“Tứ hải minh ước” là một ca khúc được sử dụng trong bộ phim Thủy Hử, được sản xuất vào năm 2011. Lắng nghe ca khúc, ta liền cảm nhận được nghĩa khí của những anh hùng vì chung nguyện ước, chung một lí tưởng sống mà cùng kết tình huynh đệ nguyện vào sinh ra tử.

Lắng nghe ca khúc ‘Tứ hải minh ước’ trong phim Thủy hử, cảm nhận về hai chữ ‘Anh hùng’

Khi nói tới Thủy Hử, người đời thường coi đó như một tác phẩm tượng trưng cho hào khí bậc anh hùng hào kiệt trong lịch sử.

Trải qua rất nhiều thăng trầm, người đời không thôi bàn luận về những chuẩn mực được đánh giá là anh hùng. Có người cho rằng 108 vị tinh tú kia không xứng đáng được gọi là anh hùng hào kiệt, họ chỉ là một băng đảng cướp của phiền nhiễu nhân dân.

Nhưng lại có người cho rằng họ xứng là những anh hùng thực sự, tận trung báo quốc nhưng bị gian thần hãm hại, triều đình đã thối nát, song vẫn trung thành tận trung, dù đã dứt áo lên Lương Sơn.

(Ảnh: youtube.com)

Mỗi thời kì lịch sử tương ứng với một quan điểm đạo đức khác nhau. Hôm nay Đại Kỷ Nguyên mời bạn đọc cùng lắng nghe lại ca khúc mang theo hào khí của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc mà nhìn nhận về 2 chữ ‘‘anh hùng’’.

Tứ hải minh ước – bản nhạc với những ca từ phá bỏ mọi khoảng cách về địa lí, xuất thân gia cảnh, cùng nhau ‘thay Trời hành Đạo’

Với giọng ca của Mao A Mẫn, cái hồn của từng ca từ trong bài hát được bộc bạch trọn vẹn. Lúc tha thiết tình cảm ngân vang, khi thì trầm ngâm đầm ấm như suy tư lắng đọng trong mỗi người.

Khi lại mạnh mẽ mang theo khí thế cảm khái của anh hùng trượng nghĩa. Giọng ca kết hợp với ca từ trong ca khúc đạt tới sự hoàn hảo, tạo cho người nghe thấy được khí tiết, cái tình huynh đệ của những con hổ Lương Sơn.

(Ảnh: pinterest.com)

Trong Thủy Hử, quá nửa là những con người tận trung báo quốc bị gian thần hãm hại mà phải lên Lương Sơn.

Họ đều là những con người có tài năng vượt trội, những con người chí khí hơn người. Mang trong tâm là những tấm lòng vì dân vì nước nhưng không được trọng dụng. Chí lớn bốn phương tụ hợp nơi bến nước, càng làm cho con hổ Lương Sơn thêm mạnh mẽ.

Có những anh hùng áo vải, với ước nguyện giản đơn được sống yên bình. Nhưng thời thế lại chẳng như những gì mong muốn, nhìn cảnh đời trái ngang, luân thường đạo lý đi đâu khi gian thần loạn tặc… Dân chúng lầm than cơ cực, trong tâm nhói lòng mà dựng lên ngọn cờ ‘‘Thay trời hành đạo’’ của Lương Sơn.

Những con người xa lạ, thấy cảnh khổ của dân mà không cầm lòng, nay về đây tụ hợp nơi bến nước. Chén rượu đầy kết tình huynh đệ. Một lòng từ nay chung chí hướng, vào sinh ra tử vì đại nghiệp, vì dân.

Lấy của tham quan chia cho dân nghèo. Bất chấp bị gọi là đạo tặc, họ vẫn một lòng hành việc nghĩa. Những nơi có quan tham làm loạn, sách nhiễu dân chúng, ở đó lá cờ của Lương Sơn lại bay lên trong gió. Lấy lại công đạo cho dân.

Sức mạnh siêu cường xuất phát từ tấm chân tâm của những con người tiết khí kiên cường. Cái chết chẳng sợ, danh lợi chẳng màng, chỉ như vậy thôi đã đủ gọi họ là anh hùng hào kiệt. Những tài năng và những việc họ làm hỏi thời đó có mấy ai dám dũng mãnh mà đứng lên?

Ca khúc như hồi trống oai hùng vang lên tượng trưng cho sức mạnh của tình huynh đệ một lòng chí lớn nghiệp lớn, vẫy vùng bốn phương quy tụ về một nhà.

Bốn phương quy tụ về một nhà… (Ảnh: Youtube.com)

Giang Sơn phi họa đẹp tựa tranh
Hào kiệt tráng sĩ, ảnh điệp điệp
Hiệp nghĩa say trong chén rượu nồng
Nam nhân uống cạn, tình bùng cháy

Sơn trại đâu chỉ là nhà
Treo đèn nâng cốc mừng ba quân
Huynh đệ xa lạ nay thân thiết
Muôn đời muôn kiếp chẳng rời xa.

Ngỡ anh hùng giản đơn khả ái
Mà lại là hạ giới tinh quân
Binh thư kia vốn dĩ tầm thường
Ẩn bên trong huyền cơ diệu kế.

Nhân gian tựa thủy bạc
Tình nghĩa huynh đệ tỏa bốn phương
Trời đất cũng chỉ như sơn trại
Tứ hải huynh đệ cùng thề ước.

Tấm lòng tận trung mặc dù triều đình đã thối nát có phải là sự nhu nhược?

Trong Thủy Hử có tình tiết, Tống Giang một lòng muốn quy thuận triều đình. Hết lòng động viên huynh đệ nhẫn nhịn sự hống hách tác quyền của gian thần. Mặc dù nhiều lần có thể giết chết kẻ gian Cao Cầu, nhưng Tống Giang lại tha bổng cho ông ta.

Với sức mạnh của quân Lương Sơn, họ có thể lật đổ được quân triều đình. Nhưng Tống Giang lại không lựa chọn con đường ấy. Nhiều người cho rằng đây là hành động nhu nhược.

Nhưng tận sâu trong Tống Giang lại ẩn chứa một suy tư. Hổ chết để lại da, người chết để lại danh tiếng. Ông muốn các huynh đệ của mình, những anh hùng cái thế có danh phận, đường đường chính chính mà bước đi trong đời thay vì bị cái danh là đạo tặc.

(Ảnh: Ifeng.com)

Ông là người thấu hiểu hơn ai hết, một anh hùng thực sự phải là một con người tận trung.

Đằng nào cũng sẽ chết, nhưng lựa chọn cái chết như thế nào để ghi danh đời đời?

Chính vì vậy dẫu triều đình là thối nát, thì ông vẫn kêu gọi huynh đệ quy thuận triều đình tận trung báo quốc, vì dân mà xả bỏ. Vì nghiệp lớn mà hành sự. Đó chính là danh tiếng mà người đời sau sẽ nhớ tới 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc chứ không phải là 108 đạo tặc.

Nếu như ai đã từng xem phim Thủy Hử, ở trận đánh ghi nhận những cái chết oanh liệt của những vị tướng của Lương Sơn, cảm xúc của họ đều là rơi lệ mà tiếc thương. Đây chính là giá trị ẩn sau sự ra đi của họ.

Thuở xưa coi trọng nhân-nghĩa-lễ-trí -tín, giữ gìn đạo trung quân ái quốc

Đó mới là chuẩn mực khí tiết của một bậc anh hùng. Có những điều người đời sau không lý giải được liền có những nhìn nhận thiếu chuẩn xác, cho rằng đó là nhu nhược, là hèn nhát. Phải chăng đó chính là quan điểm đạo đức của mỗi thời có sự biến đổi?

Thủy Hử xứng đáng là một trong tứ đại danh tác kim cổ. Một tác phẩm đặt nền móng cho tư tưởng thế nào là anh hùng hào kiệt. Có lẽ đây là lí do khiến sức sống và sự hấp dẫn của Thủy Hử kéo dài mãi bất chấp thời gian.

Mời quý độc giả lắng nghe tấm chân tình của những bậc anh hùng qua Tứ Hải Minh Ước -四海盟约 – Mao A Mẫn:

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Tịnh Tâm