Họa sĩ vẽ truyện tranh trẻ em Lyn Kriegler nhận xét: Trên tổng thể sự phát triển của những cuốn sách thiếu nhi ngày nay là một bước lùi, bởi vì các nhà xuất bản đã chạy theo những câu chuyện giật gân hơn. Đó không phải là văn học. Ngôn ngữ của những ấn phẩm thuộc loại đó không nâng đỡ nhân cách. Nó chỉ giống như tiếng lóng hoặc những cuộc nói chuyện đường phố.

Cuộc sống đầy màu sắc của một họa sĩ vẽ tranh minh họa cho sách thiếu nhi

Trong 40 năm qua, họa sĩ vẽ truyện tranh trẻ em và người kể chuyện truyền khẩu Lyn Kriegler đã làm việc với một số tác giả chuyên viết cho trẻ em nổi tiếng nhất của New Zealand. Bản thân cũng là một nhà văn sắc sảo, tác phẩm của Kriegler đã được xuất bản trong một số sách và tạp chí.

Năng khiếu vẽ và sáng tạo của cô là có tính gia truyền. Mẹ cô là một thợ thêu và thợ may tài năng, và cha cô là một nhà thiết kế trang sức, một thợ kim cương, và một thợ chạm khắc kim loại quý có tay nghề cao. Cha cô có tài khắc vẽ trên các chất liệu thiếc và vàng bạc. Từ bé cô đã vẽ bút màu lên ghế, sàn và tường nhà. Bước vào lớp một, có đã có thể vẽ được hầu như mọi thứ mà cô nhìn thấy.

Một ấm trà, tách và đĩa mà Kriegler được thừa hưởng từ mẹ cô được vẽ thành hình ảnh minh họa cho cuốn “Hemi & the Shortie Pyjamas” của Joan de Hamel. (Lorraine Ferrier / The Epoch Times)

Kriegler tốt nghiệp Đại học Virginia Commonwealth, Hoa Kỳ với bằng cử nhân về nghệ thuật và minh họa thời trang. Cô đã từng là một họa sĩ minh họa cho những tờ báo nổi tiếng như Mademoiselle và The Washington Post. thậm chí đã làm việc cho các công ty quảng cáo nhưng rồi cảm thấy không phù hợp với môi trường này.

Chim ó biển được đặc tả trong tranh màu nước của Lyn Kriegler. Hình minh họa là một phần của loạt sách hướng dẫn du lịch New Zealand mà Kriegler đã hoàn thành khi lần đầu tiên cô đến đất nước này. (Lorraine Ferrier/The Epoch Times)

Cuốn sách đầu tiên cho thiếu nhi mà cô tự viết và vẽ hình minh họa là “Truyền thuyết về chim Kiwi”. Cô đã nghĩ rằng tốt nhất là vẽ về những loài hoa, cây cỏ và loài chim mới. Kết quả, cuốn sách này đã được Không lực Hoàng gia New Zealand tặng cho Thái tử Charles và Công nương Diana của nước Anh và được lưu giữ tại cung điện Buckingham. Thành quả đầu tiên này đã giúp cô tự tin và hứng thú dấn thân vào công việc vẽ tranh minh họa cho truyện thiếu nhi.

Hình minh họa bìa trước của Cuốn sách đầu tiên dành cho thiếu nhi “Huyền thoại của chim Kiwi” mà Lyn Kriegler tự viết và minh họa. (Lorraine Ferrier / The Epoch Times)

Quay lại thời điểm Kriegler bắt đầu sự nghiệp, sự gắn kết quan trọng nhất của cô với văn học thiếu nhi là nhà văn trẻ em Dorothy Butler. Đây là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực văn học thiếu nhi ở Auckland vì bà có một cửa hàng sách trẻ em khổng lồ ở Glenfield. Các nhà văn trẻ đến từ khắp nơi đều muốn kết giao với nhà sách này. Cuộc gặp của Lyn với Dorothy một lần nữa là khẳng định chắc chắn cho con đường sự nghiệp của cô – làm sách thiếu nhi. Riêng sự kết hợp với Dorothy đã giúp cho ra đời 18 cuốn sách tranh mà cô vẽ hình minh họa.

Loài chim cú bản địa của New Zealand, một trong những loài chim mà Lyn Kriegler đã vẽ minh họa trong cuốn “A Bundle of Birds” của Dorothy Butler. (Lorraine Ferrier / The Epoch Times)

Kriegler cho rằng, tuổi thơ của trẻ em nên tràn đầy niềm vui, tích lũy được đủ năng lượng tích cực để đối mặt với những tình huống khó khăn khi chúng lớn lên, rằng văn học thiếu nhi nên phản ánh một thế giới có tác dụng làm cầu nối giữa trẻ em và cuộc sống: Cuốn sách thiếu nhi nên mang lại cho trẻ em các kỹ năng sống, kỹ năng đối phó với thử thách và giúp chúng tự tin thực hiện các giải pháp riêng thay vì phải cầu viện từ cha mẹ. Điều này đang bị thiếu trong rất nhiều sách thiếu nhi ngày nay. Cô muốn nói ra sự thật này, bởi vì bản thân cô đã xem rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi.

Bộ sách của Dorothy Butler “A Tale of Old New Zealand” kể những câu chuyện có thật ở New Zealand, một chủ đề gần gũi với trái tim của Lyn Kriegler. Bức tranh này là một phần của bộ sách đó và nằm trong cuốn “Seadog: A Tale of New Zealand”. (Lorraine Ferrier / The Epoch Times)

Dorothy là một người ủng hộ nhiệt tình cho ngôn ngữ đẹp. Bà ấy luôn nói rằng có một sự khác biệt lớn giữa văn học và những câu chuyện giật gân. Theo bà thì trên tổng thể sự phát triển của những cuốn sách trẻ em ngày nay là một bước lùi, bởi vì các nhà xuất bản đã chạy theo những câu chuyện giật gân hơn. Đó không phải là văn học. Ngôn ngữ của những ấn phẩm thuộc loại đó không nâng đỡ nhân cách. Nó chỉ giống như tiếng lóng hoặc những cuộc nói chuyện đường phố.

Chen Li gặp Thần sông trong bức tranh minh họa của Lyn Kriegler cho cuốn “Chen Li and the River Spirit.” của Anthony Holcroft. (Lorraine Ferrier/The Epoch Times)
Minh họa của Lyn Kriegler trong “Chen Li and the River Spirit” của Anthony Holcroft, mô tả cảnh Chen Li được ban thưởng nhờ sự vị tha của mình. (Lorraine Ferrier / The Epoch Times)

Kriegler còn nhận xét rằng, trẻ em hiện nay thiếu kỹ năng giao tiếp. Chúng có thể gõ một email hay tin nhắn rất nhanh, nhưng khi trò chuyện trên thực tế, nơi chúng cần thể hiện các cảm xúc, mong muốn và mục đích thật sự, thì ngôn ngữ của chúng rất yếu. Một giáo viên dày dạn mà cô biết đã cho rằng, tốc độ giao tiếp tăng sẽ tương đương với sự suy giảm giá trị nhân bản. Công nghệ là một điều tuyệt vời, nhưng một cuốn sách in với ngôn ngữ và minh họa tốt sẽ vẫn luôn có chỗ đứng trong lòng người đọc. Kriegler đã được hỏi nhiều lần rằng: Tại sao cô không tham gia một số khóa học về sáng tạo tác phẩm nghệ thuật trên máy tính? Cô đã trả lời rằng mình đã dành cả đời để rèn luyện các kỹ năng vẽ bằng tay và cô thích nhìn ngắm những tác phẩm được vẽ bằng tay.

Mèo là một loài vật phổ biến trong các truyện dành cho trẻ em và luôn tạo niềm vui cho những người yêu mèo như Lyn Kriegler khi vẽ. (Lorraine Ferrier / The Epoch Times)

Cha Kriegler đã dạy cô rằng, muốn phát triển kỹ năng của đôi tay thì phải tự mình làm mọi thứ bằng tay. Ông đã dạy cô điêu khắc, thư pháp, viết các loại ngôn ngữ khác nhau, như tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Anh cổ, và đã dành rất nhiều thời gian để huấn luyện cho cô. Tất cả những kỹ năng đó đã theo cô suốt cuộc đời.

Hầu hết các vật phẩm trong hình ảnh minh họa dành cho cuốn sách “Hector, an Old Bear” của Dorothy Butler đến từ những kỷ niệm thời thơ ấu của Lyn Kriegler. (Lorraine Ferrier / The Epoch Times)

Kriegler cũng nhận xét rằng, hiện nay trẻ em có xu hướng dễ dàng né tránh những công việc mà cần đến sự khéo léo của đôi tay, tốn nhiều thời gian, và đòi hỏi có sự kiên nhẫn nhất định. Chúng dễ bị thất vọng khi bị chê cười về những sản phẩm mà chúng đã phải chật vật để làm ra. Theo cô, để theo đuổi được những công việc loại này thì phải dốc lòng cho nó và có mong ước được cống hiến.

Lược dịch theo LORRAINE FERRIER, THE EPOCH TIMES (tháng 7/2019)

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||c30198093__