Trong các truyền thuyết và thần thoại cổ đại, chúng ta thường xuyên bắt gặp những câu chuyện về bảy nhà thông thái. Những nhà thông thái này thường hiện diện trong các câu chuyện cổ thần thoại của các nền văn hóa Babylon, Sumer, Trung Hoa, Hy Lạp cổ đại và Ấn Độ. Vậy họ là ai và tại sao tổ tiên chúng ta lại coi trọng họ như vậy?
Apkallu- Những Á Thần thông thái
Trong các câu chuyện thần thoại và truyền thuyết đều có đề cập tới Apkallu. Những sinh vật này được mô tả là các Á Thần do Thần Enki tạo ra. Họ có trách nhiệm thiết lập nền văn hóa và văn minh cho nhân loại. Họ là các nhà truyền giáo của thần Enkia, và chính là các quân sư hay các nhà thông thái của các vương thời đại Sumer trước khi trận đại hồng thủy xảy đến.
Các Apkallu là người cá, sống trong đại dương, nằm trong khoảng rỗng giữa địa ngục (Ku) và mặt đất (Ma).
Các Apkallu được nhắc tới trong một số câu chuyện thần thoại của người Sumer trong văn học Ba Tư.
Trong thiên anh hùng ca Erra, Marduk đã tìm hỏi bảy nhà thông thái khi nói “Bảy nhà thông thái của Apsu ở đâu, những sinh vật người cá thuần khiết, vị chúa tể của Ea, những sinh vật được bao trùm bởi trí huệ siêu phàm?”
Liệu Bảy nhà thông thái này có phải là bảy người vô danh trong văn hóa Ấn Độ?
Trong văn hóa Ấn Độ có câu chuyện về Những người vô danh xuất hiện trong thời đại của Hoàng Đế Asoka(còn gọi à A Dục Vương). Liệu những người vô danh này và bảy nhà thông thái có phải là một, đây vẫn còn là điều bí ẩn.
Hoàng đế Asoka là một nhân vật nổi tiếng. Trong cuốn sách “Sơ lược về lịch sử chiến tranh thế giới”, H.G. Wells từng viết
“Trong số hàng ngàn cái tên về những vị quân vương lấp kín những trang sử, thì cái tên Asoka là cái tên sáng chói nhất, như một vì sao cô đơn”.
Asoka tôn trọng tất cả các tôn giáo và thúc đẩy nền hòa bình theo ý của Thần. Tất cả mọi người đều xứng đáng được bảo vệ, được chung sống trong hòa bình, hạnh phúc và tự do. Ông tuyên truyền biểu dương việc ăn chay, cấm rượu và giết chóc động vật.
Hoàng đế Asoka là một vị vương vĩ đại chân chính!
Asoka là một người thông thái, ông nhận ra rằng trí thông minh của con người, cũng như những đột phát trong khoa học và công nghệ của loài người lại thường được sử dụng cho nhiều mục đích ác độc. Vì vậy, trong suốt thời đại ông trị vì, những thành tựu trong khoa học tự nhiên được giữ bí mật.
Việc này dẫn tới sự xuất hiện của Những Người Vô danh, một tổ chức xã hội quyền lực nhất do Hoàng đế Asoka lập nên.
Bảy nhà thông thái trong nền văn hóa Hy Lạp Cổ Đại
Người Châu Âu đầu tiên đề cập tới việc có sự giống nhau ít nhiều trong các truyền thuyết cổ chính là nhà triết học Athen Plato (427-347). Ông nhắc tới bảy cái tên của các nhà thông thái, và cho rằng họ là những người tôn sùng và phát triển các nguyên tắc văn hóa của người Sparta.
Trong tác phẩm Protagoras của Plato, Socrates đã nói:
“Đã có rất nhiều người trong cả hiện tại và quá khứ nhận ra rằng văn hóa Sparta tôn sùng trí tuệ hơn cơ bắp, và họ biết rằng người có học mới có thể nói những lời trí tuệ.
Những người nhận ra sự thực ấy có Thales của Miletus, Pittacus của Mytilene, Bias của Priene, Solon của chúng ta, Celobulus của Lindus, Myson của Chenae, và người thứ bảy là Chilon của Sparta.
Họ đều là những người thông tuệ đáng ngưỡng mộ và đều chịu nhận giáo dục của người Sparta. Khi họ gặp nhau tại đền thờ của thần Apollo, họ đã trao đổi với nhau những lời đầy trí huệ mà người đời sau còn lưu giữ mãi chính là : Hãy tự biết mình. Không gì quá nhiều. Tại sao tôi nói điều này. Bởi vì đây chính là triết học của người cổ đại, đầy khúc chiết nhưng ngắn gọn”.
Người ta tin rằng bảy người này đã lập nên triết học Hy Lạp. Vấn đề gây tranh cãi ở đây là những cái tên. Sử gia Ephorus đã thay tên Myson bằng Anacharsis, một nhà thông thái huyền thoại của người Scythian, được nhắc tới nhiều lần trong các câu chuyện lịch sử. Một thế hệ sau Plato, Demetrius của Phalerum, học trò của Aristotle của Stagira, cũng không thích Myson, nên đã thay ông này bằng Periander, lãnh chúa vùng Corinth.
Mặc dù có một số tên thay đổi, nhưng những tên sau thì không đổi gồm có:
Celeobulus của Lindos: Ông là lãnh chúa trị vì vùng Lindos, trên hòn đảo Rhodes của Hy Lạp vào năm 600 trước CN.
Solon của Athen: Là một nhà lập pháp và cải cách nổi tiếng người Athen, người đã lập pháp và hình thành nên nền dân chủ của Athen.
Chilon của Sparta: Một chính trị gia người Sparta sống ở thế kỷ 6 trước CN, người góp phần thiết lập nên quân đội cho xã hội Sparta.
Bias của Priene: Một chính trị gia và nhà lập pháp sống vào thế kỷ 6 trước CN.
Pittacus của Mytilene: Ông trị vì Mytiline cùng với Myrsilus. Ông cố gắng cắt giảm quyền lực của giới quý tộc, và duy trì quyền hành của mình với sự ủng hộ của tầng lớp bình dân, là giới ông rất yêu mến.
Periander của Corinth: Là lãnh chúa vùng Corinth sống ở thế kỷ 7 và 6 trước CN. Trong suốt thời gian trị vì của mình, Corin được nhớ tới là người đã tạo ra một thời hoàng kim với sự ổn định chưa từng có trước nay.
Trúc Lâm thất hiền trong văn hóa Trung Hoa
Trúc lâm thất hiền là một nhóm các nhà học giả, nhà văn và âm nhạc Trung Hoa sống vào thế kỷ thứ 3 sau CN. Mặc dù mỗi người xác nhận đều từng tồn tại, nhưng mối liên hệ giữa họ thì không chắc chắn. Vài người trong số bảy người này có mối liên hệ với Đạo Thanh Đàm ở nước Ngụy.
Sự tồn tại của Thất Hiền trong văn hóa Trung Hoa từng bị đe dọa khi nhà Tấn theo Đạo Khổng lên nắm quyền. Một số nhân vật trong Thất Hiền đã làm thơ phê phán triều đình hoặc viết các tác phẩm về Đạo có ảnh hưởng tới văn hóa. Nhưng không phải tất cả các học giả trong Thất hiền đều có quan điểm giống nhau.
Thất hiền muốn trốn chạy khỏi những âm mưu, những hủ bại, và bầu không khí ngột ngạt của triều đình trong cuộc chiến chính trị thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Vì vậy họ đã tụ nhau lại trong một khu rừng trúc gần nhà của Ji Kang ở Sơn Dương (nay là tỉnh Hải Nam).
Ở đó, họ có thể thoải mái thưởng thức các tác phẩm của mình, cũng như sống một đời đơn bạc, mộc mạc. Cuộc sống này tương phản với bối cảnh chính trị lúc bấy giờ. Triết lý của thất hiền nhấn mạnh vào sự thưởng thức rượu Trung Hoa, tự do cá nhân, ung dung tự tại hòa mình với thiên nhiên.
Thất hiền hay biểu tượng họ tạo thành có sức ảnh hưởng to lớn tới thi ca, âm nhạc, hội họa hoặc văn hóa Trung Hoa về tổng thể.
Những ghi chép về bảy nhà thông thái, những người có công dạy dỗ loài người tồn tại song song với các truyền thuyết cổ đại trong rất nhiều các nền văn minh. Không còn nghi ngờ gì nữa bảy nhà thông thái này chắc chắn đã từng tồn tại trong thời cổ đại, và có sự trùng hợp về sự tồn tại của họ trong nhiều quốc gia thời kỳ cổ đại.
Lê Anh