Mỗi năm chỉ có một dịp Trung thu. Đi chơi rằm cũng chỉ vỏn vẹn 4-5 ngày. Ấy thế nhưng người múa lân thì đã phải chuẩn bị từ trước đó hơn nửa năm. Nói cho đúng hơn thì ngay sau khi ăn Tết xong, toàn đội đã tập hợp lên bài, học kỹ thuật, tập từng động tác… cứ thế cho đến thành thục để đến ngày trăng tròn “nghe thấy tiếng hò reo của bọn trẻ”.

Để có được một tiết mục 10’, thì cả đội phải duy trì cường độ tập 2 buổi một tuần, mỗi buổi tập 2 giờ vào buổi tối vì các thành viên còn đi học hoặc đi làm vào ban ngày. Đến cận Trung thu, thì phải tăng thêm số buổi, lên 3 buổi một tuần, đồng thời ép thể lực để cơ thể thêm dẻo dai.

Cường độ lớn như thế, nhưng cũng không chỉ bỏ sức ra là được. Việt Quân (22 tuổi, Hà Nội), một trong những thành viên múa đầu, chia sẻ: “Múa lân là một môn nghệ thuật truyền thống. Để đạt được một tiết mục múa lân có hồn, trông giống thật, thu hút khán giả thì người tham gia múa lân phải thực sự khi chùm đầu lân vào thì như là một thể thống nhất hòa hợp mình vào con lân vậy”.

“Phải cảm thụ như chính mình là một con lân thực sự thì mới toát lên thần thái thật sự của 1 con lân”, em cho hay.

Kiềm tra lại đầu lân trước buổi tập. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)
Kiềm tra lại đầu lân trước buổi tập. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)

Những rộn ràng tiếng trống, xèng, chiêng cũng phải làm sao để hòa vào được những động tác khi vờn, khi giận dữ, lúc lại nũng nịu … của con lân.

Có trực tiếp chứng kiến mới biết được múa lân thực ra là một thể nhịp nhàng đến khó ngờ. Đó là sự phối hợp đến độ thống nhất giữa người múa đầu và người múa đuôi, giữa con lân và dàn nhạc, giữa ông Địa với con lân. Là sự kết hợp giữa cương và thả, giữa lỏng và cường. Và tất cả phải đồng điệu.

Nói một cách đơn giản hơn, thì đó là sự móc xích lẫn trong nhau, giữa nhạc với lân, giữa lân với ông Địa, giữa ông Địa với cả dàn nhạc. Khó có thể làm thành một tiết mục múa lân nếu thiếu một trong ba.

Ví dụ, trong đội nhạc, trống sẽ chỉ đạo tất cả. Lân múa theo tiếng trống, người đánh xèng và đánh chiêng cũng đánh theo tiếng trống.

Còn trong đội múa lân, có một loại trong đó ông Địa điều khiển con lân múa. Khi đó, trống sẽ đánh theo ông Địa và lân. Còn xèng và chiêng thì lúc nào cũng đánh theo trống.

Như thế, khuất sau những màn diễn sinh động, đầy hào hứng của những chú lân là sự nỗ lực của toàn đội, là những nhịp nhàng và tinh tế khi gần 10 người luôn cùng lắng nghe nhịp nhảy, nhịp gõ của nhau.

Âm thanh của nhạc cụ giúp cho tiết mục múa lân thêm sôi động”, Quân cho hay. “Nó làm toát lên khí thế của con lân. Nó là một thứ vô hình thúc đẩy con lân múa… Khí trống đánh yếu, không khớp hoặc sai thì con lân không tài nào mà múa cho tốt được”.

Không chỉ người múa đầu và múa đuôi lân, mà cả giữa con lân và ông Địa cũng phải hiểu ý nhau, vậy mới kết hợp được một buổi biểu diễn hoàn chỉnh được. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)
Không chỉ người múa đầu và múa đuôi lân, mà cả giữa con lân và ông Địa cũng phải hiểu ý nhau, vậy mới kết hợp được một buổi biểu diễn hoàn chỉnh được. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)

Nhắc đến con lân, thì sự phối hợp lại càng khắt khe hơn nữa, cần phải đạt đến độ nhuần nhuyễn.

Người múa đầu và múa đuôi lân thì cần hiểu ý nhau, thế thì mới kết hợp thành như một con lân hoàn chỉnh được. Đặc biệt là người đuôi phải biết chú ý quan sát người múa đầu và phối hợp theo.

Chẳng hạn như người múa đầu nhảy sang bên trái thì người múa đuôi cũng phải kịp thời nhảy sang bên trái đúng thời điểm, như thế mới tạo cảm giác chân thực cho khán giả như nhìn thấy một con lân thực sự”, người thanh niên trẻ tuổi chân thành giảng giải.

Vậy đầu lân nặng bao nhiêu? – Một đầu lân được đầu tư đủ bộ phận, lông vũ dày, đẹp, sẽ nặng khoảng chừng 3,5 kg. Thử tưởng tượng, bạn sẽ luôn phải giữ một khối nặng 3,5 kg trên hai cánh tay, liên tục rung, lắc, giật, điều khiển mí mắt, miệng… trong vòng 10’ liên tục – đó là những gì một người múa đầu tối thiểu cần làm. Khó hơn nữa, là những động tác bê đỡ, lân đứng bằng hai chân (người đầu nhảy lên ngồi trên đầu của người đuôi).

Kỹ thuật bưng, đứng trên vai. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)
Kỹ thuật bưng, đứng trên vai. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)

Khó nhất trong múa lân, tới lúc này có lẽ là kỹ thuật mai hoa thung – múa trên cọc sắt, vốn được thấy phổ biến trong các đoàn múa lân Nam Bộ hơn. Lý giải về điều này, anh Hào (33 tuổi, Hà Tây) cho hay về nguồn gốc xa xưa, múa lân là bắt đầu từ những đội võ. Kỹ thuật võ được ứng dụng trong kỹ thuật múa lân. Và điều này thì mới chỉ có những đoàn lân có tuổi đời 8 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa trong nghề mới tập dượt và biểu diễn được.

Kỹ thuật mai hoa thung - nhảy trên những cọc cao không dưới 2 m. (Ảnh qua hunglansurong.blogtiengviet.net)
Kỹ thuật mai hoa thung – nhảy trên những cọc cao không dưới 2 m. (Ảnh qua hunglansurong.blogtiengviet.net)

Múa mai hoa thung rất khó, khi mà cả người múa đầu và người múa đuôi, trong khi trùm vải bị che khuất tầm mắt, phải nhảy chính xác trên những cọc sắt cao trung bình hơn 2 m. Nhiều đội còn tự thử thách bằng cách múa trên những cột cao 8m, như đội Lân nữ Tú Anh Đường với “Kỳ Lân nữ” Lê Yến Quyên.

Anh Lưu Hoán Phi – quản lý Võ đường Nhơn Nghĩa Đường (Sài Gòn) cho biết, chỉ một chút sơ sảy trong khi biểu diễn kỹ thuật mai hoa thung cũng có thể dẫn đến tai nạn gẫy tay, gẫy chân, thậm chí là chấn thương sọ não cho người biểu diễn.

Riêng đối với kỹ thuật bê đỡ – như người múa đầu nhảy lên đứng trên đùi của người đuôi, hoặc người đầu nhảy lên ngồi trên đầu của người đuôi – thì sự nguy hiểm đã có rồi. Anh Hào, người đảm trách múa đuôi cho hay, thời gian đầu mới tập, hai bả vai sưng u lên do phải hứng đỡ quá sức; khi ngủ không cẩn thận là ngày mai cả đầu và cổ có thể cứng đờ vì mỏi.

“Người múa đuôi yêu cầu về thể lực cũng rất là cao, thể lực còn phải tốt hơn cả người múa đầu". (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)
“Người múa đuôi yêu cầu về thể lực cũng rất là cao, thể lực còn phải tốt hơn cả người múa đầu”. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)

Nếu với người múa đầu cần sự linh hoạt của đôi tay, nhanh nhẹn của đôi chân, và một cái đầu có trí tưởng tượng và nhập tâm cao, thì với người múa đuôi, đó là sự dẻo dai của cả chân và tay, phản ứng nhanh. 10’ biểu diễn là 10’ những người múa đuôi luôn ở trong tư thế khom lưng, hông cao hơn đầu, và luôn di chuyển trong tư thế khuỵu đầu gối.

Người múa đuôi yêu cầu về thể lực cũng rất là cao, thể lực còn phải tốt hơn cả người múa đầu”, Quân cho hay. “Vì có nhiều động tác khó yêu cầu người đuôi phải nâng bổng người múa đầu lên hoặc để cho người múa đầu đứng trên đùi của mình hoặc ngồi trên đầu của mình. Do đó, yêu cầu là phải nhanh nhẹn quan sát tốt để kịp thời kết hợp với người múa đầu. Ví dụ như người múa đầu tiến thì mình cũng phải tiến kịp thời , người múa đầu muốn nhảy lên đầu thì mình phải kịp thời nâng người múa đầu lên đầu của mình .v.v..

Còn anh Hào, người múa đuôi cho hay: “Cái rèm thân của con lân nó rủ xuống mặt, che hết tầm mắt. Mồ hôi cũng chảy ra, lông nhúm bám dính vào hai cánh tay rất khó chịu. Lúc bưng đỡ thì chỉ có thể làm theo cảm giác thôi”.

Một kỹ thuật bưng, nhảy trong múa lân. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)
Một kỹ thuật bưng, nhảy trong múa lân. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)

Vậy, một người mất bao lâu để có thể trở thành một người múa lân thành thục? – “Câu này thì nó không có thời gian cố định. Phải tùy theo tố chất của từng người học… nhưng theo kinh nghiệm, để múa được 1 bài múa lân cơ bản ít động tác khó thì phải mất 2 đến 3 tháng. Còn để múa được tốt thực hiện được những động tác khó biểu cảm hay thì phải mất 1 năm 2 năm hoặc nhiều hơn nữa”, Quân cho hay.

Một điều khá thú vị là người múa lân rất… “sợ” bộ đồ biểu diễn.

Mọi người có thể tưởng tượng mùa hè này vừa đánh cầu lông xong rồi ngay lập tức chui vào đắp 1 tấm chăn bông thì sẽ hiểu cảm giác khi đó của 2 người múa lân (cười lớn). Ngay cả khi vào mùa rét cũng cảm thấy nóng vì vận động rất nhiều lại khoác lên 1 tấm vải dày không khác gì một tấm chăn”, người bạn trẻ vui vẻ trả lời.

Một đầu lân có giá trung bình từ 3- 15 triệu, đáng trân quý cả về giá trị tinh thần lẫn kinh tế. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)
Một đầu lân có giá trung bình từ 3- 15 triệu, đáng trân quý cả về giá trị tinh thần lẫn kinh tế. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)

Sau mỗi lần biểu diễn, mọi người sẽ chăm sóc, sửa chữa đầu lân. Con lân múa những động tác rất mạnh mẽ nhưng lại được làm từ chất liệu mỏng manh (giấy và tre) nên khó tránh khỏi bị hỏng hóc.

Khi bị rách giấy thì cần phải dùng keo dán lại; khung tre bị gãy thì phải kịp thời nẹp lại; giây giật nháy mắt bị đứt thì phải thay giây khác; lông lân bị rối thì mình phải trải lại lông… Đặc biệt là phải cất lân ở nơi khô ráo”, một người trong đoàn chia sẻ.

Nói về Trung thu năm nay, một người múa đầu vui vẻ cho biết: “Đội lân đã diễn thành thục 1 tiết mục là “song lân khai thị chân tướng”, hiện đang hoàn thành bài “sự tích con lân”, Trung thu này có thể diễn được”.

“Âm thanh của nhạc cụ giúp cho tiết mục múa lân thêm sôi động. Nó làm toát lên khí thế của 1 con lân. Nó là 1 thứ vô hình thúc đẩy con lân múa…". (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)
“Âm thanh của nhạc cụ giúp cho tiết mục múa lân thêm sôi động. Nó làm toát lên khí thế của 1 con lân. Nó là 1 thứ vô hình thúc đẩy con lân múa…”. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên VN)

Ngắm lại những bức hình trong hai tiết mục biểu diễn lân, tôi nhớ lại về chữ “hồn” mà một người bạn chia sẻ khi ra về. Trung thu sẽ rộn ràng tiếng trống, hối hả theo tiếng chiêng, và đầy hào hứng theo một đôi chú lân trẻ con, tinh nghịch vờn chân ông Địa. Đằng sau đó, là những con người đang thổi hồn vào từng nhạc cụ, chiếc đầu lân, hay cái phẩy quạt rất đỗi lười biếng của ông Địa.

… lúc đó, mình phải hình dung mình đang là một con lân thực sự. Từ cái bước đi, đến cái chớp mắt, nó đều rất khác với người mà, vì con lân nó là con thú 4 chân. Mình phải tập luyện rất nhiều tập đến nỗi khi nhắm mắt mình cũng thực hiện được những động tác đó.. làm cho nó thấm vào trong người mình luôn!”, một người bạn chia sẻ.

Những màn biểu diễn hay và công phu như vậy mà họ còn biểu diễn miễn phí nữa…” – khi nghe được một lời này từ khán giả, thì đó có lẽ đó là nguồn vui, là sự động viên lớn nhất đối với đoàn múa lân nói trên – những con người vẫn luôn cần mẫn “thổi hồn” vào cuộc sống, từ những rạng ngời trên môi.

Bùi Tường

Xem thêm: