Người của những quốc gia phương Đông đặc biệt yêu thích những mùi hương thiên nhiên, ngoài lịch sử lâu đời về thưởng thức các mùi hương hoa, thời kỳ nhà Minh và nhà Thanh đặc biệt hưng thịnh việc bày xếp hoa quả trong phòng để ngửi mùi thơm quyến rũ của chúng.
Những loại hoa quả có thể tạo mùi hương phần lớn thuộc về chi cam chanh. Trong thời nhà Tống, người ta còn trực tiếp tẩm mùi cam để làm thơm màn trướng. Có những miêu tả về việc đó trong những câu thơ, chẳng hạn như: “Hồng tiêu trướng lý chanh do tại” (Bức trướng lụa đỏ có mùi cam), hoặc “Khúc bình thâm mạn lục chanh hương” (Tấm màn che đậm đặc mùi hương cam), hay “Mộng hồi chanh tại bình phong khúc” (Tỉnh mộng hương cam tại tấm bình phong).
Đời Thanh còn có câu: “Thanh hương dạ mãn phù dong trướng, tiếu mãi tân chanh trí chẩm hàm” (Thoang thoảng đêm đầy hương hoa phù dung trên trướng, cười mua qua cam đặt trong chiếc hộp để đầu giường). Thời nhà Thanh người ta mua những quả cam hay chanh để trong hộp làm đậm thêm mùi hương.
Trước tấm màn trướng là một khay chất đầy quả thanh uyên
Ước chừng thời triều đại nhà Tống, quả thanh uyên cũng là một loại thuộc chi cam chanh có mùi hương cực kì nồng đậm, dần dần nổi lên như là chủ lực của các loại trái cây. Quả thanh uyên dạng cầu, giống như một quả dưa nhỏ, thường có màu vàng của chanh hoặc màu xanh lá nhạt, vỏ khá dày và sần sùi, mùi thơm cực kỳ đậm đà, thậm chí được sử dụng làm nguyên liệu để xông tẩm cho y phục. Trong “Võ Lâm cựu sự“ của Lâm An có nhắc đến “túi thanh uyên”, người ta dùng sợi tơ bện thành túi lưới sau đó cho quả thanh uyên vào để treo trên màn. Tương tự trong “Nho Lâm ngoại sử” cũng có hướng dẫn “Để cạnh gối một túi thơm, đặt trên đầu giường là một chuỗi quả thanh uyên được nối lại với nhau bằng sợi tơ.” Có thể thấy, quả thanh uyên là một thứ thường được đặt trên giường ngủ; người phương Đông cổ xưa thích một mùi hương cam xung quanh mình lúc ngủ, hương thơm tạo cho họ một sự thoải mái, đễ đưa con người vào giấc ngủ sâu.
“Yến Tẩm di tình đồ” – Bàn lớn chất đầy mười mấy quả phật thủ
Thật ra quả phật thủ là một biến thể của quả thanh uyên, là được biến thể do bàn tay của người nghệ nhân trồng cây, hình dạng giống như bàn tay hay “tay Phật”. Đặc điểm lớn nhất của nó chính là hình dạng chĩa ra như ngón tay, cởi mở, tinh tế và khả ái. Mùi thơm của quả phật thủ cũng không thua kém gì quả thanh uyên, thậm chí còn đậm hơn. Ngoài mùi hương, nó còn kiêm chức năng như một đồ chơi, vì thế nó cùng thanh uyên trở thành những hoa quả đi đầu trong nghệ thuật “bày quả để ngửi hương”.
Đến thời nhà Minh và nhà Thanh, đặc biệt là cuối triều nhà Minh, việc bày biện sắp xếp thanh uyên và phật thủ càng ngày càng hưng thịnh, thậm chí nó là một phần thay thế cho thắp hương thờ cúng. Vì thế mà để có được hiệu quả cao hơn, cần phải có một số lượng quả nhất định mới lan được mùi hương trong cả căn phòng, thông thường họ sẽ bày mười mấy quả phật thủ hoặc quả thanh uyên, chất cao trong một mâm lớn, đặt trên bàn dài, mùi hương sẽ từ đó mà lan ra khắp phòng.
Hồi thứ 14 trong “Hồng Lâu Mộng” miêu tả Thu Sảng Trai của Thám Xuân: “bên trái trên kệ tử đàn có đặt một chiếc mâm lớn, trong mâm là mười mấy quả phật thủ màu vàng nhạt lung linh”. Ngoài ra thú chơi này có thể thấy được mô tả trong hội họa thời Minh và Thanh.
Phật thủ bày trên bàn trong bản vẽ của Diễn Thánh Công phu nhân
Mùa đông ở phương Bắc, những gia đình giàu có thường đặt một lò sưởi ở trong phòng ngủ, rất ấm áp và dễ chịu. Vào thời điểm này, họ thường bày hoa mai vàng hoặc hoa thủy thiên cùng với thanh uyên và phật thủ, tất cả được sắp xếp rất gọn gàng đẹp mắt, mùi hướng quyện vào nhau khiến cho cắn phòng cũng trở nên ấm áp hơn. Nhưng phương Bắc không phải là nơi sinh sôi của những loại cây quả này, vì thế mà giá cả không hề rẻ.
Những vị trí và cách bày xếp hương quả
Khuê phòng bày hoa mai, thủy tiên, linh chi và một đĩa quả phật thủ – đó là cách bài trí điển hình trong mùa đông
Trong những bức họa vẽ phong tục thời Minh Thanh, hay những bức họa cung đình, phật thủ và thanh uyên là thứ quả thường gặp trong phòng; có thể bày trên bàn, trên ghế hoặc đặt trực tiếp trong góc giường. Đặt một hai quả phật thủ cũng là cách sắp xếp thông thường, nếu phật thủ đặt cùng lựu và đào trường thọ thì tạo nên ý nghĩa “đa tử, đa phúc, đa thọ” (nhiều con, nhiều phúc, sống lâu).
Vương Đôn Hoàng là một chuyên gia giám định văn vật, là người có những đánh giá và tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Ông nói rằng ở Bắc Kinh vào mùa đông chỉ được bày trí một trong hai loại quả phật thủ hoặc thanh uyên, và phật thủ thường là sự lựa chọn lớn hơn. Nhiều nghiên cứu cho rằng, họ sợ lẫn lộn mùi giữa hai loại quả nên không muốn đặt cùng nhau.
Mâm dùng để bày phật thủ và hương duyên dần dần cũng trở thành một loại vật phẩm độc đáo, gọi là “Thanh uyên mâm”
Trong “Cung nữ đàm vãng lục” có nhắc về cung điện của Từ Hy thái hậu: “Trong phòng ngủ của thái hậu có đến năm, sáu vại, thuần túy là để đựng những hoa quả tươi mới. Thái hậu rất ghét những hương thơm hoa cỏ, chỉ chuyên dùng hương của quả tươi. Ngoài Trữ Tú cung, điện Thái Hòa cũng có những vại đựng quả tươi. Tất cả số quả đều là những loại quả thuộc phía nam như phật thủ, thanh uyên, đu đủ.”
Trong cung đem hương quả xưng thành “nam quả”, trong vại chứa hơn mấy trăm quả, mỗi tháng vào mùng 2, và ngày 16 sẽ đổi quả cũ bằng quả mới, những quả cũ sẽ đem ban thưởng cho cung nữ trong cung.
Theo sohu.com
Ảnh trong bài sohu.com
Uyển Vân biên dịch