Trong thời gian mà Handel phổ nhạc cho “Messiah”, ông đã từng rơi nước mắt và đã trải qua những điều người bình thường không thể tưởng tượng được. Handel thậm chí đã khóc trước mặt người hầu của mình và kêu to lên rằng: “Ta đã nhìn thấy toàn bộ thiên quốc, thấy Thiên Chúa vĩ đại”…

George Frideric Handel (tên khai sinh tiếng Đức: Georg Friedrich Händel, 23 tháng 2 năm 1685 – 14 tháng 4 năm 1759) được ca ngợi là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thời kỳ Baroque. Ông sinh ra ở Đức, nhưng về sau đã di cư và nhập quốc tịch Anh quốc, lúc đó tên của ông mới đổi thành tên tiếng Anh là George Frideric Handel.

Các sáng tác của ông bao gồm opera, các bản oratorio, catana và rất nhiều loại nhạc thính phòng. Những tác phẩm đặc sắc của ông như “Water Music”, “Royal Fireworks” và “Messiah” được biết đến rộng rãi trên thế giới. Handel nổi tiếng cùng thời với bậc thầy âm nhạc Johann Sebastian Bach, hai người cùng năm sinh và cùng quốc gia, được biết đến như những “người khổng lồ” trong thời kỳ âm nhạc Baroque cũng như bậc thầy âm nhạc đẳng cấp thế giới. Lịch sử vị trí âm nhạc của Đức có thể sánh vai cùng Ý và Pháp cũng là nhờ hai bậc thầy tài năng này.

Georg Friedrich Händel cùng các nhà quý tộc (Ảnh: ndr)

Cuộc đời của nghệ thuật gia vĩ đại

George Frideric Handel sinh ra ở Halle, Đức, là người con thứ 8 trong gia đình. Cha của Handel là một bác sĩ ngoại khoa kiêm thợ làm tóc (chỉ làm tóc cho giới quý tộc), ông luôn muốn Handel trở thành một luật sư trong tương lai, vì vậy luôn cấm Handel học bất kỳ nhạc cụ nào.

Handel trốn cha mẹ lên tầng mái để chơi nhạc (Ảnh: ndr)

Handel đã thể hiện tài năng âm nhạc xuất sắc từ nhỏ. Năm 7 tuổi ông cùng cha đến cung điện của công tước Saxony, lúc ấy công tước Adov cũng đang ở trong cung điện, đã bị xúc động sâu sắc bởi tiếng đàn của Handel, nên đã yêu cầu cha của Handel để ông được giáo dục âm nhạc một cách bài bản chính thống. Năm 1694, Handel bắt đầu học các nhạc cụ và tập sáng tác cho giáo đường Thánh Mẫu. Năm 10 tuổi, ông đã viết được một bản sonata gồm ba khúc và sau đó được lên làm nhạc công chơi đàn organ trong nhà thờ.

Năm 1702, Handel tuân theo ý muốn của cha mình, vào khóa học luật tại Đại học Halle, nhưng vẫn kiêm nhiệm tư cách là nhạc công tại giáo hội địa phương.

Đại học Halle (Ảnh: oldbookillustrations)

Năm 1703, Handel chính thức nói lời tạm biệt với Đại học Halle, đi đến thành phố Hamburg và gặp được Johann Mattheson. Thông qua sự giới thiệu của Johann Mattheson, Handel được gia nhập vào dàn nhạc giao hưởng Oper am Gänsemarkt Hamburg, chuyên chơi  vĩ cầm và đàn harpsichord.

Năm 1705, vở opera “Almira” của Handel được dàn dựng thành công. Điều này khiến Handel kiếm đủ tiền để đi du học ba năm tại Naples, Rome, Florence và Venice. Vào thời điểm đó, Ý là nơi thiêng liêng của nghệ thuật opera châu Âu; Handel không chỉ học được những tinh túy của nghệ thuật opera Ý mà còn được tiếp xúc với các bậc thầy như Scarlatti và Corelli.

Năm 1710, Handel ở tuổi 25 đã trở thành nhà soạn nhạc của Hoàng tử Georg.

Năm 1711, Handel lần đầu tiên đến thăm nước Anh và dàn dựng vở opera đầu tiên là “Rinardo”, được viết ở London chỉ trong hai tuần.

Năm 1713, Handel đã giành được sự đánh giá cao của Nữ hoàng Anne với bản nhạc “Sinh nhật nữ hoàng”; từ đó Handel quyết định ở lại Anh.

Năm 1714, nữ hoàng Anne băng hà, hoàng tử George thừa kế ngai vàng nước Anh. Handel đã chào mừng vị vua mới George với bản “Water music” được sáng tác rất công phu và tâm huyết. Bài hát này đến nay vẫn luôn là bài nhạc nền ưa thích trong những quán cà phê âm nhạc cổ điển trên khắp thế giới.

Sau hơn mười năm làm việc, Handel đã sáng tác được một số lượng lớn các tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là opera, dành được tiếng vang lớn trên toàn châu Âu. Tuy nhiên, bắt đầu vào cuối những năm 20 của thế kỷ XVIII, opera theo phong cách Ý bắt đầu suy yếu ở Anh, khiến cho sự nghiệp của Handel bắt đầu bước vào giai đoạn chững lại.

Chân dung Handel. (Ảnh: st.museum-digital.de)

Tới năm 1742, Handel đã làm nên kỳ tích khi hoàn thành sáng tác bản oratorio “Messiah” chỉ trong vòng 24 ngày. Trong cùng năm đó, tác phẩm này được trình diễn ở thủ đô Ý, Dublin, Ireland và đưa Handel trở lại với cuộc sống âm nhạc nước Anh.

Mùa xuân năm 1759, Handel ở tuổi 74 vẫn đang chỉ huy buổi trình diễn như thường lệ; trong tiếng vỗ tay không ngớt, “ngôi sao sấng” chợt gục xuống. Mấy ngày sau đó ông qua đời, và được chôn cất trong nghĩa trang của tu viện Westminster, nơi chôn cất các nhà hiền triết và các vị vua trong các triều đại. Tại đó một bức tượng Handel cũng đã được dựng lên.

Thành tựu nghệ thuật

Cả cuộc đời, Handel đã sáng tác được tổng cộng 46 vở opera, 32 bản oratorio và vô số tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng; được biết đến như một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất thời kỳ Baroque. Ông đã thể hiện được rất sâu phong cách opera Ý, các giai điệu trữ tình, nhịp điệu ưu mỹ lưu loát. Trong đó bản oratorio “Messiah” được coi là đỉnh cao của lịch sử âm nhạc. Ngoài những tác phẩm phổ biến nhất cho dàn nhạc như “Water music” và “Royal Fireworks”, ông còn sáng tác bốn bài tụng ca mà linh mục Xa-đốc (1727) đã trình diễn khi George II lên ngôi, rồi sau đó đều được trình bày ở mọi buổi lễ đăng quang của hoàng gia Anh.

Phong cách sáng tác của Handel rõ ràng là kết hợp giữa phong cách Baroque Ý và âm nhạc truyền thống Đức. Nhạc sĩ Winton Dean nói: “Từ vở opera của Handel có thể thấy rằng ông không chỉ là nhà soạn nhạc vĩ đại, mà còn là nhà viết kịch hạng nhất”.

Một đoạn bản nhạc oratorio “Messiah” (Ảnh: BR-Klassik)

Sau Johann Sebastian Bach, Handel là nhà soạn nhạc danh tiếng đương thời; ông không những đã tạo ra một số lượng lớn các vở opera nổi tiếng, mà còn viết một số bản concerto và sonata rất phong phú, chủ yếu để phục vụ trong nhà hát lớn, không giống như Johann Sebastian Bach chỉ tập trung chơi tại giáo đường. Handel là một chuyên gia về opera, harpsichord sonata, fugues organ, và concerto organ. Đặc biệt, sáng tạo trong thể loại oratorio của Handel đạt mức cao và trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử âm nhạc.

Trong thế kỷ 18 của âm nhạc châu Âu, Handel và Bach đã tạo nên hai đỉnh núi khổng lồ cho âm nhạc Baroque. Cả hai đều sinh năm 1685 ở Đức, ngày sinh chỉ cách nhau bốn tuần. Họ trải qua những kinh nghiệm khác nhau, sau đó thụ hưởng sự phát triển về môi trường xã hội cũng khác nhau, vậy nên hai nghệ sĩ này cuối cùng đã có số phận hoàn toàn tương phản. Mặc dù môi trường sáng tác có một sự khác biệt lớn như vậy, nhưng hai bậc thầy vẫn giữ nguyên ngòi bút của mình, phổ ra nền âm nhạc châu Âu của thế kỷ XVIII với một chương lịch sử huy hoàng.

HBản oratorio “Messiah”

Từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1741, Handel hoàn thành bản oratorio “Messiah” nổi tiếng nhất của mình trong khoảng thời gian 24 ngày. Lời bài hát lấy từ “Kinh Thánh”, nhưng không nối liền mạch lạc câu chuyện về “Đấng Cứu Thế”; bản nhạc thể hiện quá trình thượng đế phái Chúa Giêsu giáng sinh tới nhân thế và quá trình gian khó truyền đạo, bị đóng đinh trên thập tự giá, sau đó phục sinh và hồi thiên.

Thông thường bản “Messiah” có lời bài hát được chia thành ba phần: “Chúa Giê-su ra đời”, “Ngày tháng khó khăn” và “Sự cứu rỗi”. Trong phần đầu tiên có nhạc đệm ở khúc dạo đầu, giọng nam cao cất lên lời tiên tri viết trong Kinh Thánh, tuyên ngôn Đấng Cứu Thế sắp tới. Phần thứ hai là nói về thế nhân không chấp nhận sự an bài về cái chết đẫm máu của Đấng Cứu Thế để giải thoát, trả giúp tội nghiệp cho con người. Phần thứ ba nói về lời hứa cứu rỗi vĩnh hằng, lời ca sau cùng cực kỳ rung động lòng người, đi cùng với sự biểu hiện tuyệt diệu, tất cả phần bè nhạc đều lưu loát linh hoạt tạo nên một tác dụng không gì sánh nổi.

Trong thời gian Handel phổ nhạc cho “Messiah”, ông đã từng rơi nước mắt, đã trải qua những điều người bình thường không thể tưởng tượng được. Handel thậm chí khóc trước mặt người hầu của mình và kêu to lên rằng: “Ta đã nhìn thấy toàn bộ thiên quốc, thấy Thiên Chúa vĩ đại.” Tháng 3 năm 1743, “Messiah” lần đầu tiên được trình diễn tại London, đã khiến khán giả vô cùng xúc động. Vua George II của nước Anh sau khi nghe phần điệp khúc “Haleluya”, ông rất xúc động và đứng lên để bày tỏ lòng tôn kính của mình. Từ đó đến nay, đã thành truyền thống, mỗi khi điệp khúc này của “Messiah” vang lên, khán giả sẽ tự động đứng dậy và hòa điệu cùng bản nhạc.

Mời quý độc giả thưởng thức:

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch