Người thời nay vẫn luôn cho rằng trong chế độ quân chủ, vua là bậc tôn quý nhất, nhân dân chỉ làm phên giậu cho triều đình mà bị đem ra thí mạng để bảo vệ ngôi vua. Nhưng tư tưởng Nho gia và những câu chuyện còn lưu lại trong lịch sử cho thấy ý tưởng “dân vi quý”, “quân vi khinh” chính là nền tảng trị quốc bình thiên hạ một thời.

Triệu Văn từng có câu chuyện, sau này được đưa vào tập Cổ học tinh hoa như sau:

Vua nước Tề sai sứ đem thư sang hỏi thăm bà Uy Hậu nước Triệu. Sang đến nơi, bà Uy Hậu chưa xem thư, đã hỏi sứ giả rằng: “Năm nay không mất mùa chứ? Dân bình yên chứ? Vua cũng mạnh khỏe chứ?”.

Sứ giả nghe hỏi, không bằng lòng, nói rằng: “Tôi vâng mệnh vua nước tôi sang sứ bên này, Thái hậu không hỏi đến vua nước tôi, lại hỏi thăm mùa màng với dân sự trước, thế chẳng ra tôn trọng kẻ hèn hơn người sang ư?”.

Uy Hậu bảo:

Không phải. Nếu không có mùa màng thì lấy đâu có dân, không có dân thì lấy đâu có vua. Cho nên ta hỏi mùa màng và nhân dân trước. Ai lại bỏ gốc mà hỏi ngọn bao giờ!

Nói xong, Thái hậu lại hỏi luôn rằng:

“Chung Ly Tử là sử sĩ bên ấy vẫn được bình yên đấy chứ? Người ấy có lương ăn cũng thế, không lương ăn cũng thế, có áo mặc cũng thế, không áo mặc cũng thế, ấy là người ta giúp vua mà nuôi dân đấy, sao đến bây giờ chưa triệu ra làm quan? Cả Nghiệp Dương Tử bên ấy vẫn bình yên đấy chứ? Người ấy thương xót kẻ quan quả (người góa vợ, góa chồng), chu tuất (làm ma chay chu toàn) kẻ cô độc, chẩn tế (cứu giúp) kẻ khốn cùng, giúp đỡ kẻ túng bấn, thế là người ta giúp vua để sinh tức cho dân, sao đến bây giờ còn chưa triệu ra làm quan?

Người con gái ở Bắc cung tên là Anh Nhi Tử cũng vẫn bình yên đấy chứ? Người ấy bỏ cả đồ trang sức đến già không lấy chồng để nuôi cha mẹ. Ấy là người ta làm gương cho dân bắt chước ăn ở với cha mẹ cho có hiếu, sao đến bây giờ vẫn chưa có người ấy vào chầu? Nếu hai người sử sĩ ấy không được làm quan, một người con gái ấy không được vào chầu, thì làm vua nước Tề trị sao vạn dân được?

À mà còn thằng Tử Trọng ở Ô Lăng vẫn còn đấy chứ? Người ấy trên không làm tôi vua, dưới không trị việc nhà, giữa không kết giao với ai. Thế là người ấy dạy dân làm điều vô dụng, sao đến bây giờ vẫn còn chưa chết đi?”. 

Thái hậu hỏi hết mấy câu chuyện ấy xong rồi, mới xem đến thư. 

***

Uy Hậu là một người ngồi trên ngôi cao, quyền lực và lợi ích đều nhiều, nhưng vẫn hiểu nước phải lấy dân làm gốc. Ấy là ý thức được trách nhiệm của ngôi cao, ngồi ở đó là để giúp dân giúp nước, thay Trời dẫn dắt dân chúng sinh nhai, lao động, tu dưỡng. Có dân rồi mới có nước, có vua. Mạnh Tử từng nói: “Dân là quý, đất nước là hạng dưới, vua là nhẹ. Cho nên người được lòng dân ở ruộng rẫy thì làm Thiên tử, người được lòng Thiên tử thì làm vua chư hầu, người được lòng vua chư hầu thì làm quan đại phu…”. Thế nên dân không an thì nước tất loạn.

Không chỉ coi trọng dân bằng lời hỏi thăm quan tâm tình hình dân sinh, Uy Hậu chi tiết hơn nữa ở những câu hỏi sau, thể hiện rõ cách thật sự đặt dân lên hàng đầu thì người cai quản đất nước cần phải làm gì. Chính là với những ai làm việc tốt, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích bản thân, hiền thảo, lương thiện mà đối với người, đó chính là giúp dân, giúp nước, người đó phải được mời ra làm quan. Làm quan cuối cùng chính là để giúp người dân cải thiện cuộc sống, dẫn dắt nhân tâm hướng thiện, tu sửa tục lệ hợp đạo lý, chứ nào phải để kiếm danh, kiếm lợi cho bản thân và dòng tộc. Nếu biết nghĩ đến dân, bậc quân vương sẽ biết cách chọn người làm quan cho đúng.

Những kẻ dạy dân làm điều vô dụng, làm băng hoại đạo đức, lễ nghĩa thì không thể trọng dụng, thậm chí phải xét xử nghiêm mà làm gương. Bởi cuối cùng, tất cả là vì lợi ích của dân, vì lo sợ dân chúng thấy cái xấu mà học theo.

Vì sao người ngồi ở trên ngôi cao đầy quyền lực mà lại phải “sợ” dân như vậy. Cổ học tinh hoa cũng bình rằng: “Dân tuy không có ‘thế’ đáng tôn, nhưng có ‘hình’ đáng sợ, đáng trọng, thật là dân quý nhất”. Dân là hiện hữu, là trường tồn, tuy không có quyền to hay sức mạnh khiến quan e ngại, nhưng một khi hợp lại sẽ tạo thành thế cao mà mạnh, như nước ở trên ập xuống thì mọi vật đều bị cuốn trôi. Thế mới nói “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.

Video: 6 câu nói của cổ nhân giúp bạn thấy rõ lòng người thật giả

videoinfo__video3.dkn.tv||c2ffc7adb__