Hương sắc Việt Nam là món quà của ban biên tập Văn hóa-Nghệ thuật thời báo Đại Kỷ Nguyên dành tặng những người con đất Việt gắn bó với văn hóa truyền thống nên thơ của nước nhà và mong muốn vẻ đẹp này được lưu giữ mãi không phai với thời gian…
Cách đây 46 năm, đất nước còn chiến tranh, máy bay ném bom thường xuyên. Trường học làng tôi phải sơ tán về chùa. Nhà nào cũng đào hầm dưới gầm giường. Đường thì đào giao thông hào chằng chịt.
Tháng mười năm ấy, bố tôi được về phép. Thấy tôi nghịch ngợm như con trai lại hay bắt nạt những đứa khác nên bố mẹ bàn nhau cho tôi đi học sớm so với tuổi. Bố tôi bảo: “Cho nó học với những đứa lớn để nó không đánh con người ta”. Thế là dù chưa đến tuổi đi học, bố tôi vẫn dẫn tôi và thằng em con chú ruột đến “trường”. Gọi là “trường” chứ thực ra chỉ có một lớp 1 học nhờ trong ngôi chùa trong thôn. Tượng Phật ngồi trên bệ, trẻ con kê bàn ghế ngồi học dưới sàn, nơi vẫn là chỗ ngồi lạy Phật của các bà các cô. Bàn là những tấm gỗ ghép vội, đóng đinh sơ sài. Bảng thì được ghép lại từ 3-4 miếng gỗ tạp. Xung quanh chùa toàn ruộng lúa. Thầy giáo dạy lớp 1 lúc ấy là thầy Sụng. Ít ngày sau, tôi nghe nói thầy là thương binh được đào tạo nghiệp vụ sư phạm 8 ngày rồi về làng dạy học.
Đợi một lúc không thấy thầy giáo đến, bố tôi bảo:
– Hai chị em ở đây, tí nữa thầy giáo đến thì vào lớp học. Bố phải về để đi công tác cho kịp.
Hai chị em tôi “vâng” rồi đứng ở gốc cây si chờ thầy.
Dù ở nhà rất nghịch, chẳng mấy khi đứng yên một chỗ, nhưng hôm nay “Đã đi học thì phải ngoan – không thì thầy giáo phạt!” – mẹ tôi bảo thế, nên dù rất muốn chạy nhảy như lũ con trai đằng kia, tôi vẫn phải đứng yên nhìn chúng chơi trò “Bịt mắt bắt dê” đầy ao ước. Thỉnh thoảng buồn cười quá, tôi lại bật cười theo.
Chờ mãi rồi thầy cũng đến. Bao nhiêu đứa trẻ con vừa vỗ tay, vừa chạy, vừa reo: A! Thầy giáo đến! A! Thầy giáo đến!…
Thằng em con chú tôi cũng nhảy lên reo theo. Tôi nắm áo nó giật lại.
“Thầy giáo chúng nó chứ có phải thầy giáo tao với mày đâu!” Nghe tôi nói thế, em tôi không nhảy lên reo hôi nữa.
Thầy vào lớp, hôm ấy thầy mặc bộ quân phục cũ, tay cầm cái thước to và dài. Thầy chả bảo ban gì hai chị em tôi và cũng không gọi vào lớp. Chắc vì không ai xin nên thầy nghĩ chúng tôi là những đứa trẻ chăn trâu cắt cỏ gần đấy vào trường xem học.
Đứng một lúc lâu mỏi chân, tôi bảo em tôi:
“Thôi tao với mày về đi, có ai cho học đâu mà học!”
Vừa nói tôi vừa kéo tay em đi về. Tối ấy, mẹ tôi sang nói gì với thím tôi. Sáng hôm sau, vừa ngủ dậy, còn mắt nhắm mắt mở, thím tôi đã đứng ở đầu ngõ gọi: “Cái Biển đâu! Ra thím đưa đi học nào!”
Mẹ tôi giục: “Ra rửa mặt chải đầu mau rồi còn đi học!”
Mẹ vừa chải tóc cho vừa cốc lên đầu tôi: “Con gái con đứa, đánh nhau cho lắm vào, đầu tóc lúc nào cũng như tổ quạ!”
Cuối cùng tôi cũng thoát ra khỏi mẹ rồi chạy ra ngõ với thím. Bên bờ rào có cây chanh sai trĩu quả, thím tôi vặt hai quả, giắt vào cạp quần, rồi hai tay lôi hai chị em tôi đi. Lần này thím không bỏ về sớm như bố tôi mà chờ thầy giáo. Khi thầy đến, thím dắt tay hai chị em tôi ra gặp thầy, thím bảo:
“Anh giáo! Anh cho hai đứa này vào học hộ tôi với!”
Thầy giáo gật đầu đồng ý. Thế là chị em tôi được vào lớp. Vì đi học trước tuổi nên so với mấy đứa trong lớp tôi bé hơn, thầy xếp tôi ngồi đầu bàn thứ nhất. Thằng Du ngồi đầu bàn thứ 3. Khi tôi vào lớp, lúc ấy đã muộn. Cả lớp đã học qua chữ A, chữ B, chữ C và các dấu thanh rồi. Bài thầy giao về nhà là viết chữ :“cà, cá, mạ”.
Tôi lo lắng quá vì chưa biết viết chữ gì. Về nhà, tôi chạy ngay ra chỗ chị gái – lúc đó đang học lớp 5: “Viết hộ em chữ cà, cá, mạ với!”
Chị tôi đang làm bài bèn lấy bút máy viết nắn nót cho tôi 3 chữ cà, cá, mạ. Tôi yên tâm cất vở vào cặp rồi chạy đi chơi. Hôm sau đến lớp, thầy kiểm tra bài cũ từ cuối lớp lên. Tôi nghe thầy mắng và quất vào đít mấy đứa nhờ viết hộ. Thế là tôi quyết định không đưa bài chị viết hộ ra nữa. Tôi mắm môi mắm lợi nhìn chữ cà, cá, mạ thầy viết mẫu vẫn còn trên bảng và hì hục bắt chước viết theo. May quá, viết xong thầy mới kiểm tra lên đến chỗ tôi. Thầy không đánh tôi vì tội nhờ người viết hộ như mấy đứa kia nhưng đánh vì tội viết leo.
Chiều ấy và mấy chiều sau, chiều nào tôi cũng quét sạch góc sân xi măng nhà mình, rồi đi tìm những mảnh viên gạch non về ngồi tập viết. Thời ấy không có nhiều phấn như bây giờ.
Đi học mới được mấy ngày mà tôi đã quen bao nhiêu là bạn mới. Trò gì chúng cũng rủ tôi cùng chơi.
Hôm nào cũng vậy, tôi đi học về, nếu tóc không rối bù, áo không đứt cúc thì cũng toạc chỉ hoặc lấm lem vì chơi đùa. Một hôm, đang học, thầy giáo tôi bỗng ngã lăn ra đất, mắt trợn lên, bọt mép sùi ra. Cả lớp sợ quá, vừa khóc, vừa run, vừa la hét “Thầy giáo chết rồi!” Tôi bỗng thấy thương thầy quá! Một lát sau, thầy từ từ tỉnh lại, học trò lại reo lên “A! Thầy sống lại rồi!”. Sau này tôi mới biết thầy bị động kinh do di chứng của mảnh bom trong đầu.
Hồi ấy, nhà tôi trồng một vườn dưa đủ các loại: dưa hồng quả vàng vàng ăn giòn và ngọt. Dưa sáp da màu xanh có sọc vàng, khi chín rất ngọt và thơm. Tôi xin mẹ một quả dưa hồng mang đến cho thầy. Vì tôi thấy ở quê tôi nhà ai có người ốm là cả xóm đến thăm hỏi, họ mang thăm những nải chuối chín hoặc trứng gà thậm chí cả đu đủ, khoai lang… Oái ăm là hôm trước mẹ mới mua cho tôi cái bút chì mới, tôi thích quá nên đã nắn nót tập viết. Tôi đã viết được thẳng hàng nên bài tập chép “On ngọn – cò đỗ trên ngọn tre” đã được thầy chấm điểm 10 và tuyên dương về sự tiến bộ của tôi. Thế mà bọn thằng Quế, con Lan dám bảo: “Tại mày cho thầy quả dưa nên thầy cho mày 10 điểm.”
Tuy học cùng lớp nhưng thằng Quế hơn tôi đến 5 tuổi, nó cao lớn lại ngỗ nghịch nhất lớp, còn con Lan cũng hơn tôi đến 4 tuổi, nổi tiếng đanh đá. Nghe chúng bảo thế, tôi tức quá, vừa khóc vừa chửi vì chúng nói oan cho tôi…
Được sự dạy dỗ của thầy, tôi học ngày càng khá hơn, chữ viết cũng đẹp hơn. Và vì vậy ít có thời gian đánh nhau với trẻ con hàng xóm nữa. Bố mẹ tôi vui lắm.
Sau đó ít năm, bố mẹ đưa cả nhà rời quê đi xây dựng vùng kinh tế mới. Rồi cuộc sống tất bận cứ thế trôi đi trôi đi, chúng tôi không có điều kiện về thăm lại chốn cũ nơi xưa. Thi thoảng tôi lại nhớ về làng quê nhỏ bé của mình, nơi đã giúp tôi cất giữ những tháng ngày thơ ấu thật đẹp. Và hình ảnh ngày đầu tiên đi học, hình ảnh người thầy đầu tiên lại hiện về trong kí ức của tôi với niềm kính trọng và biết ơn.
Bùi Thị Biên Linh
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Xem thêm: