Lập hạ: Tiến vào mùa hạ, cây cối lớn lên

Lập hạ là tiết khí thứ 7 trong 24 tiết khí, thường là rơi vào trước sau ngày 5/5 Dương lịch, lúc này chòm sao Bắc Đẩu chỉ hướng Đông Nam, dấu hiệu bắt đầu mùa Hạ, vạn vật đến lúc này đều lớn lên, tên cổ gọi là “Lập hạ”. Khi này kinh độ Mặt trời là 45°, theo thiên văn học, Lập hạ là đại biểu cho việc chia tay mùa Xuân, ngày khởi đầu một mùa Hạ.

1, Nguồn gốc của tiết khí Lập hạ

Lập hạ vào những năm cuối thời Chiến quốc (khoảng năm 239 TCN) cũng đã xuất hiện rồi, là dấu hiệu chuyển đổi mùa, theo như lịch thời cổ đại phân chia 4 mùa thì đây là thời gian bắt đầu mùa Hạ.

Mùa hạ. Ảnh theo hinhdep.com.vn

Theo “Dật chu thư – Thời tấn giải” viết: “Ngày Lập hạ, con dế kêu. Sau năm ngày, con giun bò ra. Tiếp 5 ngày, dưa chuột sinh trưởng”. Ý nói rằng, trong tiết khí này, đầu tiên có thể nghe được tiếng dế kêu trên đồng ruộng, tiếp đó khắp nơi trên mặt đất có thể nhìn thấy con giun đất đào bới chui ra, sau đó là cây dưa chuột leo khắp, sinh trưởng rất nhanh. Đây chính là cảnh tượng vật hậu học trong tháng đầu mùa Hạ.

Trong Liên sinh bát tường viết: “Ngày đầu tháng hạ, trời đất giao hòa, vạn vật cũng thanh tú”. Lúc này cây trồng vụ hè tiến vào kỳ sinh trưởng cuối cùng, lúa mì vụ Đông phát tán phấn hoa và ngậm đòng đòng, cây cải gần thu hoạch, mùa màng cây trồng thu hoạch vụ hè cơ bản là đã định. Đối với bà con làm nông nghiệp, tiết khí Lập hạ là vô cùng được coi trọng.

Vào triều nhà Chu, đến ngày Lập hạ, đế vương phải tự mình dẫn văn võ bá quan ra vùng ngoại ô “nghênh Hạ”, cũng  lệnh cho các quan Tư Đồ (chức quan) đi các nơi động viên bà con nông dân canh tác thật tốt.

Người dân trong cuộc sống đã đúc rút được những kinh nghiệm về sản xuất trong thực tiễn, tổng kết ra thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp và cuộc sống hàng ngày như thế nào. Nhiều người cho rằng, vào ngày Lập hạ tốt nhất là có mưa, nếu không thì sẽ gặp “Lập hạ không xong, hạn đến lúa bỏ đi”, “Lập hạ không mưa, cày bừa cũng không có tác dụng”….

Tập tục tiết khí Lập hạ

Những tập tục tiết khí. Ảnh minh họa theo lichuan.co

1, Nghênh hạ

Vào triều Chu, đến ngày Lập hạ, hoàng đế cần phải dẫn văn võ bá quan ra vùng ngoại ô bên ngoài kinh thành để “Nghênh hạ”, cử hành tế tự Viêm Đế, làm nghi lễ chúc phúc, cũng lệnh cho quan viên đi các nơi trong cả nước động viên nông dân canh tác.

Trong Lễ ký – Nguyệt lệnh” có viết: “Ngày Lập hạ, thiên tử tự mình dẫn Tam công, Cửu khanh, chư hầu, đại phu, đi nghênh hạ tại vùng ngoại ô phía Nam. Khi quay trở về còn ban thưởng, phong chư hầu lần lượt cho từng người, tất cả đều vui mừng”.

Đến thời nhà Hán vẫn tuân theo tập tục này, sang thời nhà Tống, lễ nghi càng có xu thế rườm rà hơn, đến thời nhà Minh thì có “phong tục mùa nào thức nấy”. Vào đời nhà Thanh còn có tập tục tặng lễ vật. Trong “Đế kinh tuế thì kỷ thắng” có ghi chép lại rằng: Vào ngày Lập hạ thường nhào bột, rán bánh đường tặng lẫn nhau. Do đó có thể thấy người xưa coi tiết khí Lập hạ là vô cùng trọng yếu.

2, Ăn cơm Lập hạ

Vào ngày Lập hạ, tại rất nhiều địa phương, người dân sẽ dùng các loại đậu như đậu đỏ, đậu nành, đậu đen, đậu xanh trộn lẫn với gạo trắng nấu thành “cơm ngũ sắc”, tục xưng là ăn “cơm Lập hạ”.

3, Xưng người

Ăn xong “cơm Lập hạ”, còn có tập tục “xưng người”. Tương truyền vào ngày này sau khi đọc cân nặng của mình, sẽ không sợ mùa hạ nóng bức, sẽ không bị gầy gò, nếu không thì bệnh tật và tai họa sẽ quấn quanh thân.

Mọi người tại cửa thôn hoặc tại một khu đất trống trong thôn sẽ đặt một cái cân đòn lớn, móc cân treo một cái ghế, mọi người thay nhau ngồi vào ghế để cân. Người chủ trì cân thường là các bậc trưởng lão trong làng, sẽ vừa đọc số cân nặng vừa nói mấy lời may mắn. Ví dụ, bậc trưởng lão sẽ nói “Năm mươi bảy cân, sống đến 91 tuổi”; trường hợp một cô nương thì nói: “bốn mươi lăm cân, nhà chồng sắp cưới đang tìm tới cửa, ông tơ bà nguyệt đã sắp đặt”; trường hợp một đứa trẻ thì nói: “Hai mươi ba cân, hài tử này lớn lên có vận tốt, thất phẩm quan huyện chẳng mấy khó khăn, Tam công Cửu khanh trong tầm với”.

4, Những tập tục khác

Vào ngày Lập hạ thì ngoài những tập tục trên, một số nơi khác còn có tập tục uống trà, gọi đúng là “ẩm lập hạ trà”, chuẩn bị tinh thần cho một mùa Hạ vất vả nhưng mà bội thu. Một số nơi khác còn có trò chơi dân gian như chuyển trứng, vẽ trứng… Có vùng có tục kiêng kỵ ngồi ở cửa vào ngày Lập hạ, vì họ quan niệm rằng, vào ngày này mà ngồi ngay chỗ cửa thì trong cả mùa hạ sẽ mệt mỏi nhiều bệnh tật.

Một số nơi khác, vào ngày Lập hạ thì người dân sẽ đi mua tôm biển sau đó nấu cùng với mỳ sợi. Người ta quan niệm rằng, tôm biển sau khi nấu lên chuyển thành màu đỏ, là biểu thị cho sự cát tường, mà “tôm” (虾) đọc gần giống với “hạ” (夏), cho đây là cách chào mừng mùa Hạ.
Có thể thấy, người xưa đối với các tiết khí trong tự nhiên là vô cùng coi trọng. Điều đó thể hiện được sự kính Thiên trọng Đạo, cung kính trời đất  của người xưa. Trong dân gian còn có câu nói “Thuận theo tự nhiên cũng là một loại phúc”. Có lẽ từ xưa nhân gian đã thấm nhuần những đạo lý này mà tu dưỡng nên phẩm đức của mình. Hoàng đế cùng văn võ bá quan vào ngày Lập hạ tỏ lòng tôn kính với trời đất, bên cạnh đó còn quan tâm đến đời sống của muôn dân. Quả là nét đẹp mà muôn đời sau cần phải gìn giữ. Thiết nghĩ, con người ngày nay có thể lưu giữ được những tập tục và đạo lý này, thì thật đáng trân quý biết bao! 

Bảo Hân biên dịch

Xem thêm: