trai vô danh nghèo khổ: Jean-Jacques Lafon.

Giờ đây, sau ba mươi bảy năm, ca khúc bị chê là “lỗi thời” vào thập niên 80 đó -nhạc phẩm Le Géant de Papier – vẫn mãi là một tình khúc để đời, gắn liền với tên tuổi của Jean-Jacques Lafon.

Và người ta vẫn mãi nhắc đến giai đoạn tột đỉnh sáng chói, đỉnh cao vinh quang của anh khi nỗi thổn thức của Chàng Khổng Lồ Bằng Giấy chinh phục trái tim hàng triệu triệu khán giả toàn cầu.

Nếu không có nhạc phẩm này, vĩnh viễn anh là một người không ai biết tới

Jean-Jacques Lafon ghi âm album đầu tiên năm anh gần 30 tuổi, sau khi thất bại với hai đĩa đơn đầu tay. Anh xuất thân từ một gia đình nghèo tại Toulouse, thành phố Miền Tây nước Pháp, bố anh là thợ sửa xe.

Từ nhỏ, anh đã có năng khiếu âm nhạc, học đàn từ năm lên tám. Đến năm 16 tuổi, anh bắt đầu chơi đàn với các nhóm nghiệp dư, đi hát những ngày cuối tuần để kiếm thêm tiền túi trong các phòng trà, quán nhạc.

Thế nhưng gia đình nghèo nào cũng muốn cho con ăn học thành tài, tới nơi tới chốn. Jean-Jacques Lafon đành phải gác qua một bên giấc mơ đeo đuổi sự nghiệp sân khấu.

Sau tú tài, anh thi vào trường y, rồi tốt nghiệp bằng dược sĩ bốn năm sau đó. Điều này có thể giải thích vì sao Jean-Jacques Lafon dấn thân vào nghề ca hát hơi trễ so với các bạn đồng nghiệp.

Và khi gần 30 tuổi, anh hợp tác làm việc với hai nhà sản xuất Jeff Barnel và Sylvain Lebel, nhóm tác giả chuyên viết ca khúc cho nữ ca sĩ nổi tiếng Dalida.

Hai tác giả này mới đề nghị anh ghi âm nhạc phẩm Le Géant de Papier, chỉ để cho trọn số ca khúc để có thể hoàn tất một album.

Vốn chỉ là một ca khúc lót, cho đầy album để có thể phát hành

Khi đến phiên Jean-Jacques Lafon, thì trước khi vào phòng thu, anh đề nghị chỉnh sửa lại lối hoà âm và một số ca từ làm sao cho thật lãng mạn.

Bản nhạc Le Géant de Papier là bài hát cuối cùng được ghi âm, chỉ với mục đích làm cho đầy đủ số lượng bài hát cho album, chứ không hề tính đến chuyện khai thác sau này. Nào ai ngờ…

Sau này, chính nam ca sĩ Jean-Jacques Lafon phải thừa nhận rằng, nếu không có nhạc phẩm này, thì có lẽ chẳng bao giờ anh có cơ hội thành công trên đường đời, thành danh trong sự nghiệp.

Không hiểu là do cơ duyên nào đẩy đưa, nhưng rõ ràng là ca khúc này đã đến với anh như một trong những món quà đẹp nhất trong đời, một món quà từ Thượng Đế.

Nhờ nhạc phẩm Le Géant de Papier mà Jean-Jacques Lafon thành công rực sáng năm anh tròn 30 tuổi.

Bài hát được dịch sang nhiều thứ tiếng kể cả tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ hay tiếng Ba Tư. Với bản tiếng Việt, đó chính là Lạc Mất Mùa Xuân, do nhạc sĩ Lữ Liên soạn lời.

Ca từ tuyệt đẹp của ca khúc: ca từ vô cùng đặc biệt, mang đặc trưng lãng mạn rất “Pháp”, và gần như không dịch nổi sang lời bài hát tiếng Việt.

Bài hát nói về tình yêu mãnh liệt của một chàng trai dành cho người đẹp mà chàng tôn thờ, vì nàng mà chàng sẵn sàng thực hiện những việc nguy hiểm nhất không chút nề hà, những mong đổi lại dẫu chỉ là một nụ cười hay một ánh mắt yêu thương của nàng.

Tình yêu là vậy, đẹp, mãnh liệt và đầy quyền lực. Và chàng khi ấy cảm thấy vô cùng dũng mãnh, tuy nhiên trước vẻ đẹp của nàng thì chàng tự thú nhận mình chỉ yếu đuối như một “người khổng lồ bằng giấy” mà thôi.

Hãy bảo tôi chiến đấu với ác quỷ

Hay đi khiêu chiến với loài rồng trong cõi hư vô

Để xây cho nàng những ngọn tháp hay những thánh đường

Dù rằng – trên cát lún. Tôi vẫn làm được

Hãy bảo tôi phá núi

Hay trầm mình trong miệng núi lửa trào dâng

Tất cả những điều đó tôi đều có thể, ấy thế nhưng…

Khi nhìn nàng, tôi – chú sói với trái tim bằng thép

Trước nàng, cũng chỉ là một gã khổng lồ bằng giấy mà thôi

Khi tôi chạm vào nàng, tôi lại sợ đánh thức nàng dậy

Với tất cả sự dịu dàng của mình, tôi cũng chỉ là gã khổng lồ bằng giấy mà thôi. 

Mời quý độc giả thưởng thức lại ca khúc với phụ đề tiếng Pháp và tiếng Anh:

Lời kết: Người xưa nói “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên” (con người toan tính, còn mệnh Trời quyết định) hay, người tính không bằng Trời tính. Thành công ngoài mọi dự tính của Le Géant de Papier và chàng trai nổi danh muộn màng, từ vô danh thành vụt sáng chói ở tuổi 30, nào có thể do con người dự liệu được? Vậy phải chăng, trong cuộc đời này, mỗi người chúng ta hãy nên:

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy.
Ta có thêm một ngày nữa để yêu thương 

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương

Hà Phương Linh