Ai Cập cổ đại kéo dài một thời gian hơn ba nghìn năm. Khí hậu khô cằn của Ai Cập cho phép bảo tồn các bức tranh tường rất cổ trong các lăng mộ của các vị chức sắc xứ này. Một số bức tranh có niên đại từ 4.000 đến 4.500 năm tuổi. Chúng ta cùng Đại Kỷ Nguyên khám phá.
Một thời kỳ hiếm có trong lịch sử nhân loại: Ai Cập cổ đại
Ai Cập cổ đại có lịch sử kéo dài hơn 3 nghìn năm. Một độ dài như vậy về triều đại văn hoá và chính trị cũng là ‘điều xưa nay hiếm’ trong lịch sử nhân loại, nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất vì, bên cạnh đó, nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã có từ hàng ngàn năm.
Tất nhiên trong khoảng thời gian đó ở Ai Cập cổ đại huyền bí cũng có xuất hiện nhiều gián đoạn, nhưng lối sống, tôn giáo, cách trị vì và văn hoá luôn trường tồn.
Ai Cập cổ đại có các đặc điểm văn hoá đồng nhất: chữ tượng hình, kiến trúc (kim tự tháp, đền thờ), chạm khắc đá và các phù điêu, hội họa với những đường nét đơn giản chưa quan tâm nhiều về phép phối cảnh. Người Ai Cập yêu thích màu sắc, nên đã trang trí các bức tường, các tượng với nhiều màu.
Thời hoàng kim của hội họa Ai Cập: Triều Đại Mới (khoảng- 1580-1080)
Triều đại Mới là thời hoàng kim của hội họa Ai Cập. Các chủ đề đã đa dạng. Các cảnh sinh hoạt hàng ngày vẫn còn, nhưng đã xuất hiện những bức vẽ về các sự kiện chính trị. Phong cách vẫn thống nhất nhưng với các biến thể theo thời gian.
Phong cách của các nghệ sĩ có thể đã ló ra và các chuyên gia gọi đó là những “bậc thầy” vô danh, nhưng phong cách có thể nhận biết được: bậc thầy của Kenamon, bậc thầy của Nacht, bậc thầy của Nebamon.
Một số ví dụ sẽ cho ta thấy ý tưởng đầu tiên về sự phong phú của hội họa, nên biết nhiều tác phẩm tuyệt đẹp đã biến mất.
Lăng mộ của Sennefer (ảnh Sennefer, lăng mộ với cây nho)
Sennefer là người đứng đầu thành phố Thebes dưới triều Amenhotep II (khoảng – 1428-1400). Lăng mộ của ông được biết đến năm 1826 và được gọi là Lăng mộ của nho bởi vì trần của tiền sảnh và phần lớn trần của phòng đặt người chết được trang trí với cây nho. Dưới đây là một số hình ảnh về những bức tranh tường độc đáo này.
Sennefer và Meryt (khoảng năm -1400). Ở đây là Sennefer với vợ Meryt.
Sennefer và Mouttouy (khoảng năm -1400). Sennefer cùng con gái Mouttouy.
Trần nhà với cây nho (khoảng năm -1400). Phần bất thường nhất là trần nhà được trang trí trang nhã với một cây nho uốn lượn tới dọc theo các cột.
Lễ rửa tội (khoảng năm -1400). Từ trái sang phải, xuất hiện một linh mục, Sennefer và vợ Meryt. Trong tang lễ, linh mục rửa tội trước mặt quan tài trong một lễ được gọi là lễ mở miệng. Bức tranh này là cảnh mở đầu của buổi lễ: một tia nước chảy ra từ một cái bình quanh Sennefer và vợ Meryt để làm sạch họ.
Lễ vật (khoảng năm -1400). Meryt dâng lên Sennefer một khay đựng hành, nho và bánh mì. Dòng chữ tượng hình cho biết: “Bánh mì, bia, bò, chim, tất cả những vật tốt lành tinh khiết. Bạn đồng hành của ông, người mà ông yêu dấu, chủ nhân của ngôi nhà, Meryt, juste de voix “.
Cây-ished (khoảng năm -1400). Sennefer, ngồi, xung quanh là cây -ished, biểu tượng của sự vĩnh hằng . Một tay ông cầm bông hoa sen, tay kia nắm vương trượng. Meryt hình nhỏ ngồi phía dưới chân ông bởi Sennefer đã trở nên bất tử. Dòng chữ tượng hình có nghĩa là: “Người đứng đầu thành phố phía Nam, Sennefer, juste de voix. Để có thể nhận được những món quà trong mộ lớn khi con tới đây như thường lệ, ở nơi vĩnh hằng của con, người đứng đầu Thành phố phía Nam, Sennefer, đã được chứng thực trước vị thần vĩ đại”.
Lăng mộ của Nebamon
Nebamon là thư lại tại Kho tiền dưới thời trị vì của Tuthmosis IV (khoảng năm -1400-1390) và Amenhotep III (khoảng – 1390-1352). Trong lăng ngôi mộ của ông ở Sheikh Abd el-Gournah, những bức tranh chỉ còn là những mảnh vỡ được bảo quản tại Bảo tàng Anh quốc. Người họa sĩ vô danh với tài năng đặc biệt đã tạo ra một tác phẩm phức hợp theo các quy tắc đang có hiệu lực, như thể hiện trong hai bức tranh dưới đây.
Vườn của Nebamon (khoảng – 1350). Tranh tường, kích cỡ 64 x 72 cm, Bảo tàng Anh, London. Bức tranh này vẽ khu vườn của thư lại Nebamon, trong đó có một ao cá. Các loại cây được đặt kề nhau theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang và có thể phân biệt được các loại thảo mộc, cây cọ, cây vả và cây khoai ma. Quanh ao là hoa, còn trong ao là cá chép, vịt và ngỗng. Họa sĩ vẫn chưa nắm bắt được khái niệm về phép phối cảnh, nhưng ông vẫn truyền cho chúng ta một thông điệp: một vườn thiên đường, mà Nebamon có lẽ rất tự hào. Tài năng tô màu, sáng tạo của họa sĩ trog bức tranh đã trội qua hàng nghìn năm.
Săn bắt chim (khoảng -1350). Tranh tường, Bảo tàng Anh, Luân Đôn. Trên mảnh của bức vẽ này, Nebamon đứng trên một chiếc thuyền đáy phẳng để săn bắt chim. Những con chim bao quanh ông từ mọi phía. Với những phương tiện hạn chế, người họa sĩ đã tạo ra bức tranh với tư thế sinh động của Nebamon giống như tư thế của con mèo đang bắt đồng thời hai con chim.
Lăng mộ của Tutankhamun (Ảnh Tutankhamun KV-62)
Tutankhamun-Nebkheperure (khoảng – 1345-1327) là con của Pharaon Akhenaton với một trong các người chị em của ông. Ông đã nối ngôi cha khi còn nhỏ và chết ở tuổi 19. Vì vậy, thực tế, ông không thể thực thi quyền lực mà quyền lực được trao cho ba người: Ay người giữ vai trò nhiếp chính, Maya người chịu trách nhiệm về Kho tiền và Tướng Horemheb đứng đầu quân đội. Tutankhamun nổi tiếng từ khi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter khám phá ra mộ phần của ông, vào năm 1922, Lăng mộ có chứa “kho báu nổi tiếng của Tutankhamen”: quách nặng 110 kg với mặt nạ vàng và 2.099 đồ vật còn nguyên vẹn. Sự nổi tiếng chỉ tăng lên từ khi báo chí đưa tin về lên lời nguyền của pharaon. Ngôi mộ của Tutankhamun được trang trí với nhiều bức tranh được giới thiệu dưới đây.
Sự trao truyền quyền lực (khoảng năm -1327). Tutankhamen không có con, Aÿ (nhiếp chính) kế thừa ông. Vua mới Aÿ, ở bên phải, được vẽ còn trẻ trong khi thực tế đã già. Ông biểu tượng cho vai trò của người con trai của Pharaon đã chết. Ở giữa, Tutankhamun xuất hiện trong hình ảnh Osiris, một trong những vị thần chính của đền thờ Ai Cập. Bức tranh này thể hiện một lễ mở cửa mả trước quan tài của người quá cố. Cuối buổi lễ là nghi lễ dùng một cái rìu (do Aÿ cầm) chạm vào miệng, mũi, mắt,tai của mặt nạ của quan tài. Dòng chữ tượng hình có nghĩa là: “vị thần hoàn hảo, chúa tể của Hai miền đất, bậc thầy của nghi lễ, Vua của Thượng và Hạ Ai Cập Kheperkheperoura, con trai của Rê, Cha –thần, Ay, sống vĩnh hằng, như Re”.
Sự đón chào của Nout (khoảng năm -1327). Nout, nữ thần của bầu trời, mẹ của tất cả các ngôi sao, đón tiếp Tutankhamun Nebkheperourê mà trong mỗi bàn tay là chữ nước tượng hình (nyny). Tutankhamun vẫn mặc trang phục khi còn sống. Một tay, ông cầm một cái gậy thẳng có đầu bằng vàng, còn tay kia cầm một cái chùy, dấu hiệu của sự sống. Dòng chữ tượng hình có nghĩa là: “Nout, bà chủ của bầu trời, người phụ nữ của các vị thần, đem nyny cho người mà bà đã sinh ra, ban cho sức khỏe, sự sống qua mũi con, để sống mãi mãi” (ở phía trên của Nout); “chúa tể của hai vùng đất Nebkheperure, được ban cuộc sống mãi mãi” (ở phía trên của Tutankhamun).
Tutankhamen gặp lại Vía/phách của mình (khoảng năm -1327). Đối với người Ai Cập cổ đại, Vía là một trong năm yếu tố không thể tách rời tạo nên con người sống động. Nó là một dạng linh hồn kép được sinh ra cùng với con người và vẫn tồn tại sau khi người chết đi. Bức tranh thể hiện từ trái sang phải, Osiris, Tutankhamun và vía của Tutankhamun. Thần Osiris chìa tay đến vị vua vừa chết, trong trang phục lúc còn sống, để chào đón ông. Nhân vật Vía mang trên đầu chữ tượng hình có nghĩa là vía (hình chữ U) bao quanh một biểu tượng có nghĩa là bò điên, tính ngữ quen thuộc đối với các vị vua. Với một tay, Vía nắm eo của Tutankhamen.
Hết phần 2.
Theo Rivage de Bohème
Xuân Hà biên dịch