Đạo gia, Nho gia, Chu dịch, Ngũ hành đã thẩm thấu sâu vào trong lịch sử văn hóa Á Đông. Trên bề ngoài, tuy mỗi gia phái đều là một khu rừng rộng lớn rậm rạp tốt tươi, nhưng chúng cũng đan xen giao thoa với nhau, xuyên suốt thành một mối.
Sự xuyên suốt này có bao gồm khái niệm ‘vị’ và đạo lý ‘tương sinh tương khắc’.
Văn hóa Nho gia có Đạo gia
Khái niệm ‘vị’ rất quan trọng trong văn hóa truyền thống Á Đông. ‘Vị’ tức là vị trí. Những sinh mệnh khác nhau, vật chất khác nhau đều có vị trí khác nhau thuộc về chính nó. Giữ vững vị trí của mình, không xa rời vị trí của mình thì mới có thể sinh trưởng sống động không ngừng nghỉ. Vị trí của một sinh mệnh chính là bản tính của nó, hoặc có thể nói đó chính là sinh mệnh của nó.
Nho gia giảng quân tử phải ‘bên ngoài ôn nhu, bên trong cứng rắn’ (nguyên văn: nhu ngoại nhi cương nội). Bất kể là nam hay nữ, làm người đều cần trong tâm phải phân biệt rạch ròi thị phi, tuyệt đối không được mơ hồ. Nhưng trong đối nhân xử thế, hành vi bề ngoài thì nhất định phải ôn hòa, đôn hậu, khoan dung. Đối với phụ nữ mà nói, cần phải ôn nhu. Đây chính là tiêu chuẩn làm người trong suốt mấy nghìn năm lịch sử các nước Á Đông.
Những quân chủ đế vương cổ đại, do là ‘trung tâm’ của người trong thiên hạ, nên đối đãi với thần dân phải ôn nhu. Ví dụ như vua chúa tự xưng là ‘cô gia’ (nhà cô độc), ‘quả nhân’ (người cô quả), đối đãi với bề tôi phải khiêm tốn hợp lễ nghi, phải lấy cái tâm của người dân làm cái tâm của mình, phải coi thần dân là con cái của mình.
Định Công hỏi: “Vua sai khiến bề tôi, bề tôi phụng sự vua, thì như thế nào?”
Khổng Tử trả lời: “Vua dùng lễ nghĩa sai khiến bề tôi, bề tôi dùng lòng trung thành để phụng sự vua” (nguyên văn: quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung).
‘Vị’ của người quân tử chính là ‘trung’, mà ‘trung’ này có nghĩa là ‘ở trong lòng’. Tăng Sâm, đệ tử của Khổng Tử nói: “Người quân tử suy nghĩ không ra khỏi vị trí của mình”. Người quân tử phải giữ vững vị trí của mình thì mới tiếp tục trở thành người quân tử. Vậy giữ như thế nào? Bản chất người quân tử là cương trực, là dương, thuộc về tình huống cực cao. Như vậy phải dùng biểu hiện của ôn nhu và hạ mình để đạt được cân bằng, tự mình đạt đến trạng thái cân bằng.
Khổng Tử nói: “Phải có cả văn thái nho nhã và phẩm chất, bản tính chất phác, sau đó mới trở thành người quân tử được” (nguyên văn: văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử). ‘Văn’ có nghĩa là văn vẻ, văn thái, văn hoa, chính là biểu hiện bề ngoài. Văn và chất vẹn toàn mới có thể không bị thiên lệch, mới có thể được gọi là quân tử. Hơn nữa, hai điều này phải rạch ròi rõ ràng, không được đảo lộn trong ngoài. Một người đạt đến tiêu chuẩn này, thế thì mọi người sống cùng sẽ cảm thấy kính phục, đáng tin vì sự cương trực, chân thành từ nội tâm của anh ta, đồng thời lại cảm thấy thân thiết vì biểu hiện bề ngoài ôn nhu khiêm nhường của người đó.
Khổng Tử chính là người “ôn hòa mà nghiêm khắc, uy nghi mà không vũ dũng, cung kính mà an hòa” (nguyên văn: ôn nhi lịch, uy nhi bất mãnh, cung nhi an). Bởi vì nội tâm cương trực nên “nghiêm khắc, uy nghi, an hòa”; bởi vì biểu lộ bên ngoài ôn nhu nên “ôn hòa, không vũ dũng, cung kính”.
Nếu thiên lệch, nhất bên trọng nhất bên khinh, như thế sẽ đi đến cực đoan. Khổng Tử nói: “Người quân tử dùng nhân nghĩa làm bản chất phẩm chất, dùng lễ nghĩa để hành xử, dùng khiêm tốn để xuất thế tiến thân, dùng chữ tín để thành tựu sự việc”. Làm người quân tử thì tín và nghĩa chính là phẩm chất, lễ nghi và khiêm tốn là biểu hiện bên ngoài.
Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Người quân tử có tôn sùng ưa chuộng dũng cảm không?”
Khổng Tử trả lời: “Người quân tử thì nghĩa là cao hơn. Quân tử có dũng mà không có nghĩa thì làm loạn, tiểu nhân có dũng mà không có nghĩa thì làm giặc”.
Khổng Tử còn nói: “Không ở vị trí ấy thì không mưu tính bàn bạc công việc ấy” (nguyên văn: bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính). Ông cũng nói: “Không lo lắng là không có vị trí địa vị, mà chỉ lo làm thế nào để có thể đứng được ở vị trí đó” (nguyên văn: bất hoạn vô vị, hoạn sở dĩ lập).
Nhìn khắp cổ kim có bao nhiêu câu chuyện cầu mà không được, rất nhiều đều là hy vọng đắc được những thứ không nên đắc được, mưu cầu những thứ vốn thuộc về người khác. Một khi đã khởi lên cái tâm này thì chính là đã xa rời khỏi vị trí của mình rồi, cho dù nhất thời đắc được thì cuối cùng cũng mất, bởi vì nó vốn không thuộc về mình. Mà rời khỏi vị trí của mình thì giống như mất đi nơi dung thân, không những không còn vị trí của mình, bản tính cũng vì thế mà mê mất trong dục vọng không thể nào thỏa mãn nổi. Quan niệm truyền thống của người Á Đông coi trọng giữ bổn phận, thuận Trời theo mệnh.
Trong chương thứ nhất của “Dịch kinh – Hệ từ thượng truyện” có viết riêng về đạo lý vị trí và nhấn mạnh nhắm đúng vị trí trong Kinh Dịch: “Khi đắc được cái lý trong thiên hạ thì thành tựu được vị trí ở trong đó” (nguyên văn: thiên hạ chi lý đắc, nhi thành vị hồ kỳ trung hĩ).
Trong chương thứ nhất của “Dịch kinh – Hệ từ hạ truyện” có giảng: “Đức lớn của trời đất là sinh, báu vật của Thánh nhân là vị”. Sự biến hóa của hào trong quái cũng chính là biến hóa của vị. Sự biến hóa của vạn vật trong trời đất cũng ở trong này. Hễ việc gì mà thủ trung (lấy ở giữa) thì đại đa số đều là tốt. Trong lục hào của quẻ tượng, 2 và 5 lần lượt là giữa của quẻ thượng và hạ, do đó “2 nhiều vinh dự”, “5 nhiều công lao”. Mà 3 và 4 không đắc được trung vị thì “3 nhiều điềm dữ”, “4 nhiều lo sợ”.
Văn hóa Nho gia là Khổng Tử chỉnh lý và tổng kết văn hóa thượng cổ và trung cổ, mà Kinh Dịch luôn luôn là thước đo văn minh lúc bấy giờ. Do đó, Chu Dịch là kinh điển đứng đầu Nho gia là lẽ đương nhiên. Đem một bộ phận đạo lý trong đó quán chiếu xuống xã hội nhân loại, nó trở thành văn hóa Nho gia. Nhưng đạo lý mà Chu Dịch đề cập đến lại bao la vạn tượng, là ‘đạo bao trùm dọc ngang trời đất’, vậy nên vạn sự vạn vật trong thế giới chúng ta đều không ngoài phạm vi của cái lý này. Từ góc độ này mà nói, người xưa giảng ‘thiên nhân hợp nhất’ quả thực là vô cùng hợp lý.
Văn hóa Đạo gia có Nho gia
Chương 42 Đạo đức kinh có viết: “Vạn vật đều bao phủ bởi khí âm và ôm khí dương, xung khí âm dương đạt đến cân bằng hài hòa”. Câu nói này đã bao hàm tất cả những đạo lý đã nói ở trên. Các nhà khoa học gần đây nhận thấy, “Vạn vật đều bao phủ bởi khí âm và ôm khí dương, xung khí âm dương đạt đến cân bằng hài hòa” chính là nói về đặc điểm kết cấu của nguyên tử. Nguyên tử mang hạt nhân điện tích dương, điện tử bao phủ xung quanh mang điện tích âm.
Nhìn khắp văn hóa truyền thống Á Đông, chúng ta có thể thấy, trong khoa học phương Tây chỉ là đạo lý của một khoa học, còn phương Đông thì lại là cái lý quán thông hết thảy, thiên dương địa âm, người Á Đông lấy nó quán thông vào hết thảy của thiên – địa – nhân.
Nói về “Vạn vật đều bao phủ bởi khí âm và ôm khí dương, xung khí âm dương đạt đến cân bằng hài hòa” thì chương 42 Đạo đức kinh đã chỉ ra đạo lý nhân gian đối ứng. Đối với quốc quân chính là “Điều mà mọi người đều không thích, đó là cô độc, cô quả, không kết quả, mà bậc vương tôn lại dùng đó để tự xưng mình”. Điều này hoàn toàn khớp với đạo lý Nho gia, giảng người quân tử ngoài ôn nhu trong cứng rắn.
Trong “Lễ ký – Phường ký” của Nho gia có viết: “Khổng Tử nói: ‘Người quân tử tôn quý người khác mà hạ thấp bản thân, nghĩ cho người trước rồi nghĩ đến mình sau” (nguyên văn: Tử viết: ‘quân tử quý nhân nhi tiện kỷ, tiên nhân nhi hậu kỷ’).
Đạo đức kinh còn có những câu như: “Khinh bạc phóng túng thì mất gốc làm người, nóng vội thì mất chủ đạo, tự chủ” (nguyên văn: Khinh tắc thất căn, táo tắc thất quân).
Sách còn viết: “Do đó bậc đại trượng phu sống đôn hậu, không sống kiêu bạc, sống chân thực chất phác, không sống hư giả hoa mỹ”.
Hai câu nói này cũng chỉ rõ đạo lý ‘bên trong cứng rắn’. Thế giới biến đổi, mà ngàn biến vạn biến chỉ có không rời xa vị trí của nó thì mới thuận lợi, mới có được ‘tốt lành, không gì không thuận lợi’. Nguyên nhân của vạn vật biến hóa và nhân tố điểu khiển biến hóa, cân bằng biến hóa này chính là lý tương sinh tương khắc. Lý tương sinh tương khắc điều khiển, kiểm soát để ‘Vị’ đạt ở trạng thái cân bằng, đạt được trật tự hài hòa.
Sự khác biệt giữa Đạo gia và Nho gia
Đạo đức kinh từ đầu đến cuối đều luận thuật đạo lý tương sinh tương khắc, luận thuật hai loại đối lập dưới sự ước chế của cái lý này đã dẫn động, ước chế lẫn nhau như thế nào, đồng thời giảng thuật làm thế nào để phù hợp với đạo lý này. Vì Đạo đức kinh dùng để chỉ đạo con người tu luyện siêu phàm thoát tục, nên đặc điểm chủ yếu của nó là buông bỏ. Buông bỏ đúng và sai, buông bỏ hết thảy những thứ có liên quan đến thế gian, từ đó đạt đến trạng thái vô tranh, vô vi của người tu luyện xưa.
Nhưng Nho gia thì không như vậy, Nho gia chủ yếu giảng thuật trong thế gian này làm thế nào để làm người quân tử phù hợp với tiêu chuẩn người tốt, thậm chí tốt hơn nữa là làm Thánh hiền. Do đó, ở thế gian này làm thế nào để tồn tại tốt hơn nữa chính là một mục tiêu mà văn hóa Nho gia phải đạt đến, đó chính là ‘cân bằng’, ‘hài hòa’ mà chúng ta nói đến.
“Quân tử hài hòa hữu hảo với mọi người, nhưng giữ bản chất riêng của mình, không a dua, hùa theo” (nguyên văn: quân tử hòa nhi bất đồng). ‘Bất đồng’ là vì mỗi người có vị trí khác nhau, có bản tính và tự ngã khác nhau. ‘Hòa’ tức là hài hòa với bản thân, hài hòa với người khác, và hài hòa với trời đất.
Làm thế nào để đạt đến hài hòa? Gắng hết sức làm được “bề ngoài ôn nhu, bên trong cứng rắn”. Đối với bản thân thì dáng vẻ bề ngoài ôn nhu, nội tâm mạnh mẽ cứng rắn. Đối với người khác thì tôn quý người ta mà hạ thấp bản thân. Đối với quốc gia thì “lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ”, “bề tôi phụng sự vua bằng lòng trung thành, vua sai khiến bề tôi bằng lễ nghĩa”. Đối với trời đất thì “kính Trời sợ Thần”.
Do lý của Đạo gia bao gồm cả Nho gia nên điều mà Nho gia giảng ‘hài hòa’ có thể được khái quát trong một câu của Đạo gia rằng: “Vạn vật đều bao phủ bởi khí âm và ôm khí dương, xung khí âm dương đạt đến cân bằng hài hòa”. Âm dương tác động thúc đẩy ước chế lẫn nhau đạt đến cân bằng, tự thân đã trở thành một tiểu vũ trụ sống động phát triển không ngừng. Đạo trung dung có nội hàm rất thâm sâu.
Mục đích cuối cùng của Đạo gia và Nho gia
Ngũ hành cũng không rời khỏi cái lý tương sinh tương khắc, và có quan hệ mật thiết với âm dương. Bởi vì Nho học và y học tương thông, thế nên học thuyết Ngũ hành cổ xưa có lẽ cùng một thể hệ với Đạo gia và Nho gia.
Bất kể là Đạo gia, Nho gia hay Kinh dịch, Ngũ hành, bất kể là ‘bề ngoài ôn nhu, bên trong cứng rắn’ hay là ‘xung khí âm dương đạt đến cân bằng hài hòa’, thì mục đích căn bản vẫn chỉ là một: chính là tu đức thủ đức khiến không xa rời vị trí bản thân, nâng cao vị trí của bản thân và trở về – người xưa cho rằng đó là mục đích căn bản làm người. Người sống trên đời là người lữ hành trên đường, nếu cứ bôn tẩu bốn phương mà không biết đường trở về thì đó là người gì?
Trong “Dịch kinh – Hệ từ hạ truyện” có một câu vô cùng thương cảm như thế này: “Kinh Dịch ra đời chẳng phải thời trung cổ sao? Người trước tác Kinh Dịch chẳng phải có nỗi đau buồn lo nghĩ đó sao?” (nguyên văn: dịch chi hưng dã, kỳ ư trung cổ hồ? Tác dịch giả, kỳ hữu ưu hoạn hồ?).
Tại sao nói Khổng Tử thương cảm? Tương truyền “Hệ từ” là do Khổng Tử viết. Xem các kinh điển Nho gia, mỗi khi thấy Khổng Phu tử than thở, đều là than thở vì đạo đức đã mất và bất lực khi thi hành nhân nghĩa, thực thi lễ nghi.
Nhưng Đạo đức kinh của Lão Tử đã nói rất rõ ràng rằng: “Đạo mất rồi mới sinh ra đức, đức mất rồi mới sinh ra nhân, nhân mất rồi mới sinh ra nghĩa, nghĩa mất rồi mới sinh ra lễ”. Cái gốc đã mất rồi, chúng ta còn có thể kiên trì vị trí của mình được chăng? Tất cả đều đã không còn biết vị trí ban sơ của chúng ta là ở đâu, chúng ta còn có thể trở về nhà được không? Khi ngay cả nguyện vọng muốn trở về của chúng ta cũng không còn nữa, thế thì chúng ta chỉ là cánh bèo trôi dạt trong sóng gió chẳng có nơi trở về, hay là du khách chìm trong cõi mộng không biết đường trở về…
Theo zhengjian.org
Kiến Thiện biên dịch