Bốn năm sinh viên tưởng như dài đằng đẵng, nhưng bước qua rồi ngoảnh lại thì thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Những bỡ ngỡ của buổi đầu tới giảng đường đại học, những kỷ niệm về ngôi trường, bè bạn,… Và không thể thiếu được những hồi ức về xóm trọ, mái nhà thứ hai của đời sinh viên. “Hồi ức về xóm trọ” là loạt tản văn về đời sống xóm trọ sinh viên, dưới ngòi bút tinh tế, nhẹ nhàng, tác giả muốn gửi gắm tới độc giả những khoảnh khắc chân thực về đời sinh viên, để cùng nhau suy ngẫm và hoài niệm, trân trọng những gì mình đang có.
***
Sẽ chẳng có gì để nói nếu phòng trọ của chúng tôi khép kín. Bởi như vậy sự va chạm giữa mọi người sẽ ít hơn. Nhưng xóm trọ của tôi là một trong những xóm trọ cũ kĩ nhất ở thủ đô Hà Nội, các phòng dùng chung nhà tắm, nhà vệ sinh, cùng rửa ráy, giặt giũ chung ở sân giếng. Chính điều đó khiến mọi người va chạm nhiều với nhau và cũng bộc lộ rõ tính cách của bản thân.
Nói thẳng ra thì cái khó tính của Thủy không ai thích. Vì nó cho thấy Thủy chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến cảm giác của người khác.
Nếu ai đó trong xóm đang giặt giũ ở sân giếng, Thủy giục người đó làm nhanh lên, chê người đó lề mề hoặc không ngần ngại xen ngang hứng nước cắm cơm, luộc rau. Nhưng ngược lại, đang dùng nước mà bị mọi người giục giã, Thủy sẽ gắt ầm lên: “Từ từ cho người ta còn làm”. Nếu bị ai chen ngang hứng nước, Thủy quát: “Bẩn hết nước của người ta rồi!” và đổ ngay chậu nước đang hứng dở phía dưới đi vì sợ nước từ xoong của mọi người rong xuống làm bẩn, trong khi xóm thì thiếu nước sinh hoạt.
Thủy mượn đồ của mọi người thì được nhưng ngược lại, Thủy không ngại cằn nhằn chê bai mọi người rửa đồ của Thủy không sạch khiến mọi người không muốn mượn thêm lần nữa. Thủy không cho bạn cùng phòng nhắn tin điện thoại khuya vì điều đó làm Thủy mất ngủ. Bạn bè của bạn cùng phòng đến chơi, Thủy không cho ăn uống trên giường vì sợ bẩn, dù phòng trọ rất chật hẹp, nếu không ngồi trên giường sẽ không đủ chỗ.
Nhớ có lần một em từng trọ trong xóm của chúng tôi lấy chồng đã mời cả xóm về quê em ấy ăn cưới. Cuối tuần, đường tắc, xe buýt đông, đường không xa lắm nhưng chúng tôi đi mãi mới tới nơi. Mọi người vẫn vui vẻ, riêng Thủy, vừa xuống xe buýt, nhìn thấy em trai cô dâu (cũng từng trọ trong xóm của chúng tôi, bằng tuổi Thủy) ra đón, đã quát ầm lên, kêu mệt, kêu đau chân vì phải đứng lâu, trách móc đường về đám cưới quá xa… Em trai cô dâu đã phải cười xòa dỗ dành, còn chúng tôi lúc ấy ngại thay cho Thủy khi đám chúng tôi bị mọi người bên đường đổ dồn mắt nhìn.
Thủy lại có vẻ mặt khá khó ưa. Mặt tròn nhưng mắt lại một mí, mí mắt bị kéo sụp xuống nên mặt trông lạnh lùng, vừa như đang lườm ai, vừa như đang chứa sẵn sự bực bội trong lòng, rất khó gần. Cái vẻ mặt ấy, chúng tôi thường thấy nhất lúc Thủy đi học về, bước ra sân giếng. Chẳng ai muốn dây dưa với Thủy lúc ấy. Mọi người cố gắng làm nhanh cho xong việc để vào phòng, mặc Thủy muốn làm gì thì làm ngoài sân giếng, không có cớ phàn nàn cái này, cái kia.
Những điều không ưa về Thủy, có thể kể ra hàng tràng. Nhưng dù Thủy có nhiều tính xấu, vẫn phải thú thật một điều là tôi có thể chơi hợp và tôi muốn chơi với Thủy. Ngược lại Thủy cũng rất quý tôi.
Có lẽ vì tôi là người Thủy quen đầu tiên khi mới tới xóm trọ?
Tôi biết Thủy qua một đứa em. Đứa em ấy và Thủy từng trọ cùng nhà. Một lần, dù biết không được phép nhưng Thủy cố tình lấy nước máy (chỉ được dùng cho nấu ăn) thay vì lấy nước giếng khoan để giặt áo trắng và bị chủ nhà trọ bắt gặp. Chủ nhà đã đuổi ngay Thủy đi. Sau khi đi khắp các ngõ ngách vẫn chưa tìm được phòng trọ, vô tình Thủy được đứa em tôi mách xóm tôi đang có một phòng trống. Thủy liền gọi điện nhờ tôi thuê phòng giúp. Chưa biết Thủy là người như thế nào nhưng nghe giọng Thủy rất nài nỉ, thiết tha, lại biết Thủy cùng quê Thái Bình, tôi đã nói giúp với cô chủ xóm trọ để Thủy được thuê phòng.
Lần đầu tiên gặp Thủy, một cô bé nhỏ nhắn, hơi thấp, mái tóc ngắn cắt bằng, đeo một chiếc bờm, tôi thấy khá trẻ con và có đôi chút thiện cảm, đúng hơn là cảm thấy có thể bao dung. Thời gian đầu tôi cũng không hay nói chuyện với Thủy. Sau khoảng một năm trọ cùng xóm, nghỉ hè, Thủy nhờ tôi sang coi phòng hộ, cũng đúng lúc tôi muốn mượn phòng để yên tĩnh ôn thi. Từ đó chúng tôi có nhiều chuyện để nói với nhau hơn.
Nói chuyện nhiều với Thủy, tôi thấy có thể học hỏi được nhiều điều. Đằng sau những câu nói thẳng dễ khiến người đối diện mất lòng là cách tư duy rất thực tế của Thủy về cuộc sống, nhìn nhận sự việc khách quan và biết mình cần làm gì cho phù hợp để bảo vệ quyền lợi mình xứng đáng được hưởng. Một lối suy nghĩ mạnh mẽ, bù đắp cho lối suy nghĩ của tôi, còn mơ màng về cuộc sống, hết e ngại cái này lại e ngại cái khác, để rồi không tránh khỏi nhiều lúc phải ấm ức chịu thiệt thòi.
Có thể không phải là người tế nhị nhưng Thủy là người biết điều. Ai đối đãi tốt với Thủy, Thủy rất ghi nhận trong lòng và khi có dịp sẽ đáp lại chân thành. Đó không đơn giản là kiểu nhận một trả một, nhận hai trả hai, trả rồi là xong. Mà đó là sự ghi nhận tấm lòng của người khách dành cho mình một cách rất thực tế của Thủy. Nhớ lần Thủy mua được ít nhãn ngon, đã gọi tôi sang phòng ăn cùng. Thủy bảo: “Của đâu mà cho cả xóm. Tôi chỉ mời mỗi mình bà thôi!”. Sau này, khi làm trong Cần Thơ, Thủy đã mời tôi vào chơi và bảo: “Riêng bà, tôi sẽ bao ăn cả tháng!”.
Khi tôi vào chơi, Thủy đã đưa tôi đi khắp nơi, mua cho tôi những hoa quả, những món ngon của miền Tây để tôi thưởng thức. Vẫn với lối tư duy thực tế, Thủy đưa tôi vào quán bánh xèo nổi tiếng của Cần Thơ và gọi chỉ một cái bánh (cũng bởi cái bánh xèo người ta làm khá to), chỉ một lon nước ngọt, chúng tôi chia ra cùng ăn, cùng uống. Thủy bảo: “Gọi hai suất không ăn hết đâu, lãng phí lắm!”. Ai đó sẽ nghĩ Thủy “tiết kiệm quá” hoặc “Ai lại làm vậy khi mời bạn đi ăn!”. Riêng tôi thấy Thủy nói đúng. Chúng tôi đã phải cố mới ăn hết cái bánh xèo và uống hết lon nước.
Cũng trong lần đi chơi ấy, dép của tôi chẳng may bị đứt. Thủy đã nhất quyết đưa tôi vào một quán giày khá sang ở Cần Thơ, mua tặng tôi một đôi giày rất đẹp. Và đắt tiền. Đó là đôi giày đẹp nhất, đắt tiền nhất, thoải mái nhất mà tôi từng có.
Ngày ở xóm trọ, ngồi nghe Thủy kể chuyện, nhất là những chuyện trong quá khứ hoặc những bộ phim, tôi thấy Thủy cũng rất trẻ con. Những lúc ấy, Thủy hay cười, gương mặt tươi tắn hơn và giọng cười toát lên sự thoải mái, cởi mở, khác hẳn khuôn mặt khó ưa lúc đi học về. Nghe Thủy say sưa kể chuyện, tôi cũng bớt nghĩ những chuyện lặt vặt trong cuộc sống, cảm thấy đầu óc nhẹ nhàng hơn. Tôi còn tìm được những lời khuyên có ích cho bản thân mình.
Thỉnh thoảng tôi và Thủy đi chợ cùng nhau. Mặc dù ít tuổi hơn nhưng Thủy lại rành nhiều thứ. Thủy chỉ cho tôi cách nhận diện những loại rau quả an toàn, nên mua của người nào, cần mặc cả ra sao – những điều tôi vẫn còn ngu ngơ. Chơi với Thủy, tôi được bù lấp những hạn chế về thực tế đời sống.
Thủy cũng rất tình cảm. Luôn nghĩ về bố mẹ và em trai ở quê. Cố gắng tiết kiệm từng đồng, cố gắng tìm việc làm thêm, luôn mong làm được cái gì đó cho bố mẹ đỡ khổ, rất quan tâm đến em. Biết tôi học sư phạm, lại cùng quê với mình, Thủy đã mong tôi xin được việc ở quê để sau này Thủy có thể nhờ tôi giúp đỡ em Thủy, lúc đó mới đang học cấp hai và lực học hơi đuối. Sau này, làm ở trong Cần Thơ, Thủy vẫn thường gửi tiền cho em mua quần áo, giày dép, thậm chí các loại kem bôi mặt chữa mụn trứng cá. Dù rằng mỗi lần cho em tiền, Thủy đều cằn nhằn như bao bà chị khác.
Khi ở xóm trọ, rất khó tính, hay làm mọi người bực mình, nhưng khi vào làm việc ở miền Nam xa xôi, Thủy rất nhớ mọi người, rất trân trọng những kỉ niệm cùng mọi người ở xóm, dù đó là những kỉ niệm vui hay buồn, thoải mái hay bực mình. Những lời hỏi han thông thường, nắm bắt tin tức của mọi người trong cuộc sống mới, biếu cô chủ xóm trọ cũ một hộp bánh miền Nam khi ghé qua Hà Nội, mời chúng tôi đến nhà tụ họp ăn uống, cho chúng tôi ít mứt dừa ngon, sạch mang từ miền Nam ra, đến nhà chúng tôi chơi dịp Tết….
Thủy luôn muốn giữ mối dây tình cảm với mọi người trong xóm trọ, dù cho mọi người nghĩ thế nào về Thủy. Còn chúng tôi, phải chăng đã quá siêu hình khi chỉ giữ lại trong lòng mình những ấn tượng không hay về Thủy?
Khoảng thời gian tôi và Thủy gắn bó với nhau hơn cả là lúc Thủy vừa ra trường, đi tìm việc làm để giúp đỡ bố mẹ, bắt đầu cuộc sống tự lo liệu cho bản thân. Thời điểm đó, tôi cũng chưa có công việc ổn định nên hai chúng tôi dễ tâm sự, dễ đồng cảm với nhau hơn.
Tôi vẫn nhớ những ngày Thủy ở Hà Nội đi bán hàng cho một cửa hàng bánh ngọt nổi tiếng của người Nhật. Chỗ làm khá xa, đạp xe mất ba mươi, bốn lăm phút. Có những buổi tối, Thủy về muộn, đem theo những miếng bánh rất ngon.
Ở chỗ Thủy làm, có những chiếc bánh ngày hôm sau sẽ hết hạn sử dụng phải bỏ đi. Thủy và các nhân viên bán hàng cuối buổi làm đã chia nhau ăn cho đỡ phí. Ăn không hết, Thủy mang về cho chúng tôi. Dù sao thì bình thường chúng tôi cũng không bao giờ nghĩ đến việc mua một chiếc bánh ngọt trong một cửa hàng đắt đỏ như thế. Những buổi tối muộn đó, chúng tôi vừa ăn bánh vừa nghe Thủy kể chuyện ở chỗ làm: nguyên liệu nhập vào ra sao, bánh làm như thế nào, đồng nghiệp người tốt thì ít, kẻ bon chen lại nhiều, Thủy đã phải đáp trả thế nào để trụ lại được chỗ làm…
Thủy còn vui vẻ kể chuyện Thủy đã bập bẹ được vài câu tiếng Anh để giao tiếp với khách hàng là người nước ngoài, hỏi lại chúng tôi nói vậy đã đúng chưa, lần sau nên nói thế nào… Thủy cũng truyền cho chúng tôi kinh nghiệm khi đi mua bánh ngọt nên chọn bánh ở vị trí nào trong tủ kính để mua được bánh mới làm, sẽ đảm bảo chất lượng hơn. Nhờ những câu chuyện đó của Thủy, chúng tôi hiểu thêm những góc cạnh khác của cuộc sống thực tế đầy phức tạp, khác cuộc sống bình yên hiện tại của chúng tôi.
Khi Thủy xin được công việc trong Cần Thơ, một công việc ổn định lâu dài, mức lương khá, chúng tôi mừng cho Thủy. Đó là công việc mà nhiều người mơ ước, chế độ đãi ngộ của công ty rất tốt. Và Cần Thơ là một thành phố không tồi. Nhưng làm ở Cần Thơ một tháng, hai tháng, một năm, hai năm, rồi năm năm, Thủy luôn không ngừng ấp ủ trong lòng ý định xin ra Bắc làm việc. Để được gần gia đình, gần bố mẹ, gần em, gần bạn bè. Điện thoại của Thủy, mục thời tiết, luôn cài đặt sẵn địa chỉ ở quê.
Thủy cũng thường nhắn tin hỏi tôi: “Ở nhà hôm nay thế nào?”, “Có mưa không?”, “Có nắng không?”, “Có lạnh không?”, “Có nóng lắm không?”… Và lại than thở trong Cần Thơ thế này, trong Cần Thơ thế kia. Thủy không sao hòa nhập được với cuộc sống nơi “gạo trắng nước trong – Ai đi đến đó lòng không muốn về!”. Sáng rồi trưa, chiều rồi tối, từ phòng trọ đến công ty, từ công ty về phòng trọ, cố gắng bám lấy ước vọng được ra Bắc để vượt qua nỗi cô đơn không người thân, không người bạn đồng hành cùng sẻ chia vui buồn, ở một nơi xa nhà hàng nghìn km.
“Này, bà đang làm gì thế? Tôi vẫn chưa mua được vé để về quê ăn tết đây. Vé đắt quá!”. Mỗi dịp tết đến, Thủy thường kêu ca với tôi như thế. Dù kêu vậy nhưng bằng giá nào Thủy cũng sẽ mua được vé để về ăn tết với gia đình.
Và tôi biết: trước khi lên máy bay, khoảng thời gian dài ngồi trong phòng chờ, Thủy vẫn rất mong nhận được một tin nhắn hỏi thăm, chúc thượng lộ bình an của ai đó, để bớt cô đơn, bớt tủi thân nơi xa xứ, để được an ủi, được vững vàng trở về bên gia đình sau bao tháng trời xa cách.
Sao Băng