Bốn năm sinh viên tưởng như dài đằng đẵng, nhưng bước qua rồi ngoảnh lại thì thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Những bỡ ngỡ của buổi đầu tới giảng đường đại học, những kỷ niệm về ngôi trường, bè bạn,… Và không thể thiếu được những hồi ức về xóm trọ, mái nhà thứ hai của đời sinh viên. “Hồi ức về xóm trọ” là loạt tản văn về đời sống xóm trọ sinh viên, dưới ngòi bút tinh tế, nhẹ nhàng, tác giả muốn gửi gắm tới độc giả những khoảnh khắc chân thực về đời sinh viên, để cùng nhau suy ngẫm và hoài niệm, trân trọng những gì mình đang có.
***
…cuối khoảng sân hẹp là cái sân giếng – khu sinh hoạt chung, nơi diễn ra bao câu chuyện đời thường của bọn sinh viên chúng tôi….
Thỉnh thoảng ôn lại những tháng ngày sinh viên, tôi thường kể cho mọi người về xóm trọ của tôi. Hồi sinh viên, tôi từng sống ở nhiều xóm trọ. Nhưng khi nhắc đến “xóm trọ của chị”, “xóm trọ của em”, “xóm trọ của con”, “xóm trọ của cô”… là tôi muốn nói đến cái xóm trọ tôi đã gắn bó lâu nhất.
Tôi đã ở đó liền bốn năm cho đến khi về hẳn quê, đã từng ở qua cả bốn gian phòng của dãy nhà trọ, đã khắc sâu vào kí ức những hình ảnh thân thương nhất của xóm trọ tôi:
Cái cổng hẹp, hơi thấp với cánh cửa gỗ màu nâu đã bạc, có một ô vuông nhỏ để cho tay vào mở khóa bên trong; lối vào hơi dốc; cái cối đá to trồng cây đinh lăng và vài cây lá lốt bị chúng tôi vặt trụi để rán trứng, chỉ còn trơ mấy lá nõn; khoảng sân hẹp dần, một bên là dãy phòng trọ của chúng tôi với những cánh cửa màu xanh đã mọt, có lỗ chuột khoét, một bên là nhà cô chủ có một đoạn chân tường xếp những chậu nhỏ nha đam, cây cảnh, rau húng, dấp cá…; và cuối khoảng sân hẹp là cái sân giếng – khu sinh hoạt chung, nơi diễn ra bao câu chuyện đời thường của bọn sinh viên chúng tôi.
Sân giếng rộng bằng cái chiếu đôi nhưng nửa già sân giếng hay bị ngập nước, mốc rêu rất trơn, chúng tôi chỉ vào ra ở nửa còn lại. Ở sân giếng có một cái bể nước bằng bê tông đã cũ, hình trụ, cao quá đầu người một chút, mặt cắt ngang cũng không rộng hơn cái mâm ăn cơm là mấy. Nóc bể có tấm sắt đậy. Thấp phía dưới bể có một cái vòi nước bằng đồng đã cũ, mỗi lần mở ra dùng hay tắt đi phải xoay rất nhiều vòng.
Đối diện cái bể có một vòi nước nối trực tiếp với đường ống dẫn nước của khu dân cư. Hàng ngày, chúng tôi tắm rửa, giặt giũ, nấu nướng… đều lấy nước từ vòi này. Nước trong vòi lúc xối rất mạnh, lúc chỉ tong tong nhỏ giọt, phụ thuộc lượng nước có trong đường ống khu dân cư. Ngày tôi mới về xóm trọ, việc dùng nước từ vòi trực tiếp vẫn ổn, nhưng rồi người dân xây thêm nhiều nhà trọ, nhà nào cũng ba, bốn tầng, nhu cầu sử dụng nước tăng. Nước trong đường ống khu dân cư luôn bị hút cạn vào bể chứa của các gia đình, thành ra vòi nước trực tiếp trong xóm tôi thường xuyên không một giọt nước chảy.
Thiếu nước sinh hoạt, xóm trọ tôi được rèn luyện kĩ năng dùng nước tiết kiệm nhất có thể: Khi rửa mặt, nước sau khi rửa mặt còn dùng để rửa tay, rồi rửa chân, mà cũng phải rửa từ từ chứ không được dội ào một cái; khi nấu cơm, nước vo gạo rồi sẽ dùng để rửa rau, sau đó đổ vào một cái thùng để dội nhà vệ sinh; khi giặt quần áo, không được cho quá nhiều xà phòng để giũ cho nhanh hết bọt và không được giũ quá hai lần nước…
Chúng tôi cũng biết làm thế nào để nấu được cơm khi hết nước; để rửa mặt, rửa chân tay cho mát chỉ với đúng một ca nước đứa bạn cùng phòng phần cho khi đi làm về giữa mùa hè nóng bức…
Để dự trữ nước sinh hoạt, những lúc sáng sớm, nước ở vòi trực tiếp chảy mạnh, chúng tôi bắt một đoạn ống cao su dẫn nước từ vòi sang cái bể bê tông, hứng đầy bể để dành. Nhưng một bể nước nhỏ thì không thể đủ dùng cho gần 10 người trong một ngày, nhất là những ngày nắng nóng. Nên chúng tôi phải xin cô chủ ròng thêm một đoạn ống dẫn nước từ bể trên tầng nhà cô chủ xuống cái bể ở sân giếng, hết nước thì gọi cô bơm nước xuống cho.
Quanh cái bể bằng bê tông đó, đã có những cái nhăn nhó “lại hết nước”, có những lời trách móc người ở nhà dùng kiệt nước, có những ngại ngần gọi cô chủ bơm nước, có những lời “vâng vâng, dạ dạ” khi cô chủ dặn phải tiết kiệm nước, nhưng cũng còn có bao tiếng cười đùa rộn rã, trêu chọc, giục giã, xếp lượt nhau nấu cơm, tắm rửa, giặt giũ, hứng nước phần người đi học, đi làm về muộn…
Nếu không thiếu nước sinh hoạt, nếu không có cái sân giếng, có lẽ các thành viên xóm trọ tôi đã không quây quần với nhau nhiều đến thế và cũng sẽ chẳng có nhiều kỉ niệm để cùng nhau nhắc lại như thế!
Nghĩ về sân giếng xóm trọ, tôi lại nhớ tới những mẩu chuyện vụn vặt gắn với cái giẻ rửa bát của xóm tôi. Nghĩ lại cũng thật buồn cười, hồi ấy phòng nào cũng có riêng chậu tắm, chậu rửa mặt, chậu rửa bát…, nhưng cả xóm lại dùng chung một miếng giẻ rửa bát đã cũ, không biết ai mua, ai để lại, chỉ biết nó được vắt ở vòi nước sân giếng đã lâu.
Trong xóm cũng có đứa tính rất sạch sẽ, lúc mới đến xóm đã dùng riêng một cái giẻ rửa bát, dùng xong lại mang về treo ở hiên phòng mình, nhưng rồi dần dà, nó cũng tiện tay dùng luôn cái giẻ rửa bát vắt ở vòi nước, còn cái giẻ riêng kia cuối cùng lại trở thành của chung mọi thành viên trong xóm.
Rồi chuyện hai đứa sinh viên trong xóm đều cận nhưng không đeo kính, đã tìm khắp sân giếng mẩu giẻ rửa bát trắng trắng vàng vàng lẫn trên nền xi măng cũng vàng vàng trắng trắng mãi không thấy, trong khi nó ở ngay dưới chân.
Rồi cả chuyện một buổi trưa ngủ dậy, tôi nhận ra cái giẻ rửa bát mới cả xóm vừa góp tiền vào mua đã bị cắt ngắn một nửa. Trưa hôm đó hai đứa phòng kế bên phòng tôi vừa chuyển đi.
Nhắc lại những chuyện này, có lẽ các thành viên xóm trọ tôi đều cười, nhưng là cái cười thoải mái, cái cười bao dung, cái cười mà … nếu quay lại được thời sinh viên, chắc chúng tôi vẫn xử sự như thế, sinh hoạt như thế, quây quần quanh cái sân giếng như thế…
Tôi về hẳn quê không lâu thì xóm trọ được xây mới. Một dãy nhà tầng khang trang, sạch sẽ, cứ hai phòng có một nhà vệ sinh, nước sinh hoạt được đảm bảo đầy đủ. Những thành viên mới của xóm không còn phải đi ra đi vào sân giếng vặn vòi nước xem có nước không, xê cái tấm sắt trên nóc bể xem còn nhiều nước không, không phải phân công nhau gọi cô chủ bơm nước cho đỡ ngại… Cái sân giếng ngày nào với những tiếng í ới, những tiếng cười đùa, những câu chuyện thì thầm to nhỏ, cái sân giếng đã gắn kết các thành viên trong xóm tôi lại với nhau giờ chỉ còn trong hoài niệm.
Sao Băng