Nhân sinh thế đạo biến hóa vô thường, cách duy nhất để tự bảo vệ mình chính là giữ phẩm đức tốt.
Vào thời nhà Thanh, ở Chiêu Văn có một thế gia đại tộc họ Phùng, trong nhà có hai cô con gái, chị tên là Thái Bao, em tên là Thái Lũ, cả hai đều rất xinh đẹp. Hai chị em từ nhỏ đã là bạn thanh mai trúc mã với Hạ Ngưỡng Cao và Ngô Ứng Chu ở gần nhà. Ngô Ứng Chu nói: “Khi tôi lớn lên nhất định phải cưới Thái Lũ làm vợ”, còn Hạ Ngưỡng Cao thì nói: “Nếu là như vậy, thì tôi sẽ cưới Thái Bao”. Sau đó họ đều thông qua bà mối đến cầu hôn.
Khâu thị, nữ chủ nhân của nhà họ Phùng, là kế mẫu của Thái Bao và là mẹ ruột của Thái Lũ, bà đối đãi bạc bẽo với Thái Bao, nhưng lại nồng hậu với Thái Lũ, vì Thái Bao không phải là con ruột của bà, do đó bà thường nhìn nàng bằng con mắt khác. Khi đó, cha của Hạ Ngưỡng Cao là tổng trấn thủ Cao Châu, rất có thế lực, ông có rất nhiều binh mã, thanh thế lớn mạnh. Còn cha của Ngô Ứng Chu thì chỉ là một viên quan nhỏ ở địa phương, nhưng rất coi trọng danh lợi.
Hai cô con gái dần dần trưởng thành, Khâu thị cho rằng nhà họ Hạ rất có uy lực nên đã hứa gả con gái ruột Thái Lũ cho Hạ Ngưỡng Cao, còn kế nữ Thái Bao thì hứa gả cho Ngô Ứng Chu.
Bốn thanh niên nam nữ bị xáo trộn uyên ương, họ đều không hài lòng lắm, nhưng vì hai chị em rất giống nhau, nên cũng không quá so đo.
Sau đó, cha của Ngô Ứng Chu được thăng chức lên tri huyện, tích lũy được một số tiền lớn, trở nên giàu có, cuối cùng bị luận tội, tước bỏ quan chức, trở về quê hương. Ông mua ruộng đất màu mỡ, xây nhà lớn, thuê nô tì, con trai ông được vào huyện học. Còn cha của Hạ Ngưỡng Cao chết trong chiến trận, trong nhà lại gặp hỏa hoạn, phu nhân vì quá ưu thương mà chết. Hạ Ngưỡng Cao ngày một nghèo khó, nên đã bán nhà để có tiền, mưu sinh bằng nghề dạy học. Nhưng vì tính cách phóng đãng không kiềm chế, chỉ thích uống rượu, ngâm thơ nên người ta đều coi chàng như một cuồng sinh. Khâu thị trong tâm thầm hối hận, Thái Lũ thường xuyên oán hận mẹ mình, nhưng Thái Bao vẫn y nhiên bình tĩnh vô sự.
Vài năm sau, cha của Ngô muốn con trai Ngô Ứng Chu hoàn hôn, Khâu thị không còn biện pháp nào khác, đành chuẩn bị của hồi môn hậu hĩnh cho Thái Bao, nếu không e bị nhà họ Ngô cười nhạo. Hạ Ngưỡng Cao nghe tin, cảm khái nói: “Anh ấy có thể cưới vợ, tại sao tôi lại không thể?” Một người bạn đã tài trợ cho anh chàng một trăm lượng bạc, nên anh chàng tính sẽ tổ chức đám cưới cùng ngày với Ngô gia.
Vào ngày hôn lễ, nhà họ Ngô thì người hầu và thân hữu vào ra như nêm, vô cùng náo nhiệt hiển hách. Nhà họ Hạ thì chỉ dựng lều bằng vải xanh và chuẩn bị vài bản nhạc trống. Khi họ chuẩn bị lên lễ đường để bái kiến nhạc phụ nhạc mẫu, gặp gỡ những người thân khác và giao lưu, mọi người trong nhà họ Hạ đều đối xử khác với nhà họ Ngô, những người xem đều hâm mộ Thái Bao, cười nhạo Thái Lũ. Thái Lũ đã khóc lóc mấy ngày, không ăn uống, mắt sưng vù, lúc này nàng cũng không chịu trang điểm. Còn Thái Bao thì y phục lộng lẫy, đội mũ cô dâu, đến thuyết phục em gái: “Hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt, giàu nghèo cũng là trong mệnh chủ định. Sao em lại ưu tâm như vậy?” Thái Lũ càng khóc lớn hơn.
Khâu thị lúc này như có gai đâm vào tim, tức giận nói: “Ngươi là đồ tiện nhân đắc ý vong hình, không nghĩ đến nỗi khổ của em gái.” Thái Bao nói: “Đây là bản thân em tự nguyện mà, em từ nhỏ đã thích dùng những thứ như quạt, phấn và sáp trang điểm cho mình, để Ngưỡng Cao thích mình, em nhất định muốn gả cho chàng. Hiện tại chàng không phải là không tốt, chỉ là nghèo chút thôi, em sao lại làm như thế này. Con bình sinh có tranh cao thấp với ai bao giờ?”
Khâu thị càng tức giận hơn, nói: “Nếu để ngươi cải giá đến nhà một người nghèo, ngươi có nguyện ý không?” Thái Bao mỉm cười đáp: “Nếu đó thực sự là lệnh của mẹ, con có gì không thể vâng lời đây.” Khâu thị nói: “Ngươi đang nói đùa hả?” Thái Bao đáp: “Đây là chuyện cả đời, làm sao có thể đùa được? Nếu mẹ không tin thì hãy đập tay với con.” Sau khi họ thực sự đập tay với nhau, Thái Lũ lúc này đã ngừng khóc, bắt đầu trang điểm trước gương. Vừa lúc giờ tốt đến, hai chị em họ giao hoán hôn phu chưa cưới cho nhau rồi xuất giá.
Sau khi Hạ sinh cưới được vợ về, anh chàng tháo mũ đội đầu xem cô dâu, thấy vợ chính là người mình yêu, anh chàng vui mừng, cảm thấy như đang trong mộng. Buổi tối khi đi ngủ, anh chàng len lén hỏi vợ: “Nàng không phải là Thái Bao sao? Tại sao nàng lại đến nhà tôi?” Vợ mỉm cười đáp: “Bởi vì em thấy thế đạo quá tồi tàn, nên muốn giúp chàng một phen.” Sau đó nàng đem sự tình ra kể với chồng. Hạ sinh càng cao hứng, nói: “Giai nhân của thiên hạ cũng có người như em có thể yêu tôi, chỉ là e nhà họ Ngô sẽ kiện chúng ta.” Vợ đáp: “Nói thật với chàng, Thái Lũ đã lén lút tư thông với Ngô Ứng Chu rồi, đó chẳng phải là điều anh ta muốn sao, sao lại có thể tố cáo chúng ta?”
Ngày hôm sau, Thái Bao thay đồ, bắt tay vào làm việc nhà, nhìn tưứ xứ đầy bụi bặm, đồ đạc trong nhà bừa bộn, nàng thở dài nói: “Lười biếng thế này, chẳng trách sao nghèo đến thế.” Hạ sinh nói: “Từ nay về sau, tôi sẽ giao hết mọi việc cho nàng.” Vợ đáp: “Được rồi, vậy chàng cố gắng học tập giùm cho nhé.” Hạ sinh mỉm cười nói: “Tôi đã đọc Thập Tam Kinh, Nhị Thập Tứ Sử, bách gia chư tử, cái gì cũng đã xem qua, học nhiều hỏi có tác dụng gì?” Vợ chàng đáp: “Làm sao có thể hơn người bằng cách đọc những cuốn sách này? Có kinh thư giảng giải văn tự chuyên nghiên cứu những thứ này, cho dù chàng không dám kỳ vọng quá nhiều, nhưng thi cử được chút công danh, cũng tránh bị bọn Ngô Ứng Chu cười nhạo.”
Hạ sinh nói: “Việc này có gì khó đâu?” Từ đó trở đi, anh chàng đóng cửa học tập, không còn ngâm thơ tác đối, chỉ là vẫn thích uống rượu. Vợ chàng đã ước định với chàng một phương pháp, mỗi lần đưa chồng một chén rượu, nàng bảo chồng thi với thầy giáo hoặc bạn đồng học, nếu thi tốt, nàng sẽ cao hứng thưởng cho một ngụm rượu. Hạ sinh cứ như vậy để kiếm rượu, nên cũng khoe khoang điều đó trong văn chương của mình.
Qua một đoạn thời gian, vợ chàng bắt đầu nghi ngờ, chỉ vào văn chương của chồng và hỏi: “Tuy em không hiểu thâm ý trong văn chương của chàng, nhưng ý tứ bề ngoài là em biết. Tại sao những chữ bị khoanh tròn trong bài văn của chàng lại nhiều đến vậy?” Hạ sinh cười nói: “Vợ thông minh giảo hoạt đã bị mắc bẫy của tôi rồi, mau cho tôi uống rượu đi.” Vợ chàng bi thương nói: “Em cho rằng chàng không phải là một người trường kỳ bần cùng, do đó mới không từ lao khổ đến với chàng. Hiện tại nếu như vậy, làm sao em có thể tự an ủi mình đây? Chi phí sinh hoạt và học tập của chàng đều là do em bán đi của trang sức hồi môn của mình, sau khi dùng hết, em sau này biết lấy gì để tiếp tục?” Hạ sinh cảm động bởi những lời của vợ, từ đó càng nỗ lực chăm chỉ học tập.
Một năm sau, quan đề học chủ quản khảo thí đến, Hạ sinh đi thi, nhưng thi không đỗ, chàng nghĩ rằng mình không có mặt mũi nào để về nhà, khóc lớn trong sảnh đường. Khi quan đề học nghe thấy, ông hỏi tại sao lại khóc, chàng đem sự tình kể ra chi tiết. Vì thế, quan đề học kiểm tra lại bài thi trượt của chàng, rồi cảm thán nói: “Đây không phải là văn chương của một kỳ thi nhỏ, cậu may mắn đã gặp được tôi, tôi phá cách cho cậu tham gia thi hương được tổ chức vào mùa thu. Cô phụ tôi là chuyện nhỏ, cô phụ người nhà cậu mới là đại sự đó.” Khi về đến nhà, Hạ sinh cười nói với vợ: “Tú tài đã nắm trong tay, nguyện vọng của nàng đã có thể được thỏa mãn rồi.” Vợ đáp: “Còn chưa đâu, em sao có thể cam nguyện làm vợ một tú tài, tính muốn làm một phu nhân, cũng không quá phận.” Hạ sinh nói: “Được đàng chân lân đàng đầu, chính là chỉ loại người như nàng đó!”, nói xong, hai người cùng cười xòa.
Còn về Thái Lũ, lúc đầu, Thái Lũ rất đắc ý khi cải hôn với nhà họ Ngô. Nhưng bản thân Ngô Ứng Châu không viết được văn chương, mọi thứ anh chàng viết đều là nhờ người khác viết thay cho. Anh chàng cả ngày trầm mê trong cờ bạc lạc thú, còn xây một căn phòng khác sau gian nhà chính, nuôi nhiều thê thiếp, khi cờ bạc thua thì về nhà trộm tiền tài của gia đình, Thái Lũ vô cùng tật đố. Những thứ quý giá trong phòng đều không cánh mà bay, nàng khóc lóc tố cáo với bố mẹ chồng nhưng bị phớt lờ, khiến nàng tâm tình chán nản u uất, cuối cùng dựa vào địa vị phú quý của chính mình để so bì với chị gái.
Trong một lần đi mừng sinh nhật mẹ, Thái Lũ mặc y phục hoa lệ và trang sức rực rỡ tiến vào, nhìn thấy Thái Bao dùng cành gai làm kẹp tóc và vải thô làm váy, liền đắc ý cười nhạo, dùng cổ tay vỗ vào vai chị, khiến vòng tay bằng vàng rơi xuống phát ra âm thanh giòn tan, sau đó bịt miệng cười nói: “Chị dẫn trượng phu thư sinh cùng khổ của mình đến à?” Thái Bao nói: “Đừng coi thường trượng phu của tôi, gần đây chàng đang học tập vô cùng khắc khổ, sớm muộn gì cũng sẽ có phần công danh.”
Khâu thị nói: “Dù có khắc khổ đến đâu, anh ta vẫn chỉ là một tú tài áo trắng.” Thái Bao đáp trả: “Mẹ ơi, tại sao mẹ lại khắc nghiệt bạc bẽo như vậy, mẹ làm sao biết chồng con không thể thành danh đây!” Kế mẫu khịt mũi khinh thường nói: “Nếu chồng ngươi có thể thành danh, ta sẽ móc nhãn cầu ra và đưa chúng cho ngươi.” Thái Lũ tiếp lời: “Không cần, tôi sẽ thay mẹ móc chính mắt tôi ra.”
Thái Bao khóc lóc về nhà, từ đó đoạn tuyệt với kế mẫu và em gái. Ngay sau đó, bố mẹ chồng của Thái Lũ lần lượt qua đời, Ngô Ứng Châu ngày càng trở nên phóng đãng buông thả, túng tình thanh sắc, gia đạo ngày một suy lạc. Thái Lũ khuyên anh chàng không nghe, trái lại đánh đập và lăng mạ vợ. Trong khi Hạ sinh trải qua khảo thí được nhận vào làm sinh viên châu huyện học cung, Ngô sinh lại vì phạm kị húy mà bị tước công danh, chịu nhận nhục hình.
Sau đó, trong kỳ thi hương tổ chức vào mùa thu, Hạ sinh thi đỗ cử nhân, Thái Lũ phẫn hận không cách nào phát tiết, liền bỏ tiền học vu thuật của vu sư, mỗi ngày đều trù yểm. Qua nửa năm, nàng ta đột nhiên trong mộng nhìn thấy một vị thần mặc áo giáp vàng, tay cầm thanh kiếm sắc bén trách mắng: “Ngươi bản thân không có phúc khí, lại vì ghen tị người ta thành danh mà thi triển tà thuật. Ta vốn dĩ muốn lấy mạng ngươi, nhưng niệm ngươi đã từng nói sẽ thay mẹ móc mắt của mình. Hôm nay Hạ sinh đã đỗ cao, ta chỉ đến móc mắt của ngươi, đây là báo ứng nhỏ.” Vừa nói xong, Thái Lũ cảm thấy mắt mình bị móc ra. Nàng ta kinh hoàng hét lên và tỉnh lại, cảm thấy thập phần quái dị và sợ hãi. Đột nhiên nghe thấy trong đại sảnh vang lên tiếng cồng chiêng, hóa ra là người nhà họ Hạ đến báo tin mừng. Nàng ta càng nghĩ càng tức khí, đột nhiên cảm thấy đôi mắt đau nhức dị thường, lấy tay lau vài lượt, phát hiện mắt trương lên như hôm khóc trong đám cưới. Sau khi chịu cơn đau tra tấn, chỉ trong vài ngày, mắt nàng ta sưng tấy, đột nhiên bị mù.
Khi Hạ sinh thi trúng cử nhân, Khâu thị đưa xe đến đón Thái Bao. Thái Bao nói với tùy tùng: “Tôi hiện tại về thăm mẹ , may mắn là chồng tôi cuối cùng cũng thoát khỏi thân phận tú tài áo trắng, khoác lên mình chiếc áo bào xanh, chúng ta có thể gặp lại nhau. Còn nói về em gái, như đã hứa, hãy xem cô ta tự móc mắt mình.” Khi Hạ sinh bước vào, Khâu thị đích thân đến tiếp đón Thái Bao, tráp hoa lên tóc mai, chỉnh sửa y phục cho nàng. Những người ngày xưa từng nịnh bợ, khen ngợi Thái Lũ thì nay quay sang tử tế với Thái Bao. Khi Thái Bao nghe tin Thái Lũ đã bị mù, nàng đã thở dài rất lâu trước khi quay gót về nhà.
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch