Hội họa cổ điển không chỉ miêu tả chân thực con người đương đại mà còn là phương tiện truyền tải những ẩn ý sâu xa. Việc giải mã những ẩn ý này đôi khi cũng không hề đơn giản, đòi hỏi những nghiên cứu và suy xét nghiêm túc

Bức tranh thứ nhất: ‘Chân dung cô gái nhỏ’

Trong bức họa dưới đây là một cô bé ăn mặc lộng lẫy, mặc một chiếc váy váy ren tinh tế có đính ngọc trai và đá quý. Họa sĩ thế kỷ 16 Jan Gossaert chắc chắn không phải miêu tả một cô gái có thân phận bình thường ở vùng nông thôn. Nhưng để xác định danh tính của cô thực sự không phải là vấn đề đơn giản.

Đồ vật kỳ lạ mà cô bé cầm trên tay liệu có thể giúp chúng ta tìm ra manh mối?

“Chân dung cô công chúa nhỏ cầm mô hình thiên cầu, tác phẩm của Jan Gossaert, được vẽ vào khoảng năm 1530, bức tranh gỗ, được lưu giữ trong Phòng trưng bày Quốc gia Luân Đôn. (Ảnh: Wikipedia)

Thiết bị kim loại kỳ lạ mà cô gái cầm trên tay có tên là “Sphère armillaire”, nghĩa là “mô hình thiên cầu”, hay chính là máy định vị thiên thể. Công cụ khoa học này được sử dụng để quan sát sự chuyển động của “các thiên thể quay quanh trái đất”. Vào thời điểm đó, con người có niềm tin rằng “trái đất là trung tâm của vũ trụ”, còn toàn bộ các thiên thể khác của vũ trụ đều xoay xung quanh trái đất, bao gồm cả mặt trời, nên mới chế ra dụng cụ này.

Vì dụng cụ này tượng trưng cho kiến ​​thức uyên bác, nếu nó xuất hiện trong một bức chân dung thì thường là để đại diện cho tài năng và trí tuệ của nhân vật trong bức tranh. Tuy nhiên, trong bức tranh này, một ngón tay của cô bé chỉ vào chiếc dụng cụ cầm trên tay, vì thế chắc hẳn nó phải có lý do và ý nghĩa khác.

Hình vẽ mô tả mô hình thiên cầu đồng tâm (Ảnh: icm.gov)

Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy vị trí ngón tay của cô gái, tương ứng với vĩ độ của thành phố Copenhagen, Đan Mạch. Vì vậy, một số học giả mạnh dạn suy đoán rằng cô chính là Công chúa nhỏ Dorothy của quốc vương Đan Mạch. Một manh mối khác dường như ủng hộ suy luận này: đó là mô hình thiên cầu mà cô cầm trong tay đã bị lộn ngược.

Chi tiết này có thể liên quan đến tình huống của cha cô – quốc vương Christian II. Trong thời đại của bức tranh này, ông là vị vua đã đánh mất vương quốc của mình: ông buộc phải thoái vị dưới sức ép của giới quý tộc. Sau đó ông đã cố gắng giành lại quyền lực nhưng không may bị thất bại và còn bị cầm tù. Nàng công chúa trẻ Dorothy phải lưu vong cùng với các thành viên khác trong gia đình. Đối với cô, thế giới đã bị đảo lộn – giống như chiếc mô hình thiên cầu mà cô cầm trong tay.

Chân dung vua Đan Mạch Cristian II, Lucas Cranach, vẽ trong khoảng năm 1523 – 1530, KT: 54 x 41 cm. (Ảnh: blog.sina)

Bức tranh thứ hai: ‘Achilles trong cung điện của vua Lycomedes’

Achilles trong cung điện của vua Lycomedes – Pompeo Batoni.(Ảnh: Art)

Trong một khung cảnh rất quý phái và thanh lịch, một số thiếu nữ trẻ vây quanh một cái rương và chọn lựa các đồ vật trong đó. Những bộ quần áo và đồ trang sức tinh xảo đặc biệt rực rỡ dưới ánh sáng ngập tràn, khiến cho các thiếu nữ không thể rời tay. Một thiếu nữ đang cầm một tấm vải sa tanh trắng, trong khi người kia cúi xuống để nhặt một chiếc dây chuyền; thiếu nữ ở bên phải thì đang thử chiếc khuyên tai. Có sự khác biệt ở một thiếu nữ có dáng vẻ “mạnh mẽ” đứng bên trái; tay cô đang cầm thanh kiếm và xem chăm chú; bên cạnh chân cô còn có một chiếc mũ sắt, dường như để nhấn mạnh thêm sở thích đặc biệt của cô. Đứng ở phía sau họ là hai người lái buôn, với ánh nhìn không mấy thiện hảo, đang chỉ trỏ và thì thầm về các cô gái. Vậy, rốt cuộc bức tranh này muốn nói gì với người xem?

Tác giả của bức tranh này là một họa sĩ người Ý thế kỷ 18 – Pompeo Batoni (1708 – 1787). Tác phẩm của Batoni liên quan tới câu chuyện về người anh hùng Hy Lạp cổ đại Achilles.

Truyền thuyết về “Chiến binh giỏi nhất của Hy Lạp” Achilles

Nhìn lại truyền thuyết nổi tiếng này, Achilles là một trong những nhân vật chính tham gia vào cuộc chiến thành Troy và được coi là “Chiến binh giỏi nhất của Hy Lạp”. Achilles không chỉ giỏi chiến đấu, mà còn là người rất có dũng khí, với diện mạo anh tuấn và thân thể không thể bị tổn hại bởi binh khí. Với năng lực xuất chúng như vậy, chắc chắn Achilles cũng có lai lịch không hề đơn giản.

Thần Zeus đã từng theo đuổi nàng tiên (Nymph) Thetis, nhưng vì Proteus tiên đoán rằng “con trai của nàng sẽ vượt trội cha mình” nên giữa ngai vàng và tình yêu, Zeus đã chọn giữ gìn ngôi vị vua của các vị thần. Không chỉ vậy, Zeus còn đem nàng gả cho Peleus – vương tử của Myrmidons; và Achilles chính là con trai của họ.

Thetis là một nữ thần nên sinh mệnh của nàng là vĩnh cửu, nhưng Achilles lại mang nửa huyết thống là người thường từ cha mình và anh còn được định sẵn số phận phải chết. Trong nỗ lực làm cho con mình được trường sinh, Thetis đã đưa chú bé Achilles mới sinh đến dòng sông Styx và nhúng cả thân người anh vào nước sông, khiến cho Achilles trở thành bất khả xâm phạm; nhưng không may bà lại bỏ sót mất hai gót chân của chàng, vì thế mà hai gót chân này đã trở thành điểm yếu chết người của Achilles.

Thần nhân mã. (Ảnh: wikipedia)

Achilles có tham vọng rất lớn từ khi còn nhỏ. Anh từng nói rằng “Nếu phải sống cuộc sống bình thường mà sống lâu, ta thà chọn đoản mệnh mà huy hoàng”. Do đó, khi thần nhân mã nói với anh rằng anh sẽ phải chết trong cuộc chiến thành Troy, Achilles đã thản nhiên chấp nhận. Thetis quá lo lắng về tương lai của con trai mình; bà cố gắng tìm mọi cách để anh tránh xa ngọn lửa chiến tranh, thậm chí còn gửi Achilles mới 9 tuổi đến cung điện của vua Lycomedes ở Skyros, và bắt anh ăn mặc giả làm thị nữ để ẩn trốn và sống nhờ ở đó. Vì vậy, Achilles phải mặc trang phục của thị nữ và lớn lên trong cung điện cùng với các cô con gái của Vua Lycomedes.

Sau khi chiến tranh bùng nổ ở thành Troy, cuộc tấn công của quân Hy Lạp đã bị mắc kẹt. Nhà tiên tri Calchas đã nói với viên chỉ huy của liên minh Hy Lạp và Agamemnon: “Chỉ Achilles mới có thể giúp phá hủy thành Troy.” Ông cũng chỉ ra nơi ở của Achilles và nói rằng việc giả nữ của anh không hề dễ bị phát giác. Vì vậy, Odysseus đã giả làm một thương gia, mang các mặt hàng đẹp đẽ đến cung điện Lycomedes để tìm Achilles. Đây chính là nguồn gốc của câu chuyện trong bức tranh.

Achilles ở cung điện của vua Lycomedes – Pompeo Batoni (Ảnh: epochtimes)

“Người tính không bằng trời tính”

Quả thực khi Achilles xem xét hàng hóa cùng nhóm các thiếu nữ, anh đã chẳng chú ý gì tới các đồ trang sức và quần áo, mà say sưa ngắm nghía thanh kiếm và mũ sắt. Vì vậy Odysseus cuối cùng đã nhận ra Achilles và đưa anh đến thành Troy. Thetis cũng đã ở đó vào thời điểm này nên bà đã gửi cho anh những ngọn giáo và áo giáp của Vulcan, hải thần của Poseidon và cả ngọn giáo từ thần Chiron. Tất cả các binh khí tốt nhất đó đã được trao cho Achilles, với mong muốn con trai nàng có thể thoát khỏi thảm họa tiền định.

Họa sĩ Pompeo Batoni đã chọn thời điểm khi Odysseus khám phá ra hành vi đặc biệt của Achilles để làm chủ đề; bức tranh tập trung vào thanh kiếm mà Achilles cầm trên tay, để chỉ ra bản chất đàn ông của chàng. Họa sĩ cũng có ý định nhấn mạnh vào thân hình mạnh mẽ của Achilles kể cả khi chàng giả làm thị nữ, đặc biệt là cánh tay cường tráng của anh được hiển thị nổi bật ở vị trí tiền cảnh của bức tranh. Hai người đang quan sát, thì thầm trong bóng tối phía sau chính là Odysseus và người giả làm thương lái.

Tác phẩm này dường như muốn nói rằng: số mệnh con người là ý chỉ của trời cao, “người tính không bằng trời tính”. Ngay cả một anh hùng bất khả chiến bại như Achilles cuối cùng cũng bị đoán được điểm yếu và bị tấn công và hạ gục bởi Hoàng tử thành Troy. Thành ngữ phương Tây “Gót chân Achilles” chính là có nghĩa như vậy.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Clip hay: Alexandre Yersin – ân nhân vĩ đại của người Việt:

videoinfo__video3.dkn.tv||6786853be__