Vào những năm Vạn Lịch thời nhà Minh, ở Giang Nam có một thư sinh trẻ tuổi khôi ngô tuấn tú, học thức ưu tú, vợ chàng nổi tiếng ở quê hương về vẻ đẹp đoan trang thanh tú, khiến ai nhìn thấy họ cũng phải ngưỡng mộ. Một ni cô nói rằng, người vợ là tiên nữ hạ phàm, sau tám năm thành hôn, nàng sẽ trở lại thiên đàng. Quả nhiên tám năm sau đó người vợ qua đời, chàng thư sinh cứ mãi hoài niệm không thôi, lập chí tầm Tiên học Đạo.
Một ngày nọ, chàng vân du đến núi Vương Ốc, nghỉ ngơi một mình trong một ngôi miếu thần bỏ hoang có rất ít dấu vết con người. Khi màn đêm buông xuống, có một vị trượng phu to lớn kiêu hãnh bước vào, chàng thư sinh đang ngủ hé mắt ra, trong ánh sáng lờ mờ, chàng nhìn thấy hai pho tượng thần đang cúi đầu hành lễ với ông ấy. Chàng thư sinh quỳ xuống bái đại trượng phu cầu xin giúp đỡ, đại trượng phu kỹ thư sinh rồi nói: “Ồ, ngươi có nhân duyên tiền thế đến gặp ta, được rồi.”
Hai người ngồi xuống trước bức tượng thần đàm đạo. Đại trượng phu nói: thế nhân gọi ta là Chung Ly Tổ Sư. Ngươi vì chuyện vợ mất mà đến cầu Tiên, kỳ thực cả hai vợ chồng ngươi đều nguyên là tiên nhân của Thiên Cung, vì động phàm tâm mà bị rớt xuống nhân gian. Hiện tại nàng ấy đã hồi quy về Thiên Cung, mấy ngày trước ta nhìn thấy nàng cùng tiên nữ ở Thiên Cung chơi đùa, ngươi yên tâm, ta có thể dẫn ngươi du lãm Thiên Cung.
Thư sinh hỏi: “Tôi thấy trên bầu trời bao la, không có một vật gì, duy chỉ có vô số ngôi sao giăng kín, cũng không nhìn thấy Thiên Cung hay thế giới Cực Lạc mà Đạo gia, Phật gia vẫn nói đến, là vì sao vậy?”
Tổ sư cười đáp: “Những gì con người nhìn thấy chỉ nhỏ như con kiến. Trái Đất dưới chân chúng ta lơ lửng trong không gian, giống như một giọt nước trong đại dương các vì sao trên bầu trời. Con người nhìn thấy trời màu lam thì coi đó là trời, mà không biết rằng đó chỉ là thứ được tạo thành từ không khí trôi nổi trên đại địa. Sau khi rời khỏi mặt đất hàng trăm dặm, sẽ không nhìn thấy bầu trời nữa, chỉ là thái không trống rỗng.”
“Tuy nhiên, trong thái không lại có những Mặt Trời và các hành tinh như Trái Đất, nói rỗng mà không rỗng. Sở dĩ Trái Đất lơ lửng trong không gian là vì có lực hấp dẫn của Mặt Trời. Mặt Trời trên đầu chúng ta có thể hấp dẫn hàng trăm hành tinh lơ lửng trên bầu trời, quay mãi không ngừng, từ cổ đại đã vận hành không nghỉ. Các tinh cầu bị Mặt Trời hấp dẫn, một số trong đó lớn hơn Trái Đất hàng trăm lần, một số nhỏ hơn hàng trăm lần. Mà Mặt Trời trong không gian rốt cuộc có bao nhiêu? Ngay cả thần toán giỏi cỡ nào, cũng không cách nào tính ra được con số.”
“Chỉ riêng trong chín tầng trời mà ta có thể nhìn thấy đã có hơn 800 mặt trời. Có những mặt trời to gấp nghìn lần Mặt Trời mà con người nhìn thấy, cũng có những mặt trời nhỏ hơn Mặt Trời mà con người nhìn thấy cả nghìn lần. Một mặt trời có thể hấp dẫn hàng ngàn hành tinh quay quanh nó, vì vậy Phật gia có thuyết về tam thiên đại thiên thế giới. Ngươi có thể thử nhìn vào các ngôi sao vào đêm, nếu thấy có ngôi sao vừa to vừa sáng, thì đó chính là một mặt trời, chỉ là nó ở rất xa Trái Đất.”
“Nếu có một mặt trời ở quá xa Trái Đất, ánh sáng không thể chiếu tới Trái Đất, người ta sẽ nghĩ nó là một ngôi sao, kỳ thực, nó khả năng là vô cùng to lớn, chỉ vì cự ly quá xa xôi mà nó trông nhỏ bé như vậy. Những tinh cầu trong không gian mà mắt người không thể nhìn thấy được là nhiều đến không thể tính nổi. Những gì mọi người nghĩ chỉ là một ngôi sao nhỏ, kỳ thực đó có thể là một tập hợp của vô số hành tinh, kỳ thực nó có thể là một bầu trời.”
“Ba mươi ba tầng trời mà Phật gia nhắc đến chỉ là để giải thích đẳng cấp khổ lạc của nhân loại. Chín tầng trời mà Nho Đạo gia nhắc đến, cũng chỉ là biểu thị giản lược sự xa gần trong mắt thần tiên. Nếu chúng ta lấy Trái Đất làm trung tâm, phóng đi từ bốn phương tám hướng, thì đều là vô số tầng trời, cho dù có khuếch đại đến vạn vạn những tầng trời, đều có thể gọi là địa, đều có thể gọi là thiên, ta thực tại vẫn chưa biết biên duyên của vũ trụ thiên địa nằm ở tại đâu!”
Thư sinh lại hỏi: “Con xin hỏi nhân gian trong tầng trời ba mươi ba như thế nào?”
Sư Tổ nói: “Nếu phân thành chín đẳng, thì đại khái nó quy vào khoảng giữa tầng trời thứ tư và thứ năm. Chiểu theo thuyết pháp của Phật gia, tam giới được phân thành ba giới lớn là nhục giới thiên (hoặc dục giới thiên), sắc giới thiên, và vô sắc giới thiên. Nhân gian thuộc về dục giới thiên, Thiên Cung thuộc về vô sắc giới thiên, Thần Phật, danh nhân từ cổ chí kim đa số là từ vô sắc giới thiên chuyển sinh đến nhân gian, khi ly khai trần thế, nguyên thần của họ lại hồi quy về vô sắc giới thiên. Cũng có người nhờ kiên tâm khổ tu mà công đức viên mãn, thăng lên đến tầng trời đó, nhất định phải triệt để tu bỏ thất tình lục dục mới có thể đến tầng trời đó, bằng không thì dù có thành tiên, cũng không thể đến được tầng trời đó.”
Thư sinh lại hỏi: “Từ cổ chí kim các ghi chép về người tu thành tiên rất nhiều, thỉnh hỏi có bao nhiêu người lên đến được tầng trời đó?”
Tổ Sư đáp: “Người thành tiên mặc dù rất nhiều, nhưng đại đa số đều là địa tiên. Người chân chính có thể ngao du tới tầng trời thứ chín, tất yếu phải có pháp lực quảng đại. Từ đây đến tầng trời thứ nhất ít nhất cũng phải xa mấy vạn vạn dặm, dùng con số khó mà tính toán… Nếu người tu hành chỉ tu thành nhục thân thông, thì có thể ngự gió cưỡi mây, nhưng trong không gian không gió ngự, không mây cưỡi, làm sao có thể vượt qua hư không? Pháp lực nếu đạt đến bước này của ta, thì có thể cậy vào lực của ánh sáng Mặt Trời mà đến được tầng trời đó. Ra ngoài chín tầng trời, còn có vạn vạn tầng trời, nhưng cự ly quá xa xôi, Mặt Trời không thể chiếu xạ tới đó, do đó Thần của tầng trời này cũng không thể tới được đó.”
Thư sinh và Tổ sư cứ một hỏi một đáp, không ngờ trời đã quá nửa đêm, ánh sao sáng soi, Tổ sư lấy ra một chiếc gối kê đầu, bảo thư sinh nghỉ ngơi, có thể bắt chước mộng Hoàng Lương để tẩy tịnh tâm thần. Tổ sư muốn đến biển Hoa Đông ngắm mặt trời mọc, gặp Tổ sư Thuần Dương, sau đó bình minh sẽ tới đón thư sinh đi du ngoạn Thiên Cung. Trời vừa sáng, Tổ sư đã trở về, vung tay áo, nguyên thần của chàng thư sinh nhập vào trong tay áo, Tổ sư sau đó xuyên việt hư không, tiến vào Thiên Cung.
Ước chừng hai thời thần (tức bốn giờ) sau, chàng thư sinh mở mắt, thấy mình đã ở trong một lâm viên, tỏa ra mùi hương lạ lẫm nồng đậm, cây cối dị thường to lớn, hoa lan cao tám chín thước, hương thơm kỳ lạ sảng khoái tim phổi, còn nhìn thấy ngàn gốc hoa quế, hoa vàng nở rộ, mỗi đóa hoa đều to như cái bát, ngoài ra còn có hoa mẫu đơn, đỗ quyên v.v. các chủng các loại kỳ hoa dị thảo, hoa mẫu đơn vàng và hoa lan tím to như bánh xe. Tổ sư bên chàng thư sinh vừa đi vừa nói: “Hoa ở nhân gian vừa nở là tàn, còn hoa ở đất này bất kể năm tháng, quanh năm nở rộ.”
Chàng thư sinh lại nhìn thấy nhiều loại chim như sếu trắng, chim công, vịt uyên ương, phượng hoàng xanh bay giữa những cây đại thụ, còn có bốn năm loài chim lớn với đủ màu sắc sặc sỡ bay ngang qua, tiếng kêu của chúng khiến người nghe sảng khoái. Tổ sư nói: “Đây là phượng hoàng, Thánh nhân thời cổ hạ thế xuống nhân gian giáo hóa chúng sinh, phượng hoàng cũng theo hạ giới, hiện tại ở nhân gian đã không còn nữa, ở đây đâu cũng thấy chúng.”
Khi đến đường phố, chỉ thấy nó cực kỳ sạch sẽ, mặt đất được lát vàng ròng và bạch ngọc, tường được phủ bằng bạch ngọc, ngọc bích và các vật liệu khác, cư dân người trời đều rất vui vẻ. Thư sinh hỏi: “Tại sao không thấy nam nữ sống chung ở đây, cũng không thấy có đứa trẻ nào?”
Tổ sư nói: “Phàm nhân nếu có thể tu đến tầng trời này, thì đã là lục căn thanh tịnh, phàm tâm đã trừ bỏ, không còn dục vọng nam nữ, người người đều biết đủ, do đó vĩnh viễn không tranh chấp, vĩnh viễn không kiếp số, vĩnh viễn mỹ hảo, dân số không tăng không giảm. Nếu người có tâm phàm trọng, sẽ bị giáng xuống nhân gian, sau khi mãn kỳ hạn, sẽ có thể phản hồi trở về thiên giới. Nhưng đôi khi, sau khi hạ xuống nhân gian, họ mê mất bản tính, không thể quay trở lại.”
“Xung quanh thiên giới này, đại khái có khoảng mười vạn không gian tương tự như Trái Đất, đều quy về Thượng Đế thiên giới nơi đây làm chủ tể, chiểu theo quy luật thành trụ hoại diệt mà tuần hoàn trong chu kỳ thịnh suy loạn hủy. Nếu ở một nơi nào đó cần hướng dẫn thay đổi, thì thiên giới sẽ tuyển ra một vị đại biểu thần tiên giáng sinh xuống nơi đó, tuân theo thiên mệnh mà hành sự, hoàn thành xong sẽ trở lại thiên giới này.”
“Bởi vì nhân sinh chi sơ, tính tình thuần phác, thích hợp nhất để truyền giáo và hướng dẫn. Mỗi một tinh cầu đều cần tuần hoàn từ hỗn độn, khai sáng, sinh sôi, rồi lại hỗn độn, bắt đầu một vòng tuần hoàn khai sáng mới, rốt cuộc đã tuần hoàn bao nhiêu lần, ở mỗi tinh cầu đều là con số không thể tính toán. Ví như Bàn Cổ là tổ tiên khai sáng vũ trụ của chúng ta, vũ trụ của chúng ta đã trải qua hàng chục lần sáng tạo lại mới, mà các không gian và tinh cầu cũng đều có tổ khai sáng, chỉ riêng số lượng tổ tiên sáng lập có bao nhiêu cũng là không cách nào tính toán được.” (Còn tiếp)
Nguồn: “Dung Am bút ký” (庸庵筆記)
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch