Có lẽ khi viết những dòng thơ trữ tình xót xa mang sắc điệu trào phúng rất riêng của phong vị Tú Xương, nhà thơ bên dòng sông Vị không hề nghĩ đến việc đặt tên. Thế nhưng, người đời sau bằng cảm nhận dân dã đã dùng hai tiếng “Thương vợ” không chê vào đâu được đặt tên, chuyển tải tác phẩm vào trong tâm thức mọi độc giả qua nhiều thế hệ.

Tiếp theo Phần 1

Trong tiếng cười “như mảnh vỡ thủy tinh” của Tú Xương

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ, âu đành phận
Năm nắng mười mưa, dám quản công

Nuôi đủ năm con với một chồng”: Lối tách từ như thế này trong tiếng Việt tạo nên những kết cấu bền vững của thành ngữ. Nó nói lên được nhiều hơn nghĩa của các thành tố cộng lại. Nó gợi vì độ nhòe ngữ nghĩa của nó lớn. Và đây là cách nói rất dân gian.

Đủ ở đây có hàm nghĩa đầy đủ“: dùng cách nói khoa trương một cách thành thực để thấy bà Tú nuôi con và ông Tú đủ đầy không thiếu cái gì.

Và cả “đủ bộ”: có thêm ông chồng nữa là đủ tất cả. Cách hiểu này giàu hình ảnh, tạo cho người đọc liên tưởng tới những tình huống thú vị: Thế là đã phát khẩu phần ăn mặc cho đủ tất cả mọi người. Có lẽ suýt nữa thì quên mất ông chồng! (Bởi trong ý nghĩ của người vợ thì nhân vật này không được đánh giá, cư xử như với con!). Ta cũng có thể hình dung 5 cái miệng ăn đang mở ra cho mẹ đút mồi, tự dưng bay về 1 cái miệng nữa để được đút cho đủ!?

Ảnh: pinterest.com

Câu thơ có ý vị trào phúng, nhưng tiếng cười của Tú Xương “như mảnh vỡ thủy tinh” nó cứa cắt, day dứt không thôi người đọc và ắt hẳn với Tú Xương, nó đau hơn!

Nếu coi cấu trúc độc đáo của bài thơ là một yếu tố quan trọng làm nên hình tượng thì các quan hệ các  câu thơ ở đây không theo quan hệ hình tuyến thông thường của thể thất ngôn bát cú (không dám nói thêm là Đường luật ở phía sau!). Nghĩa là theo Đề, Thực, Luận và Kết.

Nói rõ hơn, bài thơ này có thể được phân theo 3 phần.

Phần Một :

(1) Quanh năm buôn bán ở mom sông
(3) Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
(4) Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Phần Hai:

Ảnh: pinterest.com

(2) Nuôi đủ năm con với một chồng
(5) Một duyên ,hai nợ ,âu đành phận
(6) Năm nắng mười sương dám quản công.

Phần Ba:
(7) Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
(8) Có chồng hờ hững cũng như không.

Câu 1: “Quanh năm buôn bán ở mom sông”

Nó sẽ được liên kết với câu 3, 4 về ý nghĩa

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Chuyện buôn bán ở “mom sông” thật là nhiêu khê vất vả. Vì “mom sông” nên mới có “Con cò lặn lội bờ sông” mới vì chồng mà “tiếng khóc nỉ non” không ai cảm thông chia sẻ. Vì ở “mom sông” nên giành hàng đắt rẻ ngay trên đò giang mặt nước ngấp nghé để “eo sèo”.

Quanh năm lặn lội, eo sèo, cả khi quang gánh không hàng cũng như nếu có hàng từ “mom sông” về đến nhà qua “quãng vắng”; cả khi bất chấp tính mạng nơi đông người chen lấn, thì bà Tú hiện lên thật bản lĩnh, thật đáng kính thương.

Dù “vắng” hay “đông” thì bà cũng thui thủi một “thân cò”.

Phải chăng cái hình tượng người phụ nữ Việt Nam tần tảo sau này trong văn học cận, hiện đại làm người đọc xao lòng và cảm động với niềm kính trọng bắt đầu từ bà Tú trong một gia đình đi ra?

Ảnh: pinterest.com

Chỉ đọc một đoạn thơ ngắn của người con nhớ Mẹ rất đời thường này, ta gặp bao nhiêu người Mẹ, người vợ sống với hy sinh, với trách nhiệm hiến dâng?

“Mẹ ta vượt thác, xuống ghềnh
Bán bưng, với cả đàn em héo gầy
Mặt hoa, da phấn thơ ngây
Chỉ La Giang với hàng ngày Mẹ soi
Ảnh thời thiếu nữ mẹ cười
Cho con rơi lệ giữa đời sông La”

(La Vinh)

Hình tượng bà Tú sau này sẽ phát triển thành một biểu tượng chỉ tính cách một dân tộc. Chúng ta thương và kính, chúng ta kính thương và trân trọng hơn là thương hại, cảm thương. Chỉ thấy tội nghiệp, tồi tội cho đôi mắt ngấn lệ của ông Tú!

Câu 2: “Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Nó liên thông với câu 5 và 6:

“Một duyên, hai nợ âu đành phận
Năm nắng, mười mưa, dám quản công”

Ảnh: pinterest.com

“Thân” ở câu trên gắn với thân cò; “phận” ở câu dưới gắn với duyên với nợ; dãi nắng dầm mưa đâu ngại vì công chuyện vun vén cho gia đình. [Trong “Truyện Kiều” có 63 chữ “thân” là mình. Nếu “tâm” là hình nhi thượng, là đời sống tinh thần, là lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo lý thì “thân” là hình nhi hạ là cái phần vật chất duy nhất của con người, là phần hữu hạn nhỏ bé dễ hư nát và đau đớn nhất của bất cứ ai. Có “thân” là có “nghiệp”, có “nghiệp” là có “khổ”. (Những thế giới nghệ thuật thơ Trần Đình Sử Nxb GD 1997 Tr 333 đến 340)]

Cấu trúc phân ly của các câu thơ đã nắm lấy cái “thân” quăng nó vào cơn gió bụi của cuộc đời eo sèo nơi đầu sông quãng vắng (câu 1). Còn cái “phận” thì đặt nó kẹp giữa “duyên nợ ba sinh”, bắt nó phải đành chịu một cách thụ động bởi chữ “tình” ở con số 3 sau “duyên và nợ” không được nhắc tới trong văn bản (Một duyên, hai nợ, ba tình)

“Vì ai cho tớ phải lênh đênh
Nặng lắm ai ơi một chữ tình.” (Tản Đà)

Cho hay trả giá cái chữ “Tình” ấy dù thời nào nó cũng nặng. Biết vậy nhưng ai cũng muốn vào để “đành phận” mà thử thách với nắng mưa, lấy “công lênh chẳng quản” mà xây đắp, vén vun…

Ảnh: pinterest.com

Nếu cái “thân cò” liên kết với câu 1, thì “đành phận” liên kết với câu 2 nếu “thân” bầm dập ở chốn buôn bán quanh năm suốt tháng là hiện thực nhãn tiền thì “phận” nó hướng tới quan hệ gia đình “Nuôi đủ năm con với một chồng“.

Quăng “thân” và “phận” ra hai nơi để ứng với hai vế nhân quả của câu 1 và 2, cấu trúc phân ly này đã làm cho 2 cái tập hợp  nhỏ phân ly khác “Một duyên hai nợ“, “Năm nắng mười mưa” trở nên thống nhất một hình tượng thân phận con người đáng lẽ phải kêu ca nhưng cứ vào cuộc sống mà ham sống, mà hi sinh vì hạnh phúc gia đình!

“Thân” rồi “phận”; “duyên” rồi “nợ”; rồi cộng tất cả những khái niệm khá trừu tượng này của tư tưởng Nho, Phật đã được Tú Xương dân gian hóa thật nhuyễn để định hình một bà Tú, một người phụ nữ Việt Nam thật đáng kính trọng!

Như vậy, qua cấu trúc của hình tượng ta thấy cái quang gánh hai đầu của bà Tú: 5 đứa con bằng với sức nặng của 1 ông chồng (Nuôi đủ 5 con với 1 chồng).  

Cả sáu người quây quanh 1 người trung tâm là bà Tú thành cái con số 7 đầy bí ẩn “Những con số dương -Tư Mã Thiên viết – đạt được sự hoàn thiện ở con số 7. Nó luôn là dấu chỉ đặc trưng của sự hoàn hảo. Trong Đạo Gia thì Ngộ là trạng thái viên mãn” (Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới Trường viết văn Nguyễn Du 1997, Tr 71)

Ảnh: tinhhoa

Tuy nhiên, để có được sự hạnh phúc hoàn hảo như vậy đôi vai gầy guộc của bà Tú phải gồng thêm một gánh nữa cho đủ “phận”. Một đầu là “phận”, một đầu là “công”:

“Một Duyên, hai Nợ, âu đành PHẬN,
Năm nắng mười mưa, dám quản CÔNG.

“Có” phận “nên phải dùng “công”, nhờ “công” mà “đành phận”. Logic có vẻ nghiệt ngã như vòng luân hồi nhưng thực ra sự hi sinh đã nở hạnh phúc cho đời bà Tú và nở trọn trong lòng người đọc bông hoa hồng 7 cánh (Từ điển sđd. Tr 69 )

Thực ra, khi thưởng thức những bài thơ cách luật xưa ta rất chú ý tới hai dòng kết (Nếu là thất ngôn bát cú!) Gs Phan Ngọc trong “Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ” (Nxb trẻ 1995) đã cho ta biết các cụ xưa thường làm hai câu kết trước lúc làm các câu thơ phía trên. Vì thế sức nặng của “Thương vợ” chính là cái câu chửi đời ở cuối:

“Cha mẹ Thói Đời, ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững, cũng như không!

Hết phần 2. Mời độc giả đón đọc tiếp phần 3.

Anh Vũ