Dễ mấy chục năm rồi ta chẳng được ngắm Trăng,
Rằm tháng Giêng,
Văn vắt giữa trời xanh,
Lồng lộng gió…
Xuân liệng vàng dạt xô hoa cỏ
Ước gì trở về thời thơ nhỏ
Một lá thuyền lau lách ướt sương khuya
Một mình ta
Tắm trăng đến thỏa thuê
Ngửa mặt uống bao trong xanh, vời vợi.
Càng khuya, ánh sáng trăng càng mới
Giấc mơ thần tiên
Tuổi thơ rong ruổi.
Cao, cao xanh trên ấy có trăm miền,
Cao, cao xanh thả đàn cầm xao xuyến,
Khúc Nam Phong gió thuận mưa hòa,
Đế Nghiêu đang gảy.
Chư thần đang ca,
Thiên Nhân là lượt,
Rằm Nguyên Tiêu, ánh sáng nhạc lan xa…
Lan mãi bao la…
Nhớ mãi chén trà bốc khói,
Lư trầm từng sợi lững đững thơm xanh
Ngoại khề khà
Trải rộng tấm giấy điều
Mực Nho thơm như nước
Soi vành vạnh bóng trăng
Đêm nay, đêm Thượng Nguồn
Đêm của Đường Nghiêu
Của “Thiên Quan Tứ Phúc”
Ta ngửa mặt nhìn trăng
Có bàn tay ấm nóng
Đế Nghiêu cầm tay ta…
Những khúc nhạc thiên đình
Rằm vừa chạm má
Bóng ngô đồng rung rinh
Bao nhiêu là cánh Phượng…
Ngày mới về
Rập rờn những bình minh…
La Vinh
****
Ngày rằm Thượng Nguyên là lễ “Thượng Nguyên tứ phúc Thiên Quan Đại Đế Thắng hội”, hay cũng gọi là “Thượng Nguyên Thiên Quan Thánh Đản”.
Tương truyền, Thiên Quan là vua Nghiêu. Ngày rằm tháng giêng làm ngày kỷ niệm Thánh đản của vua Nghiêu. Vua Nghiêu (Đế Nghiêu, Đường Nghiêu) là vị thánh vương thời thượng cổ của Trung Hoa, lấy Đức trị dân, làm cho dân được an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc, để lại tấm gương sáng làm mẫu mực cho các vua chúa đời sau.
Đế Nghiêu thường gảy khúc nhạc Nam Phong được Khổng Tử coi là Tận Thiện. Nghe tiếng đàn cầm này chim phượng hoàng về đậu trĩu những cây ngô đồng. Do đó, đời sau tặng vua Nghiêu danh hiệu “Thiên Quan Tứ Phước” 天官賜福. Thiên Quan là ý nói cái Đức của vua Nghiêu sánh như Trời, che trùm thiên hạ. Tứ Phúc (Tứ Phước) là ban phước cho dân. Thiên Quan Tứ Phước là vua Nghiêu ban phước cho dân.
Thời xưa, nhiều nhà lập bàn thờ vua Nghiêu bằng một cái khánh nhỏ đặt ngoài trời, trong đó có viết 4 chữ Hán “Thiên Quan Tứ Phước”.