Tông Bính và Tông Xác
Thời Nam triều chú hỏi cháu đáp
Thấm thoát đã nghìn năm.

Gió vạn lý đuổi mây vạn lý
Vần vũ trong thiên địa tuần hoàn
Khách vạn lý tìm theo ý chí
Tâm hữu cầu, tu luyện gian nan

Người hỏi người bao la trời đất
Mấy ai mang trời đất làm màn?
Người ngoảnh lại nhìn trong trời đất
Người với người cùng tận mê man.

Người hỏi người bao la trời đất. Mấy ai mang trời đất làm màn? (Ảnh: Pinterest.com)

Đường hôm nay ngày sau cỏ lấp
Chuyện hôm nay đời sau nhạt mất
Cớ chi lòng sầu uất
Chuyện công danh

Thế nhân tình
Bao ưu oán
Với nhục vinh
Bạn với bạn so kè từng chặp

Tâm nhỏ nhen, chí bất lập
Sống bon chen, đời hấp tấp
Người với người tranh tranh chấp chấp
Đời vô minh, Thiện tâm đều mất
Oán ai?

Đường hôm nay ngày sau cỏ lấp. Chuyện hôm nay đời sau nhạt mất. (Ảnh: Pinterest.com)

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao (*)
Nhân gian những ba đào
Lòng ta tìm yên ả

Thu về, nhìn xác lá
Xuân đến, ngắm hoa mai.

Nhân gian những ba đào. Lòng ta tìm yên ả. (Ảnh: Pinterest.com)

Vạn Lý Khách

(*) Mượn thơ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Lời bình:

Trung Quốc thời Nam triều có người chú tên Tông Bính hỏi chí hướng của đứa cháu nhỏ là Tông Xác. Tông Xác đáp: “Nguyện thừa trường phong, phá vạn lý lãng”, nghĩa là “Muốn cưỡi trường phong, phá sóng muôn dặm”. Sau này “Thừa phong phá lãng” đã thành câu cửa miệng của những bậc có chí khí lớn lao muôn đời.

Gió và mây đi làm một cặp. Gió vô hình, mây vô tướng, vì cùng hư vô nên có thể trường cửu, vì nhẹ nhõm nên bay được lên cao, vì không mang nặng nên đi được xa vạn dặm. Thiên địa dẫu đổi thay mà phong vân vẫn sẽ thế mãi. Siêu phàm thoát tục không thể đoán định. Trong khoảng trời đất, chỉ có kẻ có chí lớn mới hiểu được nhân sinh thực tại mà vô thường nhỏ bé biết nhường nào, trong chiếc túi màn trời chiếu đất, ai sẽ là kẻ rạch nó thoát ra? Đó là kẻ phải có can đảm và ý chí, đi xa muôn dặm mà không nghĩ gì được và mất, sống và chết, vinh với nhục, ưu cùng oán của người đời. Xưa nay người ta chỉ biết có tướng quân đảm lược mà không biết có kẻ tầm Đạo kiên cường, dẫu chẳng chỉ trong hiểm nguy thiên bình vạn mã, mà còn vượt trên cả mọi cám dỗ, những khen chê, được và mất trong sự cô đơn. Ý nghĩa thực sự của Đại Đạo, chỉ kẻ ngộ tính cực cao mà ý chí mãnh liệt mới có thể đi tìm. Tìm chỉ vì mong muốn được tìm thấy, như nước sông về biển lớn, không phải vì bất cứ điều gì khác.

Chuyện nhân thế vẫn như vậy, sống trong nhân gian nay còn mai mất, nhiều khi ngoảnh lại tựa giấc chiêm bao; nào khổ đau, nào vui sướng, nào công danh, nào sầu vướng. Mấy ai đoán được ngày mai. Đó thảy đều là mộng ảo, thử thách ý chí của kẻ tu hành, đó cũng là mộng ảo, che đi tầm mắt bằng lợi, tình, danh. Đó cũng là sự điểm hoá, để cho ta cất bước đi tìm.

Nhân gian đa sự. Người ta khổ không phải vì giàu nghèo, mà khổ vì luôn so sánh. Có rồi không biết chừng nào là đủ. Có một thì muốn có hai, tham lam không biết chừng. Rồi mưu mô, rồi xảo trá. Miệng lem lém tốt đẹp mà bụng dạ tối đen, nói nghĩ cho người mà thực chất toàn ích kỉ cho mình, lấy tiếng khuyên răn mà thực ra là thể hiện khoe mẽ những điều ngắn ngủn, khờ khạo đến đáng thương, hơn được người một tí là huênh hoang, kém người ta một ít là tức tối. Đâu biết rằng cửa trời sắp khép, sương độc của tuổi già, của số mệnh đang giăng đầy lối vây lấp lấy hồn đen dẫu có lâu dài cũng chỉ trăm năm què quặt

Thu về vui ngắm lá, xuân đến thích nhìn mai. Ấy là cảnh giới thuận theo tự nhiên biến hoá vô cùng, tưởng như phải xuyên qua màn bão vũ ba đào dữ dội, nhưng thực sự rất bình yên. Tâm đã vững thì dẫu bình lặng hay phong ba đều không đáng kể. Tướng tuỳ tâm sinh, vạn sự ở mình, như không có gì mà vô cùng vô tận!