Khi tác phẩm “Pietà” (tượng Đức Mẹ sầu bi) tại Rome được hoan nghênh rộng rãi, Michelangelo đã bắt đầu bộc lộ tài năng. Một số lượng lớn các hợp đồng làm việc với ông đã được triển khai, trong đó quan trọng nhất là dự án nghệ thuật công cộng do chính phủ Cộng hòa mới ủy nhiệm – bức tượng “David”, đại biểu cho linh hồn của Florence.
Biến hóa thần kỳ của tượng “David”
Năm 1501, Michelangelo 26 tuổi trở về Florence, khi đó đã trở thành một chính phủ cộng hòa. Vào thời điểm này, Savonarola đã bị kết án thiêu sống. Piero Soderini mới nổi đã kế nhiệm thành công việc điều hành chính phủ vào năm 1502, mở ra một thời kì mới cho Florence.
Trước khi Michelangelo bắt đầu, bức tượng David này là một khối đá cẩm thạch điêu khắc hỏng, bị bỏ rơi trong khu đất trống của nhà thờ một thời gian dài. Năm 1501, nhà điều hành Bảo tàng Kỹ thuật Florence – Operai đã quyết định tìm một bậc thầy tới xử lý khối đá này thành một tác phẩm nghệ thuật.
Họ đã đem khối đá cẩm thạch đặt lên một chiếc nệm cao, để các bậc thầy giàu kinh nghiệm tới xem và trình bày ý tưởng. Da Vinci và Andrea, hay một số nghệ sĩ như Andrea Sansovino, cũng bày tỏ sự quan tâm. Michelangelo nghe tin, kín đáo tới thuyết phục Operai. Cho đến ngày 16 tháng 8 năm 1501 Michelangelo đã chính thức được ký hợp đồng, bắt đầu dấn thân vào nhiệm vụ khó khăn này. Vào ngày 13 tháng 9 cùng năm, bức tượng “David” Michelangelo của bắt đầu chính thức được khởi công.
Sự sáng tạo không biết mệt mỏi
Đầu tiên Michelangelo đã khắc phần tay của David, sau đó dựng một tấm bình phong dày che chắn bốn phía quanh bức tượng. Vì từ trước tới giờ, trước khi Michelangelo hoàn thành xong tác phẩm, ông không cho phép người khác nhìn lén. Michelangelo vùi đầu vào công việc không kể ngày đêm, dồn hết tâm sức vào việc sáng tạo, ăn uống cực kỳ đơn giản.
Khi mệt mỏi, ông thường ngủ luôn bên cạnh bức tượng. Không dễ thấy Michelangelo rời khỏi công trường. Tiến độ của dự án chậm hơn dự kiến. Một mặt, vì độ khó của công việc (Michelangelo phải làm việc trên khối đá vỡ do người khác đã chạm khắc; điều đó khó khăn hơn so với việc sử dụng một tảng đá mới); Mặt khác, bởi từ trước đến giờ ông đều hoàn thành công việc một cách độc lập, không cần có người trợ giúp. Hơn hai năm sau, vị anh hùng David Đại đế trong Kinh thánh dưới tay của Michelangelo đã chính thức ra đời.
Giá trị nghệ thuật và tượng trưng của “David”
Câu chuyện về trí khôn của David đánh bại người khổng lồ Goliath là một chủ đề rất phổ biến trong thời Phục hưng. Ngoài tranh vẽ và phù điêu, Các nghệ thuật gia tiền bối như Donatello và Verozio đã từng tạo ra những bức tượng David bằng đồng. Tuy nhiên họ đều định hình rằng David là một thiếu niên có khuôn mặt tươi cười, với chiếc đầu khổng lồ của Goliath lăn lóc dưới chân cậu. Tượng David của Michelangelo lại hoàn toàn khác biệt; ông đã định hình David là một thanh niên trưởng thành và trần trụi, trẻ trung, khỏe khoắn, thể hiện nét mặt căng thẳng như đang sẵn sàng ứng chiến.
Michelangelo vận dụng tối đa tư thế contraposto của mỹ học Hy Lạp (1), đặt trọng tâm của David ở chân phải, cột sống cũng nghiêng về phía bên phải, khiến toàn bộ trọng lượng cơ thể tập trung lại một bên; nửa bên trái của cơ thể được thư giãn một cách tự nhiên. Các đường nét trên cơ thể anh ta từ đó mà lộ ra, theo một hình chữ S rất ưu mỹ.
Tuy cơ thể của David có vẻ thanh lịch và thoải mái, nhưng đôi mắt anh ta lại sắc sảo và chăm chú, phản ánh sự căng thẳng bên trong, như thể anh ta đang tập trung sức mạnh để tấn công bùng nổ lần kế tiếp. Đôi đồng tử mắt của David được Michelangelo khắc sâu vào nhãn cầu, nhấn mạnh sự sắc bén và thể hiện ý chí kiên định của David. Bàn tay phải lớn, bên trong cầm những viên đá, làm cho những đường nét thanh lịch của cánh tay phải đột nhiên được gồng lên và ngưng tụ một lực tiềm tàng. Bức tượng này vì thế có cả sự ổn định vĩnh cửu và sức co dãn bên trong.
Vị trí đặt tượng “David”
Khi đó nhiều người cho rằng, tượng David khổng lồ rõ ràng không còn phù hợp với phòng trưng bày trong nhà thờ hình vòm như dự kiến ban đầu, vì thế mà bức tượng không thể được đặt trong nhà thờ. Vào ngày 25 tháng 1 năm 1504, chính phủ Cộng hòa đã triệu tập một ủy ban gồm các nghệ sĩ nổi tiếng nhất, gồm cả Leonardo da Vinci, để xác định vị trí đặt bức tượng “David”. Da Vinci và Sangallo chủ trương đặt nó ở hành lang Quảng trường lãnh chúa (Loggia dei Lanzi). Nhưng với sự kiên trì thuyết phục của Michelangelo, tượng “David” cuối cùng đã được đưa vào đặt trước cửa Cung điện Vecchio (lúc đó là tòa thị chính thành phố).
Công việc vận chuyển bức tượng được bắt đầu vào tối ngày 14 tháng 5 năm 1504, Tượng “David” đã đến được quảng trường bốn ngày sau đó. Vào ngày 8 tháng 9 cùng năm, lễ khai mạc chính thức đã được tổ chức. Thống đốc thành phố mới được bổ nhiệm – Sodrini – đã tôn vinh tượng “David” như một biểu tượng tinh thần mới của hệ thống cộng hòa Florence:
“David” đối mặt với kẻ thù mạnh mẽ mà không sợ hãi, đánh bại kẻ thù bằng trí tuệ và bảo vệ quê hương. Cũng giống như người dân Florence phải đối mặt với những kẻ thù hùng mạnh bao quanh, nhưng họ không sợ áp bức và đe dọa, cương quyết đấu tranh cho tự do, thiết lập nền cộng hòa.
Tượng “David” đứng trước Tòa thị chính Florence như một vị thần bảo hộ, tất nhiên mang ý nghĩa hết sức phi phàm.
Ghi chú:
(1): Thuật ngữ tiếng Ý “Contrapposto” đề cập đến mối quan hệ đối trọng của cơ thể con người. Ví dụ, khi trọng tâm của tư thế đứng được đặt trên một chân; để cân bằng, vai, cánh tay và hông sẽ được đảo ngược theo hướng trục. Khi đó hình dáng cơ thể sẽ tự nhiên, thư thái và sống động hơn.
Theo epochtimes.com